Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 14/11/2016

Filled under:


“XIN  DỦ  LÒNG THƯƠNG TÔI”
“Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường…. Anh liền kêu lên rằng: “Lạy Ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” (Lc 19,35.38)
Suy niệm: Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót vừa bế mạc tại giáo phận, nhưng lời kêu cứu của anh mù ở Giê-ri-khô vẫn còn vang vọng thống thiết trong thế giới hôm nay, nơi những mảnh đời đau khổ, bất hạnh quanh chúng ta. Đau đớn thay, những tiếng kêu thương ấy: “Xin dủ lòng thương tôi” lắm khi không được nhận biết, bởi vì người ta bịt tai, ngoảnh mặt, hay tệ hơn nữa, vì bị lấn át bởi sự ồn ào của đám đông, bị bóp nghẹt bởi mọi hình thức ngăn cản. Chúa Giê-su luôn đứng về phía những người đau khổ, bé mọn; Ngài truyền dẫn anh mù đến với Ngài để được chữa lành, để nhìn thấy ánh sáng, để nhận biết Ngài là Ánh Sáng thật cho trần gian.
Mời Bạn: Bạn ơi! Có khi nào bạn trở thành “kỳ đà cản mũi,” thành chướng ngại vật ngăn cản người khác đến với Ánh Sáng thật không? Bạn nài xin Chúa dủ lòng thương xót, nhưng đồng thời bạn cũng được mời gọi để chuyển thông lòng thương xót của Chúa đến cho anh em, những người đang cần đến lòng thương xót của Ngài. Mời bạn mở tai để nghe được những tiếng kêu cầu; mở mắt để nhận ra những bàn tay van nài lòng thương xót; và nhất là mời bạn mở tay ra để làm một việc gì đó góp phần làm nhẹ đi, xoa dịu đi những nỗi đau mà người anh em mình đang gánh chịu.
Sống Lời Chúa: Có lòng thương xót là biết ước ao điều tốt nhất cho anh em, và biết cảm thương khi họ không được hưởng điều tốt đẹp đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, “xin dủ lòng thương chúng con”. Amen. 


THÁNH ANRÊ AVELLINÔ
(1591-1680)
Thánh Anrê Avellinô sinh trưởng tại thành phố Napôli. Thuở thiếu thời, Avellinô đã có một lòng đạo đức và trí thông minh tuyệt vời. Lòng đạo đức và khả năng trí tuệ siêu quần ấy được thử luyện và trau dồi trong trường đời cam go nguy hiểm, khiến cho Avellinô càng cứng cáp và từng trải hơn. Thật vậy, suốt cuộc đời thiếu niên, Avellinô duy trì được đức tin trong sạch và tâm hồn đạo đức trung kiên, dầu sống giữa phong ba và bão táp cuộc đời, thật là một hạnh phúc lớn lao cho những ai sống cuộc đời trong trắng và tuân giữ luật Chúa như lời Kinh Thánh đã ghi. Sau những năm trau dồi đèn sách, nhờ khả năng đạo đức và trí tuệ thông minh, Avellinô được tuyển chọn và kêu gọi lên lĩnh chức thánh. Với trí thông minh, sâu sắc về luật pháp, kèm theo tài hùng biện, Avellinô đã cố ý chọn nghề trạng sư một thời gian phục vụ nhân loại đúng với khả năng Chúa ban.
Nhưng một biến cố bất ngờ xảy đến cho Avellinô, trong khi thi hành chức vụ làm cho ông phải hối hận và ghê sợ: Đó là một câu nói dối mà ông đã trót phạm phải! Tuy không là một trọng tội, việc đó cũng làm ông xấu hổ. Và nhờ ơn Chúa hoạt động, ông tức khắc từ bỏ nghề trạng sư hiến thân cho các linh hồn.
Ít lâu sau, Avellinô vào dòng và mang thánh hiệu Anrê. Ngài có lòng sùng kính thánh giá cách đặc biệt. Kể từ đó Avellinô là một tông đồ nhiệt thành. Thiên Chúa đã ban thưởng lòng nhiệt thành đó bằng việc cho xuất hiện những sự kiện lạ lùng nơi thánh nhân. Một đêm kia, sau khi giúp giải tội cho kẻ liệt, trên đường về trong đêm khuya u tịch, bỗng một trận cuồng phong nổi lên, cơn mưa tầm tã tiếp theo làm tắt ngọn đuốc soi đường của cha. Dầu vậy, cha và các bạn đồng hành của cha vẫn an toàn, không bị thấm một giọt nước lạnh, hơn nữa, một luồng ánh sáng lạ xuất hiện dẫn đường cho mọi người về tới nhà bình an vô sự.
Một lần khác, đang khi thánh nhân đọc kinh nhật tụng trong nhà nguyện, các thiên thần đến cùng chung với thánh nhân hát bài ca ngợi Thiên Chúa. Ơn Chúa tràn ngập tâm hồn thánh nhân và trợ lực cho ngài cách riêng trong những lúc ban hành bí tích giải tội và hướng dẫn các linh hồn. Hai nhân đức chói sáng nhất trong việc thi hành nhiệm vụ ấy được biểu dương một cách rõ rệt, đó là lòng nhiệt thành thánh thiện và đức khôn ngoan siêu việt. Thiên Chúa thường soi sáng cho ngài thấu hiểu những sự bí nhiệm của tâm hồn tội nhân, và đoán trước những chuyện tương lai.
Trong suốt cuộc đời, thánh Avellinô đã cố gắng thiết lập thêm nhiều nhà dòng, nỗ lực hoạt động thánh hóa hàng giáo sĩ, xây dựng nhiều công trình hữu ích cho các linh hồn. Thiên Chúa chúc lành trên mọi công việc đã được thực hiện vì vinh danh Người.
Thánh nhân sống đến năm 88 tuổi thì bị chứng trúng phong, không thể nói được. Trong thời gian chịu bệnh, thánh nhân chỉ rước Thánh Thể làm lương thực nuôi sống cuộc đời thánh thiện.
Lúc sắp từ giã cõi đời, để vào cuộc sống vĩnh cửu đầy hoan lạc, thánh nhân còn phải chịu một thử thách cuối cùng.  Chiến đấu với ma quỷ, chúng mặc lốt một hình thú dị kỳ, quái đản, hăm dọa kéo ngài xuống hỏa ngục. Nhưng Đức  Trinh Nữ Maria, người Mẹ mà ngài yêu quý nhất đời, và luôn luôn cầu nguyện đã cứu giúp ngài thoát cơn cám dỗ nguy hiểm.
Thánh nhân trở lại yên tĩnh và thở hơi cuối cùng trong trạng thái đang lúc mắt đăm đăm nhìn ảnh Đức Mẹ một cách trìu mến.
Từ xưa, các giáo hữu thường xin thánh Avellinô phù trợ cho khỏi phải chết bất ngờ và được nhận lãnh cái chết êm dịu an bình của người kitô hữu.

Tôi Tiếp Tục Cuộc Chơi!

Mới đây, tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1,200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được đặt như sau: "Nếu bạn chỉ còn một ngày nữa để sống, bạn sẽ làm gì?". Kết quả của cuộc thăm dò được phân chia như sau:
- 57% những người được phỏng vấn trả lời rằng họ sẽ sống ngày cuối cùng với gia đình. 12% muốn ở một mình hoặc với bạn bè.
- 26% người đàn ông được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình. 42% khác thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè.
- 32% đàn ông lẫn đàn bà muốn được sống với gia đình trong những giây phút cuối đời.
- 6% người đàn ông muốn được sống bên vợ...
Trên đây có lẽ chỉ là những con số không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi ngườị Nhưng xuyên qua kết quả đó, chúng ta cũng có thể đọc được một thái độ chung của con người khi đứng trước sự chết: đó là sự cô đơn...
Cái chết là một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng tạ Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra cho bạn giây phút này đây, bạn sẽ làm gì?
Có lẽ chúng ta còn nhớ chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết...
Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: nếu ngay bây giờ, chúng con biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì?
Một số trả lời rằng sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành v.v... Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời: "Nếu trong giây lát tôi có chết, tôi cũng sẽ tiếp tục cuộc chơi".
Có lẽ đó là câu trả lời làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bẩn phận, thì việc thánh hóa trước tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày.
Nếu chúng tabiết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng giây phút... thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ đó. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại, sẽ không phải hãi sợ trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết.
Chúng ta đang cầu cho các đẳng linh hồn. Giáo Hội kêu mời chúng ta dâng các việc đạo đức và hy sinh để cầu cho họ. Ðó là những việc làm không thể thiếu sót trong nghĩa vụ liên đới của người Kitô. Nhưng còn có một việc làm khác không kém giá trị: đó là sự trung thành của chúng ta trong những bổn phận hằng ngày. Người có niềm tin trưởng thành thực sự, luôn nhìn thấy ý nghĩa và giá trị của những bổn phận vô danh và nhàm chán hằng ngày...