Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Sự quan trọng của làm dấu thánh giá - bởi phanxicovn

Filled under:

Dù chúng ta có thói quen làm dấu thánh giá một cách máy móc nhưng dấu thánh giá có ý nghĩa sâu xa và nền tảng cho mọi người công giáo.
Bao nhiêu lần chúng ta đã làm dấu thánh giá một cách máy móc? Nhưng, làm dấu thánh giá không phải là chuyện thường tình. Đó là dấu hiệu nối kết giữa trời và đất, ôm trọn bản thể trong sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi, tập họp con người và thần thánh ở điểm trọng tâm là quả tim. Như thế cùng với thân thể, chúng ta làm chứng đức tin của mình. Các tín hữu kitô đã chết vì đã làm dấu thánh giá ở những nước không tôn trọng đức tin công giáo.
Làm dấu thánh giá, một mình hay trong một nhóm là nói lên chúng ta thuộc về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế chúng ta làm chầm chậm. Mẹ Maria xin Thánh Bernadette Lộ Đức làm dấu thánh giá “lớn, rộng và chậm”. Chúng ta đánh dấu mình được Chúa in khắc vào thịt da. Từ khi chúng ta được rửa tội trong cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, chúng ta có Chúa là sức đề kháng.
Thiên Chúa ở trong thân thể
Thiên Chúa không phải là một lực hoàn vũ không có bản sắc, nhưng là một lực liên kết. Ngài yêu từng người một chúng ta và chúng ta là con cái của Ngài. Ngài là ba nhưng là một. Chúa Cha là trọn tình yêu trao ban, Chúa Con là tình yêu nhận được và Chúa Thánh Thần là tình yêu chia sẻ. Chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm này qua dấu thánh giá chúng ta làm trên thân thể mình.
“Nhân danh Cha” như nụ hôn dịu dàng trên trán, tình yêu của Đấng Tạo Dựng và theo chiều dọc hướng tâm trí chúng ta lên cao. “Và Con” là bàn tay chữa lành ở phần ngực, là tình yêu cứu độ xuống cho chúng ta ở trần gian để chúng ta được là người. “Và Thánh Thần” là sức thổi mạnh trên vai, tình yêu thánh hóa và an bình trên sự hiệp thông với con người.
Đối với Thánh Édith Stein, nếu Chúa Kitô đã chọn thánh giá là vì thánh giá biểu tượng trọn hảo của trao ban: “Trên Thánh giá, Đấng Cứu Độ được nhìn thấy từ đàng xa, có cái nhìn trên toàn nhân loại. Hai tay giang ra: Tất cả các con, hãy đến với Ta”.
“Chúng ta hãy đến với Người của những đau khổ. Người làm dấu cho chúng ta trên thập giá”. Chúng ta cùng hát khúc thánh ca, bởi vì Ngài hằng ở với chúng ta. Chúng ta đáp trả Ngài bằng dấu thánh giá:
Nhân danh Cha đã tạo dựng chúng con bằng tình yêu.
Và Con, Đấng mang chúng ta trong tình yêu.
Và Thánh Thần, Đấng nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu.

 Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch


Xem them:

Bí mật tịnh cốc của tu sĩ

bởi phanxicovn
Các tu sĩ ngày xưa biết giá trị của các  điều bí mật rất giỏi, dù đôi khi các giá trị bí mật này không được nhận ra ngay lập tức.
Một trong những bí mật này là tịnh cốc và tầm quan trọng mà các các tác giả thiêng liêng cổ điển dành cho tịnh cốc. Gọi là tịnh cốc nhưng thật ra đó là căn phòng rất nhỏ của mỗi tu sĩ trong cộng đoàn hoặc căn lều rất nhỏ trong sa mạc. Chẳng hạn, viện phụ Mô-sê, một trong những Tổ phụ sa mạc, cố vấn gia của các tu sĩ nói: “Đi về phòng mình, và căn phòng sẽ dạy con mọi chuyện .” Các viện phụ trong sa mạc khác còn nói: “Đi đứng, ăn uống, ngủ nghỉ, đừng làm việc, chỉ cần ở lại trong căn phòng .” Hoặc “Đừng cầu nguyện gì hết, chỉ cần ngồi trong phòng .” Trong quyển sách nổi tiếng Bắt Chước Gương Chúa Giêsu, Thomas a Kempis viết: “Sau mỗi lần bạn ra khỏi phòng, khi về phòng lại, tính người của bạn lại bớt đi một ít .”
Lời khuyên như thế có lẽ sẽ khiến chúng ta nghĩ đến tịnh cốc như một nơi chốn thiếu quân bình, đời sống tu hành không lành mạnh, khắc khổ bệnh hoạn, xa cách cuộc sống bình thường, tóm gọn là không lành mạnh. Hoặc ít ra nó sẽ gợi cho chúng ta đó là nơi chốn có rất ít hoặc chẳng có gì để làm so với cuộc sống tất bật bình thường với các bổn phận, và hấp dẫn của nó. Lời khuyên này có thể mang lại cho chúng ta điều gì? Chúng ta có nghĩ rằng mình đang ở trong cộng đoàn với người khác không?
Hiển nhiên lời khuyên ở lại trong tịnh cốc và để tịnh cốc dạy là lời khuyên của nền khôn ngoan linh đạo có từ thời xưa và do các linh sư dạy dỗ. Ở lại trong tịnh cốc là một trong các chìa khóa then chốt trong  quá trình tu tập về mặt thiêng liêng và nhân bản. Nhưng cần hiểu thêm nội dung của nó trong bối cảnh này.
Lời khuyên này là lời khuyên dành cho tu sĩ, những người chuyên ngồi suy niệm, những người sống trong tu viện, những người mà ơn gọi của họ sống trong cô tịch, những người mà bổn phận đầu tiên là sống trong thinh lặng. Trong bối cảnh đó, chữ «tịnh cốc» là từ-khóa, nó tóm gọn toàn bộ ơn gọi và bổn phận của một tu sĩ. Vì thế khi viện phụ Mô-sê nói: “Đi về phòng mình, và căn phòng sẽ dạy con đủ mọi chuyện” thì đó là lời khuyên để có đức tính chuyên cần và trung tín. Làm những gì mà bạn đến đây để làm! Ở trong tịnh cốc của mình có nghĩa là giữ lòng trung tín.
Và đó là âm hưởng của lời khuyên thiêng liêng cho mọi người, không riêng gì cho tu sĩ.  Nói cách khác, «tịnh cốc» của chúng ta là danh sách chủ yếu của các trách nhiệm, bổn phận, chuyên cần, trung tín trong ơn gọi, trong quan hệ, trong hôn nhân, trong gia đình, trong giáo hội và cộng đoàn. «Bỏ tịnh cốc» là bỏ trách nhiệm hoặc không trung tín. Để «tịnh cốc dạy mình mọi chuyện» là có đức tin, trung thành với các giá trị tinh thần và với các cam kết của mình để rồi chính đức hạnh và trung tín chúng sẽ dạy cho chúng ta những gì chúng ta cần để trở nên chín chắn và thánh thiện.
Hiểu theo nghĩa này, lời khuyến cáo của Thomas a Kempis - mỗi lần chúng ta rời khỏi tịnh cốc và khi trở về, nhân bản tính của chúng ta lại bớt đi - trở thành lời khuyến cáo thực tiễn: «Mỗi lần chúng ta không xem trọng trung tín, từ bỏ trách nhiệm của mình thì chúng ta bớt đi tính người theo nghĩa đó.» Tôi nghĩ giống như Thánh Kinh nói sau khi thánh Phê-rô chối Chúa, ông «bỏ đi ra ngoài» ngay lập tức. Theo thuật ngữ nhà tu là bỏ đi khỏi tịnh cốc.
Trong linh đạo ki-tô cũng như trong linh đạo của tất cả các tôn giáo trên thế giới, cũng chỉ có một nguyên tắc chung xoay quanh chủ đề: Hãy chú tâm đến các trách nhiệm chính đáng và bổn phận theo đấng bậc của mình. Vui vẻ và trung thành với những gì bổn phận đòi hỏi, nó sẽ dạy cho chúng ta những điều cần thiết để đến với Chúa. Đôi khi lòng trung thành đòi hỏi chúng ta phải chảy mồ hôi máu, đừng buông bỏ các cam kết của mình chỉ vì nó khó hoặc bỏ mồi bắt bóng. Và nhất là phải theo nguyên tắc: «Đừng bất trung! Trung tín với những gì Chúa gọi là đức hạnh tối hậu. Ai trung tín đến cùng người đó được cứu.»
«Tịnh cốc» của mình là hôn nhân của mình, gia đình, quan hệ, công việc, đời sống riêng tư với những gánh nặng và căng thẳng, chân lý, đức hạnh, nhân phẩm của mình. Bổn phận hàng ngày của mình là «tịnh cốc» của mình. Công việc thiêng liêng là giữ những điều này trong lòng, để chúng dạy mình, để chúng là một hình thức cầu nguyện, đừng coi thường hình thức bên ngoài của chúng và phải trung thành với chúng trong ơn gọi của mình. Ở lại trong tịnh cốc của mình!
Sau tang lễ của mục sư Martin Luther King, khi ống kính truyền hình đã rời xa nghĩa trang, một trong các ký giả đến gần một ông già đang đứng khóc và cầu nguyện bên lề đám đông. Truyền hình trực tiếp thường thích quây các giọt nước mắt thật, họ nhanh chóng hướng ống kính và hỏi ông cụ: «Tại sao ông buồn? Mục sư Martin Luther King là người như thế nào đối với ông?»
Ông trả lời: «Người mà chúng tôi chôn hôm nay là một người cao cả vì ông trung tín, ông tin ở chúng tôi ngay cả khi chúng tôi không còn tin ở chính mình, ông ở lại với chúng tôi ngay cả khi chúng tôi không xứng đáng để được ở cùng ông!»
Nếu Tổ phụ trong sa mạc hay ông Thomnas a Kempis biết chuyện thì có lẽ họ sẽ đơn giản nói: «Ông ấy là người cao cả – ông ở lại trong tịch cốc của mình!»
J.B. Thái Hòa dịch