Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Suy Niệm Phúc Âm CN XVIII TN C

Filled under:

CN XVIII  THƯỜNG NIÊN C  (Lc 12,13-21)

1. Bài Đọc
            Có người (1) trong đám đông nói với Chúa Giêsu rằng: Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi’. Người đáp: Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?’. Và Người nói với họ:Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu’.
            Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’. Rồi ông ta tự bảo: Mình sẽ làm thế này: Phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’. Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’. Ấy kẻ nào thu tích tài sản cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

2. Chú Thích
            (1) Có người: Trên đường truyền giáo, sau bài giảng cho các môn đệ và nhiều người khác, về công khai truyền giảng và đừng sợ, có người đến hỏi Chúa Giêsu, như bài Phúc Âm tường thuật.

3. Suy Niệm
            (1) Xưa nay có nhiều người lo tích trữ tài sản cho con cháu, vì thương dòng họ, và kể như mình có trách nhiệm đối với tương lai con cháu của mình. Cũng vì đó, có nhiều người con nhà giàu không lo học hành, không biết nghề nghiệp, chỉ tin vào gia tài, tiêu phí đến khánh kiệt, trở nên nghèo nàn. Ngày nay, có chế độ đánh thuế rất nặng về gia tài, hay là cấm hẳn không ai được để gia tài lại cho con cháu. Vì theo nguyên tắc, ai cũng phải lao động sản xuất để sinh sống và giúp cho đồng bào xã hội; tiền bạc hay vật liệu không phải của riêng ai, dù con sinh ra cũng không phải của riêng cha mẹ, tất cả đều là của chung quốc gia, có chính quyền đảm nhiệm lo cho mỗi người được cơm no áo ấm, rồi đi đến ngày cơm ngon áo đẹp. Có thể hiểu lời Chúa Giêsu phán không ủng hộ việc chia gia tài, không muốn cho ai ngồi mát ăn bát vàng, Thiên Chúa muốn cho ai cũng phải lao động sản xuất, học hành cho có nghề nghiệp, tùy theo khả năng và địa vị của mỗi người giúp đỡ nhau và tôn trọng nhau. Thiên Chúa không đi vào chi tiết tổ chức chính trị và xã hội, để tùy khôn ngoan hiểu biết của những người có trách nhiệm, miễn làm thế nào cho khỏi có điều gì trái với bác ái và công bình, không ai được áp bức bóc lột kẻ khác, dưới hình thức này hay hình thức khác; cũng đừng để cho ai phải đau khổ về vật chất hay tinh thần. Đừng có tham lam tiền bạc, rõ ràng tài sản không bảo đảm được đời sống và hạnh phúc của con người. Dù về phần cơ thể vật chất, nhiều khi chính sự giàu có gây nên bệnh tật, huống nữa là về phần đạo đức tinh thần.

            (2) Nhân nói về tài sản, muốn dạy khôn ngoan, Chúa Giêsu đã kể một ví dụ cụ thể. Theo thường, người ta vẫn tưởng khôn ngoan là tích trữ thóc lúa và tiền bạc, nhiều chừng nào hay chừng ấy. Vẫn biết khôn ngoan là phải lo đến ngày tương lai, tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn’; nhưng cần phải hiểu lo thế nào mới là xứng đáng. Con người không phải chỉ có vật chất, lại còn có tinh thần. Dù vật chất có phần quyết định, nghĩa là gây ảnh hưởng đến tinh thần; cũng đừng quên tinh thần tích cực tác động là gây ảnh hưởng đến vật chất, mới sinh ý nghĩ mở rộng kho lẫm, rồi lo nghỉ ngơi, ăn uống phỉ chí vui chơi. Đó là vật chất ảnh hưởng đến tinh thần, rồi tinh thần ảnh hưởng đến vật chất. Nhưng khổ cho ông nhà giàu kia, là khi tinh thần ảnh hưởng lại vật chất thì thiếu khôn ngoan, quên rằng tài sản không bảo đảm được đời sống và hạnh phúc, chết rồi không phải là hết, ngộ giả còn có gì mà mình không lo đến thì càng khổ cho mình. Ăn uống cho no say, có thể nuôi tấm thân béo tốt, nhưng cũng không chắc, có khi chính mình còn phải bệnh tật; hay là chết rồi, những thứ ăn uống đó có làm gì được cho mình? Vẫn hay tiền bạc có thể mời được lương y, mua được thuốc quý, nhưng kéo dài đời sống được bao lâu? Dù không chết ngay tối hôm đó, nhưng chết vài năm sau, rồi có đưa theo được một phần nào kho lẫm tài sản chăng? Thế là tinh thần đã chịu cho vật chất quyết định, nhưng đến khi chính mình phải tác động lại vật chất thì thiếu khôn ngoan, nên chỉ làm khổ cho mình và nhiều người khác.

            (3) Thiên Chúa dạy phương thuốc khôn ngoan rõ ràng. Đừng có tích trữ cho mình, nghĩa là đừng có ích kỷ, đừng theo cá nhân chủ nghĩa. Phải làm giàu cho Thiên Chúa. Nghĩa là phải làm thế nào để sản xuất cho nhiều, nhiều được bao nhiêu hay bấy nhiêu, trước là tinh thần, sau là vật chất. Nhưng không phải chỉ sản xuất cho mình hay con cháu anh em riêng của mình được hưởng, vì người nào cũng là tôi con của Thiên Chúa, và anh chị em của mình. Chỉ mong làm sao mình không phân phối được, thì ai phân phối thay cho mình, cũng phải theo bác ái và công bình, không phân biệt giai cấp này hay giai cấp khác, nhưng chỉ phân phối theo nhu cầu. Ai cần thứ gì và cần bao nhiêu thì được thứ ấy và được bấy nhiêu. Phân phối cho con cái Thiên Chúa là phân phối cho Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Thiên Chúa muốn cho mọi người con cái Thiên Chúa đều được phát triển về tinh thần, không những sung sướng về vật chất, lại còn phải hiểu biết, khôn ngoan, đạo đức, tránh khỏi những điều sai lầm, độc ác, làm hại lẫn nhau. Ai biết dùng khả năng của mình để phát triển vật chất và phát huy tinh thần chân lý, là làm giàu vì Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Nghĩa là ai cũng phải tùy theo năng lực mà lao động tinh thần, lao động trí óc và chân tay, để sản xuất cho nhiều, trong cả ba lãnh vực này, làm thế nào để bớt số người đau khổ và thêm số người sung sướng cả về vật chất lẫn tinh thần trên mặt đất này./-
                                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy

Posted By Đỗ Lộc Sơn18:19

NHÀ THỜ VẮNG VẺ

Filled under:

