Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 10/2/2016

Filled under:


GẶP CHÚA TRONG THANH VẮNG
“Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,6)
Suy niệm: Lời Chúa trong Lễ Tro nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa muốn chúng ta tìm giờ thinh lặng đối diện với Ngài để được rọi soi tận tâm hồn và để được Ngài biến đổi bên trong. Thiếu sót những thời giờ cần thiết này sẽ là một thảm họa. Bất ngờ chuyện nữ sinh một trường ở Huế đánh nhau, người ta mới nhận ra rằng, nét dịu dàng, e ấp, ngoan hiền làm nên phẩm hạnh cao quý của các cô gái Huế đã biến mất tự bao giờ theo sự xuống cấp của nền giáo dục. Chuyện đáng tiếc xảy ra, bấy giờ người ta mới ngộ ra rằng, từ lâu cha mẹ, nhà trường, xã hội và các cộng đoàn Giáo Hội nữa, đã không nhìn lại trách nhiệm của mình. Nếu mỗi thành phần thường xuyên dành thời giờ nhìn lại bổn phận của mình, đạo đức sẽ không sa sút. Vì vậy, thời giờ thinh lặng cần biết bao, nhất là đối với Ki-tô hữu. Mẹ Tê-rê-xa nói rằng, chúng ta cần tìm gặp Thiên Chúa, nhưng không thể tìm gặp Ngài trong sự ồn ào, náo loạn, bởi Thiên Chúa là người bạn của thinh lặng. Hãy nhìn thiên nhiên thinh lặng thế nào! Chúng ta cần thinh lặng để nhìn lại chính mình, để lắng nghe lời Chúa, gặp gỡ Chúa và đắm mình trong tình yêu của Chúa. Mùa Chay là mùa tạo bầu khí thinh lặng để được gặp Chúa.
Mời Bạn: Bạn có dốc lòng nào để hằng ngày thực hiện việc gặp Chúa, Đấng thấu suốt những gì kín đáo?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, dành 5 phút đọc và suy niệm lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài. Xin cho con trở lại với Chúa và yêu Chúa.
THÁNH NẾ SCÔLASTICA
ĐỒNG TRINH
Cho tới nay không ai trong miền Nôcia lại không biết đến tên một gia đình quí phái và giầu công với xứ sở: gia đình ông Êuprôpiô và bà Abundanti. Ông bà đã sinh hạ nhiều con, nhưng hai trẻ sinh đôi, một trai một gái: Biển đức và Scholastica làm thơm danh gia đình hơn cả. Nhưng chẳng may vừa chào đời được mấy tháng, hai em đã phải mồ côi mẹ. Từ đó cả hai chỉ còn biết ngoan ngoãn sống trong tình thương ấp ủ của người cha hiền từ đạo đức. Trong cảnh "gà trống nuôi con" ông Êuprôpiô càng chăm lo nuôi dưỡng và âu yếm hai con hơn để bù đắp lại một phần nào tình mẫu tử mà hai trẻ đã phải thiệt thòi.
Lớn lên hai anh em cùng được cắp sách đến trường. Với tình huynh đệ sâu xa, hai anh em hằng yêu nhau khăng khít và sớm biết giúp nhau sống theo gương nhân đức của cha, nhất là lòng yêu mến Chúa Thánh Thần, Đấng tác tạo ơn thánh hoá của mỗi người. Đến tuổi trưởng thành, hai anh em lại cùng chung một lý tưởng tận hiến làm việc phụng sự Chúa và các linh hồn.
Tuy những nhà viết sử yên lặng không nói gì đến cuộc đời của Scôlastica trong suốt thời gian Biển đức du học tại Rôma, nhưng người ta có thể đoán chắc rằng trong thời gian đó Scôlastica đã ở tại nhà phụng dưỡng cha già cho tới khi thân phụ qua đời mới xin nhập cộng đồng các trinh nữ. Sau đó người ta được biết thánh nữ đã dựng nhà tại Subiacô, trong một thung lũng phì nhiêu được tắm gội bằng nước sông Liris. Ngôi nhà dòng này xưa kia là tổ ấm của đoàn trinh nữ quây quần chung quanh bà Palumbariôla, người đã có công đặt nền móng cho ngôi nhà và tụ họp các chị em. Về sau, những cơn gió bách hại đã khiến ngôi nhà thành nơi hoang tàn, mái thủng, tường xiêu. Tới thế kỷ thứ VIII lại được bà Tasia và cô Rôtruđê ái nữ của bà, trùng tu lại. Nhưng rồi qua bao mùa ly loạn, ngày nay chốn đó chỉ còn lại mấy mảnh tường rêu phong đổ nát.
Tuy Scôlastica cảm thấy nơi đó rất am hợp cho công việc tu thân tích đức của mình. Nhưng vâng lời anh mà Scôlastica coi như một người cha thiêng liêng, thánh nữ lại rời đi nơi khác để lập thêm nhiều cộng đồng khác. Thế là hai anh em mỗi người ở một tu viện. Tuy cùng ruột thịt, nhưng hai người rất ít khi gặp nhau; mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau một lần. Scôlastica vì là phận gái lại là em nên thường phải thân đến gặp anh tại đồi Cassinô, trong một căn nhà nhỏ hẹp mà qua mấy thế kỷ sau người ta còn giữ lại để kính nhớ. Mỗi lần gặp gỡ, hai người thường đàm đạo với nhau rất lâu giờ và thân mật. Đề tài các câu truyện thường không ngoài những vấn đề tu đức. Đó cũng là dịp để Côlastica cởi mở tâm hồn để rồi được đón nhận những lời bàn giải khôn ngoan của anh. Thường lệ, cứ sau bữa cơm chiều khi mặt trời gần lặn hai người mới cáo biệt nhau ra về. Nhưng lần kia, mà cũng là lần hội ngộ sau cùng, Scôlastica đã say mê nghe lời anh đến nỗi đã nấn ná muốn ở lại để được nghe thêm những lời vàng ngọc của anh. Thái độ "dùng dằng nửa ở nửa về" và lần nói truyện lịnh sử đó đã được thánh Grêgôriô dùng ngòi bút văn hoa ghi lại như sau:
Hôm ấy, quen như mọi năm, thánh nữ Scôlastica đến thăm người anh đáng kính. Với mấy môn đệ, thánh Biển đức ra đón và cùng qua một ngày trao đổi những tư tưởng thánh thiện, những vấn đề liên hệ đời sống trọn lành. Trong bữa cơm thân mật, thánh nữ thưa với anh: "Em xin anh cho phép em ở lại đêm nay, để chúng ta có thể trao đổi cho tới sáng về hạnh phúc thiên đàng". Biển đức thong thả trả lời: "Ô, em nói gì thế, anh không thể ở ngoài nhà dòng dù bất cứ với giá nào". Về chiều, cảnh vật bên ngoài tắm mầu vàng nhạt của vừng kim ô đã hạ thấp. Tuy nhiên da trời vẫn xanh trong, không gợn một áng mây, như để nâng hai tâm hồn trong sáng đang chìm lặng trong câu truyện lòng… Theo hơi gió chiều bên ngoài, thánh nữ nhẹ nhàng tha thiết xin anh cho phép… Nhưng Biển đức muốn trọng luật dòng hơn chiều ý em… Thấy anh cương quyết từ chối, Scôlastica chỉ còn cách gục đầu xuống bàn, hai tay ôm mặt cầu xin Thiên Chúa toàn năng. Lạ thay! Một lát sau, thánh nữ dừng cầu nguyện, trời đột nhiên đen nghịt, những cột mây dầy đặc ùn ùn dựng lên. Gió bắt đầu thổi mạnh, chớp loáng vạch lên nền trời những đường sáng cong queo, và giội lại những tiếng sấm ghê hồn. Những cơn mưa tầm tã thi nhau đổ ngập băng đồng ruộng… Gió vẫn thổi mạnh, mưa vẫn nặng hạt khiến không một ai có thể ra khỏi cửa. Thêm vào những cơn mưa trời, hai dòng lệ của thánh nữ chan hoà trên mặt bàn gỗ mộc, làm chứng một tâm hồn biết ơn và cảm kích hồng ân Thiên Chúa ban. Vì không thể trở về nhà, Biển đức nói với em bằng một giọng cảm động: "Này em, chớ gì Thiên Chúa toàn năng thứ tha cho em! Em đã xin gì với Chúa ?" Thánh nữ dịu dàng đáp lại: "Em xin anh nhưng anh đã từ chối, em liền xin với Thiên Chúa và Người đã nhận lời em…" Thế là hai anh em ở lại nhà khách suốt đêm cùng nhau trao đổi quan niệm và kinh nghiệm đời sống thiêng liêng, nhất là tìm hiểu về những ơn phúc đời sau…
Trời vừa sáng, Biển đức và Scôlastica từ biệt nhau vui sướng, một lần từ biệt đánh dấu cho cuộc tương phùng vĩnh cửu mai sau. Quả thế, ba ngày sau cuộc chia ly, đứng trong phòng nhìn qua cửa sổ, Biển đức thấy linh hồn em, xinh đẹp như chim bồ câu, nhẹ nhàng bay về thiên quốc. Rạo rực một niềm vui, Biển đức dâng lời tạ ơn Chúa, rồi sai người đưa xác em về mai táng trong nhà dòng. Ngài cũng chuẩn bị cho mình một chỗ nằm bên em, để dù tử thần đến cũng không tách biệt khỏi em, như hai linh hồn vẫn nên một trong tình yêu Thiên Chúa và đồng loại.
Theo sử gia Mabiông (Mabillon), năm 580, giữa thời thánh Grêgôriô Cả, nhà dòng Cassinô bị tàn phá đúng theo lời tiên báo của thánh Biển đức. Các tu sĩ phải trốn sang Rôma, để lại nấm mộ của hai đấng dưới đống gạch vụn, với mấy mảnh tường tiều tụy... Cho tới cuối thế kỷ thứ VII, các tu sĩ tỉnh Olêăng (Orléans) mới khởi công tìm lại xác hai vị thánh và đem về nước Pháp. Song đối với tài liệu trên, một ý kiến khác cho rằng lúc ấy xác hai vị thánh được để ở Ý.
Nhưng một điều chắc chắn là từ thế kỷ thứ VII, hai thánh nhân đã được kính tại nhiều nơi. Riêng thánh nữ Côlástica đã được ghi tên vào sổ các thánh, thuộc Giáo hội Rôma, và được coi như một ngôi sao sáng ngời đức trinh khiết và tinh thần tận hiến.