Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 6/2/2016

Filled under:


LÒNG NHIỆT THÀNH VÌ SỨ MẠNG
“Anh em hãy lánh riêng ra… mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ để ăn uống nữa… Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương… và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. (Mc 6,31.34)
Suy niệm: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu…” Lời ca khúc ấy nghe nao lòng. hôm nay lòng nhiệt tình vì sứ mạng của Đức Giê-su cũng làm ta nao lòng như vậy. Ngài là nhà thừa sai cần mẫn hay lam hay làm, quên mình và chỉ quan tâm lo lắng cho người khác. Dầu không có một thời biểu chặt chẽ, Người vẫn chú ý ‘lên lịch’ cho các môn đệ: sau một đợt làm việc căng thẳng thì cần “nghỉ ngơi đôi chút”. Thế nhưng, ‘lịch’ ấy thường xuyên bị xáo trộn. Thầy trò tránh đám đông để tìm chút nghỉ ngơi, nhưng đám đông nhanh chân hơn, đã ‘đón lõng’ thầy trò! Thế là lại phải mau mắn đáp ứng, bởi vì Đức Giê-su vẫn chạnh lòng thương!
Mời Bạn: Hãy chiêm ngắm một Giê-su như bị vắt kiệt bởi nhiệt tình sứ mạng. Chúng ta được khuyến khích có lịch làm việc; nhưng lịch ấy có cứng quá đến nỗi nhiều khi biến ta thành những kẻ vô tâm và bất nhẫn không?
Chia sẻ: Làm sao để học bài học “chạnh lòng thương” của Đức Giêsu để đón nhận những người tìm đến với mình – thay vì là quạu quọ bực bội?
Sống Lời Chúa: Mỗi lần cảm thấy bị quấy rầy và muốn nổi cáu với ai đó, ta nhớ đến Đức-Giêsu-chạnh-lòng-thương!
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an. Xin cho con biết quên mình, để phục vụ vì yêu thương tha nhân. Amen.

THÁNH PHAOLÔ MIKI VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO
(1597)
Thánh Phanxicô Xaviê là nhà truyền giáo đã đem tin mừng cho nước Nhật. Nửa thế kỷ sau các Kitô hữu vẫn còn giữ đức tin của mình, khi vào năm 1597, một cuộc bách hại bùng nổ dữ dội. Lúc ấy Hideyeshi, một viên chức có thế lực đã dựa vào tiếng la hét điên khùng của một thuyền trưởng Tây Ban Nha rằng, các thừa sai đang dọn đường cho cuộc chinh phục Nhật Bản của người Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha để kích động cuộc bách hại. Vua Taicosme tin điều đó. Sáu linh mục dòng Phanxicô bị bắt giữ cùng với những người Nhật thuộc dòng ba Phanxicô giúp việc truyền giáo. Trong số những người Nhật này có ba đồng nhi tuổi từ 12-15 là Luy, Antôn và Tôma Cosaki. Người ta đề nghị với Luy nên trốn đi nhưng Luy từ chối. Em nói với cha mẹ đang khẩn khoản xin em chạy trốn cái chết:
- Chúa sẽ cho con được đủ can đảm để chiến đấu.
Khi vị quan xét hứa ban cho em của cải nếu em bỏ đạo, em khinh bỉ tuyên bố:
- Thánh giá tôi không sợ, vì tình yêu Chúa tôi còn ao ước nữa là khác.
Ba tu sĩ dòng Tên góp thêm vào sổ các vị tử đạo là; Phaolô Miki, Gioan Gottô và Giacôbê Kissi. Họ bị dẫn tới công trường Mêacô. Nhà vua truyền lệnh cắt mũi, cắt tai các tù nhân và chở xe qua các thành phố chính rồi đóng đinh vào thập giá tại Nagasaki. Nhìn ba trẻ em máu me bê bết, nhưng vẫn thản nhiên tươi cười, dân chúng cảm động. Các Kitô hữu phủ phục xin ban phép lành và trong cơn nhiệt thành, có người còn xin lính gác cho được lên cùng một xe nữa mà không được. Phaolô Miki và Gioan Tẩy giả, bề trên dòng Phanxicô, vẫn rao giảng suốt dọc đường xe đi qua. Cuộc du hành thảm khốc chiếu toả ánh sáng tình yêu. Các vị tử đạo không ngừng kêu gọi các linh hồn về với Chúa.
Cuối cùng các vị đã tới đỉnh Calvê, nơi họ được đồng hoá với Đức Kitô, chính vì Ngài mà họ chết. Trên một ngọn đồi quay ra biển, các cây thập giá đang đợi chờ họ.
Bé Luy hỏi xem cây thánh giá nào của mình. Em hăm hở chạy tới. Khi chịu đóng đinh. Em không dứt nụ cười.
Người ta nghe rõ một giọng nói nhiệt thành lặp lại lời người trộm lành: "Lạy Chúa, xin nhớ đến con".
Một tu sĩ dòng Tên từ trên thánh giá, đã giảng bài cuối cùng và thêm: Tôi tha thứ cho những người chủ mưu gây nên cái chết của tôi. Tôi khấn nguyêïn cho họ được lĩnh phép rửa tội.
Bạn trẻ Antôn cố dùng sức tàn để hát lên lời ca: "Hỡi trẻ em, hãy ca tụng Chúa". Nhưng ngài đã không đủ thời gian để ca hết bài. Một lưỡi đòng đã đâm thủng tim ngài.
Tất cả 26 vị đã được tôn phong hiển thánh năm 1862.