Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 22/11/2016

Filled under:

GIỮ GÌN ĐỀN THỜ TÂM HỒN
Nhân có mấy người nói về Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,5-6)
Suy niệm: Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài. Thế nhưng, Thiên Chúa không nhất thiết bị giới hạn trong Đền thờ, Ngài đã phán: “Trời là ngai Ta, đất là bệ kê chân Ta, Ta đâu cần các ngươi phải xây cho Ta một ngôi nhà, hay dọn cho Ta một chốn nghỉ ngơi, chính tay Ta đã dựng nên mọi sự và tất cả đều thuộc về Ta” (Is 66,1-2a). Điều Chúa mong muốn là ở cùng nhân loại mà Đền thờ là dấu chỉ của sự hiện diện đó. Tuy nhiên, sẽ đến ngày “những người thờ phượng đích thực, thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23). Đền thờ dù có nguy nga lộng lẫy cũng có lúc bị tàn phá, nhưng việc Thiên Chúa ở với dân Người thì kéo dài mãi mãi. 
Mời Bạn: Tất cả những gì bạn chiêm ngưỡng hôm nay rồi sẽ qua đi, bởi thế giới vật chất cần được biến đổi để đi vào vinh quang Phục Sinh với Đức Ki-tô. Vì thế, điều cốt lõi của đời bạn là thắt chặt hơn mối tương quan mật thiết với Chúa Ki-tô, để có được sự sống đời đời khi cùng sống chết với Ngài.
Sống Lời Chúa: Bên cạnh việc chăm sóc thân xác thể lý, tôi còn quan tâm đến việc không phạm tội nơi thân xác, để xứng đáng là đền thờ nơi Chúa Ba Ngôi ngự trị.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa chẳng ngại sinh ra trong hang lừa máng cỏ, xin hãy đến và ở lại trong thân xác con, nơi tâm hồn con. Xin biến đổi thân xác, tâm hồn con trở thành đền thờ xứng đáng của Chúa. Amen. 

THÁNH CÊCILIA
ĐỒNG TRINH TỬ ĐẠO
Thánh Cêcilia là một trong những trinh nữ tử đạo được sùng mộ nhất vào những thế kỷ đầu của Giáo hội Rôma. Lòng sùng mộ thái quá ấy đã khiến nhiều tác giả bịa đặt ra nhiều tiểu tiết ly kỳ về đời sống của ngài và cả cái chết tử đạo của ngài.
Người ta được biết thánh Cêcilia thuộc dòng dõi quí tộc và là một thiếu nữ rất đạo đức. Ngài quyết giữ mình đồng trinh để tận hiến cho Chúa. Nhưng để đạt được ý nguyện đó, ngài đã phải chiến đấu cam go, đồng thời với sự can thiệp của Thiên Chúa mới bảo toàn được trinh khiết. Vì thế, những dòng tiểu sử về đời sống thánh nữ Cêcilia một phần lớn đã xoay quanh câu truyện tình duyên ly kỳ của ngài.
Số là Valêrianô, một thanh niên tuấn tú con nhà quý phái, đã đính hôn với Cêcilia và định ngày làm lễ thành hôn. Phần trinh nữ Cêcilia, vì sợ phật ý cha mẹ và vị hôn phu, nàng chưa thể tỏ ra cho các vị biết rằng: mình chỉ yêu mến một mình Chúa Giêsu. Đến ngày hôn lễ, trong tiếng đàn phong cầm êm ái, Cêcilia chỉ biết cầu nguyện với Thiên Chúa: "Xin cho hồn xác con được sự trinh khiết để con khỏi bẽ bàng" (Thánh vịnh 118).
Trinh nữ ăn chay ba ngày liền và nguyện cầu xin Chúa các thiên thần, các thánh tông đồ và toàn thể các thánh, xin các ngài gìn giữ, bảo hộ đức trinh khiết của mình.
Đêm đến, khi chỉ có mình với Valêrianô ở trong phòng, nàng ngỏ ý muốn nói với chàng một điều bí mật, nhưng yêu cầu chàng phải thực hiện điều chàng có nhiệm vụ phải thi hành. Valêrianô trả lời rằng chàng không cần biết điều bí mật đó. Cêcilia liền nói: "Có một vị thiên thần của Thiên Chúa yêu mến em, chính người đã bảo vệ em rất cẩn thận nếu người thấy anh đến gặp em với tình yêu nhơ bẩn, tức khắc người sẽ giận dữ đuổi anh đi và anh sẽ mất hết vẻ đẹp của tuổi thanh xuân. Trái lại, nếu thiên thần thấy anh yêu em bằng mối tình chân thành trong trắng và gìn giữ em nguyên vẹn, người sẽ yêu mến anh như em".
Valêrianô nói: "Nếu em muốn anh tin lời em nói, em hãy cho anh xem mặt thiên thần của em; nếu anh thấy có bằng chứng đáng tin đó là thiên thần của Chúa, anh sẽ thi hành điều em yêu cầu. Nhưng nếu em yêu một người khác, anh sẽ chém luôn cả em và người ấy". Cêcilia hứa cho Valêrianô xem thấy thiên thần, sau khi chàng chịu phép rửa tội. Valêrianô bằng lòng theo đạo và hỏi xem chịu phép rửa tội với ai, Cêcilia trả lời: "Anh hãy đi đến đường Appoa, tới dặm thứ ba, thấy những người nghèo khó ngồi ăn xin bên đường, anh bảo họ rằng: em nhờ họ dẫn anh đến gặp Đức Ubanô, Ngài sẽ rửa tội cho anh, mặc cho anh áo trắng tinh và anh sẽ mặc áo trở lại phòng em, rồi anh sẽ xem thấy thiên thần".
Valêrianô nghe lời, tìm đến Đức Ubanô là người đã công khai xưng đức tin hai lần và hiện đang lẩn tránh nơi nghĩa trang. Valêrianô gặp ngài, trình bày mọi việc Cêcilia đã làm. Đức Ubanô cảm động và vui mừng, ngài quỳ xuống tạ ơn Chúa: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã gieo những ước vọng trong sạch, xin hãy nhận lấy hoa quả do hạt giống Chúa đã gieo trong tâm hồn Cêcilia. Lạy Chúa, Đấng chăn chiên nhân lành, Cêcilia tôi tá Chúa đã trung thành và kiên nhẫn phụng sự Chúa, nàng đã làm cho Valêrianô hung hăng như sư tử trở nên chiên hiền lành".
Đức Ubanô đang cầu nguyện cho Valêrianô thì bỗng một ông lão đến, mặc áo trắng như tuyết, tay cầm một bảng chữ vàng. Valêrianô sợ hãi ngã xuống đất. Ông lão nâng chàng dậy và truyền đọc bảng chữ sau đây trên tay ông: "Một Thiên Chúa độc nhất, một đức tin, một phép rửa tội, Thiên Chúa độc nhất là Cha của mọi loài. Người ở trên trời và ở trong chúng ta tất cả" (cf. Eph 3, 59). Sau đó ông lão hỏi xem Valêrianô có tin những điều đó không. Valêrianô trả lời quả quyết: "Thật trên đời này không có gì chân thật hơn!". Ông lão biến mất, Đức Ubanô làm phép rửa tội rồi bảo Valêrianô trở lại với Cêcilia.
Valêrianô trở về thấy Cêcilia đang cầu nguyện trong phòng, bên cạnh có hai thiên thần cầm hai triều thiên, một kết bằng hoa hồng, triều thiên kia bằng hoa huệ. Thiên thần đưa cho Cêcilia một, còn một đưa cho Valêrianô và bảo hai người rằng: Chỉ có ai biết quí trọng đức khiết trinh mới được trông thấy hai triều thiên ấy. Thiên thần hỏi Valêrianô có ước muốn điều gì không. Valêrianô xin cho Tiburciô anh mình trở lại đạo, và thiên thần hứa Tiburciô sẽ được ơn ấy.
Mấy ngày sau, Tiburciô đến chào chị dâu, người ngửi thấy hương hoa huệ và hoa hồng rất kỳ lạ. Valêrianô bảo em đó là do hai triều thiên Chúa ban cho. Nếu Tiburciô muốn xem thấy triều thiên ấy, phải chịu phép rửa tội đã. Trong khi Tiburciô còn đang ngơ ngẩn không hiểu gì thì Cêcilia đỡ lời, giải thích cho em biết các tượng thần ngoại giáo là những vật vô tri giác vì không có quyền phép gì. Tiburciô nghe Cêcilia giảng giải, lĩnh hội được chân lý và tán thành: "Quả thật, chỉ có con vật mới không tin những điều chị vừa nói".
Cêcilia bảo Tiburciô theo Valêrianô đi chịu phép rửa tội. Nhưng khi nghe Cêcilia nói phải gặp Đức Ubanô, Tiburciô hoảng sợ hỏi: "Có phải là người mà tín đồ công giáo gọi là Đức Giáo Hoàng không? Tôi nghe rằng người đã bị kết án hai lần và nay đang trốn tránh. Nếu người ta bắt được ngài, họ sẽ thiêu sống ngài và cả chúng ta nữa. Chúng ta đi tìm Thiên Chúa trên trời để bị lửa thiêu đốt ở dưới đất ư ?".
Cêcilia trả lời: "Phải, nếu chỉ có một sự sống đời này, chúng ta có lý do để sợ mất nó, nhưng còn có một sự sống cao quí hơn, chúng ta sẽ chiếm được khi chúng ta để mất sự sống đời này".
- "Thế ra còn có một sự sống khác nữa sao? Tôi chưa hề được nghe ai nói tới".
Cêcilia trình bày giá trị của sự sống đời sau và cũng nêu ra những điều bất hạnh của cuộc đời trần gian. Rồi để trả lời các thắc mắc đó của Tiburciô, Cêcilia giải nghĩa mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai Làm Người, cuộc đời Chúa Giêsu và mầu nhiệm Phục sinh của Người. Kết luận, Cêcilia đối chiếu hạnh phúc thiên đàng của người kitô giáo với hình phạt của người tội lỗi phải chịu. Tiburciô tin theo và được dẫn tới gặp Đức Ubanô, Tiburciô chịu phép rửa tội rồi ở lại bảy ngày để học thêm giáo lý. Từ đó Tiburciô được xem thấy thiên thần của Thiên Chúa mỗi ngày và được mọi ơn như sở nguyện.
Từ đó Valêrianô và Tiburciô từ khước mọi lạc thú trần gian để chỉ chuyên lo phụng sự Thiên Chúa và anh em đồng loại. Khi các kitô hữu chết vì đạo, bị cấm không được chôn cất, Tiburciô và Valêrianô liền lo việc lấy trộm xác đem chôn cất. Ít lâu sau, công việc tới tai chính quyền, hai người bị bắt phải tế thần, họ từ chối nên bị phạt đánh đòn và bị xử tử, nếu họ từ chối tế thần. Maximô thấy hai người còn trẻ tuổi nên rất thương tiếc, nhưng cũng rất ngạc nhiên khi thấy hai người lại vui vẻ đi chịu chết vì đạo. Vì thế, khi nghe hai người giải thích về đạo, quan Maximô đã yêu cầu họ dạy giáo lý cho ông. Anh em Valêrianô và Tiburciô bảo đao phủ dẫn hai người về nhà ông.
Tại đây, hai người giảng dạy giáo lý rất rành mạch và sốt sắng, đến nỗi những người có mặt đều xin theo đạo. Đêm hôm sau, Cêcilia mời linh mục đến rửa tội cho cả gia đình Maximô và những người đao phủ.
Hai anh em Valêrianô và Tiburciô bị điệu đi tế thần Jupiter, không chịu dâng hương tế thần nên bị chém đầu. Trong khi đó Maximô cùng nhiều người khác được ơn lạ nhìn thấy thiên thần đến đón linh hồn các thánh tử đạo, nên họ tin và theo đạo. Quan trên là Anmakiô nghe tin Maximô đã theo đạo, liền truyền đánh đòn Maximô đến chết. Thánh nữ Cêcilia đem xác Maximô an táng gần mồ Valêrianô và Tiburciô.
Sau đó đến lượt thánh Cêcilia bị bắt và bị án tử hình.
Thánh nữ bị bắt vì là vợ của Valêrianô, bị ép buộc dâng hương tế thần, thánh nữ trả lời rằng mình muốn chết vì đạo. Nhiều người hâm mộ sắc đẹp của thánh nữ tỏ lòng tiếc xót. Cêcilia lợi dụng cơ hội thuận tiện ấy giảng giải cho họ biết Thiên Chúa sẽ thưởng gấp trăm cho tôi tá Chúa. Giảng giải xong, thánh nữ đứng trên bệ đá cao hỏi họ:
"Các ông bà có tin điều tôi nói không?". Tất cả đồng thánh đáp: "Chúng tôi tin Chúa Giêsu Con Thiên Chúa là Thiên Chúa chân thật. Chỉ Người mới có một tôi tá xứng đáng như cô". Đức Giáo Hoàng Ubanô đến rửa tội cho họ chừng 400 người, họ đủ mọi giới.
Mấy hôm sau quan Anmakiô truyền đem Cêcilia đến, ông hỏi: Tên cô là gì?
- Tên tôi là Cêcilia.
- Cô theo đạo nào ?
- Ngài hỏi lạ quá, ngài hỏi một câu mà tôi phải thưa hai câu ?
- Sao cô trả lời thế, ai dạy cô ?
- Thưa đức tin và lương tâm.
- À, cô không biết oai quyền của ta sao ?
- Chính ngài không biết oai quyền của ngài, nếu ngài hỏi tôi, tôi sẽ bảo cho biết.
- Cô biết gì hãy nói nghe thử?
- Tất cả oai quyền của con người giống như một quả bóng, chỉ cần một mũi kim cũng đủ cho nó mềm xẹp xuống.
- Kìa, cô thoá mạ tôi đấy à?
- Thưa ngài chỉ nói láo mới là thoá mạ. Vậy xin ngài cho tôi biết tôi đã nói láo ở chỗ nào ?
Anmakiô bắt thánh nữ bỏ đạo hoặc tế thần.
Thánh nữ chê bai tượng thần, nhấn mạnh đến vật vô dụng của các thần, khuyên người ta đem các tượng đó nung vôi cho có ích lợi hơn. Anmakiô tức giận, truyền đưa Cêcilia đi xử tử. Lý hình lấy gươm chém thánh nữ một nhát vào cổ rồi để ngài chết dần.
Những người tân tòng lấy áo thấm máu của thánh nữ. Trong khi đó thánh nữ cố gắng khuyên họ bền vững với đức tin. Ngài chia của cải cho họ và giao phó họ cho Đức Ubanô. Thánh nữ cũng xin dâng nhà mình cho Đức Ubanô để ngài dùng làm nhà thờ.
Đức Ubanô và các phó tế đợi đến đêm đem xác thánh nữ về chôn giữa các đấng Giám mục tử đạo, và tái thiết nhà thánh nữ thành nhà thờ như lời ngài xin.
Năm 1599, người ta mở mộ ngài và thấy thi thể ngài còn toàn vẹn như vừa mới chết.
Từ thời trung cổ thánh nữ Cêcilia được tôn kính như bổn mạng của các giới nhạc sĩ. Họa sĩ Raphael cũng lại căn cứ vào đó mà sáng tác một họa phẩm với đề tài: "Cêcilia, nữ nhạc sĩ thiên thần".
Hằng năm, Giáo hội mừng lễ kính thánh Cêcilia vào ngày 22 tháng 11.

