Sự kiên nhẫn và lòng nhân từ của Thiên Chúa
Có một nhà thiên văn vừa mới
hoàn chỉnh được chiếc viễn vọng kính của mình. Ông đặt chiếc viễn vọng kính ấy
lên sân thượng, và đêm đêm, ông nhìn các vì tinh tú trên bầu trời.
Một buổi tối kia, ông bỗng
khám phá ra một con rồng xanh trên mặt trăng.
Ông báo cho bè bạn hay, thế là
người ta ùn ùn kéo đến để được nhìn thấy con vật lạ. Ai cũng tấm tắc khen ngợi
nhà thiên văn.
Thế nhưng, có một nhà bác học
già cũng đến để được nhìn xem con rồng.
Sau khi đã xem qua, ông lắc
đầu và tiếp tục quan sát thật kỹ ống kính.
Cuối cùng, ông khám phá ra một
sợi chỉ xanh vướng vào đầu ống kính,
ông liền nói với nhà thiên
văn:
- Này anh bạn, trước khi quan
sát các vì tinh tú, anh hãy coi lại cái ống kính của mình, xem có trục trặc gì không?
Cái ống kính viễn vọng trong câu chuyện vừa nghe là một
hình ảnh tượng trưng cho cách chúng ta nhìn đời và nhìn người.
Thực vậy, nhiều khi cái ống kính ấy có vướng mắc những
sợi chỉ mong manh, có nghĩa là lắm lúc chúng ta đã nhìn đời và nhìn người bằng
cặp mắt thiển cận. Chúng ta muốn suy bụng ta ra bụng người, chúng ta muốn lấy
lòng mình làm thước đo người khác. Chúng ta muốn cư xử rộng rãi với bản thân mà
lại nghiêm khắc với người khác.
Chúng ta muốn lấy cái rơm trong mắt người khác mà không
chịu lấy cái xà ra khỏi mắt mình.
Đây cũng là trường hợp đã xảy ra cho hai biến cố mà Chúa
Giêsu nhắm đến ở đây.
Đứng trước cái chết bi thương và đẫm máu của những người bị Philatô giết chết,
cũng như mười tám người khác bị tháp Siloe đổ xuống đè bẹp, dân Do Thái đã mau mắn đi tới kết
luận:
- Sở dĩ họ bị như vậy vì họ là những kẻ tội lỗi, đáng bị
Thiên Chúa trừng phạt.
Thế nhưng, quan điểm của Chúa Giêsu thì khác. Ngài xác
định họ không phải là những kẻ tội lỗi, đồng thời Ngài muốn dùng những biến cố
ấy, những sự kiện ấy như tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính bản thân mỗi người như Chúa
Giêsu đã kết luận: Nếu
các ngươi không chịu ăn năn, thì các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy.[1]
Tuy nhiên Thiên Chúa rất kiên nhẫn với chúng ta như trong dụ ngôn cây vả
trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thông thường, một cây vả phải mất ba năm mới trưởng
thành. Nếu đến lúc đó, mà nó vẫn không trổ sinh hoa quả, thì chắc chắn nó sẽ
không thể nào đơm hoa kết trái được. Đây là trường hợp thân cây mà Đức Giêsu
đang nói đến.
Sau ba năm, người chủ vườn đến xem, và nhận thấy thân cây
này vẫn cứ cằn cỗi.
Ông ta đã kết luận rằng đó là một cây vô dụng.
Nó đã rút chất bổ dưỡng từ lòng đất, mà không hề trả lại
gì cả, phải chặt nó đi, vì nó chiếm mất khoảng không gian có giá trị.
Thế là ông bảo người làm vườn chặt bỏ cây này đi.
Nhưng vốn là một người có nhiều hiểu biết về cây vả, và là một người rất kiên nhẫn, nên
người làm vườn đã đáp lại: “Thưa ông xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun
xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm, nó có trái, nếu không,
thì chúng ta sẽ chặt nó đi”.
Người chủ vườn đồng ý.
Chúng ta không được nghe kể thêm điều gì sẽ xảy ra cho
cây vả đó,
nhưng không thành vấn đề.
