“Phép Lạ Mặt Trời”
đã phá tan bóng đen của chính thể vô thần của Bồ đào nha
đã phá tan bóng đen của chính thể vô thần của Bồ đào nha
Những đám đông đang chứng kiến Phép lạ Mặt trời, xảy ra trong thời gian Đức Mẹ Hiện ra ở Fatima. Credit: Public Domain.
Fatima, Bồ Đào nha, 12 tháng Năm, 2017 / 05:02 sáng (CNA/EWTN News). – Vào “ngày mặt trời nhảy múa,” hàng ngàn người là chứng nhân của phép lạ không chỉ chứng minh tính xác thực của những lần hiện ra của Đức Mẹ ở Fatima, nhưng cũng đã phá tan niềm tin đang phổ biến lúc đó rằng Thiên Chúa không còn phù hợp nữa.
Những gì các đám đông chứng kiến trong ngày phép lạ xảy ra cho thấy “cuối cùng, ngược lại với những điêu được nói trong các sách triết học khi đó, chứng minh Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động giữa con người,” Tiến sĩ Marco Daniel Duarte trao đổi với CNA trong một phỏng vấn.
Khi người ta mở các sách triết học của thời đó ra, họ đọc được những điều tương tự với quan điểm của triết gia người Đức Friedrich Nietzsche, chết năm 1900 và đưa ra khẳng định chắc chắn trong bộ sách năm 1882 “Khoa học vui” rằng “Thượng đế đã chết.”
Khi tư tưởng triết học này và những triết học khác tương tự như vậy đang chiếm được sức lan rộng trong đời sống và tư tưởng xã hội, Mẹ Maria Đồng Trinh hiện ra để nói với ba trẻ mục đồng rằng “Thiên Chúa hằng hữu và vẫn đang dõi theo nhân loại, cho dù nhân loại đang khích động chiến tranh với nhau.
Duarte, một nhà thần học và là giám đốc của viện bảo tảng đền thánh Fatima, nói đến tầm quan trọng về văn hóa của Phép lạ Mặt trời đối với tư tưởng vô thần đang thống trị xã hội Bồ đào nha lúc bấy giờ.
Năm 1917, Bồ đào nha, cũng giống như phần đông các quốc gia khác trên thế giới khi đó, bị lôi kéo vào vòng chiến. Khi Đại Chiến Thế giới thứ nhất bùng nổ khắp Châu Âu, Bồ Đào nha thấy mình không thể giữ thái độ trung lập ban đầu nên đã gia nhập theo lực lượng Đồng minh, để bảo vệ các thuộc địa ở Châu Phi và giữ vững nền thương mại với Anh quốc. Khoảng 220.000 công dân Bồ đào nha đã chết trong suốt cuộc chiến; hàng ngàn người bị thiếu lương thực, nhiều ngàn người khác bị nhiễm cúm Tây Ban nha.
Vấn đề còn trầm trọng hơn nhiều khi sự ổn định của chính quyền trong nước bị lung lay sau cuộc cách mạng và đảo chính dẫn đến việc lật đổ nền quân chủ và thành lập Nền Cộng hòa Bồ Đào nha đầu tiên năm 1910.
Một tân hiến pháp tự do tách rời Giáo hội và nhà nước được phác thảo dưới sự ảnh hưởng của Hội Tam điểm tìm cách loại bỏ đức tin khỏi đời sống xã hội – đối với nhiều người đức tin là điểm cột trụ cho văn hóa và xã hội Bồ Đào nha.
Chủ nghĩa bài Công giáo ở Bồ Đào nha thật sự đã bắt đầu từ thế kỷ 18 dưới thời nhà chính khách Marquês de Pombal, và một lần nữa lại bùng lên sau dự thảo của hiến pháp mới.
Các nhà thờ và trường học Công giáo bị chính quyền thâu tóm, và trang phục giáo sĩ nơi công cộng, giật chuông nhà thờ, và tổ chức những buổi lễ hội tôn giáo đều bị cấm. Khoảng giữa những năm 1911-1916, gần 2000 linh mục, nam nữ tu sĩ bị giết bởi các nhóm bài Ki-tô giáo.
Đây là bối cảnh xã hội khi Đức Mẹ Maria hiện ra với ba trẻ mục đồng năm 1917 – Lucia dos Santos, 10 tuổi, và hai người anh em họ Francisco và Jacinta Marto, 9 và 7 tuổi – trong một cánh đồng ở làng Fatima, Bồ đào nha, Mẹ yêu cầu đọc kinh mân côi, làm việc hy sinh thay cho các tội nhân, và một bí mật liên quan đến số phận của thế giới.
Để chứng minh những lần hiện ra của Mẹ là sự thật, Mẹ Maria hứa với các trẻ rằng lần cuối cùng trong số sáu lần hiện ra của Mẹ, Mẹ sẽ cho một “dấu chỉ” để người ta tin những lần hiện ra của Mẹ và tin vào thông điệp của Mẹ.
Những gì xảy ra ngày hôm đó – 13 tháng Mười, 1917 – được đặt tên là “Phép lạ Mặt trời,” hay “mặt trời nhảy múa.”
Theo nhiều tường thuật, một đám đông khoảng 70.000 người – cả những người tin lẫn hoài nghi – tụ tập để xem phép lạ Mẹ Maria đã hứa. Sau khi hiện ra và nói chuyện với các trẻ một lát, Mẹ Maria “ném ánh sáng của Mẹ phủ lên mặt trời.”
Bầu trời âm u mưa dầm trước đó trở nên quang đãng, các đám mây tan biến và mặt đất trước đó ẩm ướt và lầy lội trở nên khô ráo. Một lớp mạng trong suốt phủ lên mặt trời, làm cho mọi người có thể nhìn vào nó, và những tia sáng đa sắc lan tỏa khắp cảnh vật.
Mặt trời bắt đầu quay tròn, quay tròn trên không trung, và có một lúc chuyển hướng đâm xuống mặt đất bước khi quay trở lại vị trí của nó trên trời.
Ông Duarte nói rằng phép lạ là một đòn đối lại rất thuyết phục nhắm thẳng vào thể chế vô thần lúc đó, bằng chứng đó là tờ báo đầu tiên tường thuật phép lạ lại là một tờ báo của Hội Tam điểm chống Công giáo ở Lisbon có tên là O Seculo.
Ông nói, Phép lạ Mặt trời được mọi người hiểu là “con dấu, là sự bảo đảm rằng những điều ba trẻ mục đồng kể là sự thật.”
Thậm chí đến hôm nay, “Fatima làm người ta thay đổi nhận thức về Thiên Chúa,” ông nói, và giải thích rằng đối với ông, một trong những thông điệp quan trọng nhất của những lần hiện ra là “cho dù con người muốn gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ, thì Chúa vẫn hiện hữu trong lịch sử của con người và không bỏ rơi nhân loại.”
Với cuộc Đại Chiến Thế Giới thứ Nhất bùng nổ, một cuộc chiến mà thế giới chưa từng chứng kiến, Mẹ Maria hiện ra để nói với các trẻ rằng “câu chuyện có thể có một kết thúc khác, khi sức mạnh của lời cầu nguyện lớn hơn sức mạnh của bom đạn.”
Phép lạ Mặt trời cũng là trung tâm điểm của một cuộc triển lãm đặc biệt có tên là “Những sắc màu của Mặt trời” mà đền thánh tổ chức mừng kỷ niệm một trăm năm những lần Mẹ hiện ra, buổi triển lãm tập trung vào tính biểu tượng của phép lạ và tầm quan trọng văn hóa của nó.
Cùng được trưng bày là “nhiều đồ vật, một số đã cũ, những số khác là của hiện tại, một số là hiện đại, một số được làm bằng sợi, những đồ khác được làm bằng vật liệu hữu cơ, các tranh vẽ, điêu khắc,” nhưng tất cả “được sắp đặt theo lối tường thuật,” ông nói.
Bắt đầu là một loạt những chiếc ô màu đen của những người tập trung tại cánh đồng Cova de Iria (Cave of Iria) sử dụng nơi Đức Mẹ hiện ra ngày 13 tháng Mười, buổi triển lãm nhắm mục đích xây dựng một bản tường thuật những gì con người ngày hôm đó đã chứng kiến, và được bổ sung thêm bằng những tác phẩm miêu tả các yếu tố khác nhau trong thông điệp của Mẹ Maria cho các trẻ.
Buổi triển lãm cũng cho thấy những phát triển mà đền thánh đã thực hiện trong những năm qua, cho thấy sự thay đổi từ một nhà nguyện nhỏ đơn sơ cho đến bây giờ thành hai vương cung thánh đường: Vương cung Thánh Đường Nossa Senhora do Rosario (Đức Bà Mân Côi) và Vương cung Thánh đường Santissima Trindade (Vương cung Thánh Đường Chúa Ba Ngôi), với một nhà nguyện mở nằm ở giữa trong đó đặt tượng Mẹ Fatima.
Các tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới – một số từ chính đền thánh Fatima, một số từ chính phủ Bồ đào nha, và một số thậm chí chuyển đến từ Đức và Pháp.
Một trong những tác phẩm nổi bật là một trái tim khổng lồ do Joana Vasconcelos thực hiện, một nghệ nhân Bồ Đào nha nổi tiếng, đã tác tạo nên tác phẩm hoàn toàn bằng những đồ dùng nhựa màu đỏ, chẳng hạn những chiếc muỗng và nĩa.
“Từng vật dụng đó chẳng có gì quan trọng với chúng ta, nhưng sau khi mọi thứ được kết hợp lại, tạo thành một hình ảnh trái tim và có thể là hình ảnh của sự đền tạ,” ông Duarte nói.
Buổi triển lãm kết thúc bằng những cây dù lớn màu trắng, không phải là những cái ô, để cho thấy hoa trái của phép lạ, ông Duarte nói thêm rằng nó ngụ ý về “sự hiện hữu của Thiên Chúa, Chúa Ki-tô Thánh Thể.”
Theo ý nghĩa này, những cây dù “đối với chúng ta là một biểu tượng rằng chúng ta có thể trở thành những nơi cực thánh để Thiên Chúa cư ngụ,” ông nói. “Đây là đền thờ thật sự mà Thiên Chúa muốn. Đền thánh Fatima đúng là hình ảnh mà Thiên Chúa muốn: cư ngụ giữa nhân loại.”
[Nguồn: catholicnewsagency]