Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày 23/10/2017

Filled under:

LÀM GIÀU TRƯỚC THIÊN CHÚA
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.” (Lc 12,15)
Suy niệm: Chuck Feeney, tỉ phú người Mỹ, từ nhỏ đã chăm chỉ làm việc, từ những việc tầm thường cho đến khi trở thành một doanh nhân thành đạt, với phương châm “sống để làm việc chớ không phải để làm giàu”. Dù giàu có nhưng ông có lối sống thanh đạm và dạy con cách nghiêm khắc, để chúng tự làm việc chứ không cậy dựa vào của cải của cha mẹ. Với khát vọng “cho đi khi còn đang sống”, ông âm thầm cho đi toàn bộ tài sản của mình ước tính lên tới tám tỉ đô la cho các dự án y tế và giáo dục tại Mỹ, Úc, Nam Phi, Việt Nam… Ông nói “chiếc vải liệm không có túi” và “chỗ Thượng Đế ở không có ngân hàng, mỗi người đều trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời”.
Mời Bạn: Con người được sinh ra với mục đích tối thượng là để tôn vinh Thiên Chúa, còn mọi tạo vật khác được ban cho để vì mục đích ấy mà thôi. Chúng ta được mời gọi biết sử dụng đúng những tạo vật được ban cho (tiền bạc, sức khỏe, kiến thức, các quan hệ…) vì mục đích cuối cùng của đời mình; biết dùng những “của cải” ấy mà “làm giàu” nhân đức trước mặt Chúa và vì Ơn Cứu rỗi của chính mình.
Chia sẻ: Chia sẻ một kinh nghiệm hay một nguy cơ thấy được, về lòng tham của cải có thể đánh mất đức tin như thế nào.
Sống Lời Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tránh xa mọi cám dỗ của lòng tham, biết thao thức tìm kiếm Chúa trên hết và biết sống phó thác nơi Chúa. Amen.


Thánh Gioan ở Capistrano
(1385-1456)
Người ta thường nói các thánh là những người lạc quan nhất thế giới. Các ngài không bị mù quáng bởi sự dữ hay hậu quả của nó, nhưng các ngài luôn đặt niềm tin vào quyền năng ơn cứu độ của Đức Kitô. Sức mạnh hoán cải của Đức Kitô không chỉ ảnh hưởng đến người có tội mà còn ảnh hưởng cả đến các tai họa.

Thế kỷ 14 là thời kỳ hỗn loạn về đạo cũng như đời. Một phần ba dân số và gần 40 phần trăm giáo sĩ bị tiêu diệt bởi bệnh dịch hạch. Cuộc Đại Ly Giáo Tây Phương đã phân tán Giáo Hội đến độ Tòa Thánh không chỉ có một giáo hoàng mà đến hai, ba giáo hoàng một lúc. Nước Anh và nước Pháp đang giao chiến với nhau. Thủ đô nước Ý luôn luôn có tranh chấp. Hiển nhiên sự u ám đó đã bao trùm cả thời đại và khống chế tinh thần văn hóa.

Thánh Gioan sinh ở Capistrano, nước Ý năm 1385. Ngài là con của một cựu hiệp sĩ người Đức sống trong thành phố. Ngài học luật ở Đại Học Perugia và hành nghề luật sư ở các tòa án Naples. Khi 26 tuổi, ngài được Hoàng Đế Ladislas của Naples bổ nhiệm làm thủ hiến xứ Perugia. Trong cuộc chiến tranh với người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản bội và bị cầm tù. Sau khi được thả về, ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời và gia nhập dòng Phanxicô ở Perugia năm ngài 31 tuổi.

Sau khi được thụ phong linh mục vào bốn năm sau, ngài đi rao giảng khắp các nước Ý, Đức, Bohemia, Áo, Hung Gia Lợi, Ba Lan và Nga. Vào lúc người ta thờ ơ và nghi ngờ tôn giáo thì ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với Giáo Hội. Các quốc gia miền trung Âu Châu đã tiếp đón ngài cùng với các tu sĩ Phanxicô như các thiên thần của Thiên Chúa. Họ là những khí cụ để hồi phục niềm tin đang dẫy chết.

Chính dòng Phanxicô cũng trong tình trạng xáo trộn về việc giải thích và tuân giữ quy luật của Thánh Phanxicô. Qua các nỗ lực không ngừng của Cha Gioan Capistrano và nhờ kinh nghiệm luật pháp của ngài, tà giáo Fraticelli bị cấm hoạt động và Linh Đạo Thánh Phanxicô tinh tuyền lại được nêu cao.

Khi vua Hồi Giáo là Mohammed II đe dọa tấn công Vienna và Rôma, Cha Gioan Capistrano, dù đã bảy mươi tuổi, được Đức Giáo Hoàng Callistus II giao cho công việc rao giảng và chỉ huy thập tự quân chống với sự xâm lăng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đoàn quân bảy mươi ngàn Kitô Hữu, ngài đã chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến sau cùng ở Belgrade năm 1456. Ba tháng sau ngài từ trần ở Illok, Hung Gia Lợi ngày 23-10-1456. Ngài được đặt làm quan thầy của các luật gia.

Lời Bàn
John Hofer, người viết tiểu sử Thánh Gioan Capistrano, nhắc lại một tổ chức ở Bỉ lâáy tên của thánh nhân, nhằm mục đích giải quyết các vấn đề của đời sống trong một tinh thần hoàn toàn Kitô Giáo. Châm ngôn của tổ chức ấy là: "Sáng Kiến, Tổ Chức, Hành Động." Những lời này thực sự là đặc tính của cuộc đời Thánh Gioan. Ngài không phải là người ngồi không. Sự lạc quan Kitô Giáo đã thúc đẩy ngài chiến đấu với các vấn đề thuộc đủ mọi tầng lớp với niềm tin sâu xa nơi Đức Kitô.

Lời Trích
Trên mộ của thánh nhân ở làng Villach, Hung Gia Lợi, quan đầu tỉnh đã cho khắc những hàng chữ sau: "Ngôi mộ này là nơi chôn cất Thánh Gioan, sinh ở Capistrano, một người đáng được ca tụng, người biện hộ và cổ võ đức tin, người bảo vệ Giáo Hội, người hăng say che chở nhà dòng, niềm vinh dự cho cả thế giới, người yêu quý sự thật và công bình, gương sáng cho đời sống, vững chắc trong giáo lý; được bao người đời ca tụng, ngài đang sung sướng ngự trên thiên đàng." Văn mộ chí ấy thật xứng đáng cho một người lạc quan chân chính và thành công.

Cùm Chân Chó

Sách Lã Thị Xuân Thu có chép một câu chuyện như sau: Nước Tề có người xem tướng chó rất giỏị Một người hàng xóm tới nhờ anh ta tìm cho một con chó biết bắt chuột. Ít lâu sau, anh mang đến một con chó và nói: "Con chó này tốt lắm, ông cứ dùng sẽ vừa ý".
Người hàng xóm tin theo, nhưng mấy năm qua, con chó không bắt được con chuột nào cả. Người hàng xóm phàn nàn, anh ta liền nói: "Con chó này tốt, nhưng nó chỉ có tài săn bắt hươu nai, bây giờ muốn nó bắt chuột thì phải buộc chân sau nó lại". Người hàng xóm đã nghe theo và quả nhiên con chó bắt chuột rất hay.
Có cùm một chân lại, con chó mới có thể bắt được chuột. Phải chăng, đó không phải là hình ảnh của rất nhiều người thành công trong những địa hạt lớn, trong những công tác xã hội, trong những việc làm ở quy mô lớn, nhưng lại thất bại trong gia đình hay trong chính cuộc sống cá nhân của mình. Người ta nghĩ rằng chỉ có những công việc vĩ đại mới có giá trị. Người ta phân bua rằng việc trong nhà, việc ở xó bếp là việc của đàn bà.
Thế nhưng có ai nghĩ rằng hạnh phúc của gia đình tùy thuộc rất nhiều vào những công việc xó bếp ấy. Và những công việc vô danh ấy cũng đòi hỏi nhiều hy sinh, nhẫn nhục và tình yêu hơn tất cả những đại cuộc khác. Công việc càng nhỏ nhặt, càng vô danh thì càng nhiều phiền toái và càng đòi hỏi nhiều phấn đấu hơn. Nếu không bióêt cùm chân lấy một chân, nếu không biết hy sinh, nhẫn nhục, một người mẹ trong gia đình không thể chịu đựng năm kia tháng nọ tất cả những phiền toái ấy.