Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Satan Dưới Cái Nhìn Kinh Thánh

Filled under:

Trong Tân Ước, cả hai tên: Satan (Tiếng Hebrew: sătan, địch thủ) hoặc quỷ (Tiếng Hy Lạp: dabolos, kẻ vu khống) thường được dùng như nhau; Kinh Thánh dùng cả hai tên đó để chỉ một nhân vật tự bản chất là vô hình nhưng hành động hay ảnh hưởng được biểu lộ trong hoạt động của kẻ khác (quỷ hay thần ô uế) hoặc trong cơn cám dỗ. Đàng khác, về điểm này khác với Do Thái Giáo về sau này và phần lớn các nền văn chương cổ Trung Đông, chúng ta thấy Kinh Thánh rất dè dặt, chỉ nhằm cho chúng ta biết có nhân vật đó và các mưu mô của hắn cũng như các phương thế để chống lại các mưu mô đó.
I. Địch thủ của ý định Thiên Chúa đối với nhân loại
1. Cựu Ước nói rất rõ về Satan và chỉ dưới một hình thức vừa bảo vệ tính cách siêu việt của Thiên Chúa duy nhất vừa cẩn thận tránh mọi điều gì có thể khiến Israel nghiêng về một thứ  nhị nguyên giáo mà họ đã sẵn có khuynh hướng nghiêng theo. Còn hơn một địch thủ đích thực, Satan xuất hiện như một trong các thiên thần tại triều đình của Gia-vê, chu toàn nơi tòa án thiên quốc một nhiệm vụ giống như một biện lý công cộng, có bổn phận bắt mọi người dưới thế phải tôn trọng công lý và quyền lợi của Thiên Chúa . Tuy nhiên, dưới chiêu bài phục vụ Thiên Chúa, chúng ta đã nhận ra trong G 1-3 ý muốn đối nghịch nếu không phải là với Thiên Chúa thì ít ra cũng với con người và với sự công chính của họ: hắn không tin vào tình yêu vô vị lợi (G 1,9). Không hẳn là một kẻ cám dỗ, hắn mong cho Gióp sa ngã; hắn mong muốn điều đó một cách bí ẩn và chúng ta cảm thấy hắn vui thích về điều đó. Trong (Dcr 3, 1-5), kẻ tố cáo biến thành một địch thủ thật sự của ý định tình yêu Thiên Chúa đối với Israel. Để cứu thoát Israel, trước tiên thiên thần Chúa phải khiến hắn im lặng nhân danh chính Thiên Chúa: “Chớ gì Chúa khiến ngươi!”(Gđ 9: Pt)
2. Đàng khác, độc giả Kinh Thánh biết rằng có một nhân vật bí nhiệm đã đóng vai trò căn bản ngay thời sơ nguyên nhân loại. Sáng Thế Ký chỉ nói đến con rắn. Là tạo vật của Thiên Chúa như mọi tạo vật khác (St 3,1), con rắn này lại thông minh và khôn khéo hơn hẳn con người. Nhất là ngay khi xuất hiện trong Kinh Thánh, nó được giới thiệu như kẻ thù của bản tính nhân loại. Ghen ghét hạnh phúc của con người (x. Kn 2, 24), nó đạt đến mục đích bằng cách dùng ngay những khí giới đặc sắc nhất của nó, tức mưu chước và nói dối: “quỷ quyệt nhất trong mọi thú vật ở cánh đồng” (St 3, 1), là kẻ quyến rũ” (St 3, 13; Rm 7,11); Kn 12, 9; 20, 8tt), sát nhân và dối trá ngay từ đầu” (Ga 8, 44), Sách Khôn Ngoan đặt cái tên đúng cho con rắn này: nó là quỷ (Kn 2, 24).
II. Địch thủ của Đức Kitô
Ngay từ giai đoạn đầu của lịch sử, nhân loại chiến bại nhưng vẫn thấy được phần nào là một ngày kia mình sẽ chiến thắng địch thủ của mình (St 3, 15). Con người sẽ “chiến thắng Satan, đó chính là mục đích của sứ mệnh Đức Kitô  đến để “làm tê liệt kẻ làm bá chủ của sự chết là ma quỷ” (Dt 2, 14), “phá hủy công trình của nó” (1Ga 3, 8), nói cách khác là đem vương quyền của Cha Người thay thế vương quyền Satan (1Cr 15, 24-28); Col 1, 13t). Vì thế các Tin Mừng trình bày đời sống công khai của Người như cuộc chiến đấu chống Satan. Cuộc tranh đấu bắt đầu từ câu chuyện Satan cám dỗ. Ở đó, lần đầu tiên từ khi cảnh tượng xảy ra ở vườn địa đàng chúng ta thấy một người đại diện nhân loại là “con của Ađam” (Lc 3, 38) đối đầu với ma quỷ. Cuộc chiến diễn tiến nhờ Đức Giêsu giải thoát những kẻ bị quỷ ám, chứng tỏ rằng “nước Thiên Chúa đã đến” (Mc 3, 22tt) và quyền hành Satan đã chấm dứt (x. Lc 10, 17-20), và cả đến khi Người chữa lành những bệnh nhân thường (x. Cv 10,38). Một cách âm thầm hơn, nhưng cuộc tranh đấu vẫn tiếp tục trong việc Đức Kitô phải đương đầu với người Do Thái cứng lòng tin, những “con cái đích thực của ma quỷ” (Ga 8, 44; x. Mt 13, 38), “dòng giống rắn độc này”(Mt 3, 7 tt; 12, 34; 23, 33). Cuộc chiến đạt đến cực điểm vào giờ Khổ Nạn. Luca cố ý nối liền cuộc khổ nạn này với cơn cám dỗ (Lc 4, 13; 22, 53). Còn Gioan chỉ nhấn mạnh vai trò của Satan (Ga 13, 2.27; 14, 30; x. Lc 22, 3.31) để loan báo thất bại sau cùng của nó. Dường như Satan chủ động nhưng thực ra “nó không có quyền gì trên Đức Kitô cả”: tất cả đều là công trình của tình yêu và sự vâng phục của Con (Ga 14, 30). Ngay lúc hắn tin chắc sẽ chiến thắng thì “Thủ lãnh thế gian này bị quật ngã” (Ga 12, 31; x. 16,11; Kh 12, 9-13). Quyền bá chủ thế gian mà trước kia hắn đã dám dâng cho Đức Giêsu (Lc 4, 6) từ nay thuộc quyền Đức Kitô, Đấng đã chết và đã được tôn vinh (Mt 28,18; x. Pl 2,9).
III. Địch thủ của Kitô hữu
Nếu Đức Kitô sống lại đã đánh bại Satan hoàn toàn thì theo Phaolô cuộc chiến đấu chỉ kết thúc với hành vi cuối cùng của “lịch sử cứu rỗi” trong “ Ngày của Chúa” khi “Người Con, sau khi đánh bại thế lực của mọi Thủ lãnh, mọi quyền năng và của chính “sự chết, sẽ trao vương quyền lại cho Cha Ngài để Thiên Chúa trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 15, 24-28)
Cũng như Đức Kitô, người Kitô hữu cũng phải chạm trán với Địch thủ. Địch thủ này ngăn cản Phaolô đi đến Thê-xa-lô-ni-ca (1 Tx 2,18) và “chiếc gai nhọn” cắm vào da thịt của ngài”, làm chướng ngại cho việc tông đồ của ngài, và chính hắn cũng là “một thủ hạ của Satan” (2Cr 12, 7-10). Tin Mừng cũng đã đồng hóa nó với kẻ thù gieo cỏ lùng trên ruộng người cha gia đình (Mt 13, 39) hoặc nhổ hạt giống Lời Thiên Chúa ra khỏi lòng người, “vì sợ họ tin và được cứu rỗi” (Mc 2, 15ss). Tới phiên Phêrô, ngài mô tả nó như một con sử tử đói khát luôn lượn quanh các tín hữu, tìm mồi để cắn xé (1Pr 5,8) và như thế đặt họ chống lại Thiên Chúa (Cv 5, 3). Hơn thế nữa, đằng sau hiện thân của quyền lực được Phaolô gọi là tội, dường như ngài cho là có hành động của Satan, cha đẻ ra tội (so sánh Rm 5, 12 và Kn 2, 24; Rm 7, 7 và St 3, 13). Sau cùng, nếu thật sự Phản-Kitô đang hoạt động ở trần thế này thì chính quyền lực của Satan đang núp sau hành động ác động của nó (2Tx 2, 7tt). Như thế, người Kitô hữu- và đây chính là điều thảm hại của định mệnh họ- phải chọn một trong hai hoặc Thiên Chúa hoặc Satan, hoặc Đức Kitô hoặc Bê-li-a (2Cr 6, 14), hoặc “Thần Ác” hoặc “ Thần Chân Lý”.
