Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 6,37-40)
37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài,38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."
SUY NIỆM 1
Trên những phần mộ thường có cây Thánh giá. Cây Thánh giá nói lên niềm tin: Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên đó để cứu chuộc con người khỏi vòng liên lụy của tội lỗi. Thánh giá Chúa Giêsu là ơn cứu độ, niềm hy vọng cho con người.
Trên đó cũng thường có tấm bia khắc ghi di ảnh người quá cố với ngày tháng năm cùng nơi sinh ra và ngày tháng qua đời. Cũng trên tấm bia người ta khắc ba chữ: R. I. P. (Viết tắt của câu Latinh: requiescat in pace – Ông, bà, anh, chị, em an giấc ngàn thu).
Có những tấm bia trên phần mộ ghi câu Kinh Thánh hay những lời từ biệt, lời cám ơn. Phải chăng chết đi về thế giới bên kia là hết, là chấm dứt mọi liên đới?
Chúa Giêsu, trong bữa Tiệc ly, đã nói lời từ giã trước khi tự nguyện hy sinh chịu chết: “Thầy đi về cùng Cha Thầy!” (Ga 14, 1-14). Lời từ biệt này nói lên mối dây ràng buộc niềm tin và tình yêu vào Thiên Chúa.
Người thân yêu đã ra đi - theo niềm tin của người Công giáo dựa trên chính lời Chúa Giêsu - đó cũng chính là lúc họ về cùng Thiên Chúa Cha. Và cũng như Chúa Giêsu, họ cũng để lại di chúc cho chúng ta và cho mọi người đi sau họ:
– Tôi ra đi bây giờ nằm sâu dưới lòng đất, nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Ðấng sinh thành ra tôi.
– Tôi nằm sâu trong lòng nấm mồ này, nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ tôi và sẽ cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt như Người đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.
– Tôi bây giờ nằm chôn kín trong nấm mồ xây bằng ximăng cát đá, nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi, vì Người là Cha tôi. Tôi biết Người luôn yêu mến tôi.
Ðứng trước nấm mồ người quá cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc làm sống lại những hình ảnh kỷ niệm buồn vui xưa. Thánh Giá Chúa Giêsu và cây nến cháy sáng trên phần mộ tựa như những lời nhắn nhủ của người quá cố nói với người thân còn sống: Tôi đi về cùng Thiên Chúa Cha, về cùng Ðấng là nguồn sự sống và nguồn tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương đến mọi người quá cố. Xin đón rước và thứ tha cho ông bà, anh chị em, bạn hữu, và mọi người thân yêu, mọi người đã đi qua trong đời này mà nay đã an giấc.
Xin Chúa cũng thương tha thứ và đón nhận chúng con, những người còn lữ hành trên dương thế, được vào nước Chúa, vào một ngày mà Chúa gọi chúng con về trình diện trước Thánh Nhan Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Trên đó cũng thường có tấm bia khắc ghi di ảnh người quá cố với ngày tháng năm cùng nơi sinh ra và ngày tháng qua đời. Cũng trên tấm bia người ta khắc ba chữ: R. I. P. (Viết tắt của câu Latinh: requiescat in pace – Ông, bà, anh, chị, em an giấc ngàn thu).
Có những tấm bia trên phần mộ ghi câu Kinh Thánh hay những lời từ biệt, lời cám ơn. Phải chăng chết đi về thế giới bên kia là hết, là chấm dứt mọi liên đới?
Chúa Giêsu, trong bữa Tiệc ly, đã nói lời từ giã trước khi tự nguyện hy sinh chịu chết: “Thầy đi về cùng Cha Thầy!” (Ga 14, 1-14). Lời từ biệt này nói lên mối dây ràng buộc niềm tin và tình yêu vào Thiên Chúa.
Người thân yêu đã ra đi - theo niềm tin của người Công giáo dựa trên chính lời Chúa Giêsu - đó cũng chính là lúc họ về cùng Thiên Chúa Cha. Và cũng như Chúa Giêsu, họ cũng để lại di chúc cho chúng ta và cho mọi người đi sau họ:
– Tôi ra đi bây giờ nằm sâu dưới lòng đất, nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Ðấng sinh thành ra tôi.
– Tôi nằm sâu trong lòng nấm mồ này, nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ tôi và sẽ cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt như Người đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.
– Tôi bây giờ nằm chôn kín trong nấm mồ xây bằng ximăng cát đá, nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi, vì Người là Cha tôi. Tôi biết Người luôn yêu mến tôi.
Ðứng trước nấm mồ người quá cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc làm sống lại những hình ảnh kỷ niệm buồn vui xưa. Thánh Giá Chúa Giêsu và cây nến cháy sáng trên phần mộ tựa như những lời nhắn nhủ của người quá cố nói với người thân còn sống: Tôi đi về cùng Thiên Chúa Cha, về cùng Ðấng là nguồn sự sống và nguồn tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương đến mọi người quá cố. Xin đón rước và thứ tha cho ông bà, anh chị em, bạn hữu, và mọi người thân yêu, mọi người đã đi qua trong đời này mà nay đã an giấc.
