Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Tuổi thơ êm đềm

Filled under:

Đêm giao thừa, thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới luôn mang một ý nghĩa thiêng liêng nào đó đối với tất cả mọi người. Ai cũng có những mong ước, hy vọng và cảm xúc riêng. Khoảng 10 năm trước, tôi của ngày ấy cũng có những đêm giao thừa đầy kỷ niệm đáng trân trọng và lưu giữ.

đêm giao thừa, tết cổ truyền, nhật kí,
Nồi bánh chưng của mẹ ấm tuổi thơ con. (Ảnh: Internet)
Đêm giao thừa, người lớn thường hối thúc chúng tôi tắm rửa để rũ bỏ những điều không tốt của năm cũ và chuẩn bị đón những điều may mắn của năm mới. Đứa nào cũng háo hức chờ đến sáng hôm sau để được mặc những bộ quần áo mới mà bố mẹ đã mua từ trước nhưng cất đi, đợi đến đúng sáng mồng Một mới lấy ra cho mặc.
Mẹ tôi bán hàng ngoài chợ, khi đi phải dùng xe thồ chở hàng qua đò rồi lên dốc cao. Hàng nặng lại cồng kềnh, bố thường phải phụ mẹ một tay. Thỉnh thoảng về thăm nhà, tôi cũng đẩy xe cùng với mẹ. Trước Tết, mẹ mua đủ loại thực phẩm như măng khô, mộc nhĩ, miến, gạo nếp, thịt, trứng, rồi những loại nguyên vật liệu khác để làm các món ăn truyền thống ngày Tết như: thịt nấu đông, giò, bánh chưng v.v… Anh tôi thì mua quất, mua đào để trang trí nhà cửa. Bố tôi chặt những cây tre non chẻ lạt phơi khô làm dây gói bánh. Không khí những ngày cận Tết thật nhộn nhịp và hớn hở, người mua kẻ bán tấp nập.
đêm giao thừa, tết cổ truyền, nhật kí,
Lì xì đầu năm. (Ảnh minh họa: Internet)
Sáng mồng Một Tết, theo lệ chúng tôi sẽ đi chúc Tết ông bà, được nhận lì xì và những lời chúc từ người lớn. Cảm nhận được niềm vui khó tả của tình thân, thấy hạnh phúc khi được sống trong gia đình. Sau các màn thủ tục lễ nghi, chúng tôi được tự do đi chơi đu quay, đến các đình làng rút quẻ và vui đùa cùng nhau.
Mấy năm lại đây, khi đã lớn khôn, một lần được anh chị nhờ xông nhà, tôi đi lang thang bên ngoài chờ cho đến hơn 12h giờ mới được về nhà. Một mình đi giữa đêm khuya, tôi chợt nhận ra mình không còn cảm thấy khoảnh khắc giao thừa linh thiêng như thuở xưa nữa. Tôi tự hỏi lòng vì sao? Có phải vì khi lớn lên, mải miết đuổi theo danh lợi, không còn tiếp xúc nhiều với gia đình, tôi đã đánh mất điều gì đó?
Tôi có thực sự muốn như vậy không, trong lòng lạnh tanh vô cảm, không còn biết trân trọng sự ấm áp của gia đình, tình thân, không còn cảm nhận được giá trị của cái Tết cổ truyền. Những suy nghĩ miên man ấy cứ tiếp nối nhau không có lời giải thích nào cho thỏa đáng.
Rồi bỗng tiếng chuông đình làng điểm, thời khắc giao thừa đã đến. Trong lòng chợt dâng lên niềm rạo rực, chờ đợi. Thứ cảm giác thiêng liêng, ấm áp bỗng chốc ngập tràn, tôi ngước đầu lên nhìn pháo hoa rực sáng giữa bầu trời đêm đen như củ mật mà bà vẫn thường hay kể, từ trong tâm vang lên lời cầu chúc cho tất cả mọi người thân yêu, một năm mới bình an và hạnh phúc. Sự rung động này khiến toàn thân tôi lan tỏa một cảm giác hạnh phúc vô bờ bến, những lo toan, vất vả mưu sinh trong khoảnh khắc chợt tan biến đi, chỉ còn lại niềm tin và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn sẽ đến.
Khi bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền của thời đại ngày nay, các giá trị tinh thần truyền thống đang ngày càng mai một và dần dần biến mất. Giữa người với người không còn mấy thân thiện và hòa bình  như trước nữa. Nhìn đâu đâu cũng thấy những lo toan, tính toán, đề phòng và nghi kỵ… Thấy mà thương, mà đau lòng cho người Việt, đất Việt, đau lòng cho những truyền thống tốt đẹp của cha ông bị lãng quên trong thói đời đạo đức đang trượt dốc này. May sao vẫn còn những dịp như cái Tết, để mọi người xích lại gần nhau hơn, để nhắc nhớ lại các giá trị tinh thần truyền thống của người xưa và truyền nó cho các thế hệ trẻ kế thừa tiếp nối.
Mong rằng mùa xuân này, người người sẽ nuôi dưỡng một mầm thiện niệm trong tâm, sang năm mới sống chân thành hơn, khoan dung hơn, cởi mở hơn, và biết tha thứ cho nhau nhiều hơn. Trong tâm có “Chân-Thiện-Nhẫn”, phẩm chất đạo đức và tiêu chuẩn đời sống sẽ thăng hoa trở lại, và chúng ta sẽ bước vào một kỷ nguyên mới tươi sáng hơn và hạnh phúc hơn.
Sưu tầm trên Internet