Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

SUY NIỆM CHÚA NHẬT - NGÀY 6-11-2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 20: 27-38)

27 Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại.28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.30 Người thứ hai,31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào.32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết.33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? "34 Đức Giê-su đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."
 

SUY NIỆM 1


Ngày nay cũng còn có rất nhiều người tin rằng xác con người sẽ không sống lại sau khi đã chết như nhóm Xa- đốc thời Chúa Giêsu. Đối với những người không tin có sự sống lại, đã khẳng định rằng, sau khi chết thân xác con ngừoi bị phân huỷ hoàn toàn, ngay sau khi chết, hệ thống miễn dịch ngưng hoặc động, khiến vi khuẩn tự do lan ra khắp cơ thể, và trong quá trình phân huỷ đó, cơ thể trở thành hệ sinh thái của vi khuẩn, côn trùng và các loài ăn xác. Toàn bộ quy trình này tạo nên một ‘đảo thi thể phân huỷ’ - một khu vực đất đai màu mỡ. Thân xác không còn dấu tích của sự sống làm sao mà sống lại. Nhất là ngày nay, không còn nơi để chôn cất, phần nhiều thi thể được đem di hoả táng, còn gì làm mầm mống của sự sống để mà sống lại!

Với tư duy như thế, những người không tin có sự sống lại hình thành một cuộc sống vô thần, họ không chấp nhận bất cứ một sự hiện hữu nào của thần thánh, đối với họ, thầnh thánh không ai khác ngoài chính họ, vì thế nơi họ xuất hiện một cuộc sống hưởng thụ ích kỷ, chỉ lo tim khoái lạc cho chính mình, trái tim họ dần trở nên chai cứng và vô cảm. Có thể nói, thái độ chối bỏ niềm tin vào sự sống lại đã đảy đưa cuộc sống đến bên bờ vực thẳm của bất hạnh. Thật vậy, hơn bao giờ hết người ta cảm thấy cuộc sống sao đầy lo âu và bất an bởi những tệ nạn xã hội tràn lan chẳng hạn trộm cướp, cờ bạc, đĩ điếm, xì ke ma tuý, nạn buôn bán nội tạng con người, sự gian dối trong học đường, cuộc sống luôn bị đe dạo bởi thực phẩm không còn vệ sinh an toàn….

Thiên Chúa tạo thành con người để con người được sống và được hưởng hanh phúc, vì vậy, với tình yêu khôn tả, Thiên Chúa đã ra tay cứu giúp để đưa con người ra khỏi sự chết bằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thật vậy, khi đưa con người vào trong hiện hữu, chính là vì muốn con người được dự phần vào sự sống với Chúa. Vì thế, sự hiện hữu của con ngừoi được bắt nguồn từ một tình yêu trọng đại, bởi đó Thiên Chúa không thể nào để cho con người ra hư hoại, ngược lại Ngài bảo tồn và làm cho con ngừơi được đạt tới sự sống đích thực nhờ vào bửu huyết của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập thể.

Vì thế, tin vào sự sống lại chính là tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Và chỉ có niềm tin đó mới thực sự mang lại niềm hy vọng lớn lao cho cuộc sống hôm nay.  Chỉ có niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, con người mới tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Nếu cuộc sống nầy qua đi như bao thụ tác khác  thì quả thật cuộc sống là một ác mộng, và có lẽ nào Thiên Chua lại tạo ra một thế giới loài người để họ bị tiêu vong và Ngài lại vui thú vì sự tiêu vong này?  Đức Kitô đã minh định: Thiên Chúa là Chúa kẻ sống chứ không phải Chúa của kẻ chết, vi Ngài hằng sống. Vì sự sống lại này mà Thánh Phaolô đã không mệt mỏi loan báo về sự Phục sinh của Chúa Kitô:  khôn: “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy.Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.(1 Cor 15, 13-14. 16-19).

Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa vì hồng ân Đức tin Chúa đã tặng ban, để nhờ đó mà chúng con có thể được dự phần vào sự sống lại mà Chúa Kitô đã sắm sẵn cho chúng conb. Xin cho chúng con noi gương thánh Phaolô luôn làm chứng cho niềm tin về sự sống lại bằng chính đời sống phục vụ yêu thương của chúng con. Amen

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


SUY NIỆM 2

Thánh Gioan đã minh định: Thiên Chúa Là tình yêu (1Ga 4,16), và như thế thánh nhân một cách nào đó cũng muốn nói: Thiên Chúa là Đấng hằng sống và là nguồn mạch của sự sống, bởi sự sống bắt nguồn từ tình yêu, và chính tình yêu mới làm cho sự sống được tuôn trào.

Trong công trình tạo dựng, Chúa tạo thành các loài thụ tạo chỉ bằng một lời phán ra, nhưng với con ngừơi, Thiên Chúa tạo dựng bằng chính “đôi bàn tay” của Ngài, điều đó tác giả Thánh Kinh muốn khẳng định: chính Thiên Chúa đưa con người vào hiện nhữu bằng trọn cả “khối óc và con tim của Ngài”, hay nói cách khác bằng một tình yêu khôn tả, vì thế, sự sống được trao ban cho con người mang lấy sự sống của Thiên Chúa và được trở nên “giống hình ảnh Ngài”(St 1, 27).

Vì là hoa trái của tình yêu, nên con người được mời gọi dự phần vào vinh phúc của Thiên Chúa bao gồm sự sống và hạnh phúc. Thế nhưng, nói như thánh Phaolô: do tội lỗi đã xâm nhập vào trần gian, nó đã gây nên sự chết chóc, và sự chết đã lan tràn tới mọi người, vì mọi ngừoi đã phạm tội (x. Rm 5,12). Nhưng có lẽ nào Đấng toàn năng lại để cho Satan làm hỏng công trình tạo dựng, ngăn chận suối nguồn  tình yêu? Có lẽ nào Đấng là nguồn mạch sự sống lại để cho sự chểt chiếm đoạt lấy công trình sự sống của Ngài? Vì là tình yêu vĩnh hằng, nên không ai có thể làm cho suối nguồn tình yêu của Ngài cạn kiệt, cũng có nghĩa là không ai có thể tiêu huỷ được sự sống nơi công trình tạo dựng được trở nên “giống hình ảnh của Ngài”. Vì thế, Ngài phải ra tay hành động, dành lại sự sống cho con người. Bởi Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải là Chúa của kẻ chết.

Hành động dành lại sự sống cho con người Thiên Chúa cũng thực hiện theo bản tính tình yêu của Ngài. Quả thật, Ngài đã không dùng lời quyền năng để tiêu huỷ sự chết, nhưng Ngài thực hiện hành vi cứu chuộc con người bằng “trọn khối óc và con tim” như lúc khởi đầu mang con người vào hiện hữu trong thế gian. Có nghĩa là cứu chuộc bằng trọn tình yêu của Ngài, vì chỉ có tình yêu mới thực sự mang lại sự sống đích thật. Hành vi cứu chuộc đó đã được thực hiện qua Đức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Thiên Chúa, Đấng đã vì yêu nên tự hiến chính mình trên Thập giá làm giá cứu chuộc con người, và đã sống lại để phục hồi sự sống cho con người. Qua biến cố chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, sự chết đã bị tiêu huỷ, sự sống được tái tạo và trở thành niềm hy vọng lớn lao cho nhân loại, bởi ai tin vào Đức Giêsu Kitô thì thì có sự sống đời đời (Ga 3, 36). Đó là lời xác tín của chính Chúa Giêsu, bởi Người đã chết và đã phục sinh, và đó chính là căn nguyên của sự sống lại cho những ai tin vào Người.
 
Như vậy đức tin vào sự sống lại của chúng ta không là một chuyện hão huyền, nhưng đó chính là một thực tại, bởi nếu không có sự sống lại, chắc chắn không có sự hiện hữu của Thiên Chúa, và nếu không có sự hiện hữu của Ngài thì làm gì có vũ trụ và sự có mặt của chúng ta trên dương thế này. Việc chúng ta nỗ lực cổ võ cho “đạo làm người” hay “đạo làm con” đều nhắm tới niềm hy vọng vào sự sống lại mai sau.

Lạy Chúa, xin được cất tiếng ngợi ca tình Chúa yêu thương chúng con. Vâng, nhờ tình thương của Chúa mà chúng con hiện hữu, và cũng nhờ tình thương đó mà chúng con tồn tại. Xin cho chúng con luôn là dấu chỉ của sự sống lại qua những nụ cười trước nổi khổ đau, và vui lòng đón nhận Thập Giá như là cách thể biểu tỏ niềm hy vọng của sự sống lại sau này. Amen 

Lm. Antôn Hà Văn Minh



SUY NIỆM 3
Trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, thật là an ủi cho chúng ta, khi Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay :
Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng Người là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.
(c. 38)
Xin cho lời này của Đức Giê-su cũng cố niềm tin của chúng ta vào sự sống lại ; và ước gì niềm tin này đem lại ý nghĩa và hướng đi cho chúng ta trong cuộc đời chóng qua này, nhất là trong tương quan của chúng ta đối với những gì thuộc về đời này.
Và xin cho các linh hồn, nhất là linh hồn của những người thân yêu của chúng ta được Chúa thứ tha, thương xót và cho sống lại để cùng nhau xum họp và mãi mãi thuộc về Chúa, là Đấng hằng sống.

  1. Cầu nguyện cho các linh hồn và sự sống lại
Chúng ta đang ở vào tuần đầu tiên của tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời. Vì thế, thật là ý nghĩa, khi Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay củng cố niềm tin của chúng ta vào sự sống lại. Bởi lẽ, chính vì niềm tin vào sự sống lại mà chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Như chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính : « Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau ».
Và tất cả chúng ta những người đang có mặt trong Thánh Lễ này, dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng sẽ lần lượt qua đi với niềm hi vọng được sống lại với Chúa và với nhau. Vì thế, ngay hôm nay, khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta được mời gọi hướng về sự sống lại của chúng ta rồi, đã sống cho sự sống lại của chúng ta rồi, ngay khi còn đang sống trong cuộc đời chóng qua này.
Tuy nhiên cũng giống như những người thuộc nhóm Xa-đốc, không tin có sự sống lại, chúng ta cũng có những câu hỏi, những vấn nạn, những thắc mắc nan giải về sự sống lại, khiến cho niềm tin của chúng ta bị lung lay.

  1. Niềm hi vọng sống lại
Chắc chắn, mãi mãi chúng ta sẽ không hiểu hết được về sự sống lại, bởi vì đó là quyền năng sáng tạo và tái sáng tạo thuộc về kế hoạch cứu độ của riêng một mình Thiên Chúa. Tuy nhiên, cũng ta vẫn cứ tin, bởi vì tin thì không cần phải biết hết. Và thật bi đát cho loài người chúng ta, khi sống cuộc đời chóng qua này mà không có niềm hi vọng sống mãi.
Thật vậy, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, nên chúng ta tự trong cõi lòng, dù ý thức hay không ý thức, luôn khao khát được hằng sống. Và thật là bất hạnh cho chúng ta, khi khao khát mà không được ban tặng, không được làm cho no thỏa. Và Đức Giê-su, phát xuất từ Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ngài đến để xác chuẩn cho chúng ta về lời đáp của Thiên Chúa, là sẽ ban tặng sự sống đời đời của Thiên Chúa cho chúng ta : « Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống » (Ga 11, 25). Và đó là lí do, chúng ta luôn cầu nguyện cho các linh hồn ; và chính chúng ta một ngày nào đó, cũng sẽ được cầu nguyện như thế.
Hơn nữa, loài người chúng ta luôn khao khát sự sống đời đời, nhất là khi thương yêu nhau : khi thương yêu nhau, chúng ta luôn ước ao thương yêu nhau mãi, và để thương yêu nhau mãi, thì phải sống mãi. Bởi vì tình thương phát xuất từ Thiên Chúa hằng sống và hướng về Thiên Chúa hằng sống. Tình thương tự bản chất hướng về vô biên và sẽ tồn tại mãi mãi, như Thánh Phaolo nói : « Lòng mến không bao giờ mất được » (1Cor 13, 8). Bởi vì Thiên Chúa là lòng mến, là tình thương.
Ngoài ra, niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống và ơn huệ sống lại, sẽ làm cho chúng ta được bình an và tự do đối với sự sống này và những gì thuộc về sự sống này, đó là của cải, tiện nghi vật chất, sức khỏe, vẻ bề ngoài, thành công, danh vọng. Niềm tin vào sự sống lại giúp chúng ta tương đối hóa những điều này và không biến những điều này thành cùng đích, thành chủ nhân, thành ngẫu tượng. Như bài đọc 1, trích sách Ma-ca-bê, quyển thứ hai, kể lại cho chúng ta : bảy anh em và cả người mẹ nữa, sằn sàng chịu chết, nghĩa là từ bỏ hết tất cả, kể cả mạng sống mình, chứ không vi phạm luật của Chúa truyền, vì tin vào tình thương của Chúa và ơn huệ Chúa sẽ ban tặng là sự sống lại.
Cuối cùng, cuộc đời này có rất nhiều người bất hạnh do số phận, sinh ra đã bệnh tật hay tật nguyền, hay bất hạnh do thiên tai, như ở miền Trung trong những ngày này, có những em bé bị giết hại khi chưa được sinh ra, có những con người hi sinh đời mình để sống cho Chúa và cho người khác, trong đời tu cũng như trong đời sống gia đình. Vì thế, chúng ta tin mạnh mẽ rằng, Chúa sẽ an ủi mãi mãi những người này một cách quảng đại và nhưng không.

  1. « Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết »
Chúng ta hãy trở lại với Lời Chúa trong bài Tin Mừng, để lắng nghe và cố gắng hiểu câu trà lời của chính Đức Giê-su về sự sống lại. Chắc hẳn, chúng ta cũng có những thắc mắc liên quan đến sự sống đời sau và sự sống lại, tương tự như những người thuộc nhóm Xa-đốc. Tuy nhiên trong đức tin, chúng ta được mời gọi vượt qua lòng ham muốn biết tất cả, để nói như thánh I-nhã qua miệng cha Karl Rahner : « Hãy thả mình vào trong cung lòng của Thiên Chúa » một cách vô điều kiện. Và đó chính là lời gọi mà chúng ta có thể nghe ra được trong câu trả lời của Đức Giê-su.
Theo Đức Giê-su, niềm tin phục sinh của chúng ta được đặt nền tảng tận cùng ở trên chính bản tính của Thiên Chúa, đó là bản tính hằng sống ; và vì Ngài là hằng sống, nên Ngài tình yêu của Ngài cũng sẽ là muôn đời, là mãi mãi ; như Tv 136 tuyên xưng :
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Thế mà Thiên Chúa là tình yêu, nên tình yêu của Chúa không thể là vắn vỏi, không thể là chóng qua. Do đó, chúng ta tin mạnh mẽ rằng, chính tình yêu muôn đời của Thiên Chúa hằng sống làm cho chúng ta được sống lại và sống mãi, cho dù chúng ta có phải chết. Bởi vì, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, đang yêu thương chúng ta và sẽ yêu thương mãi mãi. Như chính Đức Giê-su nói một cách rất mạnh mẽ và thuyết phục về sự sống lại : « Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng Người là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống ».
*  *  *
Trong Thánh Lễ, sau khi truyền phép, chúng ta tuyên xưng : « Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến ». Ước gì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô chết và phục sinh trở thành lẽ sống và niềm hi vọng của chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời này.
Giuse Nguyễn Văn Lộc