Xin Chúa cũng thương tha thứ và đón nhận chúng con, những người còn lữ hành trên dương thế, được vào nước Chúa, vào một ngày mà Chúa gọi chúng con về trình diện trước Thánh Nhan Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
1. Lời Hứa
Bản văn tuy ngắn, nhưng mở đầu và kết thúc với cùng một lời hứa rất an ủi đối với tất cả chúng ta, những người đang sống và đặc biệt đối với những người đã qua đời mà chúng ta hằng nhớ đến và cầu nguyện cho hàng ngày, đặc biệt là trong Thánh Lễ hôm nay và trong tháng mười một này:
Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài. (c. 37)
Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. (c. 40)
Lời hứa thứ hai bổ túc cho lời hứa thứ nhất: đến với Đức Ki-tô chính là để thấy và tin vào Ngài. Chúng ta được mời gọi đến với Chúa mỗi ngày và mọi ngày trong đời sống của chúng ta: Trong Thánh Lễ, trong cầu nguyện và các việc thiêng liêng; và nhất là để cho Chúa đến trong ngày sống của chúng ta, trong những lựa chọn, trong cách làm việc, trong cách ứng xử với người khác.
Và một ước ao như thế, một hướng sống như thế, dù được thực hiện chưa hoàn hảo, nhưng làm sao có thể hoàn hảo được, cũng đủ để Chúa không loại trừ chúng ta, nhưng đón nhận chúng ta với lòng quảng đại và bao dung thương xót, ở đời này và ở đời sau. Vì cho dù đời sống của chúng ta có qua đi, nhưng sự sống và tình yêu của Chúa là mãi mãi, là đời đời. Vì thế, Chúa không thể yêu chúng ta có một lúc thôi, nhưng là mãi mãi; và tình yêu của Ngài có sức mạnh biến đổi và tái tạo chúng ta cho tình yêu muôn đời của Ngài.
2. Tình yêu lan tỏa
Thế mà tình yêu của Đức Ki-tô dành cho chúng ta, còn sống như đã qua đời, phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Thật vậy, bài Tin Mừng của chúng ta hôm nay được ghi dấu từ đầu đến cuối bởi kế hoạch yêu thương của Chúa Cha:
Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. (c. 39).
Có thể nói, Chúa Con cũng yêu mến, những người Chúa Cha yêu mến; và ngược lại, Chúa Cha cũng yêu mến những người mà Chúa Con yêu mến; và còn nữa, tình yêu hoàn hảo giữa Chúa Cha và Chúa Con lan tỏa ra cho chúng ta. Và đó chính là cội nguồn của việc chúng ta quan tâm đến nhau, cầu nguyện cho nhau, những người còn sống cũng như người đã qua đời.
Bởi vì, Chúa cũng thương những người chúng ta thương mến trong Chúa; và Chúa thương người này nhờ vào lòng tin của người kia. Chân lí này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng.
- Đó là trường hợp bà góa thành Na-in có đứa con nhỏ chết sớm : vì thương người Mẹ đau khổ, mà Chúa đã cứu người con.
- Đó là trường hợp những người khiêng kẻ bại liệt từ trên mái nhà thả xuống trước mặt Chúa : nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài đã cứu chữa người bệnh.
- Đó là trường hợp người cha có đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng sắp chết.
Và còn nhiều trường hợp khác nữa như người chủ có anh đầy tớ bệnh liệt giường ; và ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình đến với Đức Giê-su và tin vào Ngài của một mình ông Gia-kêu : « Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này » (Lc 19, 9). Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Gia-kêu.
3. Tin Mừng
Có thể nói, đây chính là một tin vui, và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng khi chúng ta cầu nguyện cho nhau, nhất là cho những người thân yêu đã qua đời. Mỗi người chúng ta hãy khát khao và xin Chúa ban cho chúng ta ơn huệ lớn lao này, đó là xin Chúa cũng công bố rằng, ơn cứu độ đã đến cho gia đình và Gia Quyến của chúng ta, cho cả cộng đoàn, cho cả Hội Dòng. Và ơn cứu độ chính là ơn được giải thoát khỏi sự chết, để sống sự sống mới và sống sự sống mới này mãi mãi với Chúa và với nhau, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.
Và Chúa đã ban cho chúng ta ngay hôm nay bảo chứng của ơn cứu độ rồi, đó là Bánh Thánh Thể : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 51). Bánh Hằng Sống, là Đức Ki-tô, để trở thành sự sống cho chúng ta, đã phải đi ngang qua cái chết trên Thập Giá, bởi vì đó là đường đi tất yếu của tấm bánh, nghĩa là phải bị ghiền nát để trở thành lương thực, để nuôi sống và ban sự sống.
Và Đức Ki-tô Bánh Hằng Sống đã làm cho chúng ta sống sự sống mới ngay hôm nay rồi, khi giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, khỏi tình trạng hỗn mang, khỏi thú tính, khỏi những năng động đen tối và những khuynh hướng chết chóc.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc