“ĐỪNG NHƯ NHỮNG NGƯỜI GIẢ HÌNH”
I. LỜI CHÚA: Mt 6, 1-6. (7-15). 16-18
1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16 “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
II. SUY NIỆM:
1. Mùa Chay và Mùa Xuân
Thật là tương phản, khi Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành Thứ Tư Lễ Tro để bước vào Mùa Chay ngay trong những ngày đầu của Năm Mới Bính Thân, nghĩa là ngay trong bầu khí của mùa xuân diễn tả sự sống mới:
- Tương phản giữa việc chiêm ngắm hoa xuân rực rỡ đủ loại và hiện diện ở khắp nơi, trong nhà, khuôn viên nhà xứ, nơi công cộng, ngoài đường phố… và việc phải đối diện với nắm tro tàn!
- Tương phản giữa tiếng cười đón nhận phong bì lì xì cùng với những lời chúc tốt lành cho năm mới và sự thinh lặng đón nhận vết tro được ghi trên trán, với lời mời gọi: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”!
- Và tương phản giữa những bữa ăn xum họp, những bữa tiệc mừng tất niên, tân niên và việc giữ chay kiêng thịt để bước vào hành trình bốn mươi ngày ăn chay hãm mình. Chính vì thế mà năm nay việc giữ chay trong ngày Lễ Tro được dời lại đến thứ sáu này hay thứ sáu tuần sau.
Tuy nhiên, đó lại là khuôn mặt thật của sự sống, mà chúng ta đang được sống và phải sống. Bởi vì, tro tàn nói lên thân phận chóng qua của chúng ta: chúng ta đang hiện hữu, nhưng có lúc đã không hiện hữu và đến một lúc sẽ không còn hiện hữu, và chúng ta không biết lúc nào và như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ đến, và nhiều khi rất bất ngờ.
Vì thế, trong Thánh Lễ hôm nay và trong suốt mùa chay, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm nắm tro tàn sẽ được xức lên đầu chúng ta, để suy niệm về ý nghĩa của bụi tro đối với sự sống và hành trình làm người của chúng ta. Và để định hướng cho hành trình làm người, tìm kiếm ý nghĩa, nhất là niềm vui, bình an và hạnh phúc, chúng ta dựa vào đâu, nếu không phải là dựa vào một điểm qui chiếm tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Chỉ có một mình Thiên Chúa là tuyệt đối và vĩnh hằng, nhưng Người không hề xa lạ với chúng ta:
- Thiên Chúa tỏ mình ra ngang qua những điều kì lạ và kì diệu, và nhất là khởi đi từ những gì chúng ta đón nhận, những ân huệ, không thể đến từ con người.
- Thiên Chúa tỏ mình ra nhất là nơi Đức Giê-su Ki-tô, để đi vào tương quan thiết thân, để trở nên một với chúng ta, qua Lời của Ngài và Mình Thánh của Ngài, để tỏ bày lòng thương xót và tình yêu đến cùng, mở ra cho chúng ta niềm hi vọng về sự sống viên mãn cùng nhau trong tình yêu.
Xin cho mỗi người chúng ta, trong mùa chay thánh này, được nhận ra và tín thác nơi tình yêu và lòng thương xót muôn ngàn đời của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, ngay trong thân phận tro bụi đầy thách đố của chúng ta, và quảng đại đáp lại với tâm tình của lời kinh Dâng Hiến: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại cho Chúa tất cả. Tất cả đều là của Chúa”.
2. Chữ và lời
Bài Tin Mừng của ngày Lễ Tro hôm nay, là một phần của Bài Giảng Trên Núi theo Tin Mừng của thánh Mát-thêu. Đó là bài giảng đầu tiên của Đức Giê-su; và vì thế, có tầm quan trọng đặc biệt. Thật vậy, trong bài giảng này, Đức Giê-su công bố thân phận con người như thế đó, là mối phúc (x. Mt 5, 1-12), và Người mời gọi những người đi theo Ngài thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, “kiện toàn” Lề Luật (x. Mt 5, 17-48), bằng cách đặt nền tảng cho đời sống của chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn, không phải chỉ trên chữ của Luật, nhưng còn trên lời của Ngài.
