“LẠY CHA”
“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến’.” (Lc 11,2)
Suy niệm: Nhiều bạn trẻ hôm nay gọi người cha sinh ra mình là “ông già” hay “ông bô,” thay cho tiếng “cha” hay “ba” quen thuộc. Điều này cho thấy tâm tình với người cha phần nào thay đổi khi họ trưởng thành. Còn Chúa Giê-su, Ngài không bao giờ thay đổi cách xưng hô với Chúa Cha. Những khi cầu nguyện, Ngài thưa: “Abba, lạy Cha.” Khi dạy môn đệ cầu nguyện, Ngài hướng dẫn các ông gọi Thiên Chúa là “Cha.” Gọi Thiên Chúa là “Cha” là cách Chúa Giê-su bày tỏ niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Những gì Ngài có đều do bởi Cha ban cho, và cuộc đời Ngài tùy vào ý muốn của Cha. Gọi Thiên Chúa là Cha và khẳng định mình là Con trong mọi hoàn cảnh có nghĩa là Chúa Giê-su tin tưởng và yêu mến Cha mọi lúc, mọi nơi. Để chứng minh sự quan phòng của Chúa Cha, Chúa Giê-su hỏi các môn đệ: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, bao bị, giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” Họ đáp: “Thưa không.” Ngài sai họ đi trong niềm tín thác vào Chúa Cha, bởi vì Thiên Chúa “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em.”
Mời Bạn: Mỗi khi gọi Thiên Chúa là Cha, bạn cũng đặt tất cả tin yêu, phó thác vào Ngài như Chúa Giê-su.
Chia sẻ: Bạn thường gán cho Chúa Cha những hình ảnh nào?
Sống Lời Chúa: Tập gọi Thiên Chúa là “Cha” trong những lúc cầu nguyện.
Cầu nguyện: Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin dâng trọn đời con cho công trình cứu độ của Cha, như Chúa Giê-su, Con của Cha đã nêu gương cho con. Xin cho con nhận ra tình yêu Cha dành cho con mỗi ngày, ngay cả trong những lúc khó khăn gay go nhất. Amen.
Chân Phước Mary Angela Truszkowska (1825-1899)
|
Sinh trưởng ở Kalisz, Ba Lan, sức khoẻ của Sophia Truszkowska trong tình trạng hiểm nghèo nên không hy vọng sống được lâu. Khi đến tuổi thiếu niên và được mạnh khoẻ hơn, cô quyết định dâng mình cho Thiên Chúa. Và trong khi còn đang phục hồi sau cơn bệnh lao thì Sophia đã khởi sự chăm sóc các trẻ mồ côi ở Warsaw.
Không bao lâu cô được người bà con là Clothilde cũng như các bạn khác tiếp tay. Họ gia nhập dòng Ba Phanxicô dưới sự hướng dẫn của các linh mục Capuchin và được mặc áo dòng. Năm 1855, Sophia, bây giờ là Mẹ Angela, thành lập một cộng đoàn Phanxicô mới, lấy tên Các Nữ Tu Thánh Felicia.
Khi công việc chăm sóc người vô gia cư của các nữ tu Thánh Felicia phát triển mạnh thì số người gia nhập cộng đoàn cũng gia tăng. Thật không dễ cho một người sáng lập như Mẹ Angela, vì ngài phải vạch ra một hướng đi rõ ràng cho cộng đoàn mà một số nữ tu khác lại muốn theo đuổi đời sống chiêm niệm. Nhưng Mẹ Angela có cái nhìn khác biệt, ngài thấy đây là một cộng đoàn nữ tu được Thiên Chúa mời gọi để cầu nguyện và làm việc ở ngoài khuôn khổ của tu viện. Bởi đó, các Nữ Tu Thánh Felicia chăm sóc bệnh nhân ngay trong nhà của họ cũng như phục vụ các người tàn tật, người già yếu, trẻ mồ côi và các người vô gia cư. Các nữ tu cũng xây cất các nhà dành riêng cho những người mắc bệnh hay lây ở làng mạc Ba Lan.
Vào năm 1863, khi người Ba Lan vùng lên chống lại sự đô hộ của người Nga, các nữ tu Thánh Felicia tiếp tục chăm sóc bệnh nhân bất kể quốc tịch nào. Lúc đó, Mẹ Angela ra lệnh cho các nữ tu "không được loại trừ ai" và hãy nhớ rằng "mọi người đều là người thân cận của mình."
Trong năm kế đó, vào tháng Mười Hai năm 1864, các nữ tu Thánh Felicia bị chính quyền Nga giải tán. Trong khi một số các nữ tu khác tập hợp lại thành cộng đoàn Nữ Tu Ba Lan, nhà cầm quyền Áo cho phép các nữ tu Thánh Felicia tái lập cộng đoàn trong phần đất của Áo ở Ba Lan. Mười năm sau các nữ tu Thánh Felicia đến Polonia, Wisconsin thuộc Hoa Kỳ, để đáp lời mời gọi của những người di dân Ba Lan. Sứ vụ của họ lan tràn cho tới bảy giáo phận.
Vào năm 1869, Mẹ Angela từ chức bề trên vì sức khoẻ yếu kém. Trong những năm cuối đời, ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và làm việc lao động. Ngài cũng được nhìn thấy cộng đoàn của ngài sáng lập đã được Tòa Thánh chuẩn nhận.
Lời Bàn
Sau khi Mẹ Angela chết không lâu, một trong các nữ tu đã nói về ngài như "một hiện thân của tình yêu tha nhân. Đối với ngài, chỉ những gì không thể thiếu, thật cần thiết -- ngoài ra mọi sự là cho tha nhân, và đó là phương châm của ngài... không chỉ để phô trương, nhưng được thể hiện qua các công việc hàng ngày trong nhiều năm trường... Sự đau khổ, sự lo âu của người khác luôn âm vang trong tâm hồn ngài, nhưng đó không phải là một âm vang vô hiệu quả. Với một tiềm năng đáng khâm phục, dù sức khỏe mong manh, ngài đã đi tìm phương thuốc chữa trị và luôn luôn tìm thấy. Ngài thi hành viêïc ấy rất tự nhiên, như thể đó là một bổn phận của ngài ."
Lời Trích
Mẹ Angela có lần khuyên các nữ tu, "Một kinh 'Sáng Danh' được cất lên khi gặp nghịch cảnh thì có giá trị gấp ngàn lần lời tạ ơn khi thành công."
Một Cách Truyền Giáo
Tuần báo Midnight-Globe xuất bản tại Hoa Kỳ, gần đây có thuật lại một phương thức làm việc tông đồ của một tín hữu Kitô như sau: mỗi ngày, trừ ngày Chúa Nhật, ông Jewel Pierce đều ra bờ sông Coosa, gần chỗ ông ở, tại bang Alabamạ Ông ném xuống sông hai chai không, trong đó ông để một mảnh giấy ghi lại một câu kinh thánh nói về tình thương, hay một sứ điệp tương tự, kèm theo đó là lời đề nghị sẵn sàng giúp đỡ tất cả những ai cần đến sự giúp đỡ của ông về tinh thần cũng như vật chất. Những chai không đó được bít kín lại và theo dòng sông chạy ra biển khơi cách đó 15 cây số.
Trong vòng 40 năm, ông Jewel Pierce đã gửi đi được 27,000 sứ điệp tình thương Kitô như thế, kèm theo địa chỉ của ông. Ðã có hơn 2,000 người thuộc 30 quốc gia khác nhau đã viết thư trả lời và rất nhiều người đã đọc được những lời đầy hy vọng của sứ điệp Kitô.
Một vị giám mục Việt Nam đã thuật lại chứng từ sau đây. Tại một làng nhỏ ở miền thượng du Bắc Việt, toàn dân làng là người Công Giáo, nhưng từ 20 năm qua, họ không có linh mục coi sóc. Dù vậy, các tín hữu vẫn tổ chức các buổi đọc kinh và hát thánh ca tại nhà thờ. Ðây cũng là nơi họ tổ chức các lễ cưới và rửa tội một cách trọng thể. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dân làng vẫn sống trong an vui và bình thản.
Tiếng đồn về niềm vui của dân làng này đến tai một làng sơn cước. Do đó, dân làng sơn cước này yêu cầu những người Công Giáo cho người đến dạy họ các bài kinh và thánh ca để họ cũng tìm được niềm vui.
Nhưng dân làng Công Giáo không tìm được ai: người lớn thì phải đi làm việc đồng áng, trẻ em thì phải đi học, còn người già cả thì không đủ sức băng rừng leo núi để đến giúp người sơn cước. Chỉ có một người thuộc kinh bổn, thánh ca và biết các nghi thức tôn giáọ Người đó lại là một người mù.
Sau khi bàn bạc với nhau, dân làng sơn cước đã đồng ý sai người dẫn hai con ngựa đi rước người mù. Người tín hữu tàn tật này đã ở lại với dân làng 4 tháng. Cứ mỗi tối, sau khi làm việc trở về, dân làng tụ họp với nhau, nay nhà này, mai nhà khác, để tập đọc kinh và hát thánh cạ Sau một thời gian, người giảng viên giáo lý mù khảo sát và làm phép rửa cho người dân làng đầu tiên. Và người tân tòng này lại rửa tội cho những người khác và cứ như thế cho đến người cuối cùng.
Phương pháp làm việc tông đồ của làng Công Giáo trên đây là phương pháp đơn sơ, nhưng cốt yếu của Kitô giáo: đó là rao giảng bằng chính chứng từ của cuộc sống, nhất là cuộc sống an bình và vui tươi.