Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGAY 18/11/2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 19: 45-48)


45 Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán46 và nói với họ: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! "47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy.48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.


SUY NIỆM 1


Qua sự việc Chúa Giêsu đánh đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ, chắc hẳn chúng ta sẽ thắc mắc vì sao trong đền thờ lại có kẻ buôn bán? trong đền thờ, họ buôn bán cái gì? vì sao Chúa Giêsu lại phải đánh đuổi họ?

Vào thời Chúa Giêsu, việc dâng lễ vật và nộp thuế cho đền thờ của người Do Thái khá phức tạp. Vào thời đó, người ta xài tiền của đế quốc Rôma, đồng tiền này không được sử dụng trong việc nộp thuế cho đền thờ. Cho nên người ta phải đổi tiền của đế quốc thành tiền của đền thờ. Rồi cùng với việc nộp thuế cho đền thờ, người Do Thái còn phải có lễ vật để dâng tiến. Lễ vật có thể là chiên hay bò, hoặc chim gáy hay bồ câu. Mà việc mang theo lễ vật từ nhà đến đền thờ, đôi khi rồm rà phức tạp. Thế là nãy sinh việc đổi tiền và mua bán trong sân đền thờ. Từ đó, biến khu vực này thành một cái chợ ồn ào, lộn xộn. Đó là chưa kể đến những tệ nạn đi theo: trộm cắp, gian lận, v.v.

Trước cảnh tượng tục hóa như vậy, Chúa Giêsu không thể nào chấp nhận được, nên Người đã đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Chúa muốn thanh tẩy đền thờ để trả lại đúng vị thế cho đền thờ: Đền thờ là nơi cầu nguyện, là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa.

Qua việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, Chúa muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta hai điều: thứ nhất, phải biết yêu quý và quan tâm chăm sóc nhà thờ bởi vì nhà thờ là nơi thờ phượng; thứ hai, phải biết siêng năng đến nhà thờ để thờ phượng Chúa cách xứng đáng.

Chúng ta nên nhớ rằng, ngoài ngôi nhà thờ xứ đạo, nơi mà chúng ta vẫn đến để tôn thờ Chúa, thì nơi mỗi người còn có một ngôi đền thờ khác quan trọng hơn. Đó chính là tâm hồn mỗi người, nơi mà Chúa Thánh Thần ngự trị. Vì thế, chúng ta nhớ chăm sóc, gìn giữ và làm cho ngôi đền thờ này luôn được sạch đẹp và xứng đáng với Ngài.

Thế nhưng, trong cuộc sống, cách này cách khác, không ít lần chúng ta đã biến đền thờ linh thiêng thành “nơi buôn bán, nơi đổi tiền và nơi tối tăm” cho ma quỷ ngự trị, đó là những khi trong lòng chúng ta chất chứa sự ganh tỵ ghen ghét, những toan tính để hại người, hay đôi khi vì một chút lợi ích cá nhân nào đó mà nói xấu để hạ thấp danh dự của người khác.

Chúng ta cần phải luôn thanh tẩy, gìn giữ và quan tâm đến tâm hồn của mình, bởi vì đó như bổn phận thường xuyên của người tín hữu, nhất là mỗi khi tham dự Thánh lễ, mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa vào lòng. Sự trong sạch của tâm hồn là điều kiện cần thiết để xứng đáng trở thành nơi Chúa ngự.

Rất ước mong tâm hồn chúng ta luôn được rửa sạch trong ơn thánh của Chúa để nhờ đó mỗi người nên thanh sạch xứng đáng là đền thờ của Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
1. Giải thoát khỏi sự dữ
Hình ảnh Đức Giê-su bừng bừng nổi giận đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, có thể làm chúng ta bị sốc; cái sốc này có thể so sánh với cái sốc gây ra bởi những lời nguyền rủa chống lại kẻ dữ trong các Thánh Vịnh (chẳng hạn Tv 69 ; Tv 139, 19-22 ; Tv 141, 10).
Tuy nhiên, sự nổi giận của Ngài mang tính giải phóng, chứ không phải loại bỏ : giống như những lời nguyền rủa của các Thánh Vịnh, Đức Giêsu làm bật sự dữ khỏi chỗ ẩn nấp của nó, để chúng ta nhìn thấy, và khi nhìn thấy, chúng ta không thể chấp nhận được, vì nó không tương hợp với hình ảnh Thiên Chúa có nơi chúng ta. Đó chính là cách Người chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ trong cuộc Thương Khó và mầu nhiệm Thập Giá.
Về biến cố này, trong ba Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng theo thánh Luca kể nhẹ nhàng nhất, đó là bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay ; hai Tin Mừng còn lại kể lại cùng một biến cố với nhiều chi tiết hơn : kẻ mua người bán, các bàn đổi tiền, các sạp bán bồ câu… Nhưng Tin Mừng theo thánh Gioan tường thuật biến cố cách đặc biệt nhất : Đức Giê-su đi Giê-ru-sa-lem và vào Đền Thờ ngay từ đầu thời gian rao giảng Tin Mừng (Ga 2, 13-22), và hành động của Ngài rất mạnh mẽ : Ngài tự bện cho mình cái roi đánh đuổi mọi người và hất tung tất cả ra khỏi Đền Thờ : súc vật, tiền bạc, bàn ghế, những người buôn bán. Các môn đệ chứng kiến cảnh tượng, liền trích lời nguyện Thánh Vịnh:  Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân !(Tv 69, 10)
2. Nhà Thiên Chúa và sào huyệt bọn cướp
Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta hiểu ra và nhất là cảm nhận hành vi mạnh mẽ của Ngài : « Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! ». Thật là lạ lùng, khi Đức Giêsu nhìn ra « sào huyệt của bọn cướp » ở nơi người ta buôn bán. Đó là vì, như chính chúng ta có kinh nghiệm, trong việc buôn bàn thường hay xẩy ra sự gian dối, lọc lừa, làm thiệt hại, thậm chí làm hại người khác (chẳng hạn ngày nay, người ta bỏ chất độc vào trong thực phẩm, làm giả thuốc tây…).
Như thế, dưới cái nhìn của Chúa, có một tương phản rất lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đối, giữa Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán : một đàng, nhà của Thiên Chúa là nhà cầu nguyện, nghĩa là nơi Dân Chúa diễn tả và sống tương quan Giao Ước với Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa hiện diện và nói với dân của Ngài ; một đàng là « sào huyệt của bọn cướp ». Hai thực tại quá khác biệt, quá tương phản, quá đối lập, và có thể nói, trái ngược nhau tuyệt đối : nơi chốn của nhưng không, hiệp thông, của sự thật, của ý nghĩa, của ánh sáng, của hiền lành, của sự sống, trở thành nơi của loại trừ, nơi của gian dối, của vô nghĩa, nơi của bóng tối, nơi của bạo lực, nơi của sự chết. Sào huyệt của bọn cướp chính xác là như vậy.
Chứng kiến cảnh tượng Đền Thờ như thế và hiểu ở mức độ tuyệt đối như Đức Giêsu đã hiểu, làm sao Ngài không nổi giận cho được ?
3. Biểu tượng « Đền Thờ »
Chúng ta được mời gọi đọc tình trạng của Đền thờ như biểu tượng diễn tả, nhưng chính xác hơn phải nói là mặc khải, sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về Giáo Hội, về cộng đoàn, về chính con người của chúng ta, nhất là nội tâm của chúng ta. Bởi vì đó cũng là những nơi « tôn nghiêm » như đền thờ, nhưng đã bị biến dạng.
Hiểu như vậy, chúng ta được mời gọi tự nguyện xin Chúa nổi giận và làm như Ngài đã làm xưa kia nơi Đền Thờ Giê-ru-salem, với con người của chúng ta, với nội tâm của chúng ta, để tái tạo con người chúng ta như ơn gọi ban đầu : nghĩa là để cho Lời của Ngài vang vọng mỗi ngày trong nội tâm và trong ngày sống của chúng ta, như xưa « hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ » (c. 47).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc