ĐỂ NƯỚC CHÚA TRỊ ĐẾN
“Khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,31)
Suy niệm: Như cây vả mùa đông trụi lá chết khô để rồi sống dậy, đâm chồi nẩy lộc khi “mùa hè gần đến,” cũng thế khi “những sự ấy xảy ra” thì Nước Thiên Chúa cũng đến gần. Trong những đoạn trước đó (cc. 9-11.25-28), Phúc Âm theo thánh Lu-ca mô tả “những sự ấy” là chiến tranh loạn lạc và những xáo trộn kinh hoàng chấn động cả vũ trụ. Rồi trước đó nữa là những bách hại ngược đãi mà các môn đệ Chúa phải chịu (c. 12). Qua những lời đó, Chúa nhắc ta một chân lý rất quen thuộc: Nước Thiên Chúa mà Ngài loan báo là “đã đến gần,” chỉ đến qua con đường thập giá, con đường chính Ngài đã đi qua: chịu khổ hình, chịu chết rồi mới sống lại vinh quang.
Mời Bạn: Chúng ta có xu hướng muốn Nước Chúa trị đến mà không muốn “những sự ấy” xảy ra. Hoặc có khi chúng ta có thái độ chờ đợi thụ động theo kiểu ‘qua cơn mưa trời lại sáng’. Một mặt Nước Chúa sẽ đến khi “mãn thời của dân ngoại” (c. 24). Nhưng mặt khác chúng ta có thể góp phần làm cho Nước Chúa đến bằng cách tích cực tham dự vào mầu nhiệm thập giá của Đức Ki-tô, một cách cụ thể: dám chấp nhận chịu thiệt thòi để thực thi công bằng và trung thực trong công việc nghề nghiệp hằng ngày của mình, dấn thân vào các hoạt động bảo vệ sự sống dù có phải đón nhận những khó khăn nguy hiểm…
Chia sẻ: Mời bạn nêu một sáng kiến để tham dự cách cụ thể và tích cực vào mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô.
Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh để cầu cho các đẳng linh hồn sớm được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình.
THÁNH CATARINA
ĐỒNG TRINH TỬ ĐẠO
ĐỒNG TRINH TỬ ĐẠO
Catarina là con nhà giầu sang ở thành Alêxanđria nước Ai cập.
Ngày xưa người ta quen đợi khi đã lớn mới chịu phép Rửa tội; cho nên cha mẹ Catarina không vội gì đem con đi rửa tội. Một đêm, Catarina mơ thấy Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng hiện ra với mình, Đức Mẹ giới thiệu Catarina với Chúa và xin nhận cô làm con; nhưng Chúa lắc đầu quay mặt đi nói rằng:
"Con gái này chưa tái sinh bởi phép rửa tội". Khi tỉnh dậy, Catarina buồn rầu lắm, rồi lập tức quyết định dọn mình xin chịu phép rửa tội. Ngay đêm hôm chịu phép rửa tội, Chúa Giêsu lại hiện ra với cô, lần này Người vui lòng nhận Catarina làm con, và làm bạn: để tỏ dấu bề ngoài, Chúa xỏ vào ngón tay cô một chiếc nhẫn. Từ đó cô khấn hứa giữ mình đồng trinh trọn đời để trung thành với tình yêu của Chúa.
Catarina rất siêng năng việc đạo đức: cầu nguyện, hãm mình. Cô cũng ham mê học giáo lý và các khoa học thời đó. Mới lên 18 tuổi mà kiến thức đặc biệt của cô làm cho giới trí thức trong thành ngạc nhiên.
Thời đó, vua Maximinô đang cai trị. Ông này rất ghét đạo, ông truyền lệnh cho toàn dân phải giết súc vật để tế các tà thần: ai không tuân lệnh sẽ phải phạt rất nặng. Dù vậy, Catarina cũng công khai phản đối lệnh vua. Nhờ gương đạo đức và lý lẽ khôn ngoan sốt sắng, cô đã khuyên được rất nhiều giáo hữu cương quyết thà chết chẳng thà cúng tế tà thần. Đang lúc kẻ ngoại giết trâu bò, dê cừu để tế thần thì máu những người trung thành với Chúa cũng đổ ra lênh láng khắp nơi trong thành Alêxanđria. Thấy vậy, Catarina quá cảm xúc nên đã can đảm xin vào tận triều đình vua để tâu rằng:
"Đạo Công giáo là chân chính, còn tà thần chỉ là đá gỗ vô tri, sao vua lại bắt dân thờ quấy và giết hại kẻ thờ Chúa chân thật?".
Vua thấy một thiếu nữ vừa duyên dáng, vừa tài năng, ăn nói văn hoa lý sự thì đem lòng yêu. Nhưng không biết nói sao nên ông ra lệnh cứ giam cô lại. Vì thấy mình không thể đối đáp lại nổi cô, nên nhà vua truyền hội họp 50 người thông thái danh tiếng nhất trong thành để cãi lẽ đạo với cộ Đến ngày đã định, ai cũng tưởng Catarina sẽ thua to.
Phần cô, cô không mong khoe tài khôn khéo, nhưng chỉ hoàn toàn trông cậy vào Chúa. Kết quả cô đã diễn thuyết hùng hồn và, nhờ ơn soi sáng, cả năm mươi nhân tài kia đều công nhận đạo lý của cô là đúng và xin trở lại Công giáo. Thấy vậy, vua tức giận vô cùng, hô lính đem đốt cả 50 người, thế là họ đã chịu phép rửa bằng máu và lửa thay vì phép rửa bằng nước.
Vua nhất định không chịu thua Catarina. Sau mấy ngày giam trong ngục, vua lại bắt cô ra toà và nói:
- Trẫm yêu con lắm, nếu con bỏ đạo thì trẫm sẽ lấy con làm nữ hoàng và ly dị vợ trước.
Catarina tỏ vẻ khinh bỉ đáp lại rằng:
- Tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, và chỉ có một bạn trăm năm là Chúa Giêsu. Tôi thà chết để trọn nghĩa với Chúa còn hơn ngồi trên ngai tội lỗi của vua.
Vua lấy làm nhục nhã quá, liền nổi cơn thịnh nộ, truyền lệnh lấy dây da có móc sắt đánh nát mình mẩy Catarina rồi giam trong ngục đủ mười một ngày không cho ăn uống gì. Trong thời gian Catarina ở trong ngục, có một đêm bà Faustina là vợ vua mơ thấy Catarina mời mình ngồi bên cô, rồi đặt lên đầu mình một triều thiên và nói:
- Bạn trăm năm của tôi tặng bà triều thiên này.
Sáng hôm sau, nữ hoàng lập tức xin quan giám ngục tên là Porphyrô đưa vào thăm Catarina. Sau một hồi truyện vãn, nhờ ơn Chúa soi sáng, cả hai người đã nghe Catarina khuyên mà trở lại. Vua biết thế liền truyền giết cả hai. Vua tưởng giết vợ đi như thế, Catarina sẽ tin vào tình yêu của mình đối với cô mà ưng làm vợ mình chăng! Khi đã đủ mười một ngày, vua cho điệu Catarina ra công đường để gặp. Lạ lùng thay! Các vết thương của cô đã khỏi cả, và dù nhịn đói nhịn khát lâu ngày nhưng cô vẫn khỏe mạnh tươi tỉnh. Sau khi đã dùng bả vinh hoa phú quý để dụ dỗ, rồi dùng đủ mọi cực hình để đe dọa cũng không làm cho Catarina xiêu lòng đổi dạ, vua truyền làm một bánh xe có ghép vào nhiều lưỡi dao sắc và mũi dùi nhọn rồi trói Catarina vào mà lăn cho tan thây nát thịt. Nhưng xe vừa chuyển bánh thì bị gẫy và bắn những thứ độc ác kia ra chung quanh làm chết và bị thương nhiều người đứng xem. Dân chúng sống sót lấy làm hoảng sợ và nhiều người tin Chúa của người công giáo thờ là chân thật và có quyền thế. Để rửa nhục, vua đành phải ra lệnh chém đầu thánh nữ. Hôm ấy là ngày 25.11.315.
Ta hãy cố gắng theo gương mẫu của thánh nữ: Yêu mến đức trong sạch, vui lòng hy sinh tiền của, danh giá và cả mạng sống vì đức trong sạch.
Không Qúa Muộn Ðể Nên Thánh
Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:
Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samouraị Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.
Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.
Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núị Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:
"Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi".
Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho chạ Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.
Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:
"Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôỉ"
Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:" Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ". Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.
Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng ngườị Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.