 Các thuật ngữ viết tắt
Pt:  bản Phổ Thông
ss: những đoạn song song
t : câu tiếp theo sau
tt: và  hai câu tiếp theo sau

(Nguồn:  Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh)


Giới trẻ và truyền thông Công giáo – Gm Phêrô Nguyễn Văn Đệ

A. TRUYỀN THÔNG LÀ GÌ?
Để hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của truyền thông Công giáo, ta cần hiểu truyền thông xã hội nói chung và truyền thông Công giáo nói riêng, ta cần hiểu 3 yếu tố cấu thành truyền thông như sau:
I. CHỦ THỂ TRUYỀN THÔNG VÀ NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG
1. Chủ thể truyền thông là ai? Ai đứng sau truyền thông, chủ đích của chủ thể truyền thông?
+ Chủ thể truyền thông có thể là một người hay một nhóm người hay một tập thể, tư nhân hay công cộng, chính trị hay tôn giáo.
+ Hoàn toàn được tự do truyền thông hay bị giới hạn.
2. Mục đích chính của chủ thể truyền thông
+ Mục đích chính của chủ thể truyền thông: tùy thuộc ý đồ cuối cùng của chủ thể truyền thông, có thể kín đáo, riêng tư, âm thầm hay công khai, lộ liễu.
+ Mục đích và ý hướng của chủ thể truyền thông: có thể tốt, ngay lành, muốn tốt, muốn thiện ích và hạnh phúc cho mọi người hay mục đích xấu, ác ý, dã tâm, độc hại, thiêt hại tinh thần hay thể chất, trực tiếp hay gián tiếp, hiện tại hay tương lai, trung thực hay gian dối, lừa đảo v.v.
II. PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG
1. Các loại phương tiện
+ Ngày càng có nhiều phát minh hiện đại, về chất lượng và số lượng, vô cùng phong phú: đủ mọi thứ loại từ cổ chí kim, tất cả đều có thể trở thành phương tiện giao lưu, trao đổi, thông thương v.v.
+ Có loại truyền thông đơn giản, có loại phức tạp, có loại bằng lời nói, có loại bằng cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, diễn cảm, bằng biểu tượng, qui định, qui ước với nhau.
+ Có loại trên 93% truyền thông được diễn tả bằng nét mặt.
+ Số lượng và chất lượng truyền thông ngày càng tuyệt vời, kỳ diệu, vượt khỏi mọi trí tưởng của nhiều người.
2. Các loại tân tiến, tiện lợi và hiện đại nhất hiện nay
+ Loại nghe, nhìn, xem cực nhanh, cực tốt: Internet, điện thoại di dộng, Ipad, Apple …
+ Loại phổ biến, thông dụng, đáp ứng được mọi đối tượng, mọi trình độ: báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, băng đĩa v.v.
+ Một loại đặc biệt được mọi người ưa thích, cách riêng các bạn trẻ, đang yêu, đó là điện thoại cố định hay di động.
3. Giá trị tinh thần và vật chất của các phương tiện truyền thông
+ Giá trị khoa học, kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật: vô cùng lớn lao.
+ Giá trị luân lý, đạo đức, tinh thần, cá nhân và xã hội: tuỳ thuộc chủ nhân và thụ nhân của truyền thông, tự nó các phương tiện truyền thông vô thưởng vô phạt!
+ Hậu quả tiêu cực hay tích cực tùy thuộc ý đồ của chủ nhân truyền thông và khả năng lựa chọn sử dụng của thụ nhân truyền thông!
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ MỤC TIÊU TRUYỀN THÔNG NHẮM ĐẾN
Truyền thông nhắm đến ai, cho ai và vì ai, mục đích gì?
1. Đối tượng chung gồm: mọi thành phần, tầng lớp xã hội, không phân biệt, giới hạn.
+ Truyền thông phục vụ mọi người, mọi thành phần, mơi nơi, mọi thời gian khắp nơi trên thế giới, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu, mọi khao khát trau dồi hiểu biết về kiến thức, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, văn minh nhân loại trên khắp thế giới.
2. Đối tượng ưu tiên: giới trí thức, công nghệ, sinh viên học sinh, thương mại v.v.
+ Đáp ứng mọi nhu cầu tri thức hiểu biết, khoa học, kỹ thuật, cao cấp của giới trí thức, sinh viên, học sinh.
3. Đối tượng trẻ thơ, thanh thiếu niên, học sinh, vị thành niên
+ Truyền thông đáp ứng, cung cấp, giúp đỡ cho trẻ thơ, thiếu nhi, học sinh hiểu biết mọi nhu cầu, khát vọng, khám phá, trí hiểu, trí tò mò, thắc mắc của trẻ thơ, các em thiếu nhi và học sinh, sinh viên.
+ Nhưng truyền thông cũng có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực, tai hại lớn cho tâm hồn trẻ thơ, các em thiếu nhi, học sinh nếu không được hướng dẫn, giúp các em phân biệt, lựa chọn cách khôn ngoan và hữu ích các chương trình muôn mặt của các phương tiện truyền thông!
B. GIỚI TRẺ VÀ TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO?
Truyền thông Công giáo là gì? Truyền thông Công giáo cũng bao gồm 3 yếu tố cấu thành quan trọng làm thành bản chất của truyền thông Công giáo như sau:
I. CHỦ THỂ TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO: BA NGÔI THIÊN CHÚA
1. Chủ thể truyền thông Công giáo
+ Chủ thể truyền thông Công giáo là chính Chúa Cha: Chúa Cha tự mặc khải mình, tự thông truyền mình qua kế hoạch tạo dựng và cứu chuộc muôn loài muôn vật.
+ Chúa Giêsu Kitô: Con Thiên Chúa xuống thế thực hiện ý định của Thiên Chúa Cha: cứu chuộc, đền tội, tha tội cho mọi người.
+ Chúa Thánh Thần: tiếp nối và hoàn tất kế hoạch của Chúa Cha và Chúa con: thánh hoá mọi người.
2. Mục đích chính của chủ thể truyền thông Công giáo
+ Mục đích của Ba Ngôi Thiên Chúa: tự thông truyền tình yêu cho nhau và thông truyền tình yêu cho nhân loại.
+ Chúa Cha sai con của mình xuống thế không phải để luận phạt thế gian, mà để cứu rỗi thế gian.
II. PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO
1. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: vừa là chủ thể truyền thông vừa là Đấng truyền thông, vừa là nội dung truyền thông!
2. Ngoài ra Chúa Giêsu (chủ thể truyền thông) còn lập ra Giáo hội và các bí tích để qua đó truyền thông và tiếp nối truyền thông Tình Yêu Chúa đến cho mọi người!
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ MỤC TIÊU NHẮM ĐẾN CỦA TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO
1. Truyền thông Công giáo nhắm đến tất cả mọi người. Mọi người đều là con cái của Chúa, cách riêng người tội lỗi, người nghèo đói, cùng cực.
2. Chúa Giêsu được xức dấu tấn phong để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho kẻ bị áp bức”. (Lc 4,18)
IV. GIÁO HỘI VÀ TRUYỀN THÔNG
1. Nguồn gốc truyền thông Công giáo
Truyền thông Công giáo khởi sự từ Thiên Chúa, do sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện và đạt đỉnh cao nơi Chúa Giêsu Kitô, được lưu truyền và tiếp nối theo lệnh truyền của Chúa qua Giáo hội cho đến ngày tận thế!
2. Giáo hội với các phương tiện truyền thông
Qua nhiều văn kiện, cách riêng qua Vat. II Giáo hội đã đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn cần thiết trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để thông truyền Chúa, loan báo Tin Mừng Chúa cho mọi người! Sắc lệnh Truyền Thông (số 4):
+ Cân nhắc nội dung những gì cần và được truyền thông;
+ Chú ý đến mục đích và các đối tượng và thời gian liên quan đến việc truyền thông.
+ Phải tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng.
+ Thông tri đúng lúc, đúng sự thật các biến cố và các sự kiện,
+ Kêu gọi các tín hữu đừng ngần ngại, mà hãy hăng say sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội vào các công việc tông đồ khác nhau.
+ Cũng cần và can đảm nói lên những bất công, oan trái mà một số người có chức quyền, có thế lực chỉ muốn che đậy, khoả lấp.
C. ẢNH HƯỞNG CỦA TRUYỀN THÔNG TRÊN GIỚI TRẺ
Tự nó việc truyền thông, nội dung và phương tiện kỹ thuật truyền thông không hoàn toàn tốt mà cũng không hoàn toàn xấu, nó tuỳ thuộc vào cách người sử dụng và người tiếp thu, tùy điều kiện, môi trường thích hợp của mỗi người!