Ngày xưa, ông Môsê đã nói thẳng với dân Israel: “Núi Đá sinh ra ngươi, ngươi lại coi thường, ngươi quên Thiên Chúa, Đấng đã sinh ra ngươi. Đức Chúa thấy vậy thì khinh miệt, vì con trai con gái Người đã trêu giận Người. Người phán: “Ta sẽ ẩn mặt đi không nhìn chúng, để xem hậu vận chúng ra sao; vì chúng là giống nòi tráo trở, những đứa con chẳng chút tín trung. Chúng đã thờ các thần không phải là Thiên Chúa khiến Ta phải ghen tương, thờ những thần hư ảo mà trêu giận Ta; Ta sẽ dùng một dân không phải là dân khiến chúng phải ghen tương, dùng một dân tộc ngu si mà trêu giận chúng” (Đnl 32:18-21).
“Tại sao không còn ai muốn tới Nhà Thờ?” là tựa đề cuốn sách của hai tác giả Joani Schultz và Thom Schultz. Cuốn sách này đã thu hút tôi. Theo Viện Nghiên cứu Tôn giáo Hartford, hơn 40% dân Mỹ nói rằng họ tới nhà thờ hằng tuần. Tuy nhiên, hơn 20% thực sự tới nhà thờ. Như vậy, hơn 80% dân Mỹ tìm những thứ khác để làm vào cuối tuần. Hơn nữa, có khoảng 4.000 tới 7.000 nhà thờ phải đóng cửa mỗi năm. Nhà nghiên cứu Thom Rainer, trong bài viết “13 Issues for Churches in 2013” (13 Vấn đề về Nhà thờ Năm 2013), đưa ra con số còn cao hơn. Ông nói rằng có khoảng 8.000 tới 10.000 nhà thờ có thể sẽ phải đóng cửa trong năm 2014. Từ năm 2010 tới năm 2012, hơn một nửa số nhà thờ tại Mỹ không còn ai tới. Mỗi năm, gần 3 triệu người bỏ đi nhà thờ. Rõ ràng có sự thay đổi trong Giáo hội ngày nay. Tôi cảm thấy rằng nhà thờ sẽ mãi còn đó, nhưng có 7 xu hướng ảnh hưởng việc đi nhà thờ ngày nay.
1. NHÂN KHẨU HOA KỲ
Ngày nay, người da trắng chiếm đa số là 64%. Khoảng 30–40 năm nữa, họ sẽ là thiểu số. Một trong ba người tôi gặp trên đường 30–40 năm trước là người gốc Tây Ban Nha. Tôi có thể nói rằng nếu bạn là người lãnh đạo Giáo hội và nhà thờ của bạn không có người Tây Ban Nha, vậy là có vấn đề rồi. Hơn nữa, Hoa Kỳ đang lão hóa. Tới bất kỳ nhà thờ truyền thống nào ở Mỹ, hãy chú ý những người tham dự, và bạn sẽ thấy tỷ lệ chênh lệch nhiều giữa những người đầu bạc với những người khác. Theo tổ chức nghiên cứu Pew, trong 16 năm tới, mỗi ngày sẽ có 10.000 người nghỉ hưu. Nếu bạn không thấy, để tôi tính cho. Ngày nay, hầu hết các nhà thờ có đa số là các ông bà già lão, vậy trong 10 hoặc 15 năm nữa thì thế nào?
2. KỸ THUẬT TIẾN BỘ
Kỹ thuật đang làm thay đổi mọi thứ, kể cả cách bạn tham dự phụng vụ. Nhưng có nhiều nhà thờ vẫn hoạt động trong thời đại cách mạng công nghệ này. Thay vì nắm bắt kỹ thuật và thích nghi việc thờ phượng với kỹ thuật, nhiều nhà thờ truyền thống, nhà thờ Tin Lành và đa số nhà thờ Công giáo, không dùng chính các phương tiện mà một số ít người biết cách giao tiếp hoặc tương tác. Như vậy, tôi đề nghị các linh mục và các mục sư nên dùng các phương tiện truyền thông xã hội. Ngay cả trong việc thờ phượng, tôi khuyến khích họ dùng diện thoại thông minh, hoặc các dụng cụ tương tự. Khi tôi đề nghị như vậy, người ta nhìn tôi như thể tôi bị “ấm đầu” vậy. Tuy nhiên, điều họ có thể nối kết là lý do người thời nay ít quan tâm hoặc không còn quan tâm những gì họ phải nói.
3. KHỦNG HOẢNG LÃNH ĐẠO
Tôi có thể chắc chắn rằng, các giáo sĩ lạm dụng tình dục, sự che giấu của Giáo hội, các nhà truyền giáo và các giáo đoàn chính thống đã đẩy người ta xa rời Giáo hội, và lại tiếp tục đẩy người ta ra xa hơn, mau hơn. Điều tra về người đi nhà thờ ở Hoa Kỳ, kể cả những người đã bỏ, cho thấy rằng một trong các lý do chính yếu là vì người ta không còn muốn Giáo hội nói với họ về những gì phải tin hoặc không tin thì phải phạt đời đời.
4. CẠNH TRANH
Cuối tuần, người ta có nhiều cách chọn lựa hơn là tới nhà thờ. Hơn nữa, cảm giác xấu hổ hoặc có tội mà nhiều người cảm thấy và các vị lãnh đạo Giáo hội thường dùng để thúc giục đi nhà thờ hằng tuần thì nay không còn nữa.
5. ĐA TÔN GIÁO
Nói về cạnh tranh, có một xu hướng khác ảnh hưởng mức giảm về số người tới nhà thờ ở Hoa Kỳ: Ngày nay, người ta có nhiều cách chọn lựa. Khác với thập niên 1960, ngày nay có Internet và nhiều người nhập cư, với đức tin truyền thống, sự thật là ngày nay người ta thấy có các tôn giáo khác, nhiều người cảm thấy động lòng trắc ẩn như Đức Kitô nhưng lại không là người theo Đức Kitô.
6. CÁCH THỜ PHƯỢNG
Một xu hướng khác trong khoảng 20 năm qua là giả bộ hoặc ra vẻ. Nhiều người thử nghiệm với đủ loại... nhưng chẳng biết có lợi gì. Thật vậy, đó là sai lầm “chết người”. Dĩ nhiên, vẫn có ngoại trừ, nhất là đối với các nhà thờ sang trọng ngồi như trong rạp hát, thuê ca sĩ về hát. Việc thờ phượng đương đại cũng có cách bố trí đương đại. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, điều đó không thể thành công. Thiết tưởng nên cải thiện cách thờ phượng truyền thống.
7. QUẢNG CÁO
Có một xu hướng nữa mà tôi tin rằng nó đang ảnh hưởng mạnh tới Giáo hội và. Bạn không thể nói với giới trẻ ngày nay rằng nhà thờ chào đón mọi người – bất kỷ ai đến với Chúa Giêsu. Nói theo Rachel Evans, một bạn trẻ và blogger của CNN: “Đó chỉ là quảng cáo, giới trẻ chúng tôi rất nhạy cảm”. Nói cách khác, hãy thực tế và cứ là chính mình. Nói được, phải làm được. Đừng “nổ”! Nếu mọi người không được chào đón như nhau ở nhà thờ, đừng ba hoa rằng bạn niềm nở với mọi người. Điều đó không chỉ là không thật, mà giới trẻ còn thấy qua “bộ mặt” đó và họ sẽ không tới một nhà thờ nào như vậy!
Tiến sĩ STEVE McSWAIN

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Posted By Đỗ Lộc Sơn10:01

Cholesterol Và Bệnh Tim Mạch .... Bs. Hồ Ngọc Minh

Filled under:

LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà:http://www.bacsihongocminh.com/

Nhà văn Tô Hoài mới mất vào ngày 6 Tháng Bảy năm 2014. Hồi nhỏ tôi chỉ biết lờ mờ tên ông Tô Hoài vì say mê đọc truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của ông. Nói thật, thời tôi còn nhỏ, đó là một trong những sách truyện rất hiếm, viết cho con nít. Phần còn lại, tôi đã tập làm quen rất sớm với những pho truyện Tàu như Tây Du Ký, Thuỷ Hử, hoặc các pho truyện Kiếm Hiệp của Kim Dung.

Nhắc đến con dế mèn, tôi lại nhớ đến một mẫu chuyện khôi hài khác về một kết luận mà một khoa học gia nọ rút tỉa được khi nghiên cứu về … con dế. Chuyện kể rằng, có một nhà bác học kia, đặt con dế trên mặt bàn, và vỗ tay, thế là con dế nhảy tưng lên. Kế đến, ông bèn bẻ một chân của con dế (tàn nhẫn quá!), và ông lại vỗ tay. Lần này con dế nằm vạ một chỗ. Thế là nhà thông thái, sau khi đã bẻ chân nhiều con dế như thế, bèn đúc kết một kết luận: “Khi ta bẻ chân con dế, não bộ của nó sẽ bị hư hại và nó sẽ bị …điếc!”

Từ từ, bạn hãy kiên nhẫn đọc tiếp, và sẽ hiểu tại sao tôi kể chuyện con dế ở đây.

Tôi đã viết nhiều về liên hệ giữa cholesterol và bệnh tim mạch, và cũng viết về triệu chứng của bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, tôi chưa trình bày mối về liên hệ giữa cholesterol và bệnh mất trí nhớ. Một mối liên hệ nghịch: cholesterol càng cao thì nguy cơ bị mất trí nhớ … càng thấp!

Hồi nhỏ, thỉnh thoảng, mẹ tôi có mua não bò, đem chưng cách thủy, để ăn với muối tiêu và rau răm. Ăn thì ăn, nhưng tôi thấy nghẹn cổ họng vì nó quá béo, ngầy ngậy. Não người cũng thế, tuy nhỏ, chỉ chiếm 2% sức nặng của cơ thể, nhưng nó chứa 25% tổng số cholesterol trong người. Gần đây, rất nhiều bệnh tật, khiếm khuyết của não bộ, thí dụ như bệnh mất trí nhớ, bệnh run Parkinson … nguy cơ tăng cao vì thiếu cholesterol. Trên thực tế, người trên 70 tuổi, cholesterol càng cao, càng sống lâu, càng ít bị truỵ tim và càng minh mẫn hơn.

Các tế bào thần kinh, cũng như các tế bào khác trong cơ thể, cần cholesterol làm nguyên liệu cấu trúc cho màng tế bào. Những vỏ bọc tế bào thần kinh, neuron, cũng được cấu tạo từ cholesterol, và, những “mạch điện” thần kinh liên lạc với nhau, truyền tín hiệu cũng nhờ vào cholesterol. Không có cholesterol thì những mạng thần kinh nầy sẽ bị “chạm điện” và bị “mát dây”.

Ở đây, xin nói thêm về cholesterol một chút.

Chúng ta thường lầm tưởng là có hai loại choleterol, LDL là loại xấu và HDL là loại tốt.Thực ra chỉ có một loại cholesterol duy nhất là … cholesterol! LDL (low-density lipoprotein) hay HDL (high-density lipoprotein) chỉ là tên gọi của chất protein chuyên chở cholesterol mà thôi. Người ta cho rằng HDL là loại tốt vì nó chở cholesterol dư thừa về trở lại trong lá gan, như thế là làm sạch mạch máu, còn LDL là loại xấu vì nó chở choleterol ra ngoài, làm dơ mạch máu. Gần đây những nghiên cứu mới cho biết, HDL cũng không hẳn là tốt: người có HDL cao vẫn bị bệnh tim, như thường.
Thật ra LDL có nhiều kích thước khác nhau, và trước LDL còn có những “xe chuyên chở” khác nữa như VLDL (very low density, loại nhẹ) và IDL (intermediate density, loại trung bình). Để dễ hiểu, mạch máu của bạn là một xa lộ, HDL là những xe tải 18 bánh chở cholesterol dư thừa đi ngược chiều về là gan. Còn các loại xe khác, to nhỏ như xe đạp, xe gắn máy, xe ba bánh, xe bốn bánh, xe thồ, xe lam … chở cholesterol, tiếp liệu ra … mặt trận. Như thế, một khi tuyến đường bị nghẽn, không phải là vì cholesterol mà vì đường xá bị hư hại, bị “ổ gà”, bị bom mìn khủng bố chẳng hạn.
 Những xe nhỏ VLDL, IDL, LDL thường dễ bị sụp hố và làm nghẽn đường mạch máu. Trong trường hợp bị gãy cầu xa lộ thì xe 18 bánh HDL cũng gây ra tai nạn, như chơi.

Tháng 2 năm 2012, chính cơ quan FDA công nhận rằng, thuốc giảm cholesterol statins có thể làm tăng nguy cơ bị lú lẫn và mất trí nhớ. Đồng thời một nghiên cứu trong Tháng Giêng năm 2012, cho thấy phụ nữ dùng statins có nguy cơ bị bệnh tiểu đường tăng 42%. Người bị bệnh tiểu đường, lại có nguy cơ bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp 3 lần. Khi đường thặng dư trong máu sẽ gây ra hiệu ứng “ làm mứt” hay “thắng đường, rim tôm” những phân tử cholesterol, làm cho chúng dính chùm với nhau và dính vào các chỗ lở loét trong mạch máu. Tương tự như mạch máu tim, não bộ đã thiếu cholesterol lại còn bị nghẽn mạch máu não, sẽ đưa đến tình trạnh hao mòn sớm, gây ra các chứng bệnh về hệ thần kinh.
Khoảng thập niên 1970, lượng cholesterol 240 mg/dL được xem là bình thường. Sau khi thuốc statins ra đời, mức độ ấy giảm xuống còn 200mg/dL, với LDL dưới 130 mg/dL. Nếu bạn có người thân trong gia đình bị truỵ tim, nhiều bác sĩ sẽ bắt bạn uống statins để giảm chỉ số ấy xuống dưới 180mg/DL, và LDL phải dưới 70 mg/dL! Từ khi thuốc statins ra đời đến nay, chỉ số bị truỵ tim cho những người dùng thuốc, giảm từ 3% xuống còn 2%, trong khi tỉ số bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp ba.

Sẵn đang nói về xe và xa lộ, dường như cách chữa bệnh xe nhả ra khói (cholesterol cao) hiện nay là bằng cách, bịt ống khói hoặc là huỷ bớt một, hai xy-lanh (uống statins kinh niên) để cho xe chạy bớt ra khói, thay vì làm sạch đường ống dẫn xăng và thay xăng dầu (thể dục thể thao, cải thiện thức ăn, bớt đường và tinh bột).

Đến đây bạn đã hiểu tại sao tôi kể chuyện nhà khoa học gia và con dế, phải không?

Posted By Đỗ Lộc Sơn09:57

Các bạn đi tìm cảm giác mạnh trống rỗng hay đi tìm sự viên mãn?

Filled under:

Đức Thánh Cha di chuyển bằng chiếc xe điện. Đi cùng với Ngài, có một số người trẻ khuyết tật. Ngài vẫy tay chào mọi người trong khoảng 20 phút. Hàng triệu bạn trẻ chào mừng Đức Thánh Cha với tất cả sự nồng nhiệt.
Sau khi đọc Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ hãy có lòng thương xót.
Đức Thánh Cha nói: “Các bạn có thể mơ ước không? Khi cõi lòng mở ra và sẵn sàng mơ ước, thì cũng có chỗ cho lòng thương xót. Có chỗ để gần gũi với những ai đau khổ, những ai khao khát hoà bình, những ai đang thiếu những gì là thiết yếu cho cuộc sống, thiếu những gì là tốt đẹp nhất, thiếu niềm tin. Chúng ta hãy nói lời này: Lòng Thương Xót. Hãy nói lần nữa, để cho toàn thế giới nghe thấy tiếng các bạn.”
Đức Thánh Cha rất đau lòng khi gặp những bạn trẻ không muốn sống hoặc những bạn trẻ muốn tìm hạnh phúc bằng con đường đen tối. Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ rằng, đừng để mình bị người ta lừa dối khi nói rằng cuộc sống này không đáng sống.
Đức Thánh Cha nói: “Các bạn thân mến, chúng ta đang cùng nhau quy tụ nơi đây, để giúp đỡ lẫn nhau, bởi vì chúng ta không muốn bị cướp mất những gì tốt đẹp nhất của chính chúng ta. Chúng ta không muốn bị những ảo tưởng ngây ngô cướp đi năng lực của chính chúng ta, niềm vui của chúng ta, ước mơ của chúng ta.”
Để giữ được niềm đam mê mạnh mẽ với cuộc sống, Đức Thánh Cha gợi ý với các bạn trẻ một điều gì đó mà không thể mua bán.
Đức Thánh Cha nói: “Cha hỏi các bạn: Các bạn có đi tìm cảm giác mạnh trống rỗng trong cuộc sống hay không? Hay là các bạn muốn cảm nhận sức mạnh đem lại sự viên mãn vững bền? Cảm giác mạnh trống rỗng hoặc sức mạnh của ân sủng? Các bạn muốn điều gì: Cảm giác mạnh trống rỗng hoặc sức mạnh của ân sủng? Các bạn muốn điều gì? Cha khó có thể nghe thấy tiếng của các bạn… Xác định chọn sự viên mãn: để có được sức mạnh mới, đây chính là cách thế. Để đáp lại, điều ấy không thể mua hay bán được. Đây không phải là điều gì đó hoặc thứ gì đó. Đây là một con người và Người vẫn đang sống, Tên của Người là Giêsu Kitô. Một tràng pháo tay cho Chúa.”
Trong lời cầu nguyện kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ phá vỡ những bức tường ngăn cách, xây dựng những nhịp cầu, giúp đỡ người nghèo khổ và bị bỏ rơi…


Ở Ba Lan, Đức Phanxicô kêu gọi giới trẻ đừng sợ và «đừng chùn chân trước cám dỗ cô lập mình».

Đức Phanxicô từ ban công Ba Lan 20160729Nước Ba Lan là một tảng núi đức tin. Đỉnh cao của nó nằm ở Đền thánh Czestochowa, ở độ cao 317 mét. Thậm chí nó còn ở trong bóng mờ của nhà nguyện Đức Mẹ. Nhà nghiên cứu địa chất về tôn giáo có thể tìm thấy ở đây các tầng tầng lớp lớp không hủy diệt được của một gốc gác thiêng liêng. Nó vững chắc, thế kỷ này qua thế kỷ khác và thường là sống trong nghịch cảnh, đất nước này có 97 % dân số là người công giáo, mà một nửa giữ đạo với một lòng sốt sắng duy nhất. Đó là thành lũy Giáo hội ở Âu châu, một thành trì không thể đánh chiếm, nơi phải có mật hiệu mới vào được. Dù là giáo hoàng, nếu không phải là người Ba Lan thì cũng phải tìm cách ... giải quyết.
Như thế Đức Phanxicô Argentina phải đi từng bước nhẹ. Ngài biết gần 15 % người công giáo không thích mình. Ngài ý thức, các lời nói nằn nì xin đón nhận người di dân vào Âu châu làm người Ba Lan bực mình, đa số họ chống viễn cảnh này.
Thêm nữa, nước Ba Lan có «giáo hoàng của mình». Một giáo hoàng dứt khoát, đó là Thánh Gioan-Phaolô II. Tu sĩ Daniel Luka giải thích, «đó là giáo hoàng của chúng tôi,  chúng tôi không thể làm gì. Người Ba Lan đón tiếp Đức Phanxicô như nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo, ngài chạm đến các thế hệ trẻ.» Tuy sự kính trọng là hỗ tương nhưng thiện cảm rõ rệt thì không hẳn.
Sáng thứ năm, trong ngày thứ nhì của chuyến đi, Đức Phanxicô rất khiêm nhường trước tượng Đức Mẹ Czestochowa. Đức Phanxicô rất quen thuộc với việc tôn kính Đức Mẹ, ngài đã rất cảm động khi tấm khiên bằng bạc phủ bức tượng dần dần được vén lên theo nhịp kèn trống chiến thắng. Sự trang nghiêm sâu đậm của cảnh này thấy rõ khi Đức Phanxicô nhìn khung kiếng treo bên trái bức tượng. Khung kiếng này là giây các phép của Thánh Gioan-Phaolô II mang lúc ngài bị ám sát năm 1981. Các vết máu vẫn còn thấy rõ.
Máu ... Máu chảy đầm đìa trên thế giới. Đức Giáo hoàng, trong ngày thứ tư hôm qua, 27 tháng 7, đã nói đến «chiến tranh thế giới từng phần», ngài biết hơn ai hết về việc này. Trên máy bay đi Ba Lan, ngài cũng nhắc đến «thánh linh mục» người Pháp bị ám sát ngay khi dâng thánh lễ. «Một vụ trong bao vụ khác», ngài buồn bã ghi nhận. Điều đã làm cho chuyến đi này, cho những ngày JMJ một nét rất đặc biệt, vừa vui vừa lo âu.
Đức Giám mục Henryk Hoser, một trong hai giám mục của thủ đô Krakov giải thích: «Vụ giết linh mục này là một thảm kịch kinh hoàng không thể hiểu được. Bây giờ chúng ta phải hiểu, nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng tác quái ở Âu châu như một căn bệnh ung thư: các tế bào độc hại của nó đã di căn. Không thể nào chiến đấu mà không có sự giúp đỡ của tập đoàn hồi giáo có mặt ở Âu châu. Các bạn trẻ đến đây cũng biết rõ điều này. May thay, họ có thể vui sống với cuộc gặp gỡ quốc tế này, ở ngoài hiểm nguy, như được bọc trong một cái kén.»

«Cha đau lòng khi gặp các bạn trẻ có nét «hưu trí».

Đức Phanxicô

Dù vậy, Đức Phanxicô nhìn sự việc một cách khác. Ngày thứ năm, ngài bắt đầu lên tiếng với giới trẻ Ba Lan. Đồng hồ của ngài chưa chỉnh giờ theo giờ Âu châu, lại càng chưa chỉnh theo giờ Ba Lan, nó là giờ thế giới. Sáng thứ năm, trong thánh lễ cử hành ở sân  Czestochowa, thánh lễ kỷ niệm 1050 năm nước Ba Lan chịu phép rửa: «Thời khắc thu hẹp lại …»
Ngược với sự co mình trong thành lũy công giáo và trong sự cứng rắn, Đức Phanxicô khẩn khoản xin người công giáo «đừng chùn bước trước sự cô lập và sự buộc tự đặt cho mình» và đừng để bị «lôi cuốn bởi quyền lực, sự lớn lao, sự nổi bật, những gì bi thảm thay là thuộc tính của con người». Ngài đề nghị các tín hữu kitô này sống «một Phục Sinh của tâm hồn», có nghĩa là «bước vào nội tâm», bỏ đi sự «hống hách của đời sống đến từ thế gian» để «có sự lây lan tích cực của một đức tin nguyên thực».
Còn với các bạn trẻ gặp chiều thứ năm trong buổi lễ truyền thống «đón tiếp Đức Giáo hoàng», ngài đã đi  trên chiếc xe điện ‘môi sinh’ sơn màu trắng-vàng của Vatican, trước hết, ngài xoa đầu: «Cha rất buồn gặp các bạn trẻ có nét “về hưu” sớm, đã “vứt” giẻ trước khi làm việc. Họ là những người trẻ hoàn toàn chán nản và ... thật đáng chán.»
Nhưng trong tinh thần cởi mở, Đức Phanxicô kêu gọi họ «lao mình vào cuộc phiêu lưu của lòng thương xót». Là «xây cầu và hạ các bức tường phân cách» để «cứu giúp người nghèo» và «lắng nghe những người mà chúng ta không hiểu, những người đến từ các nền văn hóa khác, dân tộc khác, những người chúng ta sợ vì chúng ta nghĩ  họ có thể làm chuyện xấu cho chúng ta».
Một «tâm hồn có lòng thương xót mở ra để đón nhận người tị nạn và người di dân,» ngài dằn mạnh.
Không nhìn thế giới màu hồng cũng không màu xám, căn bản Đức Phanxicô kêu gọi giới trẻ và người Ba Lan đừng sống co cụm trong thời buổi giao động này. Nói với đám đông khi mới đến, ngài quan sát: «Sự thật là chúng ta phải quen với các chuyện tốt cũng như những chuyện xấu. Cuộc đời là như vậy, các bạn trẻ thân mến. ( …) Như thế các con đừng sợ! Thiên Chúa cao cả, Thiên Chúa tốt lành và chúng ta tất cả đều có một cái gì tốt lành trong mình.»
Marta An Nguyễn chuyển dịch

Posted By Đỗ Lộc Sơn09:52

SUY NIỆM HẰNG NGÀY- Ngày 30/7/2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 14: 1-12)

1 Thời ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su,2 thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ."3 Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua.4 Ông Gio-an có nói với vua: "Ngài không được phép lấy bà ấy."5 Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ.6 Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích.7 Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho.8 Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm."9 Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô.10 Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an.11 Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ.12 Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.

SUY NIỆM

Khi lòng người dính bén một đam mê, khi ai ước muốn một điều bất chính, ma quỉ luôn tạo cơ hội cho người đó thực hiện.

Hêrôđê đại diện cho những người không muốn từ bỏ cuộc sống sai lạc của mình. Thế gian, ma quỉ và xác thịt đã hiệp lực để giúp Hêrôđê ở yên trong tội. Khi một người không muốn từ bỏ tội lỗi và lầm lạc, thì thường có hai cách để họ giữ lối sống ấy:

- Một là họ sẽ khử trừ những ai muốn cản bước họ, họ tìm cách hạ bệ những người không đồng tình với họ.

- Hai là họ sẽ khoác cho tội của họ một tấm áo mang danh đạo đức, mang danh tập thể, mang danh canh tân.

Những ai muốn sống sứ điệp Tin Mừng, đừng ngạc nhiên, đừng hoang mang khi bị bách hại, bị vu khống. Suy gẫm cuộc tử đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, giúp chúng ta dễ hiểu hơn những gian nan khốn khó dành cho những ai dám sống trung tín với Tin Mừng. “Thế gian chỉ chấp nhận những ai thuộc về nó”. Nhưng sống cho chân lý, sống cho lề luật trọn lành, sống cho tình yêu là điều cao cả và quí trọng, đáng cho ta đổi giá bằng cách đón nhận những đau khổ ấy.

Lạy Chúa, nếu không đủ lòng mộ mến lề luật Chúa, nếu không yêu mến sự thật, Thánh Gioan Tẩy Giả sẽ không có sức mà chịu tử đạo. Xin giúp chúng con biết trung thành với lề luật Chúa, biết sống theo sự  thật, vì sự thật là chính Chúa. Sự thật đã được trao cho chúng con nhờ Tin Mừng Chúa, nhờ Giáo Hội. Xin cho chúng con biết vâng theo Tin Mừng và lời mẹ Giáo Hội dạy, để không phải chết đời đời. Amen.



GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Ki-tô(Mt 14, 1-12)
  1. Thánh Gioan Tẩy Giả
Nghe danh tiếng của Đức Giê-su, nhất là về các phép lạ Người thực hiện, Vua Hê-rô-đê cho rằng Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy. Đó là một sai lầm ; nhưng đối với chúng ta, sai lầm này lại mang nhiều ý nghĩa trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi. Thật vậy :
  • Vua Hê-rô-đê loại trừ một Gioan Tẩy Giả, thì lại có một Gioan Tẩy Giả khác xuất hiện. Như thế, Sự Thiện, Ánh Sáng và Chân Lý không thể bị loại trừ bởi bạo lực, nghĩa là bởi Sự dữ, Bóng Tối và Dối Trá.
  • Vua Hê-rô-đê làm điều dữ và ông bị dày vò bởi điều dữ, cái nhìn của ông bị chi phối tất yếu bởi điều dữ ông đã làm. Như thế, không phải Sự Thiện dùng phương tiện của Sự Dữ chống lại Sự Dữ, nhưng Sự Dữ sẽ tự hủy diệt Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo : « Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây, thì được thoát khỏi » (Tv 141, 10)[1].
  • Đức Giê-su không phải là Gioan Tẩy Giả sống lại, nhưng Ngài là Đấng ông loan báo, Ngài là niềm hi vọng của ông, là sự sống lại của ông. Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ bị giết chết cách bất công như Gioan, nhưng Ngài mạnh hơn sự chết, Ngài sẽ phục sinh và làm cho mọi người phục sinh, trong đó có Gioan.
  1. Từ lúc sinh ra
Ngoài ra, sai lầm của vua Hê-rô-đê còn làm cho chúng ta nhận ra rằng cả cuộc đời của thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, gắn bó biết bao với Đức Giê-su, với sự sinh ra, sự sống, sự chết và sự sống lại của Người.
Thật vậy, Gioan đã loan báo và chuẩn bị cho Đức Ki-tô ngự đến, trong cách mình được cưu mang và được sinh ra và bằng cả cuộc đời của mình, như chính ông Dacaria, cha của Gioan, đã tiên báo :
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người
,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
(Lc 1, 76-77)
Sự sống của thánh Gioan là một tuyệt tác của Thiên Chúa, diễn tả quyền năng ban sự sống của Người ; nhưng Đức Giê-su, sinh bởi Đức Maria, là tuyệt tác còn lớn hơn và là tuyệt tác duy nhất: Mẹ sinh con không phải từ cung lòng già cỗi hay hiếm muộn, nhưng là từ cung lòng trinh nguyên. Các Giáo Phụ nhìn ra đây là hình ảnh diễn tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bởi vì lúc khởi đầu, Thiên Chúa cũng làm phát sinh sự sống từ mặt đất trinh nguyên. Đó là vì, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Và đây đã là Tin Mừng cho loài người của chúng ta rồi : đó là Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống, và làm phát sinh sự sống viên mãn là Đức Kitô, ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, ở nơi là tuyệt đối không thể đối với con người. Như thế mầu nhiệm Vượt Qua đã được loan báo ở đây rồi, trong ngày sinh nhật của thánh Gioan và nhất là của Đức Giê-su, bởi vì Thiên Chúa sẽ làm trào vọt sự sống từ sự chết, trong mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Ngoài ra, tên gọi « Gioan » nghĩa là « Thiên Chúa Thi Ân » ; trong khi tên gọi « Giê-su » nghĩa là « Thiên Chúa Cứu Độ », là Ơn Huệ của mọi ơn huệ, là Ơn Huệ mà mọi ân huệ khác hướng tới và chỉ là dấu chỉ, và là Ơn Huệ một lần cho tất cả. Như thế, thánh Gioan không chỉ loan báo Đức Giê-su bằng cuộc đời và cái chết của mình, nhưng còn bằng chính biến cố sinh ra và tên gọi nữa.

  1. Cho đến lúc chết
Và trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc thương khó của thánh Gioan Tiền Hô. Như thế, thánh Gioan đã loan báo Đức Ki-tô cho đến chết và bằng chính cái chết của mình. Thánh Gioan chuẩn bị đường đi cho Đức Giêsu một cách hoàn hảo bằng chính cái chết của mình, đúng hơn là bằng chính cách mình bị giết chết.
Thật vậy, bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta thật chi tiết bối cảnh dẫn đến cái chết của Gioan, với sự tham dự của rất nhiều người, có thể nói của cả một vương quốc. Bởi lẽ chính vua Hê-rô-đê quyết định trảm quyết Gioan, nhưng có rất nhiều người tham gia vào quyết định này : Bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của vua, con gái bà Hê-rô-đi-a, và cả triều thần và quan khách có mặt trong bữa tiệc mừng sinh nhật. Gioan bất động và im lặng trong ngục tù, nhưng lại làm bộc lộ ra những điều sâu kín nhất của con người: vô độ, sợ chân lí, ghen ghét, mưu đồ, bạo lực, phi nhân và thú tính. Những điều này thường được che đậy bằng những vỏ bọc vui vẻ, quảng đại, quí phái, danh dự… Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu và nhất cái chết trên Thập Giá của Ngài còn có sức mạnh mặc khải sự dữ, cùng với tất cả những gì thuộc về sự dữ, nhất là vẻ bề ngoài dối trá, triệt để hơn và tuyệt đối hơn nữa, không phải để lên án con người, nhưng để giải thoát con người khỏi sự dữ và sự chết ngay hôm nay.
* * *
Như thế, cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả gắn liền với cuộc đời của Đức Giêsu biết bao ; và ơn gọi của thánh nhân cũng chính là ơn gọi của chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu : đó là ơn gọi, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết cũng gắn liền với Đức Giêsu: lúc sinh ra, phép rửa làm chúng ta trở thành Ki-tô hữu, nghĩa là môn đệ của Đức Ki-tô; và khi chết, chúng ta cũng sẽ cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Ngài, như chính phép rửa đã loan báo.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộ

Posted By Đỗ Lộc Sơn09:42

Bạn Trẻ và Đức Tin

Filled under:



Trong những ngày này, thành phố Krakow (Ba Lan) trở thành trung tâm điểm của Giáo Hội Công giáo: Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được tổ chức nơi đây từ ngày 26 đến ngày 31 tháng Bảy. Hoà mình vào dòng chảy của các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của đức tin và sức trẻ của Giáo Hội. Mặc dù khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ và văn hoá, nhưng các bạn trẻ tham dự đều có một ngôn ngữ chung, đó là đức tin. Chính đức tin đã soi sáng và thúc đẩy họ vượt qua những chặng đường rất dài, có khi đến nửa vòng trái đất, để đến với nơi này. Họ đang góp phần làm cho đức tin Kitô rạng ngời và tỏa sáng nơi mọi nẻo đường xã hội. Từng đoàn các bạn trẻ gặp gỡ nhau ngoài đường đều giơ tay vẫy chào nhau rất thân thiện. Họ trao đổi cho nhau những vật kỷ niệm đặc trưng văn hoá của xứ sở mình. Những cái vẫy tay, những nụ cười, những tấm hình chụp chung, đều nói nên vẻ đẹp và nét phong phú của Giáo Hội Chúa Kitô.
 
Krakow là quê hương của hai vị thánh: Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng và Thánh Faustina Kowalska. Các ngài là những tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót. Thánh Faustina, một nữ tu thuộc dòng Đức Bà của Lòng Thương Xót, đã nhận mạc khải của Chúa Giêsu ngày 22-2-1931. Sứ mạng của Chị là nhắc cho Giáo Hội toàn cầu rằng Lòng Thương Xót là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã truyền cho Chị vẽ lại hình ảnh của Người như Chị đã thấy trong mạc khải, và hình Lòng Chúa Thương Xót đi kèm dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” chúng ta tôn kính hiện nay là hình được thực hiện theo ý muốn của Chúa. Thánh Faustina qua đời năm 1938 và được chính Đức Gioan Phaolô II phong thánh năm 2000.
 
Thánh Gioan Phaolô II được Đức Thánh Cha Benêđitô ca tụng là một “vị tông đồ của Lòng Thương Xót”. Từ năm 1980, ngài đã viết thông điệp Dives in Misericordia ca tụng lòng thương xót của Chúa và mời gọi các tín hữu tái khám và và tôn thờ Chúa với tước hiệu này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan qua đời ngày thứ Bảy, 2-4-2005, chiều hôm trước lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. Ngài được phong Chân phước ngày 1-5-2011 và được phong thánh ngày 27-4-2014.
 
Năm 1938, khi nữ tu Faustina trút hơi thở cuối cùng, thì chàng thanh niên Karol Wojtyla, sau này là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tới Krakow để khởi đầu chương trình học đại học. Hai vị thánh này chưa hề gặp gỡ nhau ở thế gian, nhưng Chúa Quan phòng lại định liệu để họ có cùng một lý tưởng chung, đó là quảng diễn lòng thương xót của Chúa. Hai vị thánh của quê hương Krakow được chọn làm thánh bổn mạng của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31. Các ngài là niềm tự hào của Giáo Hội Ba Lan, cách riêng của Thành phố Krakow. Dọc qua các đường phố, ta có thể thấy hình ảnh của hai vị thánh được trưng bày trân trọng, với cờ hoa rực rỡ muôn màu sắc.
 
Đến với Krakow, bạn trẻ Công giáo được mời gọi dấn thân để phục vụ Giáo Hội. Trở về với cuộc gặp gỡ lịch sử này, họ mang theo những trăn trở âu lo của cuộc sống. Những thách thức về đức tin, khó khăn về nghề nghiệp, lo âu về một xã hội bất ổn, đầy rẫy bạo lực, ám ảnh bởi các cuộc khủng bố, giết chóc. Mục đích của Ngày Giới trẻ Thế giới là giúp các bạn trẻ cùng tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, tìm lại nghị lực của đức tin và nhiệt thành phụng sự Giáo Hội, làm chứng nhân cho Chúa giữa trần gian.
 
Thánh lễ khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được cử hành long trọng lúc 17 giờ ngày 26-7, do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám mục Krakow chủ sự tại một công viên lớn có tên là Blonia. Vị Hồng y này đã là thư ký riêng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô trong nhiều năm. Đông đảo các Hồng y, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và nhất là các bạn trẻ đã hiện diện để cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ đặc biệt này sinh hoa kết trái nơi tâm hồn những người tham dự. Kết thúc bài giảng, Đức Hồng y chủ lễ đã mời gọi các bạn trẻ “Hãy mang đến cho mọi người ngọn lửa đức tin của các bạn và hãy thắp lên những bó đuốc mới để rồi trái tim của mọi người đập cùng một nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu, là lò lửa yêu mến. Ước chi ngọn lửa tình yêu bao trùm cả thế giới này, để không còn ích kỷ, bạo lực và bất công. Ước chi thế giới này được củng cố bởi nền văn minh của sự thiện, của hoà giải, của tình yêu và hoà bình”.
 
Giáo Hội Công giáo Việt Nam hiện diện tại Ngày Giới trẻ Thế giới qua một giám mục, 10 linh mục và khoảng 30 bạn trẻ. Một số bạn trẻ Việt Nam khác tham gia chương trình thiện nguyện viên phục vụ trong dịp này. Chúng tôi hiện diện nơi đây để diễn tả tình hiệp thông trong Giáo Hội, cùng chung chia những thao thức của bạn trẻ trên toàn trẻ thế giới, cầu nguyện cho hoà bình, cho sự phát triển bền vững của xã hội. Cùng với các bạn trẻ đến từ quê nhà Việt Nam, chúng tôi cũng gặp gỡ giao lưu với các bạn trẻ đến từ Mỹ châu, Âu châu và Úc châu. Tình đồng hương và niềm yêu mến Quê Mẹ Việt Nam đã nối kết chúng tôi nên một. Chương trình Giáo lý Việt ngữ được Ban Tổ chức sắp xếp tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, trong thành phố Krakow. Chúng tôi đã chia sẻ Giáo lý với những chủ đề được Ban Tổ chức ấn định và lắng nghe những ưu tư, những chứng từ cảm nhận ân sủng của Lòng Chúa thương xót. Chúng tôi cũng đã cầu nguyện cho giới trẻ Việt Nam lương cũng như giáo. Một số bạn trẻ đã chia sẻ những cảm nhận rất phong phú nhờ các cuộc gặp gỡ với các thiện nguyện viên và các tín hữu Công giáo Ba Lan trong những ngày này.
 
Chúng ta cầu nguyện cho Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 được diễn ra trong an bình và ân sủng của Chúa. Xin cho các bạn trẻ hôm nay chuyên cần học hỏi dưới mái trường của Chúa Giêsu, để trở nên những khí cụ của Lòng Chúa Thương Xót.
 
Krakow, ngày 27 tháng 7 năm 2016
Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng
Ghi chép từ Krakow

Posted By Đỗ Lộc Sơn09:38

Tin Công Giáo Thế Giới Ngày 29.7.2016

Filled under:


Nửa triệu người Ba Lan tham dự thánh lễ ĐTC tại Czestochowa



CZESTOCHOWA. ĐTC Phanxicô đã dành buổi sáng thứ năm 28-7-2016 để hành hương kính Đức Mẹ Nữ Vương Ba Lan và cử hành thánh lễ kỷ niệm 1050 nước dân nước này được rửa tội.


Thực vậy, trong khi hàng trăm ngàn bạn trẻ từ 187 quốc gia dự các buổi học giáo lý về chủ đề lòng thương xót, do các GM thuộc cùng ngôn ngữ hoặc quốc gia đảm trách tại nhiều địa điểm khác nhau ở Cracovia, thì ĐTC đến viếng Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora.



 Viếng tu viện dòng Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thánh



 Rời tòa TGM Cracovia nơi ngài qua đêm, trên đường đi Czestochowa, ĐTC đã ghé thăm ĐHY Marcharski, 89 tuổi, nguyên TGM Cracovia đang được điều trị ở nhà thương, rồi ngài ghé lại tu viện của các nữ tu dòng Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thánh. Từ lâu các nữ tu dòng này vẫn phục vụ tại Vatican, và ngài muốn dừng lại nhà dòng Mẹ của các chị để chào thăm và cám ơn.



 Đây cũng là dòng đảm trách nhiều công tác tông đồ giáo dục ở Ba Lan. Tu viện chính của các chị ở Cracovia có từ thế kỷ 18 và cạnh đó là một trường trung học cấp II và cấp III, cùng với một thánh đường dâng kính thánh Gioan Tẩy Giả.



 Đến nơi, ĐTC đã được nữ tu Bề trên Tổng quyền, một số nữ tu và các em nữ học sinh tiếp đón. Ngài vào nhà nguyện của tu viện, và 30 nữ tu đã có mặt sẵn tại đây để chào đón. ĐTC đã cầu nguyện trong thinh lặng trước Mình Thánh Chúa, chào thăm các chị và ký tên vào sổ vàng của tu viện, với câu: ”Trong lúc cám ơn các chị về việc phục vụ quí giá, tôi chúc lành và khích lệ sứ mạng giáo dục của các chị: đó là trong tình yêu thương vun trồng những hạt giống tốt lành, đẹp đẽ và sự thật mà Thiên Chúa gieo nơi các thế hệ trẻ”.



 Czestochowa và Đền thánh Jasna Gora



 Thay vì đáp trực thăng của quân đội Ba Lan, ĐTC đã dùng xe để tới thành phố Czestochowa cách đó 140 cây số đường bộ hướng tây bắc. Thành phố này có gần 240 ngàn dân cư và là trụ sở của Tổng giáo phận cùng tên với 807 ngàn tín hữu thuộc 311 giáo xứ.



 Czestochowa hiện nay là một trung tâm quan trọng về kinh tế và văn hóa, nhưng danh tiếng của thành này như trung tâm hành hương quan trọng nhất nước là nhờ sự hiện diện của Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora.



 Jasna Gora có thể dịch là ”Minh Sơn”, ngọn núi sáng. Đền Thánh này thu hút các tín hữu hành hương từ 6 thế kỷ nay. Đối với người Ba Lan, đây là một nơi đầy những biểu tượng và kỷ niệm của đất nước dân tộc. Nhiều người Ba Lan gắn liền đền thánh này với những kinh nghiệm bản thân, từ ngày Quốc tế giới trẻ năm 1991 với Đức Gioan Phaolô 2 và 1 triệu 400 ngàn bạn trẻ tề tựu về đây, cho đến những ngày tang tóc hồi tháng 4 năm 2005, khi 300 ngàn tín hữu tụ tập tại đây trong kỳ Đức Gioan Phaolô 2 qua đời và được an táng.



 Lịch sử



 Nhìn lại lịch sử: năm 1384, Vua Ladislaus ở Opole, thuộc triều đại nhà Jagiellonia, đã xây một nguyện đường đặc biệt để giữ ảnh Đức Mẹ Đen, và ủy thác bức ảnh cho các đan sĩ thuộc dòng thánh Phaolô từ Hungari bảo quản. Kỷ niệm về các cuộc đại hành hương có từ năm 1627, khi dân thành Gliwice đến đây để cám ơn Đức Mẹ vì đã cứu thoát thành của họ khỏi cuộc xâm lăng của quân đội Thụy Điển.



 Các pháo đài quanh đan viện đã biến nơi này thành một đồn phòng thủ quan trọng. Jasna Gora đã kháng cự được các cuộc tấn công của các lực lượng Tin Lành Hussite từ miền Boemia và quân đội Thụy Điển, cũng như các vụ đặt bom của quân đội Đức hồi năm 1944.



 Trong thập niên 1980, mặc dù những chướng ngại do nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan đặt ra, các cuộc hành hương vẫn gia tăng gấp 4 lần so với bình thường, chứng tỏ vai trò của Đền thánh Jasna Gora là nơi hành hương, sùng mộ và biểu lộ sự sống còn của đất nước.



 Thư viện có trang trí của Đền thánh Jasna Gora, cũng như bảo tàng viện trưng bày các đồ quí giá và huy hiệu do các tín hữu hành hương lại lại, cũng các khí giới tịch thu được của những quân xâm lược cũng là những điều thu hút các tín hữu hành hương. Ngoài ra còn có những quà tặng của cac tù nhân sống sót tại các trại tập trung cũng như chứng từ của các vị quốc trưởng, kể từ vua Vladyslav Jagiello hồi thế kỷ 15 cho đến cựu tổng thống Lech Walesa.



 Vương cung thánh đường Đức Mẹ Jasna Gora hùng vĩ được tái thiết sau trận hỏa hoạn hồi năm 1690. Tại nhà nguyễn Đức Mẹ, có treo bức ảnh Đức Mẹ đen, Nữ Vương Ba Lan. Theo lưu truyền, thánh Luca đã vẽ bức họa này trên một tấm gỗ lấy từ nhà của thánh gia ở Nazareth. Hai vết sẹo trên khuôn mặt Đức Mẹ và vết gươm của những người tin lành Hussite cách đây 550 năm.



 Jasna Gora vẫn giữ nguyên vẻ khổ hạnh truyền thống và không có những cảnh tượng thương mại như tại một số trung tâm Thánh Mẫu khác. Năm 1991, Đền thánh này là trung tâm của Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 6.



 Viếng Đền Thánh Đức Mẹ



 Đến Czestochowa vào lúc gần 9 giờ rưỡi, ĐTC đã dùng xe 'Papamobile' tiến về Đền thánh Jasna Gora, đồng thời để chào thăm nửa triệu tín hữu đứng dọc theo các đường lộ nhất là khu vực trước Đền Thánh, trong bầu không khí rất tưng bừng.



 Khi tới đan viện và Đền Thánh, ĐTC được Cha Bề trên Tổng quyền và 300 Đan sĩ dòng Thánh Phaolô đón tiếp và hướng dẫn vào nhà nguyện, trước ảnh Đức Mẹ Đen. Bên trái bàn thờ có một bình thánh tích đựng giải áo mang vết máu của ĐTC Gioan Phaolô 2 khi ngài bị mưu sát ngày 13-5-1981.



 ĐTC cầu nguyện trong thinh lặng và dâng kính Đức Mẹ đóa hoa hồng vàng, theo thói quen của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm.



 Dâng thánh lễ



 Tiếp đến, ngài tiến ra địa điểm cử hành thánh lễ, với bàn thờ ở trên cao, trước tường của Đan viện thánh Phaolô. Khi tiến lên bàn thờ, ĐTC bị hụt chân ngã, nhưng đã được Đức Ông trưởng ban nghi lễ đi cạnh nâng dậy ngay.



 Đồng tế với ĐTC có 130 Hồng Y GM Ba Lan, các GM khách và hàng ngàn LM đồng tế ngồi trước lễ đài. Trong số những người hiện diện cũng có Ông bà Tổng Thống, bà thủ tướng và các giới chức chính quyền Ba Lan.



