Tất cả mọi cuốn Sách Thánh đều nói về tội nguyên tổ rằng: Đó là tội không vâng lời của Adam và Evà vì đã ăn một trái táo mà Thiên Chúa cấm … Có một số người cho rằng hai ông bà nguyên tổ đã phạm tội về điều răn thứ 6, và vì thế đã mất ơn nghĩa cùng Chúa. Một số khác lại quả quyết rằng đó chính là tội ăn trái cấm. Nhóm thứ nhất bảo rằng: Sở dĩ Thánh Kinh thuật lại chuyện ăn trái cấm là để tránh khỏi phải nói toạc ra đó là tội dâm dục, sợ sinh gương mù cho các trẻ em …
+ ĐÁP:
Những cuộc tranh luận như trên thường xảy ra nơi các sinh viên, thanh niên: Điều đó không có gì ngạc nhiên. Ta phải nghĩ sao về sự kiện ấy? Qua vấn nạn vừa được nêu lên, ta thấy có một hiện tượng đáng buồn thường gặp nơi những người trẻ, những thanh niên và cả những thiếu niên nữa: Họ thường tranh luận với những khẳng quyết không dựa trên một nền tảng thực. Ta có thể nghi ngờ về kiến thức Thánh Kinh của những người tranh luận về vấn đề trên. Trước tiên, khẳng định mở đầu cần phải được xét lại: “Tất cả các cuốn Sách Thánh đều nói về tội nguyên tổ rằng đó là tội không vâng lời của ông Adam và bà Evà vì đã ăn một trái táo mà Thiên Chúa cấm”.
Các “quyển Sách Thánh” là những sách hợp thành bộ Thánh kinh: cả Cựu Ước và Tân Ước đếm được 73 quyển. Thế mà chỉ có hai quyển đề cập thẳng đến vấn đề tội nguyên tổ, và trong những đoạn khá ngắn.
Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Rôma (Rm 5,12-21) chỉ nói vài tiếng về vấn đề tội nguyên tổ. Ngài giải thích rằng: Sự bất tuân của Adam đã gây ra một tội nặng cho cả nhân loại, và Chúa Giêsu Kitô, nhờ sự vâng phục và cái chết của Người, đã chuộc tội đó cùng với mọi hậu quả của nó. Thánh nhân không nhắc đến Evà, và tuyệt nhiên không hề nói tới quả táo.
Bản văn thứ hai ở đầu chương thứ 3 sách Sáng thế. Bản này dài hơn một tí, và có nói đến Thiên Chúa, Adam và Evà cùng con rắn. Không có từ ngữ bất tuân trong đó, nhưng hiển nhiên là đoạn văn ấy muốn tả lại một sự phản kháng giới mệnh của Thiên Chúa. Độc giả sẽ mất công vô ích nếu muốn tìm “quả táo” trong đoạn văn này, dù cho quả táo ấy xuất hiện trong rất nhiều tranh ảnh hay tác phẩm văn chương. Quả thật là trong chương này, Sách Thánh có nói đến một cây và hoa quả của nó, nhưng đây chỉ là một thứ cây và trái “biết lành và dữ”. Loại cây trái này, cũng như một cây khác mà tác giả Sách Thánh gọi là “cây sự sống” không hề có tên trong bảng liệt kê của các tài liệu về thực vật học. Thế thì, do đâu có sự hiện diện của trái táo? Có thể đó là do nơi các văn hào Latin, vốn được hướng dẫn bởi ý nghĩa kép của từ ngữ “malum” vừa chỉ “sự xấu” (theo nghĩa vật lý hay luân lý) vừa có nghĩa là “trái táo”; và như thế họ đã liên kết ý tưởng về sự biết lành và dữ lại với một trái cây thực sự. Cho rằng đó là những cây thực sự, và, do đặc tính thần linh mà hoa quả của chúng có thể mang lại sự sống hoặc trí thức về lành và dữ, hay chỉ coi đó như là những biểu tượng thuần túy mà tác giả Sách Thánh đã dùng, điều đó không quan trọng mấy. Dầu sao, có một điều chắc là ta không thể coi nguyên tội chỉ là sự bốc đồng của một đứa trẻ ăn cắp một trái táo.
Thật ra cũng có kẻ nghĩ rằng đó là tội về điều răn thứ 6, nhưng không phải dựa vào lý do được nêu lên trong câu hỏi trên, theo đó trái táo chỉ là một lối nói tránh né vấn đề. Phần lớn các nhà Thánh kinh học không tán thành lối giải thích rất khả nghi này.
Trong thực tế, ta phải chấp nhận đây là một tội nặng và chắc chắn là bao hàm một sự bất tuân khả kháng. Lý do của hành động ấy là tham vọng muốn trở nên “giống Thiên Chúa” nhất là về vấn đề “biết lành dữ”. Chúng ta không biết được chính xác những gì hàm ngụ trong mưu đồ ấy, có thể đó là ý muốn được hoàn toàn độc lập đối với Thiên Chúa trong vấn đề lành dữ thuộc lãnh vực luân lý.
Dầu sao, vấn đề không phải là trái táo, và có lẽ cũng không phải là vấn đề dục tính, dù chỉ sau khi có nguyên tội, dục tính mới xuất hiện như một sự rối loạn. Và ta cũng không nên phóng đại tính cách giản đơn của bài tường thuật. Thực ra, bài ấy mang lại một lời giải đáp cho một trong những vấn nạn gay go nhất đối với mọi thời đại, đó là câu hỏi: Tại sao có sự dữ vật lý và luân lý? Và còn có một tâm lý tuyệt diệu. Ta chỉ cần nghĩ đến sự cám dỗ, sự sa ngã từ từ của Ađam và Evà, nỗi sợ hãi sau khi phạm tội và hình phạt.
Nguyên tác: số mục (5) quyển II A.Penna