Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Đất nước Mêxicô Công giáo, một trường hợp đặc biệt của Châu Mỹ La Tinh

Filled under:


Nơi đây Giáo hội Công giáo đã trải qua những cuộc bách hại khủng khiếp nhất. Nơi đây Giáo hội đứng vững và phát triển hơn ở bất kỳ quốc gia nào khác bất chấp thách đố đến từ các giáo phái Ngũ Tuần. Một chứng nhân tử đạo trẻ tuổi sắp sửa được phong thánh. 

Đất nước Mêxicô, nơi ĐTC Phanxicô viếng thăm là một trường hợp biệt loại nếu so sánh với các đất nước khác thuộc Châu Mỹ La Tinh.

Đây là quốc gia có tổng số tín hữu Công giáo đứng vào hàng thứ hai thế giới, sau Brazil, và tính về tỷ lệ Công giáo, nó chỉ đứng sau Paraguay mà thôi. 81% dân số nước này là người Công giáo.

Rõ ràng chính số đông, và trên hết chính sự vững vàng của các tín hữu Công giáo đã giúp cho Mêxicô trở nên khác biệt một cách đáng nể trọng so với các quốc gia Châu Mỹ La Tinh khác. Đầu tiên, phải kể đến ít là hai lý do sau.

Trước hết là sự vững vàng của Giáo hội tại đây trước sự bành trướng của các nhóm Tin Lành Ẩn Điển và Ngũ Tuần, là những nhóm đã bùng phát mạnh mẽ tại các quốc gia khác, đặc biệt là tại Brazil và vùng Trung Mỹ.

Số tín hữu Công giáo tại Brazil trước kia gần như chiếm 100% dân số, giờ đã giảm xuống còn 61%.

Còn tại Honduras số tín hữu Công giáo chỉ còn không đến một nửa, 46%; tại Guatemala, El Salvador và Nicaragua là khoảng 50%.

Tại Mêxicô, số tín hữu Công giáo sút giảm đi bởi các hoạt động của các giáo phái vừa kể, hầu như chỉ tập trung tại khu vực biên giới với Guatemala, tức là vùng Chiapas, đây cũng là một điểm dừng chân trong chuyến thăm của ĐTC Phanxicô.

Thứ hai, là sự vững vàng của Giáo hội tại Mêxicô trước thách đố của trào lưu tục hoá.

Ở đây không phải là sự tục hoá hiểu như là một hiện tượng văn hoá là điều đã tác động đồng đều tới tất cả các quốc gia Châu Mỹ La Tinh, nhưng là sự tục hoá bị áp đặt một cách có hệ thống và nhiều khi là bằng bạo lực trong địa hạt chính trị.

Uruguay là quốc gia, nơi Giáo hội Công giáo chịu nhiều tổn thất nhất do việc cai trị lâu dài của giới chính trị và tầng lớp tư sản theo Tam Điểm, có đầu óc bài giáo sỹ cao độ. Quả vậy, đây là quốc gia Châu Mỹ La Tinh có tỷ lệ Công giáo thấp nhất, 42%, và tỷ lệ người vô thần cao nhất.

Trong khi đó tại Mêxicô, trái lại, tỷ lệ Công giáo cao gấp đôi, bất chấp sự chống đối của hội Tam Điểm và những kẻ bài giáo sỹ tại đây rất dữ dội, tàn bạo và kéo dài.

Tột đỉnh của sự chống đối này diễn ra vào những năm 1920, dưới thời tổng thống Plutarco Elías Calles, với nỗ lực rõ ràng là muốn triệt hạ Giáo hội, đáp lại, rất đông các tín hữu Công giáo đủ mọi tầng lớp lứa tuổi đã vùng dậy khởi nghĩa vũ trang dưới cờ hiệu là ảnh Đức Mẹ Guadalupe, hô vang khẩu hiệu “Viva Cristo Rey!”… Nên những người tham gia cuộc khởi nghĩa này được gọi là các “Cristeros”, còn cuộc khởi nghĩa này được gọi là cuộc khởi nghĩa “Cristiada”.

Cuộc khởi nghĩa Cristiada cũng có cho mình một vị chứng nhân tử đạo, là cậu José Sanchez del Rio, một chiến binh còn rất trẻ, một chứng nhân đức tin. Cậu thường được các chiến binh đồng lứa gọi là “Tarcisius”, dựa theo câu chuyện về một cậu bé Rô-ma đã chịu tử đạo vì bảo vệ bánh Thánh Thể. Bị quân đội chính phủ bắt vào năm 1928, khi mới được 14 tuổi, cậu bị tra tấn và bị sát hại vì thà chịu chết chứ không chịu phản bội các đồng đội của mình. Lúc hấp hối, cậu thầm thĩ cầu nguyện: “Viva Cristo Re, viva la Madonna di Guadalupe.”

Câu chuyện về José Sanchez del Rio đã được dựng thành phim vào năm 2012, bộ phim có tựa là “For Greater Glory”. Cậu đã được đức Bênêđíctô nâng lên bậc chân phước vào năm 2005 cùng với 12 đồng bạn khác. Hôm 26-01-2016 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã phê duyệt sắc phong thánh cho cậu. Có lẽ cậu sẽ được tuyên hiển thánh trong năm nay.

Cho đến năm 1979, khi đức Gioan Phaolô II đến thăm Mêxicô lần đầu, luật pháp khi đó vẫn còn cấm đoán tất cả các dấu chỉ hay cờ hiệu công khai của Giáo hội, và khi ấy Mêxicô không có bất kỳ liên hệ ngoại giao nào với Toà thánh. Thế nhưng số người hát mừng chào đón và tham dự các thánh lễ của ĐTC khi ấy thật là vô số kể, việc ấy đã đưa tới việc lới lỏng các luật lệ bài Công giáo.

Những bách hại mà Mêxicô phải chịu, dường như, không tổn hại gì đến căn tính Công giáo rõ ràng của người dân Mêxicô. “Thế nhưng thảm hoạ chưa phải là qua đi hết đâu,” linh mục Armando Flores Navarro, hiệu trưởng của Giáo hoàng Học viện Mêxicô tại Rôma, và là phó-thỉnh cáo viên trong vụ án phong thánh cho cậu José Sanchez del Rio, đã nói như thế khi chuyến thăm của ĐTC Phanxicô cận kề. “Các giám mục khuyến khích các tín hữu Công giáo tham gia tích cực hơn vào đời sống cộng đồng, còn các tín hữu Công giáo cho thấy một tình liên đới rất tự nhiên và rõ ràng. Nhưng trong đời sống chính trị, họ vẫn vắng bóng một cách nào đó.”

(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)