Chúng ta chỉ cần biết là Đức Giêsu đã cho thấy quan điểm của Thiên Chúa: Tương tự như người làm vườn
kiên nhẫn với cây vả, cũng vậy, Thiên Chúa rất kiên nhẫn với các tội nhân.
Thiên Chúa rất kiên nhẫn. Lịch sử Giáo Hội đầy rẫy các ví
dụ về những cây vả cằn cỗi, nhưng cuối cùng cũng đã trổ sinh hoa quả.
Tuy nhiên
dụ ngôn này cũng cho thấy rằng
đây như một cơ hội cuối cùng.
Nếu chúng
ta khước từ hết cơ hội này đến cơ hội khác, thì khi ngày cuối cùng đến, không
phải Thiên Chúa đóng cửa lại, nhưng chính chúng ta tự ý đóng cửa lòng mình với
Thiên Chúa.[2]
“Nếu
các ngươi không chịu ăn năn, thì các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”.
Đây là lời Chúa Giêsu cảnh báo dân Do Thái và cũng là
lời cảnh báo mỗi người chúng ta hôm nay.
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU CHUỘC
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY, C
(Xh 3,1-8a.13-15; 1 Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9)
Nếu Chúa Nhật I Mùa Chay nói về chủ đề cám dỗ, Chúa Nhật II nói về vinh quang, thì Chúa Nhật thứ III Mùa Chay hôm nay nói về chủ đề sám hối.
Tại sao chủ đề sám hối lại được đặt vào trọng tâm của Mùa Chay? Thưa vì khi sám hối, con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, đồng thời cũng nhận ra sự bất toàn của chính mình. Từ đó, chúng ta đón nhận được ơn tha thứ, khởi đầu lại hành trình đức tin và tiếp tục đi trong đường lối yêu thương của Người.
Hôm nay, vào giữa Mùa Chay, Giáo Hội lại một lần nữa kêu gọi con cái mình sám hối, vì: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”(2 Cr 6,2b).
1. Lý do cần phải sám hối
Khởi đi từ bài đọc I, tác giả sách Xuất Hành cho thấy: Thiên Chúa là Đấng yêu thương con cái của Người cách đặc biệt, nên ngay từ xa xưa, Thiên Chúa đã tuyển chọn ông Abraham, qua đó, Người thiết lập một dân riêng, để từ đây, Thiên Chúa mạc khải tình thương của Người cho nhân loại qua việc yêu thương, chăm sóc và giữ gìn.
Tình thương ấy được tỏ hiện cụ thể qua việc Thiên Chúa tiếp tục chọn và gọi Môsê để trao phó cho ông sứ mạng giải thoát dân Người ra khỏi ách nô lệ bên Aicập.
Đến bài đọc II, thánh Phaolô gợi lại sự chăm lo của Thiên Chúa cách đặc biệt trên cộng đoàn. Tuy nhiên, Ngài thấu hiểu được tâm lý con người, nên đã cảnh báo họ về những cám dỗ. Để chứng minh, Ngài đã nhắc lại cuộc xuất hành của dân từ Aicập vượt qua Biển Đỏ, rồi trong suốt hành trình nơi Samạc, họ đã được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, ấy thế mà, dân Israel đã bội nghĩa vong ân, đã thay trắng đổi đen, và đã vướng vào những cạm bẫy của ma quỷ, để rồi kiêu ngạo, thách thức Thiên Chúa. Vì thế, nhiều người đã phải chết trong sự ngu dốt do tính kiêu ngạo của mình.
Từ đó, thánh nhân mời gọi tín hữu Côrintô hãy sám hối, tin tưởng, phó thác vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với sự hướng dẫn đầy tình nhân ái của Người.
2. Nếu không sám hối, sẽ phải chết
Sang bài Tin Mừng, thánh sử Luca trình thuật việc dân chúng báo tin cho Đức Giêsu về hai sự kiện, một là: quan tổng trấn Philatô giết một số người Galilê đang khi họ dâng lễ vật trong đền thờ, và biến cố 18 người bị tháp Siloe đổ xuống đè chết, sau đó, họ kết luận: những người đó phạm tội nên mới bị chết cách đau đớn như vậy!!!
Khi nghe thấy tin ấy, Đức Giêsu đã không nhìn sự kiện dưới khía cạnh luân lý, kinh tế hay chính trị, mà Ngài nhìn dưới gọc độ tôn giáo. Vì thế, Ngài đã đánh đổi quan niệm cũ sai lầm mà người Dothái thường gán cho những người ốm đau, bệnh tật, tai nạn là do phạm tội nên bị Thiên Chúa phạt bằng câu nói đầy tính tiên tri: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy”. Điều này đã được chính Đức Giêsu chứng minh qua phép lạ chữa cho người mù từ lúc mới sinh, Ngài nói: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3).
Mặt khác, Ngài cũng muốn nhắc cho dân chúng ở đó rằng: chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán và kết án mà thôi, nên:“Đừng xét đoán để khỏi bị kết án” (Mt 7,1).
Như vậy, qua bài Tin Mừng này, chúng ta thấy ý chính, trọng tâm của sứ điệp chính là: “Hãy sám hối để được ơn tha thứ và cứu chuộc”.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Lời mời gọi ấy ngày nay vẫn con nguyên giá trị. Nhưng đáng tiếc thay, nhiều người vẫn dửng dưng và cho rằng: “Đời còn dài, lo gì, đến lúc già, ăn năn đền tội còn kịp chán. Tên ăn trộm kia còn kịp ăn năn, huống chi là mình !”; hay nghĩ rằng: “Đâm lao theo lao”, lỡ yếu đuối sa ngã phạm tội rồi, cho lỡ luôn! Thực ra, chỉ những ai dại dột hay kiêu ngạo thì mới cả gan nghĩ như vậy, bởi lẽ trong thực tế đã chứng minh cách nhãn tiền rằng: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”, vì: cái chết nó đến với chúng ta cách bất ngờ đến độ như kẻ trộm lúc đêm khua hay như chiếc lưới bất thần chụp xuống trên đầu chúng ta…
Vì thế, ngay giây phút này, mỗi người hãy tâm niệm câu nói của thánh Phaolô: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12); và câu nói của thánh Phêrô: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5). Vì ngài: luôn đánh giá rất cao người tội lỗi trở về hơn là người đạo đức mà kiêu ngạo.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay cho ta thấy rất rõ: đối tượng của lời kêu gọi sám hối không phải chỉ là những người tội lỗi, gái điếm, trộm cắp…, nhưng cả những người được coi là đạo đức, ngay chính, nhiều người kính trọng, hết thảy, ai ai cũng đều phải sám hối.
Bởi vì nếu lời mời gọi sám hối dành cho những người tội lỗi là: từ bỏ con đường bất chính, gian dâm, trộm cướp, hối lộ, bóc lột…, thì lời mời gọi sám hối dành cho những người đạo đức, công chính…, đó là: làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, biết cảm thông cho những thân phận xấu số, cảm thương với người nghèo và rộng tay làm phúc bố thí cho họ, nhất là nâng đỡ những người tội lỗi, giúp họ làm lại cuộc đời…
Tại sao vậy, Thưa! Kitô giáo không phải là một tôn giáo chỉ cấm những điều xấu không được làm, mà Giáo lý của Đức Giêsu còn đòi buộc cả những điều tích cực như: khi thấy điều tốt mà không làm thì cũng mắc tội. Điều này cũng được chính thánh Giacôbê nhắc đến trong thư của ngài: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (Gc 4,17).
Vì thế, nếu tỏ lòng sám hối là điều cần làm ngay lúc này, thì lời mời gọi sinh hoa quả tốt là các nhân đức cũng là điều cấp thiết. Bởi vì: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả đều bị chặt đi và quăng vào lửa”(x. Mt 3,10 ; Lc 3,9).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rõ rằng: biết sám hối là một lựa chọn khôn ngoan. Biết đổi mới đời sống theo thánh ý Chúa là người có phúc. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển