LỄ TẤT NIÊN - LỄ GIAO THỪA
Kính thưa ông
bà anh chị em,
+
Pele, ở phố Wall, nước Mỹ, là một
tên trộm khét tiếng vào thập niên 20 của thế kỷ 20 (không phải Pele huyền thoại
bóng đá của Brasil đâu nhé). Đối tượng trộm cắp của ông đều thuộc tầng lớp thượng lưu, có địa vị và
tiền bạc. Cuối cùng ông cũng bị bắt vì tội trộm cắp và phải ngồi tù 18 năm. Khi
ra tù, phóng viên hỏi ông một câu rất lý thú: "Thưa ông, ông từng trộm tài
sản của những nhà giàu có, vậy ông có thể cho chúng tôi biết, người thiệt hại
lớn nhất là ai không?”
Pele
đáp ngay không cần suy nghĩ: "Người đó chính là tôi!”
Thấy
phóng viên ngạc nhiên, Pele bèn giải thích: "Với tài năng của tôi, lẽ ra
tôi đã trở thành một doanh nhân thành công, một đại gia ở phố Wall hoặc là phần
tử có nhiều đóng góp cho xã hội. Bất hạnh thay, tôi đã chọn con đường trộm cắp,
trở thành tên trộm lấy cắp tài sản của chính mình nhiều nhất, các vị biết đấy,
tôi đã tiêu hao 1/4 thời gian trong đời cho việc ngồi tù”.
+
Còn Emanuel Ninger, một họa sĩ tài
ba thuộc trường phái ấn tượng, với tay nghề khéo léo khó tin, đã vẽ các tờ giấy
bạc 20 đô la và 50 đô la giống như thật, rồi sử dụng chúng. Cuối cùng, ông bị
bắt vì phạm pháp. Điều đáng nói là, thời gian mà Ninger vẽ một tờ giấy bạc 20
đô la bằng với thời gian ông vẽ một bức tranh có thể bán được 500 đô la. Có bào
chữa kiểu nào thì họa sĩ thiên tài này cũng là kẻ phạm tội. Thật đáng thương là
người thiệt thòi nhất không ai khác mà chính là ông.
Pele
và Ninger đều là người có năng khiếu, họ hoàn toàn có thể gặt hái thành công
bằng tài năng của mình.
Đời
người thật ngắn ngủi, nếu chúng ta không phát huy khả năng mà chỉ làm những
việc không đáng làm, tức là chúng ta đang lãng phí thời gian - thứ tài sản quý
giá nhất trên đời. Tài sản bị đánh cắp còn mua lại được, nhưng lấy mất đi thời
gian của chính mình mới là điều đáng sợ. [1]
Sở dĩ chúng
ta lãng phí thời gian bởi vì chúng ta chưa nhận ra giá trị của thời gian trong
cuộc sống.
Để
nhận biết giá trị của một năm, hỏi một học sinh vừa rớt kỳ thi lên lớp.
Để
nhận biết giá trị của một tháng, hỏi người mẹ vừa sinh con thiếu tháng.
Để
nhận biết giá trị của một tuần, hỏi người chủ bút của một tờ báo hàng tuần.
Để
nhận biết giá trị của một giờ, hỏi những tình nhân đang đợi để gặp nhau.
Để
nhận biết giá trị của một phút, hỏi một người vừa hụt một chuyến đi.
Để
nhận biết giá trị của một giây, hỏi một người vừa mới thoát khỏi một tai nạn.
Để
nhận biết giá trị của một phần ngàn giây, hỏi người đoạt huy chương bạc trong
kỳ thi Olympics.[2]
Chúng ta thường cảm thấy mình thiếu thốn về món này,
món khác... nhưng rất ít khi cảm thấy mình thiếu thốn thời gian. Nói một cách
chính xác hơn, sự quan tâm đến tính chất hạn chế của thời gian thật ra chỉ là
vì chúng ta cảm thấy không có đủ để cho chúng ta làm được điều này điều nọ...
Chúng ta rất hiếm khi hoặc không bao giờ thấy tiếc nuối thời gian chỉ vì đó là thời gian, là vốn liếng
quý báu rất hạn chế mà cuộc đời ta có được.
Khi ta sinh ra, điều chắc chắn duy nhất mà ta có thể
biết được về tương lai của mình đó là ta sẽ chết. Dù là yểu mạng ở tuổi đôi mươi, hay sống thọ đến khi trăm tuổi như mong
ước của nhiều người, thì cuối cùng chúng ta đều phải chết. Và mỗi ngày chúng ta trải qua
trong cuộc sống, có thể hiểu một cách hoàn toàn chính xác là mỗi một bước tiến
gần hơn về điểm cuối cuộc đời.
Chúng ta không hề bi quan khi thừa nhận điều này, vì
đó là sự thật! Chính thái độ tránh né không đề cập đến sự thật này mới là thái
độ hèn nhát, bi quan. Chúng ta thừa nhận sự thật này để thấy rõ một điều thực tế:
thời gian được sống trên cõi đời này là đáng quý biết bao!
Chúng ta sẽ càng ý thức rõ hơn sự quý giá này khi nhớ
rằng chúng ta không hề được đảm bảo là mình sẽ còn sống được bao lâu nữa. Chắc
chúng ta đã có lần chia tay với một người thân, để rồi chỉ vài hôm sau nghe tin
họ không còn nữa. Thật vậy, mạng sống quý giá này của ta có thể chấm dứt bất kỳ
lúc nào. Nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều
đó!
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang
theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm
ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình. Chúng ta còn được
bao nhiêu thời gian trong cuộc sống? Đó là một câu hỏi không ai có thể trả lời
được. Có thể là mười năm, hai mươi năm, có thể là một năm, có thể là vài ba
tháng... nhưng cũng có thể chỉ là trong chốc lát nữa thôi. Vấn đề này sẽ bộc lộ
hoàn toàn ý nghĩa thiết thực của nó khi chúng ta thử hình dung mình mắc phải một
chứng bệnh nan y nào đó như ung thư chẳng hạn. Và phán quyết của bác sĩ cho
chúng ta là một hoặc hai tháng nữa sẽ từ bỏ cuộc đời này. Thật kinh hoàng biết
bao! Và khi ấy, chúng ta mới thấy tiếc nuối cuộc sống này biết bao! Thế nhưng,
một thực tế là có biết bao người không hề mắc bệnh ung thư, cũng không hề được
ai dự báo trước, vẫn có thể đột ngột từ bỏ cõi đời này mà không theo một quy luật
nào cả. Làm sao dám chắc rằng chúng ta lại không là một trong số đó? Nếu chúng
ta có đủ can đảm chấp nhận sự thật ấy, chúng ta mới có thể sống thật trọn vẹn
những giây phút hiện đang có được trong cuộc sống tươi đẹp này[3].
Nhìn lại năm qua, nhiều khi chúng ta trách móc Chúa…
Nhưng nếu một ngày nào đó, ngồi trước nhan Chúa, chúng
ta ghi lại chi tiết một ngày sống của chúng ta. Chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc khi
thấy một lượng thời gian rất lớn đã bị lãng phí.
Nếu một ngày đó giây phút ấy đến với chúng ta, chắc chắn
sẽ làm thay đổi cuộc đời chúng ta. Sự thay đổi đó sẽ làm cho chúng ta được hạnh
phúc và an bình và như thế là thiên đàng đã đến với chúng ta ngay trên trần thế
này rồi. Amen
Mồng Một Tết
Năm nay dân tộc Việt Nam
chúng ta tiễn con Dê để đón con Khỉ. Con khỉ là một loài rất khôn ngoan,
lại hay bắt chước người. Nhưng đáng tiếc khỉ vẫn là khỉ cho dù nó cố gắng bắt
chước người nó vẫn không thể bỏ đi bản tính cố hữu của mình nên khỉ vẫn là khỉ
chẳng bao giờ thay đổi được bản tính của mình.
Truyền
thuyết kể rằng:
Sau khi chết, con khỉ liền
đi gặp Diêm Vương để xin kiếp sau được làm người. Diêm Vương nói như một mệnh
lệnh:“Muốn làm người, ngươi phải nhổ hết lông trên thân thể của ngươi”.
Nói xong, Diêm Vương kêu lũ
quỷ đè khỉ ra mà nhổ lông. Mới bị nhổ một sợi lông, con khỉ la lên: “Đau chết
đi được!”. Nghe vậy, Diêm Vương cười to và nói: “Một sợi lông mày cũng không
muốn nhổ, làm sao làm người được chứ?”.
Hóa ra làm người không dễ.
Muốn sống cho nên người thì cũng phải nhổ đi rất nhiều thứ lông lá bám trên con
người. Những lông lá đó là những thói hư tật xấu, những đam mê thấp hèn để mình
hoàn thiện tính người hơn. Con người có đời sống sinh vật theo bản năng nhưng
con người còn có sự sống thần linh. Thế nên, con người chỉ là người khi biết tự
chủ bản năng để sống theo bậc sống của mình. Con người chỉ là người khi biết đi
vào con đường hẹp, con đường của hy sinh, của từ bỏ đề sống thanh thoát với
ràng buộc của bản năng, của đam mê tật xấu.[4]
Thanh thoát
để có được niềm vui như thánh Phaolô nói với tín hữu Philipphê cũng là nói với
chúng ta: Anh em hãy vui lên, anh em hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh:
1. Tạ ơn Chúa về những điều mình đang có
Johann Kaspar Lavater,
triết gia người Thụy Sĩ nói rằng: «Mỗi ngày tôi muốn cám ơn về tất cả những gì
tôi nhận được, về những gì tôi được phép tận hưởng trước cả vạn người. Luôn
luôn sống biết ơn. Đó là đức hạnh đầu tiên tôi cần cố gắng tập.»
Và David Steindl-Rast,
một tu sĩ Biển Đức, viết trong cuốn sách “Sự chú ý của con tim”: «Từ sáng tới
tối, trong từng khoảnh khắc của thời gian, chúng ta nhận được muôn vàn hồng ân.
Chúng ta chỉ cần chú ý đến điều đó và lòng biết ơn sẽ từ từ lớn lên trong chúng
ta. Nhưng chúng ta có chú ý đến những hồng ân đó không? Đây chính là câu hỏi
đặt ra cho chúng ta.» Câu hỏi này cũng chính là động lực giúp mỗi người ý
thức biết ơn và mở lời cám ơn.[5]
2. Tạ ơn Chúa về những
điều may mắn trong cuộc sống
Sáng
hôm nay, chúng ta vẫn còn được thức dậy, vẫn còn được hiện hữu trên cõi đời
này. Hãy lắng nghe tiếng chim ríu rít bên khung cửa sổ ngoài kia, hít thở bầu
không khí trong lành, ngắm nhìn những tán cây xanh hay những bông hoa nhỏ xinh
e ấp trong buổi bình minh rực rỡ.
Và
chúng ta nhận ra mình thật hạnh phúc, chúng ta thầm cảm ơn cuộc đời đã mang cho
chúng ta những điều may mắn, cho chúng ta cơ hội để sống, để yêu thương và được
yêu thương. Đừng để mãi đến khi đánh mất đi một điều gì đó chúng ta mới nhận ra
giá trị thực sự của nó![6]
3. Tạ ơn Chúa về những
điều tưởng như rất đời thường
Eddie
Rickenbacker, phi công nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ nhất, một lần
bị trôi dạt trên một phao cứu sinh, đói khát trong suốt hai mươi mốt ngày cùng
cực và vô vọng giữa biển Thái Bình Dương mênh mông giá lạnh. Anh đã phải đấu
tranh giành giật giữa sự sống và cái chết từng giờ và anh đã sống sót qua thử
thách kinh khủng đó. Anh đã rút ra trải nghiệm quý báu để động viên mình và bạn
bè: "Nếu bạn có đủ nước ngọt để uống và đủ thức ăn để ăn trong một ngày
thì bạn đừng bao giờ phàn nàn điều gì nữa”.
Eddie
nhận ra trong thời gian hai mươi mốt ngày đó, khi cái chết cận kề, anh mới hiểu
rằng anh đã may mắn đến dường nào! Thế nhưng một số người lại rất thường hay
phàn nàn về những chuyện lặt vặt trong khi người khác lại cám ơn cuộc sống đã
cho họ chính điều đó.[7]
4. Tạ ơn
Chúa vì vẫn còn đôi chân lành lặn
Một vị vua luôn buồn bã, âu sầu, bèn đi ra ngoài thành tìm người
vui vẻ. Vua nhìn thấy một người nông dân rất nghèo đang ca hát bèn hỏi: “Ngươi
vui không?” Nông dân đáp: “Đương nhiên vui”. Nhà vua có chút khó hiểu: “Ngươi
nghèo đến thế mà cũng có niềm vui sao?” Nông dân đáp: “Tôi cũng từng vì không
có giày mang mà buồn khổ nhưng sau khi gặp được một người không có chân, tôi mới
nhận ra mình còn may mắn, hạnh phúc hơn người ấy nhiều”.
Niềm vui không thần bí. Niềm vui không xa xôi. Nó ở ngay bên cạnh
chúng ta. Vấn đề then chốt là bạn phải yêu cuộc sống, phải cống hiến, phải cảm
thụ![8]
5. Tạ ơn Chúa cả khi bị rủi ro
Matthew Henry là một học
giả Kinh Thánh lừng danh vào đầu thế kỷ 18. Một ngày kia, ông bị bọn cướp trấn
lột và đêm hôm đó, Henry đã ghi xuống cuốn nhật ký của ông như sau: Hãy để cho
lòng ta cảm tạ Thiên Chúa.
Thứ nhất, bởi vì cho đến
bây giờ ta mới bị ăn cướp; trước đây ta chưa bao giờ bị bọn cướp đón đường cả.
Thứ hai, mặc dầu bọn chúng
cướp cái ví tiền, nhưng chúng nó không cướp mất mạng sống của ta.
Thứ ba, ta là người bị
cướp, chứ không phải là quân đi ăn cướp.[9]
6. Tạ ơn Chúa về ngay cả những tình huống tồi tệ nhất
Corrie ten Booms là một
tác giả nổi tiếng với những quyển sách hồi ký, kể lại kinh nghiệm che dấu người
Do Thái, để rồi sau đó bị Đức Quốc Xã bắt và bị tống giam ở các trại tù tập
trung trong Đệ Nhị Thế Chiến. Bà và người chị Betsy bị đưa vào trại tập trung
Ravensbruck. Khu vực trại hai người bị giam thật là đông, dơ bẩn và kinh khủng
nhất là đầy bọ chét. Một buổi sáng nọ, trong khi bà và người chị thầm giở cuốn
Kinh Thánh mà bà giấu được mang theo trong người, thì hai người đọc đến câu
trong sách 1Thessalonica nhắc nhở phải tạ ơn Thiên Chúa luôn luôn, dầu trong
bất cứ hoàn cảnh nào.
Chị Betsy nhắc: “Nè em
Corrie, chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa vì khu vực trại tù này và thậm chí về
những con bọ chét nữa”.
Bà Corrie liền nói lại:
“Không cách nào em có thể cám ơn Ngài vì những con bọ chét kinh khủng này
được”. Nhưng vì chị Betsy cứ thuyết phục, nên cuối cùng Corrie miễn cưỡng cùng
chị Betsy thầm cám ơn Chúa về khu trại toàn những con bọ chét thật đáng gớm ghê
này.