 Thánh lễ kỷ niệm biến cố cách đây 1050 năm, quận công Miesko I của Ba Lan chịu phép rửa năm 966 khi kết hôn với công chúa Dubrawka xứ Boemia và đưa toàn dân theo Công Giáo la tinh, và thành lập quốc gia Ba Lan.



 Bài giảng thánh lễ



 Trong bài giảng bằng tiếng Ý, và được dịch ra từng đoạn bằng tiếng Ba Lan , ĐTC đã nhấn mạnh sự kiện Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người trong sự nhỏ bé, khiêm hạ, không hề có sự hiển thắng, không chút biểu dương hùng hồn nào của Đấng Toàn Năng. Trái lại Chúa đi vào trần thế một cách đơn sơ nhất, như một hài như từ người mẹ. Ngài đến trong sự bé nhỏ, trong khiêm tốn. Ngài nói:
 


 ”Từ các bài đọc của phụng vụ này, nổi bật sợi dây của Thiên Chúa kéo qua lịch sử nhân loại và dệt thành lịch sử cứu độ ...

 Bài Tin Mừng đọc trong thánh lễ, kể lại phép lạ tiệc cưới Cana. Phép lạ này cũng không diễn ra như một dấu chỉ huy hoàng trước mặt dân chúng, và cũng chẳng phải như một can thiệp giải quyết một vấn đề chính trị nóng bỏng. Trái lại phép lạ ấy diễn ra tại một làng nhỏ, một phép lạ đơn sơ, mang lại vui mừng cho lễ cưới của một gia trình trẻ, hoàn toàn vô danh. Nhưng nước biến thành rượu cho lễ cưới là một dấu chỉ lớn lao, vì tỏ cho chúng ta thấy tôn nhan hôn phu của Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa ngồi vào bàn với chúng ta, Ngài mơ ước và thực hiện sự hiệp thông với chúng ta. Cử chỉ ấy nói với chúng ta rằng Chúa không giữ khoảng cách, nhưng gần gũi và cụ thể, Ngài ở giữa chúng ta và chăm sóc chúng ta, không quyết định thay cho chúng ta và cũng chẳng bận tâm đến những vấn đề quyền bính ... Vì thế, Thiên Chúa cứu vớt chúng ta bằng cách trở nên bé nhỏ, gần gũi và cụ thể. Nhất là Thiên Chúa trở nên nhỏ bé, hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29). Ngài ưa thích những người bé mọn, và mạc khải cho họ Nước Thiên Chúa (Mt 11,25). Họ là những người cao trọng trước mặt Chúa và Chúa đoái nhìn họ (Xc Is 55,2). Chúa yêu thương họ hơn, vì họ chống lại sự kiêu căng trong cuộc sống đến từ thế gian (Xc 1 Ga 2,16)..



 Từ những nhận định trên đây, ĐTC nhắc đến bao nhiêu người con nam nữ của dân tộc Ba Lan: ”Những vị tử đạo đã làm rạng ngời sức mạnh vô phương tự vệ của Tin Mừng; những người đơn sơ nhưng ngoại thường đã biết làm chứng về tình yê của Chúa giữa những thử thách lớn lao.. những người hiền lành và mạnh mẽ loan báo Lòng Thương Xót, như thánh Gioan Phaolô 2 và thánh nữ Faustina. Qua những ”kênh” này của tình thương, Chúa đã ban những hồng ân vô giá cho toàn thể Giáo Hội và toàn thể nhân loại. Thật là một điều đầy ý nghĩa khi việc kỷ niệm phép rửa tội của dân tộc Ba Lan diễn ra trùng vào Năm Thánh Lòng Thương Xót.



 Ngoài ra, Thiên Chúa gần gũi, Nước của Ngài gần kề (xc Mc, 1,15): Chúa không muốn người ta sợ hãi như một chúa tể quyền năng và xa cách, Ngài không muốn ở lại trên một ngai trên trời cao hoặc trong các sách sử, nhưng Ngài hạ cố, đi xuống những biến cố hằng ngày của chúng ta, để đồng hành với chúng ta. Khi nghĩ đến hồng ân ngàn năm đức tin dồi dào, thật là đẹp nếu trước tiên chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã đồng hành với dân tộc anh chị em, cầm tay và dẫn dắt qua bao nhiêu hoàn cảnh. Đó cũng là điều mà chúng ta, trong tư cách là Giáo Hội, được kêu gọi thực hiện: lắng nghe, can dự, trở nên gần gũi, thân cận, chia sẻ những vui mừng và cơ cực của dân chúng, để Tin Mừng lan tỏa một cách phù hợp nhất và mang lại nhiều thành quả: nhờ sự chiếu tỏa tích cực qua đời sống minh bạch.



 Sau cùng, Thiên Chúa cụ thể. Từ các bài đọc hôm nay chúng ta cũng thấy tất cả trong hoạt động của Thiên Chúa, đều là cụ thể: Sự Khôn Ngoan của Chúa ”hoạt động như một người thợ” (Xc Cn 8,30), Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, sinh từ một người mẹ, sinh dưới lề luật (Xc Gl 4,4), Ngài có các bạn hữu và tham dự lễ hội ... Trong lịch sử, anh chị em, đã có thể động chạm sự dịu dàng cụ thể và quan phòng của Mẹ tất cả mọi người đến đây để tôn kính Mẹ như khách hành hương..



 ”Mẹ là Đấng mà chúng ta tụ họp nơi đây để nhìn lên Người. Trong Mẹ Maria chúng ta tìm được sự hoàn toàn phù hợp với Chúa.. Trong cuộc sống của Mẹ Maria, chúng ta chiêm ngưỡng sự nhỏ bé của Thiên Chúa, Đấng ”đã nhìn đến phận hèn của tôi tớ Chúa” và ”đã nâng những người khiêm hạ lên cao” (Kc 1,48.52). Thiên Chúa đã rất hài lòng về Mẹ đến độ đã để Mẹ dệt thân mình của Người và qua đó Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa, như bài thánh ca rất cổ kính từ bao thế kỷ vẫn tuyên xưng.
 


 Tại Cana cũng như tại Jasna Gora này, Mẹ Maria trao tặng chúng ta sự gần gũi của Mẹ, Mẹ giúp chúng ta khám phá điều gì còn thiếu đối với cuộc sống sung mãn ... Trong tư cách là người Mẹ gia đình, Mẹ muốn gìn giữ chúng ta ở cùng nhau. Đoàn kết. Trong sự hiệp nhất, hành trình của dân tộc anh chị em đã vượt thắng bao nhiêu thời điểm khó khăn. Mẹ đã can đảm vững mạnh dưới chân Thập Giá và kiên trì trong kinh nguyện với các môn đệ chờ đợi Chúa Thánh Linh, xin Mẹ đổ tràn ước muốn đi xa hơn những ngọn tháp và những vết thương quá khứ, và kiến tạo tình hiệp thông với tất cả mọi người, không bao giờ chiều theo cám dỗ tự cô lập và áp đặt”.

 Trong lời chào mừng ĐTC cuối thánh lễ, Đức Cha Polak, TGM giáo phận Gnieszo là giáo phận đầu tiên của Ba Lan, đã cám ơn ĐTC và nói rằng: ”Chúng con tiếp tục phó dâng sứ mạng của ĐTC hướng dẫn dân Chúa cho cái nhìn từ mẫu của Đức Mẹ Đen, cho Con Tim và đôi tay của Mẹ. Chúng con rất cần sứ vụ Phêrô này, mở cho chúng con sự hân hoan loan báo Tin Mừng. Xin Thiên Chúa thưởng công bội hậu cho ĐTC.



 Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ 15 và ĐTC trở về Cracovia, dùng bữa trưa và nghỉ ngơi tại tòa TGM. Ban chiều có buổi tiếp đón chính thức các bạn trẻ quốc tế dành cho ĐTC tại công viên Blonia.

7
8
9



Posted By Đỗ Lộc Sơn09:33