Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Cay đắng hoặc Tốt hơn

Filled under:

“Ngọc không dũa không sáng,
người không bị gian nan thử thách
cũng không trở nên toàn thiện được” (KHỔNG TỬ)
Lm. Mark Link, SJ
Trong quyển sách nhan đề: Này tôi tin (This I believe) có một loạt bài khảo luận của một số tác giả nổi tiếng. Họ mô tả lại những thời kỳ trong cuộc đời của họ đã tác động trên họ một cách sâu xa. Chẳng hạn, James du Pont thuộc công ty Du Pont kể lại sự kiện xảy đến cho ông khi ông vừa mới 7 tuổi đầu như sau: Một đêm, đang say ngủ, chợt James thức giấc, cậu bé nhìn thấy mẹ đang khóc lớn tiếng. Đây là lần đầu tiên cậu thấy mẹ khóc, James mô tả biến cố này như sau;
“Giọng bố tôi trầm xuống lộ vẻ bối rối trong khi ông cố gắng an ủi mẹ tôi – lúc đó cả hai người đều sầu buồn nên quên mất tôi đang hiện diện ở bên cạnh. Tôi nghe lỏm được những gì các ngài đang nói”. Ông nói thêm: “Khi vấn đề của các ngài đã được giải quyết và bị chìm vào quên lãng lâu rồi, thì ‘biến cố’ quan trọng tôi khám phá được vào đêm khuya ấy và mãi mãi còn lưu lại trong tâm trí tôi. Khám phá ấy được ghi nhận bằng những lời an ủi của bố tôi; ‘Đời sống đâu phải chỉ toàn là vừa ý và hoa hồng đâu! Nhiều lúc nó rất là khó khăn và cay đắng’.
«««
Chắc chắn chúng ta đều có thể mường tượng được cảnh chú bé 7 tuổi đang nằm trên giường lắng nghe mẹ chú khóc. Chúng ta cũng có thể nhớ lại đã có lần ta nghe mẹ mình khóc, và điều ấy đã gây ấn tượng mạnh trên chúng ta như thế nào, và điều ấy đã khiến chúng ta, có lẽ lần đầu tiên trong đời, ý thức được cuộc đời không chỉ toàn là vừa ý và hoa hồng, đôi khi nó rất khó khăn và khổ đau. Từ đó chúng ta hiểu được những lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm ngày hôm nay.
Ai muốn đến với Ta, thì hãy quên mình, vác thập giá mình rồi theo Ta“. Nói cách khác, khổ đau sầu muộn có thể ví như những cơn bão táp, lụt lội xảy đến. Chúng ta là một phần cuộc sống mà chúng ta không thể nào tránh né được. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại tiếp tục biểu lộ một điều kỳ diệu khi Ngài nói:
Ai muốn cứu lấy mạng mình thì sẽ bị mất nó, nhưng ai liều mất cuộc sống vì ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được nó“.
Nói cách khác, đối với Chúa Giêsu, điều quan trọng trong cuộc sống không phải là nỗi phiền muộn hay đớn đau xảy đến trên chúng ta mà chính là thái độ chúng ta đáp ứng chúng, cách thức chúng ta xử lý chúng. Có lẽ chúng ta không thể nào tránh được khổ đau phiền muộn nhưng chúng ta vẫn có thể biến chúng thành nguồn trợ lực thay vì huỷ diệt, nguồn mang sức sống thay vì chết chóc, nhờ đó chúng ta trở nên tốt đẹp hơn thay vì chua chát hơn.
Xin hãy nghe một minh chứng qua trường hợp Eugene Oneill: Mãi đến tuổi 25, ông vẫn còn là một người thất bại, cuộc sống thì hầu như không mục đích, không qui củ, không định hướng. Thế rồi một hôm, ông lâm trọng bệnh và được đem vào bệnh viện. Nhờ thời gian nằm viện, ông đã có dịp may làm được điều trước đó ông chưa bao giờ làm được; ông mới có dịp may suy nghĩ và định hướng cho cuộc đời mình. Nhờ đó ông đã khám phá ra tài năng soạn kịch của ông.
Cuối cùng Eugene O’Neill bình phục, ông chọn nghề viết kịch và bắt đầu trở thành người canh tân nền kịch nghệ Hoa Kỳ. Tất cả điều này xảy ra chính là do ông đã biết biến đổi phiền muộn khổ đau thành phương cách xây dựng tích cực, đã biến chúng thành sức sống cho ông.
Trường hợp Golda Meir cũng thế. Khi còn là một thiếu nữ, Golda Meir rất thất vọng về nhan sắc của mình. Cô viết: “Mãi về sau, tôi mới nhận ra rằng không được đẹp lại là một may mắn tiềm tàng, bởi vì điều ấy buộc tôi phải khai triển những tài năng sâu kín hơn, cuối cùng tôi hiểu được rằng phụ nữ không thể ỷ lại vào sắc đẹp của mình, mà phải làm việc chăm chỉ để nhờ đó… mang lại lợi ích cho mình hơn.” Nói cách khác, Golda Meir đã biết chấp nhận thánh giá của mình. Cô đã không kêu gào than khóc, không bẳn gắt, căm hờn, cô biết cam nhận vác nó lên với lòng can đảm, để rồi cuối cùng cô đã trở nên nữ thủ tướng đầu tiên của Israel.
Cuối cùng, chúng ta hãy xét đến trường hợp của Oscar Wilde. Ở đỉnh cao nghề nghiệp viết lách, ông đã xác tín sứ mạng luân lý của mình. Sau khi ở tù ra, ông không còn chấp nhận viết những vở hài kịch phù phiếm nữa, không dành trí tưởng tượng cho ba chuyện lăng nhăng lít nhít nữa. Ông đã sáng tác những câu thơ tuyệt vời như: “Đau khổ chính là mảnh đất thánh”, hay: “Đức Kitô đâu có thể đi vào tâm hồn chúng ta bằng nẻo đường nào khác ngoài trái tim đã vỡ nát”.
Oscar Wilde đã dùng kinh nghiệm nhục nhã của mình như một dịp để tăng triển tốt đẹp hơn. Giống như tinh thần bài Phúc Âm hôm nay ông đã biết biến đổi kinh nghiệm ấy thành nguồn ban sức sống chứ không để nó thành nguồn chết chóc huỷ diệt.
Những câu chuyện về Eugene O’Neill, Golda Meir và Oscar Wilde cho ta thấy rõ ràng điều quan trọng trong cuộc sống không phải là những khổ đau phiền muộn xảy đến cho chúng ta, mà chính là cách thức chúng ta đáp lại chúng, cách thức chúng ta xử lý chúng. Nếu ta từ chối không chấp nhận khổ đau phiền muộn, không chịu cúi xuống nâng chúng lên, thì chúng ta sẽ đánh mất chính cuộc sống của mình. Ngược lại, nếu chúng ta bắt chước Đức Giêsu can đảm cúi xuống nâng chúng lên, thì chúng ta sẽ biến chúng thành năng lực tích cực, thành nguồn ban sức sống giống như trường hợp Eugene O’Neill, Golda và Oscar Wilde.
Để tóm tắt, chúng ta hãy nhớ lại:
Như cậu bé bảy tuổi trong câu chuyện mở đầu, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng đời sống không phải chỉ toàn là vừa ý và hoa hồng, nó thường là khó khăn và cay đắng.
Nhưng chúng ta cũng khám phá ra một điều khác nữa. Sớm muộn gì chúng ta cũng thấy rằng phiền muộn và khổ đau không nhất thiết sẽ đem lại chết chóc, hủy diệt. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa Giêsu và Phúc Âm vì phiền muộn và khổ đau có thể biến thành nguồn sống. Thiên Chúa thường dùng khổ đau phiền muộn để biến đổi chúng ta thành người tốt hơn và biết thông hiểu kẻ khác hơn. Khổ đau và phiền muộn có thể mở mắt cho chúng ta để chúng ta thấy được cuộc sống phong phú tốt đẹp, hơn là chúng ta đã từng dám mơ ước.
Thi sĩ Robert Browming Hamiltom tóm tắt tinh thần bài Phúc Âm hôm nay bằng những lời như sau:
“Tôi bước đi một dặm đường với Nữ Thần Lạc Thú, Nàng ve vuốt tôi đủ điều, nhưng cuối cùng chả làm tôi khôn ngoan hơn tí nào qua những điều nàng nói. “Tôi lại bước đi một dặm với Nữ Thần đau khổ, Nàng chả nói với tôi một lời, Nhưng tôi lại học được biết bao điều khi nàng bước đi bên cạnh tôi…” (Trích trong Along the Road – Dọc đường)


Những tâm hồn trên cao


Đã bao giờ bạn bắt gặp một “tâm hồn trên cao”? Đó có phải là một kẻ trí bay bổng hồn thẩn thơ? Hay phải chăng là một tay vênh vang, luôn đặt mình cao hơn người khác? Không, tôi đang muốn nói về “những tâm hồn trên cao” thật sự. Họ là ai vậy? 
Dĩ nhiên, “những tâm hồn trên cao” là những con người bằng xương bằng thịt. Họ “trên cao” theo đúng nghĩa đen của nó. Nếu chịu khó đi lên vùng Tây Nguyên hay rong ruổi đến miền Đông-Tây Bắc Việt Nam, bạn sẽ gặp thấy những con người sống trên những cao nguyên, hay thậm chí trong những cánh rừng và trên các ngọn núi. Đa phần họ là người dân tộc thiểu số: H’Mông, Xơ-đăng, Ba-na… Một ít trong số đó là người Kinh di cư từ miền xuôi vào những thập niên của thế kỷ trước. 
Thật ra, họ là những tâm hồn trên cao vì họ tìm kiếm những giá trị trên cao. Họ sống và làm với chuẩn mực cao quý. Có những gia đình trẻ quyết định rời miền xuôi lên miền ngược, mua lấy một quả đồi xa tít để canh tác và chăn nuôi. Họ ước mong vượt nghèo và làm giàu chân chính. Họ khao khát một cuộc sống xứng hợp với phẩm giá của mình. Họ kiếm tìm hạnh phúc. Họ cũng chăn bò, nuôi heo và buôn đót như ai. Dầu vậy, căn nhà chòi lá tồi tàn của họ chẳng bao giờ trở thành những biệt thự biệt phủ nguy nga. Nhưng có một nghịch lý là: dù hôi hám vì phân, bẩn thỉu vì rác, căn nhà của họ vẫn sạch đến lạ lùng. Những đồng tiền kiếm được tuy nhàu nát và cáu bẩn nhưng tâm hồn họ lại sạch sẽ và tinh trong. Họ “trên cao” vì họ không để đồng tiền thống trị đời mình. Bên cạnh đó cũng có bản làng vài chục gia đình sống trên núi cao. Họ sẻ chia nâng đỡ nhau hằng ngày. Họ thật thà chất phát trong lối sống. Họ tin tưởng và mến thương nhau. Họ vượt lên sự tranh giành, hơn thua, thị phi và sân si trần thế. “Trên cao” đơn giản thế thôi. Những giá trị trên cao chẳng hề xa vời, trái lại, đó là việc sống trọn vẹn thực tại dưới đất thấp bằng chuẩn mực lương tâm: làm đúng, hành động đẹp. 
Quan trọng hơn cả, họ là “những tâm hồn trên cao” vì họ đang chuẩn bị cho ngày về trời cao ngay khi đang sống ở đời này. “Thứ hai thì gẫm, Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời” (Năm Sự Mừng). Tâm hồn họ hướng lên trời cao, ngưỡng vọng về Đấng Tối Cao. Dù đầu tắt mặt tối, cha mẹ vẫn đưa con băng rừng vượt suối đến nhà thờ. Dù trăm công ngàn việc, những ông trùm bà quản vẫn hăng hái miệt mài công việc nhà Chúa. Họ sống giữa thế gian nhưng biết mình không thuộc về thế gian (x. Ga 15,18tt). “Những tâm hồn trên cao” chia sẻ rằng họ muốn tích lũy vật liệu để xây nhà trong Nước Trời. Họ tin tưởng vào Đấng sẽ ban cho họ thứ hạnh phúc miễn viễn. Họ chạy đến và thở than cùng Ngài những lúc mệt mỏi cô đơn. Họ tạ ơn và chia vui với Ngài những lúc thành công hạnh phúc. Không chờ đến giờ chết, trong một mức độ nào đó, họ đã ở “trên cao” cùng với Đấng Trên Cao ngay lúc chân họ còn đang chạm đất thấp.
Thế đó, những tâm hồn trên cao vẫn ở trên núi cao, hằng sống theo chuẩn mực cao quý và hoài kiếm tìm Đấng Tối Cao. Còn bạn thì sao? Bạn có gặp thấy mình khi soi chiếu vào “những tâm hồn trên cao” như thế? Có khi nào bạn và tôi bỗng nhận ra mình cũng “trên cao”, nhưng là sự “trên cao” được nhắc đến ở đầu bài: bay bổng và kiêu căng?
“Những tâm hồn trên cao” đích thực vẫn ở trên cao, mặc cho thế gian dưới thấp đang xào xáo…
Jos. Nguyễn Minh Vương