Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

“Nếu bạn cho Chúa một cơ hội… Ngài sẵn sàng làm mới cuộc đời bạn một lần nữa”, Đức Giáo Hoàng tại lễ bế mạc Năm Thánh.

Filled under:



“Ngay khi chúng ta cho Chúa cơ hội, Ngài sẽ nhớ chúng ta. Ngài hoàn toàn và mãi mãi sẵn sàng hủy bỏ tội lỗi của chúng ta, bởi vì – không giống như chúng ta – trí nhớ của Ngài không ghi khắc lại sự dữ hay những bất công chúng ta đã phạm.”
 “Thiên Chúa không có bộ nhớ về tội lỗi, nhưng chỉ nhớ về chúng ta, từng người chúng ta, là những người con yêu dấu của Ngài. Và Ngài tin rằng luôn luôn có thể bắt đầu lại, để nâng chúng ta dậy.”
Khi nhắc lại rằng hôm nay là lễ trọng thể Chúa Giê-su Ki-tô, Vua Vũ Trụ, Đức Thánh Cha thôi thúc chúng ta tuyên xưng về chiến thắng của Ngài, và vui mừng chia sẻ sự huy hoàng của việc có Chúa Giê-su như là Vua của chúng ta: Lề luật tình yêu của Ngài biến đổi tình yêu thành ân sủng, cái chết thành sự phục sinh, nỗi sợ thành sự tin tưởng.
Đức Thánh Cha tiếp tục giới thiệu ba hình ảnh đặc nét xuất hiện cùng với Chúa Giê-su, trong bài Tin Mừng ngày hôm nay: những người đang tìm kiếm, những người gần bên thập giá và những tên gian phi cùng đóng đinh với Chúa Giê-su.
Là ai nào trong số ba người ấy…
Khi nói về những người “đứng nhìn” không dám đến gần hơn (Lc 23,35), Đức Thánh Cha suy niệm rằng: “Trong những hoàn cảnh sống và trong những mong chờ dang dở, chúng ta cũng có thể bị cám dỗ giữ khoảng cách với vương quyền của Chúa Giê-su, không hoàn toàn chấp nhận sự ô nhục nơi tình yêu khiêm nhường của Ngài, tình yêu ấy làm đảo lộn và quấy rầy chúng ta.”
Thậm chí có những lúc chúng ta cảm thấy bị cám dỗ để giữ khoảng cách, Đức Thánh Cha giải thích: “Tuy nhiên, dù những người thánh thiện có Chúa Giê-su như vua của họ, vẫn được mời gọi đi theo tình yêu thật sự của Ngài. Họ được mời gọi tự vấn chính mình mỗi ngày: “Tình yêu mời gọi tôi điều gì, nó thôi thúc tôi đến nơi nao? Tôi đang trao cho Chúa Giê-su lời đáp trả nào?”
Chuyển sang nhóm người thứ hai, bao gồm nhiều cá nhân, những nhà lãnh đạo, những cận vệ và một tên gian phi, những người đã sỉ nhục và nói với Ngài “Hãy tự cứu lấy mình đi.” Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng khi nói ‘Hãy tự cứu mình đi’ là họ đang sa vào một chước cám dỗ khủng khiếp, trong việc cố gắng thách thức Chúa Giê-su, giống như tên quỷ đã làm trong phần đầu của sách Tin Mừng (Lc 4,1-13).
Đức Thánh Cha nói, “cám dỗ này là sự tấn công trực tiếp vào tình yêu: ‘hãy tự cứu lấy mình’ nghĩa là không phải cứu người khác, mà là cứu chính mình. Ngài tiếp tục cứu người khác, đúng hơn là yêu họ; Ngài đã tha thứ, đã sống thời khắc thử thách ấy theo thánh ý của Chúa Cha và chắc chắn rằng tình yêu đó sẽ sinh hoa trái.”
Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót này mời gọi chúng ta khám phá ra trọng tâm và quay trở về với những gì là chính yếu.
Từ bỏ những thói quen đó…
 “Thương xót, đưa chúng ta vào trọng tâm của Tin Mừng, thôi thúc chúng ta từ bỏ những thói quen và những thực hành có thể cản trở việc phục vụ Nước Thiên Chúa; lòng thương xót thôi thúc chúng ta chỉ hướng chính mình vào vương quyền trường tồn và khiêm nhường của Chúa Giê-su, không phải trong sự quỵ lụy vào những vương quyền tạm bợ và những thế lực đổi thay của mọi thời.”
Đức Thánh Cha ca ngợi đức tin của tên trộm lành – hình ảnh thứ ba trong bài giảng – người đã xin Chúa Giê-su nhớ đến anh trong Nước của Ngài. “Anh ta đã không đóng lòng mình lại, nhưng đúng hơn, với những tội lỗi, sai lầm và phiền toái của mình, anh đã hướng về Chúa Giê-su, và kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa: ‘Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng’, và chúng ta được mời gọi để làm điều tương tự.”
Khi giữ kinh nghiệm này trong lòng, Đức Thánh Cha kêu gọi những người đang hiện diện khẩn cầu ơn “không bao giờ đóng những cánh cửa giao hòa và tha thứ, để biết cách vượt qua sự dữ và những sự khác biệt; và ơn mở ra với mọi khả thể cho hy vọng.”Cùng với việc nhận ra rằng “bởi vì Thiên Chúa tin tưởng chúng ta, điều đó hoàn toàn vượt qua bất cứ phần thưởng nào mà chúng ta có được, nên chúng ta cũng được mời gọi để loan truyền niềm hy vọng và trao ban cơ hội cho những người khác.”
Trái tim của Chúa Ki-tô vẫn rộng mở, thậm chí nếu cửa năm thánh đã đóng lại
 “Vì dù cửa năm thánh đóng lại, cánh cửa thật sự của lòng thương xót, là Trái Tim của Chúa Ki-tô vẫn rộng mở cho chúng ta. Từ nương long bị đâm thâm của Đấng đã Phục Sinh cho đến thời viên mãn, cánh cửa ấy vẫn tuôn đổ lòng thương xót, niềm an ủi và sự hy vọng.”
Đức Thánh Cha kết luận bằng cách nhắc nhở chúng ta hằng tín thác vào Đức Ma-ri-a, Mẹ của lòng thương xót, vì “mọi hoàn cảnh chúng ta gặp phải, mọi lời cầu nguyện chúng ta thực hiện, khi được dâng lên cho ánh mắt xót thương của Thiên Chúa, Mẹ sẽ tìm thấy câu trả lời cho chúng ta.”
Minh Trị S.J

Đức Thánh Cha Phanxicô: Tất cả các linh mục sẽ có thể tha tội phá thai

Đức Thánh Cha làm cả thế giới bất ngờ một lần nữa với tông thư “Misericordia et Misera” (Lòng Thương Xót và Sự Đau Khổ) được ban tổ chức Năm Thánh trình bày vào thứ hai.
Với tài liệu này, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhấn mạnh rằng mặc dù Cánh Cửa Năm Thánh đã được đóng lại, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn mở cửa cho tất cả.

ĐỨC ÔNG RINO FISICHELLA
Ban tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót
“Trong tài liệu này, Đức Thánh Cha soi đường cho tương lai của Giáo Hội, vì thế nó có thể là một khí cụ của lòng thương xót cho tất cả, không trừ một ai.”
Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng ngài sẽ đưa ra một tình trạng thường xuyên với một số các quy định mà ngài đã thiết lập cho Năm Thánh Lòng Thương Xót. Một trong những quy định đó là tất cả các linh mục có thể tha tội phá thai trong suốt thời gian của Năm Thánh. Hiện nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định kéo dài khoản luật này vô thời hạn.

ĐỨC ÔNG RINO FISICHELLA
Ban tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót
“[Trước đây,] Các Giám Mục có thể trao năng quyền tha tội này cho một số linh mục nhất định. Tài liệu này cho phép tất cả các linh mục để làm điều đó, mà không cần sự cho phép của giám mục.”
Các nhà tổ chức Năm Thánh công bố những thông số cuối cùng của Năm Thánh. Họ ước tính có khoảng 700 triệu người hành hương đã đi qua Cửa Thánh trên toàn thế giới. Tại Rome, có khoảng 21 triệu người hành hương, 22 triệu tại Guadalupe, và 5 triệu tại Krakow, nơi lòng sùng kính Lòng Thương Xót Chúa được khai sinh.

Chuyển ngữ: Trần Đỉnh, SJ
Nguồn: Romereports.com