Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Suy Niệm Phúc Âm CN V TN C

Filled under:

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
QUÝ VỊ, QUÝ BẠN, QUÝ  QUYẾN
Năm Mới Bính Thân – 2016
Dồi Dào Sức Khỏe
An Bình Hạnh Phúc
Thịnh Đạt Vui Tươi
Thành Công Như Ý
***
        Nhiệt liệt hưởng ứng ý nguyện của Giáo Hoàng Phanxicô, muốn dâng trọn năm Phụng Vụ này (từ Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8.Dec.2015 - đến Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ 20.Nov.2016), là Năm Thánh tôn vinh ‘Lòng Thiên Chúa Thương Xót’. Đón nhận Năm Thánh bằng cách: Sống cảm nghiệm,  và mau mắn đáp trả lại Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa dành cho toàn nhân loại, cũng như cho mỗi người, và cho đến muôn đời. Chia sẻ Lòng Thương Xót đến với tất cả Anh Chị Em của mình.
        Thân gửi QUÝ VỊ và QUÝ BẠN,
- Suy Niệm Phúc Âm CN V TN C
         * Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới.
        Bài Phúc Âm Thánh Luca, thuật chuyện việc Thánh Phêrô vâng lời Chúa Giêsu để thả lưới; theo Thánh Phêrô, Thầy dạy thì mình vâng lời, vì mình tin Thầy khôn ngoan hiểu biết hơn mình, vâng theo ý Thầy cho vui lòng Thầy. Chính mình nhận thấy lời Thầy bảo có lý, chứ không phải nghịch lý hay là phi lý, nên mình vâng lời Thầy. Thiên Chúa không muốn cho cấp dưới vâng lời như máy móc, và cấp trên biến thành độc đoán độc tài.
        Thiên Chúa muốn cho người ta đem lòng kính mến tin cậy mà đến cùng Thiên Chúa, hơn là sợ hãi mà xa lánh Thiên Chúa.
        Nói để cho người ta đến với Thiên Chúa, trước là phải tìm cách dịu dàng để cho người ta nghe; sau là, mình phải có sức mạnh tinh thần đến nỗi làm cho người ta phải theo./-
        Thân mến, vh.
Sunday, 7.Feb.2016

CN V  THƯỜNG NIÊN C  (Lc 5,1-11)

1. Bài Đọc
        “Một hôm (1), đám đông dân chúng chen lấn nhau đến sát bên Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Giênêxarét. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Chúa Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người bảo ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
        “Giảng xong, Người bảo Simon: ‘Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá’. Ông Simon đáp: ‘Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới’. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
        “Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Chúa Giêsu và nói: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!’. Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo ông Simon: ‘Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta’. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người”.

2. Chú Thích
        (1) Một hôm: Tiếp theo hành trình giảng đạo của Chúa Giêsu ở miền Giuđê, dân chúng đến với Người rất đông, giảng cho dân chúng xong, Người chọn bốn môn đệ đầu tiên.

3. Suy Niệm
        (1) Vì câu chuyện này, có người kể Thánh Phêrô là gương mẫu vâng lời tối mắt, như cây gỗ, hay như xác chết. Thực ra, người tín hữu không dám nghĩ như thế. Vì câu nói của Thánh Phêrô rất tự nhiên theo thường tình. Thánh Phêrô vẫn sáng suốt, dùng lý trí, nhận thấy tuy mình vất vả cả đêm, nhưng đó là việc tự ý mình, nên không có kết quả gì. Bây giờ, Thầy dạy thì mình vâng lời, vì mình tin Thầy khôn ngoan hiểu biết hơn mình, vâng theo ý Thầy cho vui lòng Thầy. Chính mình nhận thấy lời Thầy bảo có lý, chứ không phải nghịch lý hay là phi lý, nên mình vâng lời Thầy. Có như thế mới đẹp lòng Thiên Chúa, vì Thiên Chúa muốn người ta vâng lời, có hiểu biết và có tự do, chứ không phải như cơ khí, như cây gỗ hay như xác chết theo nghĩa đen. Vâng lời vì muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, con người vẫn tỉnh táo, sáng suốt, hiểu biết và tự do, chứ không phải chỉ theo ý riêng mình, thế là siêu nhiên. Vâng lời như thế thì có kết quả tốt đẹp, như Thánh Phêrô đã bắt được mẻ cá nhiều khác thường. Thiên Chúa không muốn cho cấp dưới vâng lời như máy móc, và cấp trên độc đoán độc tài. Nhưng Thiên Chúa muốn cho hai bên phải sống đúng con người. Cả hai bên đều phải dùng lý trí cho xác đáng, phải có tâm tình truyền bảo hay vâng lời đều vì nhận thấy có lý và cần thiết, ích lợi, vì mến Thiên Chúa và yêu thương người ta, chứ không phải chỉ có ý thử thách hay chỉ muốn cho dễ dàng.

        (2) Cũng theo thường tình, khi thấy một vị cao trọng, càng thấy mình hèn kém tội lỗi, không dám lại gần. Trong dịp này, Thánh Phêrô đã có ý tưởng, tâm tình và ngôn ngữ như thế. Nhưng cũng có người có một thái độ khác, thấy mình càng phải đến gần để xin bậc có quyền thương xót và tha thứ, cứu giúp. Thái độ trước vì sợ hãi, thái độ sau vì kính mến và tin cậy. Hiểu thái độ trước của người Do Thái hay là những người tin tôn giáo nào khác. Còn thái độ sau là của người hiểu và tin đạo Chúa Cứu Thế. Nhưng thật không hiểu tại sao Thánh Phêrô đã theo Chúa Giêsu, lại còn có những cử chỉ như thế? Hay là vì còn nặng theo tâm tình của người Do Thái, để cho tính sợ hãi thắng lòng kính mến và tin cậy. Hay là vì lòng kính mến tin cậy chưa thắng được tính sợ hãi. Ở đây không dám tìm hiểu và đoán xét Thánh Phêrô. Nhưng học Phúc Âm, lại càng thấy Thiên Chúa muốn cho người ta đem lòng kính mến tin cậy mà đến cùng Thiên Chúa, hơn là sợ hãi mà xa lánh Thiên Chúa. Như có bao nhiêu người ngoại giáo, không bị ảnh hưởng đường lối giáo dục của người Do Thái, dám đến gần Thiên Chúa và kêu xin Thiên Chúa. Cho hay ảnh hưởng của giáo dục tôn giáo có thể sâu xa đến thế nào. Điều cần thiết là phải làm cho người ta kính mến và tin cậy Thiên Chúa, nói được có thể thân mật với Thiên Chúa, như Thiên Chúa muốn, nhưng không được lầm lẫn đơn sơ, giản dị, khiêm tốn với liều lĩnh, vô phép, khinh nhờn.

        (3) Theo câu chuyện này, thì càng hiểu Thiên Chúa rất nhân từ. Lần thứ nhất, hai người môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả xin theo Chúa Giêsu, một người về gọi thêm anh em mình. Chúa Giêsu nhận cả ba người. Sau ít lâu, Chúa Giêsu cho về lao động, sinh sống với gia đình. Rồi Chúa Giêsu lại bảo họ đến theo Người. Không biết Chúa Giêsu lại cho về lúc nào. Nhưng lần này, thấy rõ Chúa Giêsu đến gọi một cách nhất định lầu dài. Tương tự như ngày nay, trong một số Tu Viện, sau thời kỳ tập luyện, thì cho Tu Sĩ về với gia đình hay là đi lao động trí óc hoặc chân tay, rồi Bề Trên gọi về khấn tạm. Hết thời kỳ khấn tạm, Tu Sĩ cũng được về với gia đình hay là ra sống giữa đời, làm các công việc. Rồi đến ngày các Bề Trên gọi về để khấn trọn đời. Nói được là theo gương Chúa Giêsu. Chỉ khác, là ngày xưa các Tông Đồ không khấn hứa mà vẫn trung thành, chỉ trừ một kẻ tham danh lợi. Có người đã sắp chung hai lần sau làm một, chỉ có cách thuật chuyện của Thánh Mattheu và Thánh Luca khác nhau. Nhưng đọc kỹ Phúc Âm, càng thấy có nhiều chi tiết gần như phản ngược nhau. Thiết tưởng có thể tin là hai lần, chứ không phải một. Nhất là lần trước, Thánh Mattheu kể lời Chúa Giêsu bảo Người sẽ làm cho các Tông Đồ thành kẻ câu người. Lần sau, Thánh Luca kể lời Chúa Giêsu bảo Thánh Phêrô sẽ cứu sống người. Nếu thực có khác nhau, thì hiểu có hai bậc; bậc thứ nhất còn phải tìm cách dịu dàng để cho người ta nghe; bậc thứ hai, mình có sức mạnh tinh thần đến nỗi làm cho người ta phải theo. Đó là tùy tâm hồn người nghe, người viết và người đọc./-
                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy
                                   niemtinm@aol.com