Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Giáo Hội Năm Châu 09/10/2017: Diễn biến mới tại Miến Điện

Filled under:


Mông cổ “ngày sinh nhật” đặc biệt của Giáo hội trẻ

Sáu giáo xứ, 1.300 người đã rửa tội. Đời sống Cộng đoàn nhỏ trong một quốc gia Châu Á tuyệt vời, theo nhà thừa sai Cha Giorgio Marengo
Trẻ em trong Arvaiheer
Nó là một “ngày sinh nhật” đặc biệt được Giáo hội Mông cổ non trẻ kỷ niệm trong năm 2017, một nơi nồng nhiệt chào đón những ai đang chờ đợi sự gặp gỡ dịu dàng với Thiên Chúa. Một ngày mừng sinh nhật – theo luận lý của tình huynh đệ toàn cầu – của toàn dân Chúa. Ba nhà thừa sai đầu tiên, thuộc Dòng Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria, đã đến Mông cổ – quốc gia chưa một lần nghe tên Chúa Giê-su – 25 năm trước, năm 1992, theo yêu cầu của chính phủ lúc đó vừa mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh sau 70 năm dưới thể chế Cộng sản.
Hôm nay, sau một phần tư thế kỷ, Giáo hội có thể đếm được cam kết của 79 người: Đức Giám mục Phủ doãn Tông tòa Wenceslao Padilla, một linh mục người Mông cổ (người duy nhất được tiến chức năm ngoái) và 77 nhà thừa sai từ nhiều quốc tịch khác nhau thuộc 10 Dòng: 26 linh mục, 45 nữ tu, một phó tế, ba nhà thừa sai giáo dân và một người thiện nguyện giáo dân. Quốc gia này rộng gấp 5 lần nước Ý, có điểm đặc trưng là những mùa đông khắc nghiệt (với nhiệt độ xuống đến 40 độ dưới 0) với dân số 3 triệu người, đa số theo Phật giáo: số người đã rửa tội khoảng 1.300, sáu giáo xứ. Trong số các linh mục có Cha Giorgio Marengo, nhà thừa sai của Dòng Consolata, Turin, 43 tuổi và cha đã sống ở Mông cổ 14 năm: hiện tại cha là cha xứ Arvaiheer, một thị trấn nhỏ nằm giữa thảo nguyên và nơi có số người rửa tội cho đến bây giờ là 27. Dưới đây Cha Giorgio Marengo kể cho Vatican Insider câu chuyện về Giáo hội non trẻ này.
Đã có những sáng kiến nào cho việc tổ chức mừng kỷ niệm 25 năm ở Mông cổ?
“Tất cả các Dòng đều đưa ra nhiều hoạt động. Hai trong số những sự kiện đáng chú ý nhất là dâng Thánh lễ, đã diễn ra ngày 9 tháng Bảy tại nhà thờ chính tòa Ulaanbaatar, với sự tham dự của tất cả tín hữu và tu sĩ nam nữ trong nước: đó là một dịp để tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn sủng mà Người đã phù trợ cho Giáo hội của Người ở một góc cùng của thế giới này. Sáng kiến thứ hai sẽ diễn ra vào tháng Mười Một này: một đại hội chung với sự tham dự của các đại diện từ nhiều Dòng cùng với một số tín hữu. Chúng tôi cùng nhau ôn lại hành trình chúng tôi đã đi qua từ trước tới nay, và cố gắng tìm hiểu xem hôm nay Thiên Chúa muốn kêu gọi chúng tôi đi theo hướng nào.”
Cha có thể mô tả phản ứng của người Mông cổ trước sự có mặt của các thừa sai Công giáo đầu tiên? Các Cha được chào đón như thế nào?
“Trong đầu thập niên 90, bất cứ một người nước ngoài nào cũng gây ra những phản ứng đối nghịch nhau và tôi cũng vậy, tôi đã trải nghiệm sự có mặt của tôi một thập niên sau: rất tò mò và thích thú nhưng cũng có sự ngờ vực và rất nhiều hoài nghi. Có thể hiểu được những phản ứng này nếu chúng ta biết rằng Mông cổ đã bị thống trị bởi một chế độ cộng sản trong suốt 70 năm, chế độ áp đặt chủ nghĩa nhà nước vô thần và buộc đất nước đi vào sự cô lập khắt khe. Sau nhiều năm, sự hoài nghi và ngờ vực đối với Giáo hội đã dần dần giảm bớt. Người dân đã hiểu được ý định của chúng tôi: họ đã hiểu được khát khao muốn chăm sóc mọi người của chúng tôi một cách nhưng không và vị tha, đặc biệt những người yếu đuối nhất và dễ bị tổn thương nhất. Và họ rất trân trọng điều đó. Trong quốc gia này, cũng như trong những quốc gia khác còn lại của Châu Á, phải mất thời gian mới chiếm được lòng tin của người dân.”
Những nét đặc thù nào của người Mông cổ là đáng chú ý nhất đối với cha?
“Trước hết là niềm kiêu hãnh, đó là điều có thể thấy ngay lập tức. Người Mông cổ rất tự hào về quá khứ đế quốc huy hoàng của họ, họ có một giá trị văn hóa rất mạnh, đến mức ngay cả trong những thời gian bất ổn nhất, nó làm cho họ sống sót và không bị nghiền nát bởi những quốc gia khác. Tôi luôn luôn rất ấn tượng với khả năng chịu đựng rất lớn của họ, mối ràng buộc của họ với trái đất (điều này ảnh hưởng đến tầm nhìn của họ về thế giới) và cách họ tạo mối quan hệ với nhau. Văn hóa của Mông cổ rắc rối, thậm chí tôi có thể gọi là, cao quý: chẳng hạn về những mối quan hệ – ở bất kỳ cấp độ nào – đều được điều khiển bởi một nghi thức ứng xử rất chặt chẽ, một tập hợp các chuẩn mực không chỉ đơn giản là những hình thức nhưng còn là một cách bày tỏ những giá trị tinh thần sâu thẳm, chúng có nguồn cội từ trong đạo Phật. Truyền thống Phật giáo đã định hình cho dân tộc này, mặc dù Ki-tô giáo không phải là lạ lẫm với lịch sử của Mông cổ. Giáo phái Nestorius đã đến vùng này trước năm 1000 và vẫn ở lại đây trong một thời gian dài. Trong thế kỷ 13, Đức Giáo hoàng In-nô-sen-tê IV đã gửi tu huynh dòng Phan-sinh Giovanni da Pian del Carpine, người đã viết một nhật ký trong đó miêu tả sự gặp gỡ với những người Phật giáo, người Ki-tô giáo và Hồi giáo. Khi đế quốc bắt đầu sụp đổ, sự hiện diện của người Ki-tô giáo dần dần biến mất.”
Cha có thể mô tả sự hiện diện của Giáo hội ở Mông cổ? Những công cuộc nào đã được bắt đầu?
“Sau nhiều năm, điều đầu tiên là Giáo hội đã cam kết dấn bước vào những môi trường xã hội, giáo dục và sức khỏe, mở các trường mẫu giáo, trường học, bệnh viện, các viện cho người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ. Từ đó Giáo hội cống hiến bản thân cho việc rao truyền Tin mừng, giáo lý, và thừa tác vụ các bí tích cũng như đồng hành với những người xin đi theo con đường đức tin. Sự phát triển bừa bãi, chủ yếu dựa trên việc bóc lột những nguồn tài nguyên giàu có dưới lòng đất của quốc gia, đã cải thiện điều kiện sống nhưng cũng đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng và những hình thức cùng khổ mới cộng thêm vào với những hình thức cùng khổ đang tồn tại. Một phần lớn dân sống lệ thuộc vào việc chăn nuôi gia súc gia cầm (hiện tại có 45 triệu đầu gia súc), nhưng trong những năm gần đây ngày càng có nhiều người rời bỏ thảo nguyên, bán đàn động vật của họ và chuyển về vùng thủ đô để tìm một việc làm ổn định và an toàn, và đó là điều không hề dễ dàng. Mặc dù Mông cổ không còn là quốc gia đang phát triển, vẫn có sự cùng khổ với tất cả mọi ngụ ý trong đó. Chúng tôi là những thừa sai của Dòng Consolata, sống ở những khu ngoại vi của thủ đô và ở đây trong Arvaiheer, gắn kết với môi trường giáo dục, với những sáng kiến hỗ trợ giáo dục, những hoạt động sau giờ học và các trung tâm chăm sóc ban ngày (dành cho trẻ em từ 2 đến 5 tuổi), và trong lĩnh vực xã hội bằng sự hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất và những người thiếu thốn nhất, cũng như những khóa nghề thủ công cho phụ nữ. Chúng tôi cũng sắp có mặt tại kinh đô cổ của đế quốc, Karakorum (ngày nay là Kharkhrin), tại đây chúng tôi sẽ tập trung và đối thoại liên tôn và nghiên cứu lịch sử văn hóa.”
Các Dòng có hợp tác hoạt động chung với nhau không?
“Rất nhiều. Trong những năm đầu, không có gì chính thức, tùy theo nhu cầu dần dần ngày càng nhiều hơn, và rồi với thời gian, nó có cấu trúc tổ chức hơn: ngày nay chúng tôi gặp nhau thường kỳ để cùng nhau xem xét các vấn đề, tổ chức tốt hơn các hoạt động mà mỗi Dòng thực hiện, và cùng nhau tìm hiểu để nhận thức các bước đi cần phải thực hiện.
Một cách diễn đạt (của một vị giám mục Ấn độ) miêu tả rất rõ tính chất của cam kết của chúng tôi: chúng tôi là những nhà thừa sai có trách vụ phải “thì thầm Tin mừng vào trái tim của Châu Á”: từ đó cũng có Mông cổ. Hình ảnh của việc thì thầm kể cho chúng ta biết rằng sự loan báo đối với các dân tộc Châu Á – hoàn toàn khác biệt với các dân tộc Tây phương – được thực hiện thật khéo léo, thật thận trọng và tôn trọng. Hơn nữa, Tin mừng không phải là một điều gì đó cần được phô trương để thu hút sự chú ý. Nói nhiều không phải là cách rao giảng phúc âm. Và các nhà thừa sai không phải là đứng ở giữa chợ.”
Các giáo xứ của Mông cổ có kết nghĩa với các cộng đoàn Công giáo ở Ý hoặc ở các quốc gia khác không?
“Mặc dù vẫn có những quan hệ với những cộng đoàn gốc của các nhà thừa sai, nhưng vẫn chưa có sự kết nghĩa nào được thành lập. Thỉnh thoảng có các nhóm giáo xứ nước ngoài đến thăm những cộng đoàn nhỏ bé của chúng tôi: đó là những cuộc gặp gỡ không thể quên được vì mọi người, với sự trợ giúp của một thông dịch viên, bắt đầu chuyện trò với nhau, đến với nhau bằng cách kể cho nhau về cách họ sống đức tin, hoặc đặt câu hỏi với nhau. Kết nghĩa là một sáng kiến rất thú vị, điều này tôi mong sẽ có thể thực hiện được.”
Những khó khăn và niềm vui lớn nhất của cha là gì với cương vị là người đứng đầu của những cộng đoàn Mông cổ nhỏ bé?
“Khó khăn lớn nhất là học thành thạo được ngôn ngữ và hiểu về văn hóa này, điều mà tôi cho là rất phức tạp: phải mất nhiều năm và rất nhiều nỗ lực. Nhưng niềm vui thì tuyệt vời. Có thể thực hiện được thừa tác vụ của tôi trong vùng đất này nơi mà Đức Ki-tô vẫn chưa được biết đến là một trong những ơn sủng lớn lao nhất tôi được đón nhận. Thật cảm động khi nhìn thấy sự kỳ diệu của những người đàn ông, những người phụ nữ bắt đầu biết về một Thiên Chúa nhân văn hơn, một Thiên Chúa tha thứ. Thật cảm động khi nhìn thấy được hoạt động của Thiên Chúa trong tâm hồn của những người cảm nhận rằng họ được chữa lành và được giải phóng khỏi những sự sợ hãi. Đồng hành với những người chưa biết Đức Ki-tô, trả lời những câu hỏi của họ về Người (thậm chí có những câu rất khó chịu), hỗ trợ những người bắt đầu bước chân theo Người, đòi hỏi chúng ta phải đến với những gì là cần thiết nhất cho đức tin của chúng ta và đối với đây cũng là một ơn sủng. Về một mặt, tiến trình đến với những điều trọng yếu này dẫn đến việc nắm bắt được mọi sự thiếu thốn của chúng tôi để nhường chỗ cho hoạt động của Chúa, và về mặt khác, mỗi ngày trở nên bám víu nhiều hơn vào Ngài khi những vấn đề không thể giải quyết được nổi lên, và để sống một đời sống cầu nguyện xin sự can thiệp nhiều hơn.”
Các tín hữu có cảm thấy sự gần gũi và hỗ trợ của toàn Giáo hội không?
“Trong một quốc gia với đa số là người Phật tử trong đó người Ki-tô hữu có thể có một chút nào đó phảng phất hình thức phân biệt đối xử, tín hữu cảm thấy như một đàn chiên nhỏ, nhưng họ biết rằng mối liên kết với Giáo hội là có và rất vững chắc. Họ nhận thức được điều này đặc biệt khi họ gặp gỡ tín hữu từ những quốc gia khác hoặc khi họ lắng nghe giờ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha, mà chúng tôi chuyển dịch sang ngôn ngữ của họ. Một số bạn trẻ đã tham dự trong Ngày Giới trẻ Thế giới: đó là một kinh nghiệm rất quan trọng cho họ, vì đã quen với cuộc sống trong một quốc gia dân cư rất thưa thớt, họ thấy một chút kinh ngạc trước những đám đông như biển người.”
Giáo hội trẻ của Mông cổ đóng góp được gì cho toàn thể Giáo hội?
“Tôi có thể nói là một sự tươi mới của cội nguồn, vẻ đẹp đơn sơ và niềm vui của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vừa khám phá ra Chúa Giê-su đã bắt đầu bước đi theo Người. Giáo hội được sinh ra để rao giảng, để mang đến tin vui cho mọi người: có lẽ ở những quốc gia có truyền thống Ki-tô giáo lâu đời, chiều kích này ít được thấy rõ hoặc coi như đó là chuyện đương nhiên. Nhưng ở đây, chiều kích này tỏa sáng, cho thấy rằng đây là, và sẽ tiếp tục là, sứ vụ của Giáo hội. Đồng thời, tôi nghĩ rằng Giáo hội đón nhận được một món quà là sự phong phú về di sản văn hóa của Mông cổ và một nhãn quan mới để chiêm ngắm Thiên Chúa. Lịch sử của Ki-tô giáo là lịch sử của việc rao giảng, nhưng cũng là cái nhìn của các dân tộc khi họ được tiếp cận vớ sứ điệp cứu độ.”
Và Giáo hội Mông cổ nhỏ bé này đón nhận được món quà gì từ Giáo hội?
“Sự hỗ trợ, ý thức về mối ràng buộc hiệp nhất chúng tôi với tất cả những cộng đoàn Ki-tô hữu trên toàn thế giới và khẳng định niềm tin của chúng tôi. Tôi cho anh một ví dụ: chúng tôi muốn dịch toàn bộ sách Lễ Roma sang tiếng Mông cổ và chúng tôi đã làm được điều đó nhờ sự trợ giúp dứt khoát của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích: chúng tôi đã làm việc với nhau trong nhiều năm và năm 2016 bản văn dịch đã nhận được sự phê chuẩn của Tòa Thánh. Chúng tôi cảm thấy việc phê chuẩn này không chỉ đơn thuần là một hoạt động theo nghi thức: nó thực sự làm cho các cộng đoàn của chúng tôi cảm thấy sự hiệp nhất với toàn thể Giáo hội, nó làm cho chúng tôi cảm thấy như có được sự quan tâm của đấng kế nhiệm Thánh Phê-rô người củng cố đức tin Ki-tô giáo.”
[Nguồn: vaticaninsider]