Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Sa hỏa ngục đời đời có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa

Filled under:

Khi chọn lựa rời xa Thiên Chúa mãi mãi, thì có nghĩa là sa hỏa ngục đời đời. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha cảnh báo: đừng bao giờ nói chuyện với ma quỷ vì nó chuyên lừa dối con người, nhưng hãy để lòng khiêm tốn mà chuẩn bị gặp Chúa trong ngày Phán Xét.
PopeFrancis-25Nov2016-01.jpg

Trong hai ngày cuối của Năm Phụng Vụ, Hội Thánh tiếp tục mời gọi các tín hữu suy tư về ngày cánh chung. Đức Thánh Cha diễn giải khởi đi từ bài đọc trích sách Khải Huyền. Cuộc Phán Xét sẽ như thế nào? Chúng ta muốn gặp Chúa Giêsu trong ngày ấy như thế nào?

Thần dữ luôn quyến rũ bạn để phá hoại cuộc đời bạn, đừng bao giờ nói chuyện với nó

Kẻ đầu tiên bị phán xét là “con rồng” được nói tới trong sách Khải Huyền, tức là ma quỷ. Thiên thần từ trời xuống, bắt lấy nó, trói nó lại và ném xuống vực thẳm, vì nó chuyên lừa dối người ta, vì nó là kẻ lừa dối. Nó còn là cha của sự dối trá. Nó tạo ra những gian dối. Nó làm cho bạn tin rằng, nếu ăn trái táo này thì sẽ nên giống Thiên Chúa. Nhưng kì thực, nó hủy hoại cuộc sống của bạn. “Nhưng, lạy Cha, làm thế nào để chúng con không bị ma quỷ lừa gạt?” Chúa Giêsu dạy chúng ta: không bao giờ nói chuyện với ma quỷ. Chúa Giêsu làm gì với ma quỷ? Người đuổi nó đi, hỏi tên nó nhưng không nói chuyện với nó.

Ngay cả trong sa mạc, khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu không tự dựa vào lời của riêng bản thân mình vì Người ý thức về những hiểm nguy. Trong ba câu trả lời, Chúa Giêsu đều nại tới Lời Thiên Chúa, Lời Kinh Thánh. Vì tên cám dỗ đang tìm cách tiêu diệt chúng ta.

Bài đọc trích sách Khải Huyền kể tiếp về những linh hồn các vị tử đạo. Đó là những người khiêm nhường và làm chứng cho Chúa Giêsu. Họ không chiều theo tên cám dỗ và những kẻ ăn theo, không thờ lạy nó để được tiền bạc, danh vọng xã hội, phù vân và những gì mà cuộc sống ấy mang lại.

Sa hỏa ngục có nghĩa là xa cách Thiên Chúa mãi mãi

Chúa sẽ phán xét kẻ lớn cũng như người nhỏ, và những ai đáng bị nguyền rủa sẽ bị ném vào hồ lửa. Đây là cái chết lần hai. Trầm luân đời đời, không có nghĩa là tra tấn, mà có nghĩa là mãi mãi xa cách Thiên Chúa. Những người bị kết án như thế, là người không được nhận vào Nước Thiên Chúa, vì họ không đến gần Thiên Chúa. Họ luôn đi trên con đường riêng của họ. Họ luôn ở xa đường lối Thiên Chúa. Họ khuất mặt Thiên Chúa và đi khỏi ánh sáng để vào trong tối tăm.

Sa hỏa ngục đời đời, có nghĩa là tiếp tục rời xa Thiên Chúa, có nghĩa là vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ban hạnh phúc, là Đấng yêu thương chúng ta quá nhiều. Thế mà, khi phải xa cách Ngài mãi mãi, thì đó chính là hình phạt đời đời. Thế nhưng, hình ảnh cuối trong bài đọc trích sách Khải Huyền mở ra niềm hy vọng.

Hãy khiêm tốn mở tâm hồn đón Chúa Giêsu vì Người sẽ ban ơn cứu độ

Nếu chúng ta mở rộng cõi lòng, như Chúa Giêsu mời gọi, nếu chúng ta không còn đi theo đường lối của riêng mình, thì chúng ta sẽ có niềm vui ơn cứu độ. Đó là trời mới đất mới mà sách Khải Huyền nói tới. Không kiêu căng nhưng với đầy hy vọng, bạn hãy đón nhận sự quan tâm và ơn tha thứ từ Chúa Giêsu.

Niềm hy vọng mở rộng tâm hồn để gặp gỡ Chúa Giêsu. Đây là điều chúng ta chờ đợi: Gặp gỡ Chúa Giêsu. Điều này thật đẹp, rất đẹp! Người chỉ cần chúng ta khiêm tốn nói: “Chúa ơi!” Người chỉ cần ngần ấy thôi, phần còn lại Người sẽ làm.



(Tứ Quyết SJ, RadioVaticana 25.11.2016)

Xin giảng ngắn bớt, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắn nhủ các linh mục
 
Trong khi cử hành nghi thức tấn phong tân giám mục, Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyến khích các linh mục hãy dùng những lời lẽ đơn giản khi giảng dạy, và hãy rút gọn bớt bài giảng của mình trong thánh lễ ngày chúa nhật.
Đức Phanxicô thúc  các linh mục hãy nghĩ lại về thời thơ ấu của mình, và nhớ xem giáo dân mừng thế nào khi các linh mục giảng những bài ngắn gọn.
‘Hãy nhớ cha của các cha, và thấy ông hạnh phúc thế nào khi biết có một linh mục gần đó cử hành thánh lễ mà không có bài giảng!’
Các bài giảng phải là sự thông truyền ơn Chúa,
và phải đơn sơ để tất cả mọi người đều hiểu được,
và khi ra về ai cũng mang theo một khát khao muốn sống tốt hơn.’
Các bài giảng ngắn gọn cũng là chủ đề mà Đức Phanxicô đã lặp lại nhiều lần.
Tháng 4 năm ngoái, Đức Giáo hoàng truyền chức cho 19 linh mục, và thúc giục họ hãy phục vụ hơn là điều hành đàn chiên, và hãy cho dân Chúa của ăn với những bài giảng từ trái tim hơn là những bài thuyết đáng chán.
‘Hãy để bài giảng là nguồn nuôi dưỡng Dân Chúa,
để cho bài giảng của các cha không đáng chán,
để cho bài giảng của các cha vươn đến tâm hồn mọi người,
bởi bài giảng đó xuất phát từ tâm hồn các cha,
bởi các cha nói ra những gì các cha mang trong tim mình.’

Đức Giáo hoàng cũng thúc giục các tân linh mục hãy thực hành những gì mình giảng, để làm gương lành, làm chứng cho sự thật trong những lời mình nói.
‘Một gương lành làm cho mọi người phấn chấn,
lời nói mà không có hành động thì là những lời vô nghĩa,
chúng là những khái niệm không bao giờ đến được tâm hồn mọi người,
và sẽ gây hại hơn là tốt.’
Trong thánh lễ ngày thường ở Nhà nguyện nhà trọ thánh Marta, nơi ngài sống,
Đức Giáo hoàng Phanxicô thường giảng các bài ngắn gọn,
không bao giờ vượt quá 10 phút, và thường là ngắn hơn nhiều.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch


Đức Thánh Cha kêu gọi tôn trọng phẩm giá người nghiện ma túy


VATICAN. ĐTC kêu gọi tôn trọng phẩm giá của người nghiện ma túy để có thể giúp họ được chữa lành và phục vụ.
PopeFrancis-24Nov2016-18.jpg

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 24-11-2016, dành cho 60 tham dự viên Hội nghị quốc tế về ma túy tiến hành tại Vatican trong hai ngày 23 và 24-11 với chủ đề: ”Các ma túy: những khó khăn và giải pháp cho vấn đề này của thế giới”. Hội nghị do Hàn lâm viện của Tòa Thánh về các khoa học tổ chức.

 Lên tiếng trong dịp này, ĐTC xác nhận ma túy là một vết thương trong xã hội chúng ta.. Nó làm cho các nạn nhân mất tự do và trở thành nạn nhân của hình thức nô lệ mới này.

 Sau khi nhắc đến nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều người nghiện ma túy, ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Chúng ta không thể rơi vào tình trạng bất công khi xếp loại những người nghiện ma túy như thể họ là những đồ vật hoặc những gì bị đổ vỡ, trái lại mỗi người cần được đề cao giá trị và quí chuộng trong phẩm giá của họ để có thể được chữa lành. Hơn bao giờ hết, họ tiếp tục có một phẩm giá trong tư cách là ngừơi và là con của Thiên Chúa”.

 ĐTC cũng khẳng định rằng điều quan trọng là biết rõ tầm mức của vấn đề ma túy, nhất là rất nhiều trung tâm sản xuất và phân phối ma túy. Chúng ta biết đó là một phần quan trọng của các tổ chức tội phạm, nhưng cần phải biết rõ cách kiểm soát các mạng tham nhũng, và những hình thức rửa tiền. Để được vậy, không có con đường nào khác là đi ngược lên hệ thống này, từ việc buôn bán ma túy ở hạ tầng cho đến những hình thức tinh vi nhất trong việc rửa tiền, ẩn nấp trong tư bản tài chánh và các ngân hàng chuyên rửa tiền bẩn”.

 ĐTC không quên nhắc đến vai trò của gia đình, của giáo dục và nói rằng: ”Điều chắc chắn là để ngăn cản nhu cầu tiêu thụ ma túy, cần thực hiện những cố gắng lớn và thi hành các chương trình rộng lớn về mặt xã hội, hương đến sức khỏe, sự hỗ trợ của gia đình, và nhất là giáo dục mà tôi cho là cơ bản. Việc huấn luyện nhân bản toàn diện là điều ưu tiên, nó mang lại cho con người khả năng có những phương thế phân định, nhờ đó họ có thể thẩm định những khả thể khác nhau và có thể giúp đỡ người khác”.

 Theo ĐTC, mặc dù phòng ngừa là con đường ưu tiên, nhưng điều quan trọng không kém đó là hoạt động để phục hồi toàn diện và chắc chắn cho các nạn nhân trong xã hội, để trả lại cho họ sự vui tươi, và giúp họ tìm lại được phẩm giá mà họ đã đánh mất. (SD 24-11-2016)

PopeFrancis-24Nov2016-16.jpg