Biết xấu hổ chính là cánh cửa mở ra ơn chữa lành. Khi cảm thấy xấu hổ trước mặt Chúa, khi xin Chúa chữa lành, Chúa sẽ tha thứ và bảo bọc ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Kẻ đứng đầu hàng tội lỗi
Sự công chính thuộc về Thiên Chúa, còn sự hổ thẹn thuộc về chúng ta, vì chúng ta đã phạm tội trước mặt Thiên Chúa. Đó là lời của ngôn sứ Baruc trong bài đọc hôm nay. Vị ngôn sứ muốn chỉ cho dân con đường đúng đắn và mời gọi người ta sám hối xin ơn tha thứ.
Không ai có thể nói rằng: tôi là người chính trực. Cũng không ai có thể nói rằng: tôi thế này, tôi thế kia. Bởi lẽ tôi là một tội nhân. Và tôi sẽ nói rằng, tôi là người đầu tiên trong số những tội nhân. Cũng đúng khi nói: tất cả chúng ta là kẻ tội lỗi. Nhưng tại sao lại thế, tại sao chúng ta lại là những kẻ tội lỗi?
Phạm tội là chống lại Chúa
Bởi vì chúng ta không tuân phục Thiên Chúa, vì chúng ta nói một đàng làm một nẻo. Vì chúng ta không lắng nghe Lời Chúa, cho dù Chúa nói nhiều lần với chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta có thể nghĩ xem: Đã bao lần Chúa nói với tôi trong cuộc đời? Đã bao lần tôi không lắng nghe? Chúa đã nói với cha mẹ chúng ta, nói với gia đình ta, nói với các giáo lý viên, nói trong giáo hội, nói trong tâm hồn chúng ta.
Thế nhưng, chúng ta sống theo kiểu nổi loạn. Đó là sống theo con đường tội lỗi. Chúng ta nổi loạn, cứng đầu cứng cổ. Đó là xu hướng thường thấy trong trái tim chúng ta, với những nhỏ nhen, tham lam, ghen tỵ, hận thù, chê bai… Những điều ấy tạo nên cuộc chiến hỗn loạn trong tâm hồn chúng ta. Những điều ấy gây ra tội lỗi và hủy hoại cuộc sống, làm cho linh hồn ta bị yếu nhược. Tội lỗi luôn là điều gì đó chống lại Thiên Chúa.
Xin ơn biết xấu hổ
Tội lỗi không phải như một vết bẩn có thể xóa đi. Nếu là vết bẩn, chúng ta có thể làm sạch hoặc dùng thuốc nhuộm. Nhưng ở đây thì không phải thế. Tội lỗi là việc nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Khi nghĩ về tội lỗi bản thân, thay vì bị chìm vào trầm cảm, chúng ta hãy xin ơn để cảm thấy xấu hổ. Biết xấu hổ chính là một hồng ân. Bởi lẽ, biết xấu hổ chính là cánh cửa mở ra ơn chữa lành. Khi cảm thấy xấu hổ trước mặt Chúa, tôi sẽ xin Chúa chữa lành tôi.
Khi Thiên Chúa thấy chúng ta xấu hổ vì tội lỗi mình gây ra, khi Chúa thấy ta khiêm tốn xin ơn tha thứ, thì Ngài sẽ thứ tha, sẽ xóa tội, sẽ bảo bọc che chở chúng ta, vì Ngài là Đấng Toàn Năng. Đó là cách mà chúng ta cần đến với ơn tha thứ. Giờ đây chúng ta hãy ngợi khen Chúa vì Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài trong lòng thương xót và ơn thứ tha.
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 (năm 2018)
WHĐ (01.10.2017) – “‘Chân lý sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8,32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình”: đó là chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 (năm 2018) được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố trên trang Twitter của ngài (@Pontifex) hôm thứ Sáu 29-09-2017.
Qua chủ đề này, sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội sắp tới sẽ đề cập đến những tác hại của tin giả đối với nền báo chí vì hoà bình.
Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội là Ngày duy nhất được Công đồng Vatican II kêu gọi cử hành trên toàn thế giới, qua Sắc lệnh Inter Mirifica năm 1963 của Công đồng Vatican II. Theo đề nghị của các giám mục trên toàn thế giới, ngày này được ấn định vào Chúa nhật trước Lễ Hiện xuống trong hầu hết các quốc gia (năm 2018 là ngày 13 tháng Năm).
Theo truyền thống, chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được công bố vào ngày 29 tháng Chín, lễ kính các Tổng lãnh thiên thần Michael, Raphael và Gabriel; và Sứ thần Gabriel là vị bổn mạng của ngành truyền thông.
Cũng theo truyền thống, Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được ban hành vào ngày 24 tháng Giêng, lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiô, bổn mạng các nhà văn và các nhà báo, để giúp các Hội đồng Giám mục, các văn phòng giáo phận và các tổ chức truyền thông có thời gian chuẩn bị các tài liệu nghe nhìn và các tài liệu khác cho các cử hành ở cấp quốc gia và tại địa phương.
Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 07-05-1967, dưới thời Đức Phaolô VI, vị giáo hoàng mong muốn mọi người quan tâm đến các phương tiện truyền thông và sức mạnh to lớn của truyền thông trong việc thay đổi văn hoá.
Đóng góp của Giáo hội
Giải thích về chủ đề Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội sắp tới, Đức ông Dario Edoardo Viganò, Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông nói rằng tin giả góp phần gây ra sự phân cực mạnh mẽ các quan điểm và làm tăng thêm sự phân cực ấy. Điều này thường bao gồm việc bóp méo các sự kiện, có thể “tác động đến thái độ ứng xử của cá nhân và tập thể”. Khi các nhóm truyền thông xã hội, các tổ chức và giới chính trị hiện đang phản ứng với hiện tượng này – Đức ông Viganò nói – “Giáo hội muốn góp phần bằng cách đưa ra một suy tư về những nguyên nhân, logic và hậu quả của thông tin sai lạc trên các phương tiện truyền thông và giúp thúc đẩy nền báo chí chuyên nghiệp, luôn tìm kiếm sự thật, đó là một nền báo chí vì hòa bình, cổ võ sự hiểu biết giữa mọi người”.
Truyền thông Xã hội: Tự do phát sinh nhờ gắn bó với sự thật
WHĐ (02.10.2017) – Trong báo chí, tự do phát sinh nhờ gắn bó với sự thật và giúp chúng ta không làm nô lệ cho “biên tập viên, cho tiền bạc hay sự thiếu hiểu biết của chính mình”: đó là điều Đức ông Dario Edoardo Viganò, Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông, khẳng định khi giải thích về chủ đề Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 52 (năm 2018) mới được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố “‘Chân lý sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8,32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình”.
Trong một cuộc trao đổi với Radio Vatican bằng tiếng Ý vào ngày 29 tháng Chín 2017, Đức ông Viganò đã trích dẫn câu chuyện “con rắn trong vườn Êđen” để nhấn mạnh rằng “tin giả” cũng xưa như con người. Con rắn nói với hai ông bà nguyên tổ: “Nếu ông bà ăn quả này, ông bà sẽ giống như các vị thần”. Rõ ràng đó là một “tin giả”, bởi vì hai ông bà nguyên tổ đã được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa rồi!
“‘Tin giả’ là một tin có vẻ như thật nhưng không được kiểm chứng, và nó rất nguy hiểm” bởi vì nó “khác xa sự thật”. Đức ông Viganò nói rằng hành động tung tin giả có xu hướng lan rộng nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, nhất là với những thông tin “có một tác động mạnh mẽ về tình cảm”.
Đức ông Viganò cảnh báo: “Tự do phát sinh khi người ta gắn bó với sự thật. Nếu không gắn bó với sự thật, người ta vẫn mãi là nô lệ cho một cái gì đó: biên tập viên, tiền bạc hay sự thiếu hiểu biết của chính mình”. Ngày nay, với sự phát triển của các mạng xã hội, “bộ mặt của người phóng viên đang thay đổi”: vì thế cần phải cập nhật các quy định dành cho “căn tính” mới này.
Đức ông Viganò đề nghị không nên đặt thế giới mạng xã hội đối lập với thế giới của báo chí truyền thống, “với suy nghĩ rằng trong báo giấy chỉ có các chuyên gia, còn trái lại, trong thế giới mạng xã hội toàn là những kẻ lừa phỉnh”, bởi vì trong cả hai thế giới ấy đều có tin giả. Về vấn đề này, Đức ông lên án “một số bài báo trong ngành báo giấy thể hiện những logic mang nặng tính ý thức hệ, hoặc mang đầy những chủ đề gây phân hóa, để bán được nhiều báo hơn”.
Theo Radio Vatican bằng tiếng Pháp, vị Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông đã cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Santa Maria alla Traspontina để mừng kính Tổng lãnh thiên thần Gabriel, là bổn mạng của tất cả những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Trong bài giảng, Đức ông Viganò mời gọi cộng đoàn hãy “trở nên những người loan báo Tin Mừng” – như tổng lãnh thiên thần Gabriel – khi làm sứ giả Tin Mừng, thực hiện công việc loan báo những tin tức mang “sự thật, tình liên đới và chia sẻ”.
Đức ông Viganò mời gọi: “Chúng ta hãy dấn thân loan báo Tin Mừng này: “Thiên Chúa yêu thương thế gian, Thiên Chúa cứu vớt thế gian”. Chúng ta hãy cảm thấy mình có trách nhiệm phải truyền thông niềm hy vọng này, ngay cả khi bị chìm ngập trong biết bao mối lo toan. Chúng ta hãy để cho mình được vây phủ bằng những sứ điệp loan báo ơn cứu độ, để có thể viết nên những lời tràn đầy ánh sáng trên các trang sách báo cung cấp ánh sáng cho đời”.