Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 11/07/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 9: 32-38)

Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ". Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

SUY NIỆM 1

Trong bối cảnh dân chúng còn đang hiện diện với Chúa Giêsu đông đảo, những người làm phước đưa người bị quỷ câm ám đến cho Người, để xin được chữa lành. Chúa Giêsu không chần chừ mà thực hiện việc cứu giúp người ta khỏi sự dữ. Nhưng có nhiều người lại phản đối bằng cách gây chia rẽ: “Ông ta nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ“. Tin Mừng không thuật lại sự đáp trả nào từ Chúa Giêsu, nhưng các tác giả khác cho chúng ta biết Chúa Giêsu hỏi ngược lại: “Nếu tôi nhờ Bêelgiêbul mà trừ quỷ thì con cái các ông nhờ ai mà trừ?”

Chúa Giêsu rời khỏi họ mà đến những nơi khác để tiếp tục tìm kiếm các con chiên lạc. Còn các tông đồ thì không khỏi thắc mắc về sự việc vừa xảy ra. Chúa Giêsu hướng các ông đến sứ vụ chính yếu được Thiên Chúa uỷ thác hơn là những gì phải đến trong sứ vụ. Việc chữa lành bệnh tật, việc trừ quỷ nằm trong sứ vụ của Chúa Giêsu, mà chính các ông sau này sẽ tiếp nhận. Thế nên, vấn đề là không phải các ông có thể trừ quỷ hay không mà có sẵn sàng trở thành thợ gặt trên cánh đồng lúa chín hay không? Chúa Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Các tông đồ có hiểu điều Người muốn nhắn gởi hay không?

Nhiều khi, chúng ta không thể làm việc Chúa cách hiệu quả hoặc không chịu áp lực vì sự thất bại hay kết quả không như mình muốn vì chúng ta thiếu Chúa Giêsu. Chúng ta có nhận ra việc mình đang làm là cho ai? Việc chúng ta làm có phù hợp với căn tính sứ vụ của mình không? Việc của Chúa rất nhiều, chúng ta có thể chọn lựa để thi hành. Tuy vậy, chúng ta cần hiểu điều mình chọn có phải là điều Chúa chọn cho mình không? Nhiều lúc điều chúng ta thích lại không hợp với mình, thì càng không là ý Chúa.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


Suy niệm 2
Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối
của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.
Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám.
Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.
Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.
Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.
Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ.
Đám đông thì kinh ngạc và nói : “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”
Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).
Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,
thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên.
Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo:
“miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6).
Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác.
Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu,
nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).
Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.
Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược
về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).
Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông.
Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường.
Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi.
Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.
Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).
Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.
Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.
Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo.
Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than.
Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.
Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người.
Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.
Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.
Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.
Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.
Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít.
Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.
Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.
Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt.
Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.
Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.
Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương?
Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?
Lời nguyện
Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.
Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy
đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.
Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.
Xin cho họ
biết quên hạnh phúc và tương lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.
Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,
cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,
thấy được những mất mát của bao người đau khổ,
và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.
Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ
để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,
sống như Ngài đã sống
và tiếp tục làm những gì
Ngài đã làm trên trần gian.
Cũng xin Cha
gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,
thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,
để tất cả trở thành những môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J