Nồi Cháo Tuyệt Vời

Một hôm, có một người lạ mặt đến gõ cửa nhà của một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng người đàn bà cho biết trong nhà bà không còn gì để ăn cả. Người lạ mặt mới nói: "Bà đừng lo, tôi có mang theo một hòn đá có thể biến nước thành một thứ cháo tuyệt vời nhất trần gian. Nhưng trước tiên bà hãy cho tôi mượn một cái nồi lớn".
Thấy người lạ mặt đề nghị một cách nghiêm chỉnh, cho nên người đàn bà mới cho nước vào cái nồi lớn nhất và đặt lên bếp. Khi nước vừa sôi, thì người đàn bà chạy đến các nhà láng giềng để mời sang chứng kiến điều lạ lùng sắp xảy rạ Trước đôi mắt mở to của mọi người, người khách lạ mới cho viên đá vào nồi, rồi dùng muỗng lấy nước đưa lên miệng nếm, ông vừa hít hà: "Thật là tuyệt diệu! Nhưng giá có thêm một ít khoai thì tốt hơn". Nghe thế, một người đàn bà có mặt bèn sốt sắng đề nghị: "Trong bếp tôi còn một ít khoai". Nói xong, bà đon đả chạy về nhà mang khoai sang. Người khách lạ cho những miếng khoai tây được thái nhỏ vào trong nồị Một lát sau, ông nếm thử và nói: "Tuyệt! Nhưng giá có thêm chút thịt thì chắc chắn phải ngon hơn".
Nghe thế , một người đàn bà khác chạy về mang thịt đến. Người lạ mặt cũng cho thịt vào nồi, đảo lên trộn xuống một hồi rồi nếm thử và nói: "Bây giờ thì quý vị thưởng thức nồi cháo của tôi, nhưng nếu có thêm một chút rau cỏ cho vào thì là hoàn hảo". Dĩ nhiên, ai cũng muốn nếm thử nồi cháo, cho nên ai cũng hăm hở đi tìm raụ Có người mang đến nguyên một giỏ củ cà rốt và hành. Người lạ mặt cho các thứ rau vào nồi rồi ra lệnh cho người đàn bà chủ nhà: "Bây giờ tôi cần một ít muối và tiêu nữa là có được một nồi cháo ngon nhất trần gian". Khi nồi cháo đã sẵn sàng, ông hối thúc mọi người đi tìm chén bát đến. Có người mang cả bánh mì và trái cây.
Mọi người vui vẻ ngồi vào một bàn tiệc bất ngờ. Trong khi mọi người nói cười rộn rã, thì người khách lạ lẻn đị Ông vẫn để lại hòn đá mà mỗi khi cần đến, những người hàng xóm có thể sử dụng để cùng nấu chung với nhau một nồi cháo ngon nhất thế giới.
Một hòn đá, cộng với một ít thực liệu và gia vị sẽ tạo nên một nồi cháo ngon nhất trần gian: đó là hình ảnh của sự đóng góp vào phép lạ mà Thiên Chúa không ngừng thực thi cho con người.
Bà góa thành Sarepta đã dâng cúng một ít bột mì cho tiên tri Êlia để từ đó được lương thực hằng ngày trong suốt mùa hạn hán. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhân bánh và cá cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé...
Với một chút đóng góp từ lòng quảng đại của con người, Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cả thể. Tất cả những công trình bác ái và giáo dục trong Giáo Hội đều bắt nguồn một cách khiêm tốn: Chúng ta hãy nhìn vào công trình của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, của cha Pierre, sáng lập cộng đồng Emmaus, của cha Van Straatten, sáng lập Hội trợ giúp các Giáo Hội đau khổ: một căn nhà nhỏ, một miếng thịt mỡ, một công việc vô danh... Phép lạ của Thiên Chúa thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ và âm thầm của con người.
Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người chúng ta cơ may để đón nhận phép lạ của Ngàị Ngài chỉ cần một chút lòng quảng đại của cúng tạ Nếu chúng ta sẵn sàng dâng tặng cho Ngài một chút những gì chúng ta có thì có biết bao nhiêu người chung quanh sẽ được chung hưởng phép lạ của Thiên Chúa.