Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Lời khen – tiếng chê

Filled under:

Chẳng ai trong chúng ta lại không thích người ta khen mình. Ai nói rằng mình không thích, đó chỉ có thể là thánh nhân hoặc là một tay nói xạo. Lời khen rót vào tai ta những mật ngọt thật êm dịu. Lời khen làm cho ta thấy phấn chí, an vui. Lời khen giúp ta xua tan đi bao nhọc mệt vất vả. Lời khen giúp ta phục hồi lại sức khỏe tinh thần. Khi được khen, ta có cảm giác như mình thật có giá trị, ta thấy những hy sinh của mình thật đáng giá biết bao. Được khen, cũng là được chân nhận. Ta thích khen đến độ nhiều khi biết đó không phải là lời khen thực lòng, vậy mà ta vẫn cứ thích nghe, thích ở lại, thích đắm chì trong đó để hưởng thụ và cảm nếm.
Lời khen là một liều thuốc rất tốt cho đời sống tinh thần, nhưng đôi khi nó cũng trở thành một mối nguy vì bao mầm mống của ảo tưởng và tự kiêu có thể sẽ nảy sinh ra từ nó. Những lời khen có cánh làm lan tỏa chung quanh ta những hương thơm thật ngọt dịu, xây dựng trước mắt ta một tòa lâu đài ảo thật nguy nga. Bản tính con người vốn dễ thiên về hướng kiêu ngạo hơn là khiêm nhường. Nội dung lời khen mà người khác dành cho ta chỉ có một thôi, nhưng trí tưởng tượng và sự hưng phấn trong ta đã phóng đại nó lên gấp mười hay gấp trăm lần. Dần dần, chỉ với một chút thành công nhỏ, ta tự phong tước cho mình, đưa mình lên tận trời xanh và ngỡ mình là tâm điểm quy chiếu của mọi người. Ta vui thú với nó hệt như người tự ngắm mình trong gương và cảm thấy hài lòng.
Một lời khen có thể giúp ta vực dậy tinh thần và thúc đẩy ta hăng hái trong công việc. Nhưng nó cũng có thể đẩy ta vào sự u mê và tự mãn đối với chính mình. Ta nghĩ là mình không cần phải phấn đấu chi nữa vì ta đã tài giỏi quá rồi, nếu không thì người khác đâu có chân nhận và dành cho ta những lời khen. Ta tự hài lòng với những khả năng ít ỏi ta đang có mà không chịu phấn đấu để được giỏi hơn, thông thái hơn, có khả năng hơn. Rồi ta nhìn chung quanh, thấy những người có chút thiệt thòi và không được như ta, ta bỗng thấy họ sao kém cỏi thế, sao bất tài thế, sao không nổi nang và tài giỏi như mình. Với những người cũng được dành cho tiếng khen giống như ta, ta bỗng so đo, thấy tức tối, thấy lòng ganh tị sôi sục lên và ta quay lưng không thèm đếm xỉa tới.
Lời khen có thể là một phần thưởng dành cho những hy sinh của ta, nhưng cũng có thể là thứ làm ta mất tự do rất nhiều. Khi nhận được một lời khen, dù chẳng biết là đúng hay sai, ta vẫn cứ ôm ấp nó trong lòng. Mỗi lần nghĩ đến nó, ta hạnh phúc quá đỗi; nhưng đồng thời, nó cũng khơi dậy trong ta một nỗ lực, bất chấp mọi giá, để bảo vệ tiếng thơm này. Thế rồi, ta cố gắng sống tốt, làm nhiều việc thiện, học hành thật giỏi… không phải bởi vì chính những điều thiện hảo ấy, nhưng là vì để người khác tiếp tục nhìn nhận và dành cho ta những lời khen. Ta gồng mình lên gìn giữ cái danh dự cao quý mà người khác dành cho, bất chấp thiệt hại của cải, sức khỏe, tương quan. Một sự cố gắng quá sức bao giờ cũng làm ta mệt mỏi và nặng đầu. Chẳng biết người khác có còn khen ta nữa không, nhưng việc ta cứ bất chấp lao đầu theo nó đã khiến những nỗ lực của ta trở thành một cuộc đua vô nghĩa.
Một người tỉnh thức và khôn ngoan thì chẳng bao giờ để cho lời khen làm vẩn đục ý chí và lôi kéo mình. Họ đón nhận lời khen tặng như một phản hồi tích cực của người khác dành cho những nỗ lực vất vả của mình. Khi nghe một lời khen, họ cẩn thận xem xét xem những lời khen ấy có đúng không, có phản ánh thực tại đầy đủ không và họ có xứng đáng với lời khen ấy không. Lòng họ cũng khơi dậy một tâm tình biết ơn, xuất phát từ một ý thức rằng những gì họ có, không phải do một tay họ làm ra, nhưng là thành quả của biết bao con người khác, đã giúp họ cách âm thầm, trực tiếp hay gián tiếp. Họ dùng lời khen ấy như một động lực thúc đẩy mình tiến tới, không phải để đi tìm những lời khen khác to lớn hơn nhưng là để cống hiến nhiều hơn, phục vụ đắc lực hơn, sống chân thành và trao ban hơn. Khi đó, lời khen sẽ lại tự tìm đến với họ như một hệ quả tất yếu chứ không là mục tiêu phấn đấu của họ. Không tìm kiếm sự thừa nhận của người khác, lòng họ lúc nào cũng thanh thản và an vui, không nghi kỵ, không tính toán, chẳng muộn phiền.
Vì không bị tiếng khen làm cho mù quáng, nên họ cũng không bị suy sụp khi có những lời chê bai ập đến. Có thể họ sẽ không có một cảm xúc vui tươi, nhưng họ không trở nên tự ti, nhút nhát, sợ hãi, đổ lỗi cho số phận hay hoàn cảnh. Đối với họ, lời chê bai là một tiếng trống mạnh mẽ, giúp họ phải ý thức nhiều hơn về những gì mình làm. Họ lại cẩn thận suy xét những góp ý mang màu sắc tiêu cực ấy, xem nó có đúng không, nó có giúp họ thấy được những sai sót mà họ vấp phải không. Nếu cần, họ sẵn sàng đối thoại chân thành với chủ nhân lời góp ý ấy để tìm ra chân lý và khắc phục những lỗi sai. Họ không cay cú, không “phản pháo”, không vội chê trách người đã góp ý cho mình. Họ ý thức rằng, phải có những lời chê trách ấy thì họ mới thấy được những điều mà trước kia họ không thấy, họ mới mở rộng tầm nhìn, mới trưởng thành hơn, cứng cáp hơn và có động lực thực sự để hoàn thiện mình hơn. Cây cổ thụ có thể đứng sừng sững uy phong như thế là nhờ đã không biết bao nhiêu lần nó đối đầu với những ngọn cuồng phong hung dữ tấn công đủ chiều. Một người nhận quá nhiều lời khen, có đôi khi lại yếu mềm hơn và thiếu tỉnh thức hơn những người luôn bị chỉ trích và góp ý thẳng thắn.
Con người chúng ta được Tạo Hóa ban cho đặc quyền tự do. Sự tự do làm cho phẩm giá của chúng ta được nên cao quý, hơn tất cả những loài hữu hình khác. Lời khen và tiếng chê là những hương vị, góp phần làm cho bàn tiệc cuộc sống thêm hấp dẫn. Nó làm bừng dậy trong ta những cảm xúc lên xuống, trầm bổng như một bản nhạc du dương. Biết cách đưa ra những lời khen, lời chê sao cho thật giá trị là cả một nghệ thuật. Đón nhận nó sao cho lợi ích lại càng đòi hỏi nơi ta một sự trưởng thành và khôn ngoan. Chúng ta được mời gọi phải tự do với nó. Đây không phải là một sự vô tâm lãnh đạm nhưng là thái độ đón nhận nó với một sự phản tỉnh và lòng khiêm nhường. Chúng ta hãy xin ơn bình tâm để có thể sử dụng những lời khen chê như một phương tiện để hướng về Chúa, chứ không xem nó là cùng đích của đời mình.


Người nghèo đã dạy tôi

Tông đồ người nghèo, cái tên nghe có phần khác lạ, vì cứ sự thường, đối tượng của bất cứ hoạt động tông đồ nào mà chẳng phải là người nghèo. Tông đồ mà cho người giàu phần nào có hơi nghịch lý. Thế nên, hai chữ “tông đồ” đã bao hàm cả yếu tố “người nghèo” trong đó rồi. Có thể có những người nghèo thiêng liêng, nghèo tình cảm, nghèo tương quan… nên cần được trợ giúp bởi những người làm tông đồ dù họ dư thừa tiền của. Còn đối tượng “người nghèo” mà tôi đã may mắn có cơ hội tiếp cận trong suốt một năm qua là những người nghèo thực sự, nghèo cả vật chất lẫn tinh thần, nghèo cả kiến thức lẫn tài năng. Nhìn bề ngoài, họ chẳng có gì, chẳng sở hữu gì đáng giá, ngoài một tấm thân trơ trụi giữa dòng đời nghiệt ngã…
Kinh nghiệm gặp gỡ “người nghèo” của tôi bắt đầu từ những lần bước chân vào bệnh viện thăm và đưa Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân. Ban đầu, tôi cứ ngỡ là việc này dễ như ăn cơm. Chẳng cần chuẩn bị tài liệu, giáo án, các video clip hay phim ảnh như nhiều nhóm khác, cũng không cần phải ăn mặc chỉnh tề, nhưng cứ cuối tuần đi là đi thôi. Khi cần thiết thì chia sẻ với họ Lời Chúa. Có gì khó đâu! Thế nhưng, đến bây giờ tôi phải thừa nhận rằng đến với các bệnh nhân và người nghèo, tôi thấy khó khăn hơn đến với các đối tượng khác rất nhiều. Lý do là gì, tôi không có gì cho họ cả ngoài một điều là ngồi nghe họ than van, kể lể đủ mọi thứ chuyện đớn đau mà họ gặp phải trong đời sống của mình. Tôi đã từng nghĩ là khi đến với họ, mình sẽ nói cho họ nghe thật nhiều về những suy tư Kinh Thánh mà tôi tích lũy được bao nhiêu năm qua. Nhưng dường như những gì tôi muốn nói đều trở nên vô nghĩa trước thực tại cuộc sống quá ư phức tạp kia. Hình ảnh người nghèo trước mắt tôi thách đố tất cả những mớ lý thuyết tôi có về họ.
Tôi chỉ biết im lặng, cố gắng rót vào lòng tất cả những gì họ nói. Tôi không nghĩ có một tâm hồn cứng cỏi nào có thể không mềm xuống khi nghe những câu chuyện tỏ bày trong nước mắt, kiểu như một cụ bà tám mươi tuổi phải chăm sóc cho người con trai duy nhất chỉ còn thở được nhờ bình oxy trong suốt mấy năm qua; hay một phụ nữ nghèo trẻ tuổi nói về bé trai của mình, mới năm tháng tuổi mà mắc bệnh máu trắng, hở van tim, hạch, phổi (và một bệnh khác nữa mà tôi không nhớ); một chú trung niên kể về 29 lần phẫu thuật cắt chân, tiêu tốn đã hơn cả tỷ mà chẳng biết có còn sống được không, trong khi vợ vừa bị tai nạn xe chết, con cái đi xa, anh em bỏ mặc; rồi một phụ nữ trẻ khác đang tuổi thanh xuân nhưng chẳng còn tí sức sống vừa bị gan, thận, tim, tiểu đường, tất cả đều giai đoạn cuối, mới đây vừa bị rắn độc cắn phải cưa mất một chân…
Tôi không có chút kinh nghiệm nào về những cảnh ngộ ấy, sao có thể nói gì? Bảo họ hãy vui lên, cố gắng sống, chịu đựng nỗi đau… có là một sự xúc phạm đến họ chăng? Với một số người, Thiên Chúa dường như đang ở mãi chốn cao xanh xa vời vợi, chỉ ban ơn cho những ai có tiền xin lễ và có thời gian đi nhà thờ. Nói về một Thiên Chúa tình yêu và quyền năng cho những ai cảm thấy như đang bị trăm ngàn đắng cay dày xéo thật khó biết bao. Kinh nghiệm bản thân cho thấy, tôi sẽ dễ dàng nghĩ đến việc Chúa yêu tôi khi tôi gặp những điều may mắn, hơn là khi phải đối diện với bao nỗi ngặt nghèo.
Điều duy nhất mà tôi có thể chia sẻ với họ trước khi cho họ rước lễ là kể cho họ nghe câu chuyện tử nạn ở đồi Canvê trong Kinh Thánh. Có nhiều bệnh nhân đã khóc thật nhiều khi nghiệm thấy Giêsu cùng đang vác thập giá với họ, thậm chí còn vác phần nặng hơn. Họ thấy lời mời gọi của Chúa như đang diễn ra hết sức gần gũi và sống động nơi mình, chờ đợi họ thưa lời “xin vâng” như Mẹ, như Giêsu. Thế đấy, hành trang của tôi khi đến với người nghèo chẳng là gì cả, ngoài Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Khi viết những dòng chữ này, có thể nhiều bệnh nhân mà tôi gặp gỡ đã ra đi vĩnh viễn. Nhưng tôi tin rằng sự ra đi của họ đã được điểm tô bằng sự bình an, chứ không còn là lòng uấn hận vào cuộc sống trần thế này như trước.
Sống nơi môi trường Học Viện quá ư khang trang và sung túc này, nhiều khi tôi quên mất đi ý nghĩa đời tu mà một thời tôi hằng lý tưởng: sống cho người nghèo. Chẳng phải đã có lúc tôi thán phục Giêsu vì những nghĩa cử hạ mình của Người dành cho người nghèo đó sao? Chẳng phải chính tôi đã có lần thầm cảm tạ Chúa đã thương đến thân phận nghèo hèn của mình sao? Một cuộc sống quá đầy đủ có nguy cơ biến đời tu của tôi trở thành một sự vơ vét, chứ không phải cho đi, nếu tôi không ý thức đủ. Tiếp xúc với những người nghèo thực sự trong năm qua đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn của mình. Cuộc sống ngoài kia còn biết bao mảnh đời đau khổ. Sẽ thật bất công nếu chỉ biết hưởng dùng mà chẳng chịu cho đi.
Người nghèo bảo tôi phải biết quý trọng những gì mình đang có: sức khỏe, khả năng, bạn bè, vì biết đâu có lúc tôi sẽ chẳng còn lại gì. Người nghèo giúp tôi ý thức về thân phận mỏng manh của kiếp người, mới hôm qua còn trên đỉnh cao danh vọng, hôm nay chỉ còn là cành hoa úa. Người nghèo vẽ cho tôi thấy dáng hình thật sự của cây thánh giá mà tôi chiêm ngắm mỗi dịp linh thao. Người nghèo dạy tôi một bài học đậm mùi triết lý: sống hôm nay, hãy nghĩ đến ngày sau – ngày ta đối diện với cái chết. Người nghèo nhắc nhở tôi về cuộc sống mà tôi đang theo đuổi: tôi đi tu là để vào đời, chứ không phải để trốn đời. Một người anh em nọ có lần chia sẻ với tôi rằng, người giàu không phải là người có nhiều nhưng là người có khả năng cho đi nhiều. Nếu hiểu “người giàu” theo nghĩa này, thì những “người nghèo” mà tôi gặp gỡ cũng giàu đấy chứ, vì chính họ đã dạy cho tôi nhiều điều quý giá.
Nơi học viện, mỗi ngày, tôi được giàu thêm về tri thức, xin cho tôi nhờ đấy mà trở nên nghèo hơn sự tự tôn và ích kỷ của mình, để trong Đức Kitô, Đấng tôi đang bước theo, tôi được giàu có trong tình yêu và ân sủng của Ngài!

Ngôi sao không làm màn đêm biến mất nhưng đã góp phần biến màn đêm từ cái “kinh khủng” trở thành cái “đáng yêu”.
Hãy cứ cảm nhận mình là ngôi sao xấu để luôn nhìn thấy cái hạn hữu của chính mình.Từ đó ta biết khiêm tốn trong mọi tư tưởng và hành động trong cuộc sống.

Màn đêm có lẽ là một cái gì đó đáng sợ, nhưng khoảng trời đêm đầy sao lấp lánh hẳn là một bức tranh tuyệt đẹp vô cùng. Hàng tỷ tỷ ngôi sao nhỏ chớp tắt liên tục trên cao, hệt như những chấm nhỏ ti li được vẽ trên nền trời đen rộng lớn. Âm thầm và lặng lẽ, nhẹ nhàng và êm ái biết bao! Thế giới tự nhiên quanh ta ẩn chứa biết bao điều huyền bí. Ẩn chứa nơi những huyền bí ấy là bao lẽ khôn ngoan với những ý nghĩa thâm thúy vô cùng. Chúng hệt như những tiếng nói âm thầm mà Tạo Hóa muốn thỏ thẽ cách nhẹ nhàng với ta. Trí óc của chúng ta cũng được phú bẩm cho một khả năng có thể suy tư và đọc được những tiếng nói ấy. Có bao giờ các bạn lặng ngắm các vì sao, rồi tự đọc ra nơi các vì sao ấy một điều gì đấy nhưng bài học khôn ngoan, giúp định hướng và làm phong phú cho đời sống của mình chưa?
Chính ngôi sao là cái đã giúp cho màn đêm bớt đi những gì u buồn và đáng sợ. Ngôi sao không làm màn đêm biến mất nhưng đã góp phần biến màn đêm từ cái “kinh khủng” trở thành cái “đáng yêu”. Một khoảng khắc phóng tâm hồn lên cao để thưởng ngoạn khung trời đêm thường mang đến cho ta một cảm giác ấm áp nào đó. Những vì sao giúp ta không còn sợ cái đêm đen nhưng biết tận dụng cái đêm đen ấy để làm cho cuộc sống của mình được thăng hoa và ý nghĩa hơn. Cuộc đời của chúng ta cũng lắm khi rơi vào đêm đen: đêm đen của thất bại, của tuyệt vọng, của bội phản… Chúng giăng mắc, bủa vây mọi lối bước của ta. Chúng làm ta mất đi định hướng, che mờ đôi mắt của ta, như muốn dồn ta vào ngõ bí. Trong những hoàn cảnh ấy, điều mà chúng ta thường làm là oán trách cuộc đời, là nguyền rủa bóng đêm. Ta mong sao nó đừng đến với ta; nếu có đến thì hãy nhanh chóng biến khỏi của cuộc đời ta. Trái với chúng ta, ngôi sao chẳng bao giờ phản kháng lại bóng đêm, nhưng nó luôn tận dụng màn đêm ấy để mình được tỏa sáng, và biến cái đáng sợ nhất thành cái đáng yêu nhất cho mọi người. Nó tự thiết định một tư tưởng tích cực cho mình rằng: cái tối tăm hiện hữu là để làm nổi bật cái sáng láng, cái đau khổ tồn tại là để làm tăng thêm cái hạnh phúc về sau.
Giữa một khung trời rộng lớn bao la, một ngôi sao chỉ là một chấm nhỏ bé xíu. Có khi nó đứng ngay giữa tầm nhìn, có khi lấp ló ở một góc khuất xa xa. Đêm nay qua đêm khác, vẫn luôn có những vì sao âm thầm như thế. Chúng hiện hữu là để tỏa sáng trong khả năng của mình và chúng vui vẻ chu toàn sứ mạng ấy mà không lầm bầm kêu ca, than phiền hay đòi hỏi. Có thể người ta sẽ chú ý nhiều hơn đến những ngôi sao lớn và sáng đằng kia, nhưng không vì thế mà ngôi sao nhỏ và có phần tối hơn không thực thi chức năng của mình ở góc này. Không có vì sao nào giống vì sao nào, và mỗi vì sao đóng góp thi nhau lấp lánh để bổ túc cho nhau. Sự phối hợp giữa chúng làm cho bức tranh đêm luôn luôn sống động như có ai đó đang gõ nhẹ những phím đàn. Sự khác biệt giữa các ngôi sao không làm cho chúng đối chọi nhau, nhưng giúp nhau được thêm phong phú. Cuộc đời của chúng ta cũng hệt như các vì sao ấy. Có người tài năng, có người trí thức, có người nổi bật, nhưng cũng có người ít tài hơn, kém học thức hơn và lặng lẽ hơn. Nhưng chúng ta có biết đón nhận những gì được ban cho mình và sử dụng nó trong hết khả năng của mình không? Chúng ta có vui vẻ với vị trí “đứng ở cuối trời” không? Hay chúng ta cứ luôn thích mình phải xếp hàng nhất, phải được nổi trội, phải được chú ý? Chúng ta có biết phối hợp với những con người khác để cùng nhau đóng góp cho đời không, hay chúng ta luôn nghĩ là chỉ mình ta đã đủ làm được mọi sự rồi? Những vì sao dạy ta bài học về một sự khiêm nhường thật đáng kính nể.
Rồi khi bình minh đến, màn đêm tắt đi, ngôi sao nhỏ cũng dần dần khuất bóng. Có một luồng ánh sáng mạnh hơn đang dần đến trên trái đất này. Mọi loài đều đến nguồn ánh sáng ấy để sinh tồn và phát triển. Ngôi sao biết là khi ánh mặt trời thức giấc, cũng là lúc nó cần phải lui lại phía đàng sau, vì sứ mạng của nó đã hoàn thành. Nó không cố níu kéo những gì không thuộc về nó. Nó không cố đương đầu để giành giật chỗ đứng cho mình. Nó sẵn sàng rời xa vị trí của nó, nhường chỗ cho một vầng dương, vì nó biết vầng dương thì có ích cho mọi loài vào lúc này hơn là nó. Hơn nữa, chính nó cũng ý thức rằng chút ánh sáng mà nó có được, nó cũng nhận từ vầng dương kia. Nó phải nhỏ đi, để vầng dương được hiển trị. Cuộc sống vốn dĩ luôn thay đổi kéo theo sự thay đổi của bản thân chúng ta. Nhưng dường như, khác với thái độ của ngôi sao, thay vì để mình nhỏ đi, biết rút lui khi cần thiết, ta lúc nào cũng muốn ở lại chốn cũ thân quen của mình. Ta sợ mất đi quyền lợi, ta sợ bị người ta quên lãng, ta sợ cái cảm giác không được ai chú ý đến. Ta sợ khi có ai đó nổi trội hơn mình, ta cố hạ bệ người ấy để củng cố vị thế của ta. Khi đi làm các việc từ thiện hay khi đi tông đồ, ta vẫn thích mình được lớn lên, chứ không phải để cho Chúa lớn lên. Ta muốn người khác khen mình là tài, là giỏi, là thu hút, chứ ít bao giờ ta hướng mọi người về với Chúa là Cội Nguồn của mình. Ta vốn quen giành giật với người đời, nên cũng chẳng ngại ngùng gì chen chân với Chúa. Ngôi sao chẳng bao giờ đối đầu với mặt trời, vì nó biết đó chỉ là điều vô ích, và chính điều đó sẽ làm nó mất bình an. Còn ta, ta cứ mãi bất an, ta biết rõ nguyên do nằm ở sự kiêu ngạo của mình, nhưng ta chẳng bao giờ chịu thừa nhận điểm yếu ấy để làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc hơn.
Triết lý về ngôi sao cũng là triết lý về hạnh phúc và bình an. Hạnh phúc và bình an sẽ đến khi ta can đảm đương đầu với những màn đêm cuộc đời với một thái độ tích cực, biết tận dụng khoảnh khắc đen tối ấy để làm lợi cho bản thân và mưu ích cho người khác. Hạnh phúc và bình an sẽ hiện diện khi ta khiêm nhường hài lòng với những gì mình được ban và sử dụng chúng hết mức có thể, trong sự tôn trọng và phối hợp với những người khác chung quanh mình. Hạnh phúc và bình an sẽ thật sự hiển trị khi ta biết lui mình lại để cho Chúa lớn lên, ban phát ánh quanh ân sủng của Ngài, để cho mọi thứ quy hướng về Ngài chứ không tìm cách gom tóm lại trong sự hạn hẹp và kém cỏi của ta. Thế đấy, những điều đơn giản như những vì sao lung linh giữa trời đêm thế thôi, cũng có thể là một lời nhắn nhủ mà Tạo Hóa dành cho hết thảy mọi loài dưới thế. Bạn có nghe được những lời nhắn nhủ này không? Bạn có muốn mình hưởng nếm được kiểu hạnh phúc và bình an giống như các vì sao kia không?