1. Vài con số đáng lưu ý
+ Cả nước có 89% làng xã có truyền dẫn cáp đồng và 95,9%, truyền dẫn cáp quang:
– Số làng xã có thuê bao internet: 87%
– Gia đình có điện thoại cố định: 65%
– Mật độ điện thoại là 19,2 (thuê bao/100 dân)
– Điện thoại di động tính bình quân trên toàn quốc là 37,5%.
– Gia đình có máy thu thanh: giảm chỉ còn 10,7%
– Gia đình có máy thu hình tăng: 90,4%
– Gia đình sử dụng Internet: mật độ 30%
– Gia đình có máy tính cá nhân: 12,6% – Hà Nội 28% – Đà Nẵng 32% – HCM 44%
– Gia đình có nối mạng: 8,2% – Hà Nội 22% – Đà Nẵng 21% – HCM 33%
– Người dùng internet trong các hộ gia đình: 14,6%
– Loại hình thức truyền thông: rất khác nhau và đa dạng: cá thể, phi cá thể v.v.
2. Ảnh hưởng tích cực của truyền thông, cách riêng Internet trên giới trẻ!
+ Không ai chối cãi các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng ảnh hưởng sâu rộng và mạnh mẽ đến các sinh hoạt xã hội và con người, đã thực sự trở thành một quyền lực trong thế giới hôm nay: chúng tạo ra dư luận, chi phối dư luận, kiểm soát dư luận,
– Truyền thông chi phối cách suy nghĩ, chọn lựa và hành động của mỗi người chúng ta.
– Có thể nói chúng ta bị “thống trị” một cách êm ái dễ chịu vì chúng biết sử dụng những kỹ thuật khéo léo đến nỗi ta không còn ý thức về điều đó nữa.
– Tốc độ, chất lượng: đa dạng, phong phú; khả năng chuyển tải: lan rộng, lan xa, thấm sâu vào mọi sinh hoạt con người và xã hội.
– Ảnh hưởng rất lớn đến độ thay đổi cả bản chất của con người và xã hội nhất là người trẻ về mặt tâm lý, văn hóa, đạo đức và những thói quen của con người.
+ Kỹ thuật mới – tương quan mới
– Đem lại cho con người nhiều cơ hội để có một tương quan rộng hơn, phong phú hơn, làm cho cuộc sống đáng yêu hơn, ý nghĩa hơn!
– Dù đang ở đâu, nơi đâu, ai ai cũng có thể liên lạc giao tiếp được với nhau cách dễ dàng thuận lợi, nhanh chóng, cách riêng những lúc khẩn cấp!
3. Ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông, cách riêng với Internet trên giới trẻ!
+ Đối với tâm hồn trẻ thơ, thiếu nhi học sinh, tuổi vị thành niên, và cả một số người lớn: Giới trẻ, cách riêng các em thiếu nhi lầm tưởng về cuộc sống, gia đình xã hội, mọi cái đều lý tưởng, đẹp như mơ, gọi là thế giới ảo. Với internet, mọi cái đều lý tưởng, tuyệt đối, dễ tạo cho người trẻ một ảo ảnh về cuộc sống, mơ hồ, xa thực tế, dẫn đến nhiều đổ vỡ cá nhân và gia đình!
– Ảnh hưởng tiêu cực về các mối giao tiếp giữa tình bạn, tình yêu: không thích, không vừa ý thì giận dỗi, thù hận và bất bao dung.
– Truyền thông tiêu cực sa đà khai thác những bản năng, hạ đẳng, thú tính yếu kém nơi con người: cách riêng lời nói, hình ảnh dâm ô, làm mất phẩm giá con người, vẻ đẹp sâu kín của giới tính con người,
– Ảnh hưởng của các loại đồ chơi kỹ thuật, các chương trình Internet, điện thoại di động với nhiều chức năng mới, và nhiều hình thức lưu trữ, chuyển tải thông tin sai trái, độc hại v.v.
– Cuộc sống các em thiếu nhi, học sinh ngày càng bị lệ thuộc vào máy móc; phẩm giá các em và giá trị cuộc sống các em đang có nguy cơ bị “biến chất” trầm trọng.
+ Giới trẻ phát triển dị dạng không đồng đều về tinh thần và vật chất
– Dị dạng về quan điểm, não trạng, lối sống, vô cảm: lợi lộc trên hết, dễ dãi, hưởng thụ, thiếu nghị lực, ý chí, nhân bản, luân lý, đạo đức kém, thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm, kêu ca, đòi hỏi, thiếu cố gắng, nghị lực.
– Thích dễ dãi, nhàn nhã, hưởng thụ: chỉ cần nhắp chuột, web, chat, ngồi hàng giờ trước vi tính, tivi, không vận động, thể dục thể thao, chỉ ngồi hưởng thụ, tâm linh ủy mị èo uột, buông thả!
– Cách riêng các trang mạng đen, đồi trụy, độc hại, một chiều v.v. tấn công trí tò mò trẻ em, làm cho các em bị ám ảnh bởi hình ảnh bạo lực và khiêu dâm, bệnh hoạn, kích thích bản năng thú tính, bi thảm kịch, quan hệ bạn bè dễ dãi, bừa bãi những mối tình chớp nhoáng, kỹ thuật mạng, trần trụi, vội vã, lạm dụng và hư ảo.
– Tốn nhiều giờ, nhiền tiền bạc trên internet tới mức độ bị nghiện, ghiền mê game, quên mọi bổn phận, học hành thất bại, tuyệt vọng, tự tử. Hậu quả, một lối sống cá nhân, ích kỉ, bị bỏ rơi, thiếu tình thương gia đình, trường học, Giáo xứ, Giáo hội!
+ Căn bệnh thời đại của người trẻ: khủng hoảng ước mơ
– Dưới tác động của truyền thông, một số người trẻ có nguy cơ tưởng tượng quá đáng về các nhân vật ảo, thế giới ảo, cuộc sống ảo, người hùng ảo, mọi sự đều ảo, ám ảnh đến tâm thức và cuộc sống người trẻ.
– Thường xuyên làm quen với các hình ảnh chết chóc bạo lực, làm người trẻ sống và giải quyết cuộc sống xa và sai với thực tế, lạc lõng, lệch lạc, hoặc quá hưng phấn, thần kinh căng thẳng, hoặc quá bi quan đi đến tự vẫn!
– Nghiện mạng! Sự dễ dàng tiếp cận với các phương tiện truyền thông tối tân, cách riêng với Internet, với điện thoại, với di động, với vi tính, được nối kết với mọi tầm mức thế giới và sự thâm nhập của Internet, đã làm cho nhiều trẻ em, học sinh, cả một số người lớn mắc bệnh “nghiện mạng” hành hạ, họ dành rất nhiều thời gian cho “chat” (tán gẫu trên mạng).
– “Game online” (các loại trò chơi trên mạng), tạo cho họ các “mối tình ảo”, các giải trí “rẻ tiền” và nhiều loại thông tin “lá cải”, đó là chưa kể đến các nạn nhân của những trò gian lận, lừa đảo trên mạng, cờ bạc trên mạng, các chương trình khiêu dâm và bạo lực, thư nặc danh…
– Tuổi trẻ mỏng dòn, dễ hư hỏng, dễ bị đánh mất tuổi thơ, sớm trở thành người lớn trước tuổi, làm cho người trẻ trở nên ích kỉ, chỉ biết bản thân, thích đánh bóng mình thờ ơ với cuộc sống, thiếu cởi mở với tha nhân, mặc kệ nó.
– Người trẻ ngày càng khép kín, khó khăn trong giao tiếp, thiếu tin tưởng, vô cảm, cô đơn, lạc lõng, chỉ có màn hình, chỉ có internet, vi tính, phòng riêng, tiện nghi đầy cám dỗ và quyến rũ.
D. GIẢI PHÁP
+ Trách nhiệm giáo dục
– Trách nhiệm gia đình: cha mẹ là nhà giáo dục đầu tiên của các em, cần quan tâm đề phòng, ngăn ngừa, hướng dẫn cho con cái trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nội dung các chương trình truyền thông, cách riêng các phim ảnh, báo chí, tiểu thuyết, v.v.
– Trách nhiệm nhà trường: cần đầu tư, giáo dục, đào tạo người trẻ với chương trình nội dung phong phú, toàn diện, để giúp người trẻ phát triển toàn diện, quân bình, tiệm tiến theo từng giai đoạn và lứa tuổi cuộc sống của người trẻ, để người trẻ ngày càng trưởng thành, ý thức và tự trách nhiệm trong việc nhận định và lựa chọn các chương trình và phương tiện truyền thông đại chúng!
– Trách nhiệm xã hội: xã hội nói chung và các chủ thể truyền thông xã hội nói riêng có một trách nhiệm vô cùng quan trọng, chi phối tác động lớn lao đến đời sống văn hoá và tinh thần của người trẻ, cách riêng các chương trình truyền thông như phim ảnh, băng hình và các môi trường xã hội đen, đầy cạm bẫy, ăn chơi, trác táng, sa đoạ, buông thả, vô định hướng.
– Trách nhiệm Giáo hội, Giáo xứ: trước một xã hội đầy thách đố và cạm bẫy đen tối, dễ dàng ảnh hưởng tiêu cực đến các em, đầu độc tâm hồn các em trẻ thơ, Giáo hội phải hết sức quan tâm, đem hết công sức đầu tư cho việc giáo dục người trẻ ngay từ những năm thơ ấu.
+ Giáo dục dự phòng:
– Giáo dục dự phòng xuất phát từ trái tim mục tử của Chúa Giêsu, một mục tử hiểu biết, yêu thương, quan tâm đến từng con chiên một, không để bất kì con chiên nào đi lạc. Con nào ốm đau, con nào bị thương, người mục tử đều hiểu rõ, biết rõ từng con, chứ không chỉ biết chung chung.
– Giáo dục dự phòng là giáo dục nhìn xa thấy rộng, thấy trước, chuẩn bị trước, đề phòng trước tất cả mọi nguy hiểm vật chất hay tinh thần có thể xảy ra cho người trẻ khỏi bị thiệt hại, khỏi bị thương tích.
– Giáo dục dự phòng đòi hỏi nhà giáo dục sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh cực nhọc đến cả chết để bảo vệ con cái của mình khỏi hiểm nguy.
+ Giáo dục truyền thông Công giáo: Loan truyền Tin Mừng Chúa bằng mọi phương tiện.
Nếu truyền thông Công giáo còn rất nhiều hạn chế về phương tiện truyền thông và cơ chế truyền thông hiện nay, truyền thông Công giáo còn rất nhiều phương tiện khác ít tốn kém, nhưng hiệu quả cao như truyền giáo bằng truyền thông:
– Truyền thông bằng chính đời sống chứng nhân Đức Kitô của các bạn trẻ tại nơi mình sinh sống: trường học, nhà trọ, xí nghiệp, bàn giấy v.v.
– Mỗi bạn trẻ Công giáo chọn lấy một bạn chưa biết Chúa Kitô để truyền thông ân sủng bằng việc cầu nguyện cho bạn đó, gặp gỡ, thăm viếng, mời họ tham dự các dịp đại lễ Công giáo như Noel, Phục sinh với mục đích làm quen, thông truyền Chúa cho họ.
– Truyền thông Công giáo bằng nhiều loại hình xã hội tích cực hiệu quả và bổ ích như: các việc từ thiện, bác ái xã hội, trạm xá y tế, khám chữa bệnh, nhà tình thương cho người già, các em cô nhi, khuyết tật, lỡ lầm; các cuộc thăm viếng uỷ lạo v.v.
– Các loại hình văn hoá nghệ thuật như: các buổi trình diễn thánh ca, kịch nghệ, thi thơ ca nhạc, các loại băng hình, video, DVD, CD, tờ buớm, sách báo Công giáo v.v.
– Các loại hình thể dục, thể thao, cắm trại, du ngoạn, hội chợ v.v. tất cả đều có thể trở thành những phương tiện truyền thông Công giáo để thông truyền Chúa đến với mọi người và đưa mọi người về với Thiên Chúa.
——————————-
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Truyền thông Công giáo là gì?
2. Truyền thông Công giáo gồm những yếu tố chính nào?
3. Bạn có thể làm gì cho truyền thông Công giáo?
4. Trong các phương tiện truyền thông hiện nay, bạn thích phương tiện truyền thông nào nhất? Bạn có thể làm gì với phương tiện truyền thông này trong việc loan truyền Chúa?
5. Bạn hãy kể các loại phương tiện truyền thông thích hợp, dễ dàng, thuận lợi trong việc thông truyền Chúa đến cho nhiều người!
6. Bạn đã làm gì để thông truyền Chúa đến cho mọi người?
Nguồn:
giadinhbacninh.com