Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu (Mt 8: 5-11)
5 Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin:6 "Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm."7 Người nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó." Viên đại đội trưởng đáp:8 "Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi! ", là nó đi, bảo người kia: "Đến! ", là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này! ", là nó làm."10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế.11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.
SUY NIỆM 1
Đức Tin Của Viên Đại Đội Trưởng
Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế, Chúa muốn cho mọi người được Ơn Cứu Độ. Chẳng phải cứ là người có “Đạo”, mới có cơ hội được hưởng Phúc Lộc của Chúa, nhưng là mọi người thành tâm thiện chí Tin vào Ngài. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi ta xét lại Niềm Tin của mình. Vì có những người ngoại giáo lại tin Chúa, còn người có Đạo lại chẳng tin Ngài.
Viên đại đội trưởng là một mẫu gương cho lòng tin. Tin vào Chúa, phải được biểu lộ ra qua thái độ, cách cư xử trong đời thường. Ông đại đội trưởng nêu gương về lòng thương người và trách nhiệm. Ông không có cách xử “sống chết mặc bay”. Ông không ỷ lại quyền thế bạc tiền, mà khiêm nhường cầu xin cho người khác. Ông còn có một niềm tin thật mạnh mẽ vào Chúa Giêsu, tin rằng Ngài có thể làm được mọi sự “xin Ngài chỉ phán một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh”.
Ta nghĩ gì, khi một người Công Giáo đi cầu thầy, xem bói? Coi ngày tốt, xem giờ xấu? Người có Đạo lại sợ hy sinh thì mất mát! Chúa họ thờ “không có quyền làm được mọi sự” hay sao?
Ta nghĩ gì, khi một người có Đạo, sống ích kỷ, “đèn nhà ai rạng nhà nấy”, không góp một bàn tay giúp cộng đoàn tốt hơn? Không lưu tâm đến những khổ đau của người khác? Ta có thể an tâm là người Công Giáo khi sống như vậy không?
Chúa khen viên đại đội trưởng, mà ta có thấy lòng mình xót xa không? Ta có thể nghe Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: tôi không thấy một người Công Giáo có lòng tin như người ngoại giáo! Ta có buồn không?
Đức tin không phải là một ý tưởng, một khái niệm, mà là một sự sống. Đức tin đòi ta phải chuyển thành hơi thở, thành lời nói, thành việc làm. Thật là một gương mù, khi ta chỉ có Đức Tin trong trí mà thôi!
Lạy Chúa Giêsu, nghe Chúa khen người ngọai giáo có đức tin mạnh mẽ, mà chúng con lo âu. Từ lâu, chúng con an tâm vì cứ nghĩ rằng chúng con đã tin nơi Chúa. Nhưng xét tận lương tâm mình, và căn cứ trên lối sống, chúng con còn nhiều yếu kém. Xin Chúa thêm Đức Tin cho chúng con, và giúp chúng con biết hành động, để Đức Tin nơi chúng con ngày càng được lớn lên. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
1. Lời ông đại đội trưởng và phụng vụ Thánh Thể
Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin Người chữa bệnh cho người đầy tớ của ông, và Người đáp: « Chính tôi sẽ đến chữa nó ». Nhưng viên đại đội trưởng thưa lại :
Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.
Như tất cả chúng ta đều nhận ra, lời này được Giáo Hội đưa vào trong phụng vụ Thánh Thể: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. So sánh hai lời nói này, chúng ta nhận ra có một vài khác biệt:
- Viên đại đội trưởng nói cho người đầy tớ mà ông yêu quí, còn chúng ta, chúng ta nói cho chính mình.
- Lời của viên đại đội trưởng liên quan đến chữa lành thể xác, còn lời nguyện của chúng ta trong Thánh Lễ liên quan đến chữa lành tâm hồn.
- Đức Giê-su đã không vào nhà viên đại đội trường, nhưng trong Thánh Lễ, Đức Giêsu vào luôn trong “nhà chúng ta”, nghĩa là vào trong nội tâm và vào trong cuộc đời của chúng ta.
2. Lời người và Lời Chúa
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, có một điểm chung là lòng tin, lòng tin vào sức mạnh của Lời Chúa, như chính Đức Giê-su xác nhận:
Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế.
Lòng tin vào sức mạnh của lời Đức Giê-su nơi viên đại đội trưởng thật đơn sơ, nhưng thật vững chắc và rất hợp lí. Bởi vì, ông khởi đi từ kinh nghiệm của chính mình, đó là lời của ông cũng có sức mạnh:
Tôi bảo người này: “Đi!”, là nó đi, bảo người kia: “Đến!”, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!”, là nó làm.
Chúng ta thường đối lập lời nói với việc làm, và trong tương quan này, lời nói thường bị hạ thấp. Điều này đúng, khi lời nói được hiểu và được sống không đúng với bản chất đích thật của lời nói. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta chứng kiến sức mạnh của lời nói : lời nói không những không kém hơn hành động, nhưng còn tạo ra hành động. Để diễn tả tương quan và để tạo ra hiệu quả, lời nói cũng như hành động có những mức độ sức mạnh khác nhau. Trong trường hợp của viên đại đội trưởng, chúng ta thấy lời của ông có sức mạnh làm cho chuyển động, làm cho thực hiện và sinh hoa kết quả.
Trong tương quan với nhau, và nhất là trong cộng đoàn, chúng ta đều có kinh nghiệm này: không chỉ lời của bề trên có sức mạnh, mà lời của mọi người đều có sức mạnh: sức mạnh tạo ra sự sống và làm cho sự sống lớn lên, sức mạnh an ủi và chữa lành tâm hồn khi nói những lời đón nhận, cảm thông và tha thứ, sức mạnh tạo ra sự hiệp nhất; và sức mạnh của lời nói cũng có thể làm thui chột sự sống và có thể giết chết. Sách Huấn ca nói: « Có nhiều người ngã gục vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người? » (Hc 28, 18). Như thế, lời con người có sức mạnh làm cho sự sống lớn lên, hay giết chết sự sống. Và nếu lời người có sức mạnh ghê gớm như thế, Lời Chúa còn có sức mạnh lớn hơn biết bao : Lời Chúa là Lời hằng sống và ban sự sống ; như chính Đức Chúa nói trong sách Isaia:
Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời,
không trở về với trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn.
Thì lời ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng ta,
sẽ không trở về với ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của ta,
chưa chu toàn sứ mạng ta giao phó
(Is 55, 10-11)
Xin cho lời của chúng ta được “khai sinh” theo khuôn mẫu của Lời Chúa, nghĩa là đến từ Lời Chúa, cưu mang Lời Chúa và diễn tả Lời Ban Sự Sống của Chúa. Và nơi Đức Giê-su, Đức Chúa không chỉ ban lời, nhưng ban chính Ngôi Lời của Người: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 1-2). Ngang qua mầu nhiệm Nhập Thể được hoàn tất với mầu nhiệm Vượt Qua, Ngôi Lời đã thực hiện trọn vẹn ý muốn của Chúa Cha, đã chu toàn hoàn hảo sứ mạng Chúa Cha trao phó, vì thế, tất yếu sinh hoa kết quả dư tràn, là sự sống mới cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.
3. Lời giao ước
Chúng ta đọc lời tuyên khấn trước mặt Thiên Chúa (và cũng tương tư như vậy, với lời giao ước hôn nhân), với sự hiện diện của Giáo Hội ngang qua cộng đoàn phụng vụ, thế là suốt đời chúng ta sống theo lời đó. Chúa cũng cam kết với chúng ta và cam kết trước chúng ta, ngang qua công trình sáng tạo và nhất là công trình cứu độ bởi Đức Giê-su Ki-tô Ngôi Lời nhập thể. Và Ngài sẽ trung tín đến cùng; đơn giản là vì Lời của Ngài và Ngôi vị của Ngài là một. Xin cho Lời Chúa cư ngụ trong lời của chúng ta. Lời Chúa cũng là chân lí, vì một khi Ngài nói là “đúng” mãi mãi. Xin cho lời của chúng ta nói với nhau và nói với Chúa, cũng là sự sống và là chân lí. Bởi vì chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa.
Xin cho chúng ta cảm nghiệm và xác tín Lời Chúa là lời ban sự sống và tái tạo sự sống: sự sống của từng người chúng ta và sự sống của cộng đoàn. Bởi vì, chúng ta sống không chỉ bằng việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất và thể lí, nhưng còn sống bằng tương quan nữa : tương quan tình yêu, hiệp nhất, bao dung, đón nhận, tha thứ, cảm thông… Không có những tương quan này, chúng ta không thể sống được, hay sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc, nghĩa là sự chết sẽ hiện diện ngay trong lòng sự sống. Lời Chúa không chỉ tạo ra sự vật, nhưng còn có sức mạnh tạo ra những « tương quan sự sống » giữa chúng ta. Xin cho lời nói chúng ta trao cho nhau mỗi ngày, cũng là lời tạo ra « tương quan sự sống » theo khuôn mẫu của Lời Chúa, thay vì tạo ra « tương quan sự chết ».
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc