Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

5 Phút cho lời Chúa 16/2/2016

Filled under:


CẦU NGUYỆN LÀ TÔN VINH
Đức Giê-su nói với họ: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,8)
Suy niệm: Cầu nguyện là hơi thở, là lẽ sống của người môn đệ Chúa. Thế nhưng, phải sau một thời gian dài đi theo Chúa, các môn đệ mới được Ngài dạy cho biết cách cầu nguyện. Phải chăng là hơi muộn? Song Ngài làm thế là để các môn đệ không theo lối cầu nguyện rập khuôn, hình thức sáo rỗng, lải nhải nhiều lời, mà trái lại Ngài muốn họ ở lại với Ngài, sống với Ngài, để họ cảm nghiệm được mối tương quan thân tình giữa Ngài với Chúa Cha, hiểu được lương thực của Thầy là làm theo ý Cha và sứ mạng của Thầy là làm vinh danh Cha. Bởi thế, Chúa Giê-su nói thật rõ ràng: cầu nguyện là như Ngài thưa chuyện cùng Cha, là làm cho danh Cha được vinh hiển, là tôn vinh Cha, là vui lòng trở nên dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay quan phòng của Ngài. 
Mời Bạn: Mùa Chay là thời gian đặc biệt nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện phải đi đôi với việc ăn chay và bố thí, để sống thật đậm đà lòng khao khát được yêu mến Chúa, nỗi thao thức ước mong Chúa được tôn vinh. Bạn đã đi vào tâm tình ấy chưa? Như thế, bạn đâu cần phải xin Chúa có của ăn của để, vì Chúa là Đấng thấu suốt những gì kín ẩn, Ngài biết rõ bạn cần gì trước khi bạn cầu xin. Vậy bạn hãy cầu nguyện đi, như Chúa Ki-tô đã dạy chúng ta.
Chia sẻ: Bạn nghĩ gì khi nghe Chúa Giêsu nói: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6,6)?
Sống Lời Chúa: Mỗi khi bắt đầu ngày sống và trước khi đi ngủ, bạn hướng lòng về Chúa và dâng lên Ngài một tâm tình cầu nguyện
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

THÁNH ÔNÊSIMÔ
Thánh Ônêsimô là môn đệ trung kiên thứ hai của thánh Phaolô tông đồ sau thánh Titô, căn cứ vào bức thư thánh nhân gửi cho cụ Philêmôn người ta được biết Ônêsimô người thành Phigia là nô lệ của ông Philêmôn. Ông này là một trong những nhà triệu phú nhưng đồng thời cũng còn là một tín hữu đầy đức tin và giầu lòng bác ái vì Chúa Kitộ Ônêsimô đã ăn trộm của thân chủ một món tiền khá lớn và tẩu thoát sang Rôma với hy vọng sẽ tránh thoát được hình phạt nặng nề và kiếm được công ăn việc làm. Nhưng sự thật phũ phàng làm cho Ônêsimô mở mắt nhìn thấy đời là bể khổ. Không tìm được nơi nương thân, đàng khác lại rất liều mình lọt vào tay cảnh binh đêm ngày tầm nã bọn nô lệ trốn thoát như săn bắt bầy sói dữ. Trên bước đường cùng, Ônêsimô mới nhớ đến Phaolô. Sở dĩ Ônêsimô được biết ngài là vì mấy năm trước đây có dịp đem thư của chủ cho ngài.
Thật là may mắn cho Ônêsimô vì lúc này tìm đâu được bàn tay nâng đỡ, yên ủi, vỗ về bằng bàn tay của Phaolô. Thế là Ônêsimô tìm đến với thánh Phaolô lúc ấy đang bị giam cầm vì đức tin trong một ngục thất ở Rôma. Nhờ ảnh hưởng êm dịu và những lời giảng giải hấp dẫn của thánh nhân, Ônêsimô dần dần nhận biết lỗi mình, ăn năn khóc lóc đêm ngày.
Thiện chí và ơn thánh đã biến đổi Ônêsimô từ một tên nô lệ bất trung thành một người công giáo chân thật, hơn thế nữa, thành vị tông đồ dũng cảm của Chúa Kitô.
Sau những ngày chung sống vui vẻ, Phaolô thấy hoàn cảnh thuận tiện nói lên ý định của ngài là muốn cho Ônêsimô về thú tội với Philêmôn để hai người cùng được an tâm. Để yên lòng Ônêsimô, thánh tông đồ viết một bức thư cho Philêmôn và cam đoan sẽ can thiệp để cụ tha bổng cho Ônêsimô. Nhờ đó Giáo hội ngày nay mới có một bức thư quý hóa đặt nền tảng chắc chắn để giải quyết những vấn đề xã hội theo tinh thần Phúc âm… Bức thư tuy vắn tắt nhưng hàm súc chân lý nền tảng công bằng, bác ái xã hội. Ngoài ra nó còn phản chiếu sáng ngời lòng nhân hậu hiền từ và bác ái của vị tông đồ dân ngoại.
Ônêsimô vâng lời thánh Phaolô trở về nhà thân chủ mang theo lá thư bào chữa của ngài. Philêmôn đã tiếp nhận Ônêsimô và không còn đối xử với ngài như một tên nô lệ, trái lại đã coi ngài như một người anh em trong Chúa Kitô. Nhiều văn liệu khác còn cho biết sau dịp này Philêmôn còn giao phó Ônêsimô cho thánh Phaolô coi sóc và dậy dỗ thêm về giáo lý. Được sống đời người dân tự do, Ônêsimô vô cùng sung sướng và tỏ lòng biết ơn thánh Phaolô đến cực độ.
Từ đó Ônêsimô càng chuyên cần học lẽ đạo và hoàn toàn vâng lời thánh Tông đồ chỉ dậy.
Ngoài ra nhiều tác giả còn cho ta biết nhiều chi tiết khác nhau về đời sống thánh Ônêsimô.
Hầu hết các giáo phụ, đặc biệt thánh Giêrônimô cho rằng Ônêsimô thoạt tiên là tên nô lệ, sau trở lại và được phong chức phó tế. Về sau lại được thánh Phaolô phong cho làm Giám mục và cộng tác với ngài trong công cuộc truyền giáo lưu động như các thánh Tông đồ.
Một tài liệu khác nói về hoạt động của các tông đồ lại cho chúng ta biết thánh Phaolô đặt Ônêsimô làm Giám mục giáo phận Bêrê, thuộc Macêđonia.
Nhiều tác giả khác như thánh Inhaxiô, trong một lá thư lại cho rằng thánh Ônêsimô làm Giám mục thành Êphêsô vào năm 107 chứ không trực tiếp kế vị thánh Timôthêu.
Qua những tài liệu bất đồng và có ít giá trị lịch sử ấy, thiết tưởng chúng ta nên nhận ý kiến sau đây của ông Paphorốc (Papogbroch), một sử gia danh tiếng cổ thời. Ông viết: "Về thánh Ônêsimô, môn đệ thánh Tông đồ, đúng hơn chúng ta không nên nói gì về tòa giám mục của ngài, vì tài liệu mà chúng ta có không đủ bảo đảm sự quyết đoán của chúng ta ".
Phiền toái hơn nữa những ý kiến và cuộc tử đạo của thánh Ônêsimô. Theo Surio, thánh nhân bị gia hình tại Rôma và tử đạo tại Putêôli. Những người Hi lạp cũng đồng ý như thế, và một số tín hữu Latinh còn quyết đoán hơn. Nhưng ngược lại, nhiều sử gia khác lại cho rằng Ônêsimô tử đạo tại Putêôli không phải chính thánh Giám mục, nhưng là một tín hữu khác cùng tên. Một ít người khác lại chủ trương thánh Ônêsimô được lãnh triều thiên tử đạo khoảng năm 95 dưới thời Hoàng đế Đômixianô.
Dầu vậy từ thời giáo hội sơ khai ngay sau khi thánh nhân qua đời, giáo hữu Hi lạp đã kính nhớ ngài không những với các thánh tử đạo khác tại Côlôsê (Colosses), mà còn dành một lễ riêng vào ngày 15-02. Hôm ấy được coi là ngày đại lễ. Giáo hội La tinh, kính nhớ thánh Ônêsimô vào ngày 16-02 hằng năm.