Những tuần lễ sau đó,
Corrie và Betsy cảm thấy hình như khu vực trại nơi mình bị giam, dường như sự
canh gác được thả lỏng, thậm chí họ dám tổ chức học Kinh Thánh công khai và tổ
chức cầu nguyện với nhiều người trong khu vực này. Đây quả thật là nơi trú ẩn
an toàn cho họ trong cơn phong ba của cuộc đời. Vài tháng sau đó, họ biết được
bọn lính gác không thích bén mảng tới khu vực trại này vì chúng ớn những con bọ
chét kinh khủng kia![10]
Lạy Chúa, nhân ngày đầu năm, chúng con xin dâng lên Chúa lời cảm
tạ. Cảm tạ Chúa vì bao hồng ân Chúa đã ban cho chúng con trong năm qua, và xin
Chúa tiếp đổ tràn hồng ân Chúa trong năm mới, để càng ngày chúng con càng cảm
nhận được lòng Chúa yêu thương chúng con. Amen
Mồng Hai Tết
Câu
chuyện kể rằng: Có một
con chim bồ câu uống nước ở một khe nước nhỏ. Nó nhìn thấy một con kiến đang chới
với giữa dòng nước. Đối với con kiến, khe suối nhỏ cũng là đại dương mênh mông.
Con kiến cố sức vùng vẫy nhưng không làm sao tới bờ được. Bồ câu bèn ngậm một cọng
cỏ gần đó, thả xuống chỗ kiến đang gặp nạn. Nhờ đó mà kiến thoát chết.
Một thời gian sau, trong lúc bồ câu
đang đậu trên cây thì có một người thợ săn đi ngang qua. Nhìn thấy bồ câu, ông
ta vui mừng giương cung lên nhắm bắn. Kiến nhìn thấy mối nguy của bồ câu, vội cắn
thật mạnh vào bắp chân người thợ săn. Ông ta giật mình kêu lên. Bồ câu nhận ra
mối nguy hiểm, liền vỗ cánh bay mất.[11]
Kính thưa quí ông bà anh chị em,
Lòng biết ơn thật là tuyệt vời.
Và chúng ta
phải biết ơn những ai?
Trước
hết chúng ta phải cám ơn Thiên Chúa và sau đó là cám ơn những người chúng ta
chung sống.
Thi
sĩ Lamartine, trong một bài thơ đã kể lại một giấc mơ như sau:
Có người thợ giày đến nói với ông: “Từ nay xin ông tự đóng lấy giầy
mà đi”.
Kế đó, người thợ bánh mì cũng đến nói với ông: “Tôi nghĩ đã đến lúc
ông hãy tự làm bánh mì mà ăn”.
Sau đó, người bán thịt cũng lên tiếng: “Tôi cũng nghĩ ông hãy nuôi
heo giết lấy thịt mà ăn”.
Ngay cả người giúp việc cho ông cũng thưa: “Từ nay xin ông tự dọn
bữa, quét nhà, giặt quần áo, tôi xin nghỉ việc”.
Thi sĩ lo sợ toát mồ hôi: “Trời ơi, nếu mọi người đều nghỉ việc thì
tôi chết mất”.
Chính lúc đó ông tỉnh giấc, sực nhớ đây chỉ là một giấc chiêm bao
ông vô cùng mừng rỡ. Dù sao giấc mơ cũng là một nhắc nhở cho ông rằng tất cả
đều là ân nhân của ông, và rằng sống là mắc nợ mọi người.[12]
Người ta sống ở đời này phải cậy nhờ lẫn nhau, không ai có thể tự
cung cấp cho mình mọi sự cần thiết. Khi còn nhỏ trong gia đình phải nhờ cha mẹ,
khi cắp sách đến trường phải nhờ thầy nhờ bạn, khi lớn lên vào đời phải nhờ vào
xã hội: người không biết nhờ người biết, người yếu nhờ người khoẻ, bệnh nhân
nhờ bác sỹ.
« Cám ơn cha mẹ đã sinh
tôi vào cuộc đời, đã nuôi nấng và bao bọc tôi ? Cám ơn anh chị trong gia đình,
các thầy cô, các cha và các sơ, các cô chú cùng biết bao người thân yêu đã đón
nhận tôi, và đồng hành hướng dẫn cùng dạy dỗ tôi. Cám ơn những người bạn tri kỷ
luôn có mặt bên cạnh tôi, lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với tôi cả niềm vui
cũng như nỗi buồn. Cám ơn tất cả mọi người gần và xa đã cầu nguyện cho tôi, để
tôi có thể sống tinh thần dâng hiến và phục vụ.
Do sự cậy nhờ và giúp đỡ nhau như vậy nảy sinh ra tâm tình biết ơn, một
đức tính rất cần thiết trong mối quan hệ giữa con người với con người. Vô ơn là
triệu chứng một tâm hồn bần tiện, một con người ích kỷ thiếu tư cách. Trái lại,
biết ơn là đức tính của con người cao thượng, con người tế nhị. Biết ơn là chất
dầu thơm làm cho nét mặt vui hơn, tâm hồn triển nở. Biết ơn là đòi hỏi của mọi
người kể cả những người không có học thức. Phương ngôn ta có câu: “Ai ơi uống nước nhớ nguồn – được ăn quả chín nhớ ơn người trồng”,
“Ơn ai một chút đừng quên – Nhờ ai một chút để bên dạ này”. Những câu ấy cho
thấy dân tộc ta, ông cha ta coi trọng sự biết ơn và lòng nhân nghĩa biết bao ![13]
Một
nghiên cứu gần đây đã được tiến hành trên ba nhóm đối tượng. Nhóm đầu tiên phải
ghi lại số lần nổi giận và thất vọng trong thời gian một tuần; nhóm thứ hai
phải ghi lại tất cả những sự kiện đáng nhớ; nhóm thứ ba phải ghi lại năm điều
đáng để biết ơn trong cuộc sống của mình. Cuộc thí nghiệm diễn ra trong suốt
mười tuần lễ liền. Các đối tượng được chia ra một cách ngẫu nhiên vào ba nhóm.
Cuối cùng, những đối tượng được yêu cầu ghi lại lý do để biết ơn cảm thấy tốt
hơn về cuộc sống của họ. Họ có những suy nghĩ lạc quan hơn về tương lai, có một
sức khoẻ tốt hơn và tin rằng mình đang dần hướng đến mục tiêu. Thái độ biết ơn
không chỉ tồn tại trong trạng thái hạnh phúc mà còn tồn tại trong sức khoẻ và
sự tiến bộ của mỗi người chúng ta.
Phát
hiện này không khiến cho chúng ta phải ngạc nhiên. Những ai có thái độ biết ơn
sẽ thừa nhận sự giàu có tâm hồn và khẳng định lại những mối quan hệ.
Chính
lòng biết ơn làm cho con người được hạnh phúc. Hạnh phúc vì được làm con người
và hạnh phúc vì được làm con Chúa.[14] Amen.
[1] Nguyễn văn Hải, Biết
sống cao thượng trg.30-32
[2] Nigel Risner, Hãy
sống một đời đáng sống, trg. 44-45
[3] Nguyễn
minh Tiến, Hạnh Phúc là điều có thật p.9,12
[4] Lm. Jos Tạ duy Tuyền, Tống cựu nghinh
tân
[6] Nguyễn văn Hải, Biết tin vào chính
mình, trg.147
[7] Nguyễn văn Hải, Biết sống cao thượng, trg.135
[8] Quang Tịnh, Bài học lớn từ những câu chuyện nhỏ, trg.154-155
[9] Phatthanhhyvong.com
[10] Phatthanhhyvong.com
[12] Niemvuimoi.org.
[13] Vagsc.com
[14] Piero Ferrucci, Sức
mạnh của lòng nhân ái, trg. 197