Chữ của Luật, như chúng ta biết, là một nguyên tắc vô tư áp dụng cho mọi người và trong mọi hoàn cảnh; vì thế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự “nặng nề” của Lề Luật và sự “yếu đuối” của chính mình. Trong khi đó, lời của Đức Giê-su là tiếng nói sống động của một Ngôi Vị ngỏ với từng người chúng ta, vốn cũng là một ngôi vị tự do. Cùng với lời mời gọi lắng nghe và sống theo lời của Ngài, để cho chúng ta được sống và sống dồi dào, Ngài xây dựng tương quan tình yêu với chúng ta: Ngài yêu mến chúng ta đến cùng và Ngài mời gọi chúng ta ở lại trong tình thương của Ngài (x. Ga 13 và 15). Và tình yêu này được lập lại và làm mới lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong mỗi ngày sống của chúng ta.
Trong hành trình bốn mươi ngày của Mùa Chay, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta hiểu biết và cảm nếm sâu xa hơn tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta, để chúng ta yêu mến Ngài hơn. Bởi vì, chỉ có tình yêu và lòng thương xót mới làm cho lời của Ngài trở nên rực sáng và êm ái, mới làm cho việc chúng ta lắng nghe và sống lời của Ngài trở nên nhẹ nhàng và mang lại cho chúng ta bình an, niềm vui và hạnh phúc (x. Mt 11, 28-30). Và lời đầu tiên của Đức Giê-su ngỏ với chúng ta trong Mùa Chay, là lời giảng dạy về bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
3. “Đừng như những người giả hình”
Lời giảng dạy của Đức Giêsu về ba việc đạo đức căn bản này được công bố cho chúng ta vào thứ tư Lễ Tro. Vì thế, những lời này của Đức Giêsu có giá trị định hướng cho toàn bộ hành trình Mùa Chay của chúng ta. Trong mùa chay, hiển nhiên là chúng ta sẽ, ở cấp độ cá nhân và cộng đoàn, bố thí, cầu nguyện và ăn chay nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu không nhấn mạnh đến số lượng, nghĩa là phải bố thí bao nhiêu, phải cầu nguyện bao lâu và phải ăn chay như thế nào và bao nhiêu lần (vốn là chức năng của Lề Luật), nhưng đến cách thức chúng ta thực hành ba việc đạo đức căn bản này.
Bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba việc đạo đức căn bản không chỉ của Do Thái giáo, nhưng trong mọi tôn giáo, trong đó có Kitô giáo của chúng ta.
- Bố thí diễn tả tương quan của chúng ta với tha nhân.
- Cầu nguyện diễn tả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
- Ăn chay diễn tả tương quan của chúng ta với chính mình.
Trong cả ba việc đạo đức này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta một cách thật mạnh mẽ:
Anh em đừng bố thí, cầu nguyện và ăn chay
như những người giả hình.
(c. 2.5.16)
Giả hình là chỉ có bề ngoài thôi, không có bên trong, không có sự thật. Thật vậy, những người muốn tỏ ra mình là người đạo đức, trong mọi tôn giáo và thuộc mọi thời, thường thực hành những việc này một cách phô trương; phô trương là làm vì người khác và tìm sự chú ý của người khác. Hoàn toàn không có chiều kích “thiêng liêng”, nghĩa là vì Thiên Chúa, hướng về Thiên Chúa và trong Thiên Chúa.
* * *
Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó năm lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha:
Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. (c. 3. 6 và 17)
Chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta và nhất là nơi bí tích Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giê-su. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm niệm, như các tác giả Thánh Vịnh (x. Tv 8; 19; 139..), mới nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động được.
Như thế, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu và cũng là Cha của chúng ta, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình. Không phải để thi thố hay chứng tỏ thứ bậc khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo.
Như chúng ta đều biết và có kinh nghiệm, phụ nữ vốn “kín đáo”. Vì thế, các Ma Sơ, các Dì, các bà, các chị và các cô dễ trở nên giống Thiên Chúa hơn!
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc