Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

5 Phút Cho Lời Chúa Ngày 12/7/2017

Filled under:

TẤT CẢ ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,7)
Suy niệm: Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di một hôm gọi một thầy cùng với mình đi giảng đạo. Hai người rảo qua các đường phố rồi trở về nhà. Thầy đó hỏi thánh nhân vì sao ngài nói đi giảng đạo mà không giảng dạy gì. Thánh nhân trả lời: ngay trong lúc đi đường ngài đã giảng đạo rồi. Chúa Giê-su dạy các môn đệ đến với “các chiên lạc nhà Ít-ra-en” thế mà chưa đến “nhiệm sở,” các ông đã phải rao giảng ngay khi đi dọc đường. Và Chúa còn truyền lệnh cho dù người nghe có đón nhận Lời hay không thì cũng phải nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11). Các ông phải sẵn sàng bỏ lại mọi thứ hành trang cồng kềnh, giã từ những mối quan hệ vô bổ để có thể tập trung tất cả cho việc loan báo Tin Mừng.
Mời Bạn: Tất cả cho việc loan báo Tin Mừng nghĩa là từ việc bạn mua sắm, ăn mặc, hay làm công việc nghiệp vụ chuyên môn của bạn cho đến việc bắt tay chào hỏi một người quen, thậm chí việc bạn nhai một miếng cơm, uống một ngụm nước, v.v… tất cả đều có thể biến thành một hành động loan báo Tin Mừng nếu như những việc đó chuyển tải sứ điệp “Nước Thiên Chúa đã đến gần.” Nếu chỉ khi nào bạn lên tiếng rao giảng mới là loan báo Tin Mừng thì cả đời bạn, bạn có loan báo được bao nhiêu?
Chia sẻ: Kiểm điểm xem những sinh hoạt trong nhóm của bạn đã nói lên được sứ điệp nào của Tin Mừng chưa.
Sống Lời Chúa: Chú ý làm tốt một công việc thường ngày với ý chỉ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thao thức trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít,” xin hãy sai con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa.


Thánh Gioan Gualbert
(993-1073)
Sinh trong dòng họ quý tộc Visdomini ở Florence, Tuscany nước Ý, ngay từ nhỏ Gioan đã được học hỏi về đạo lý nhưng tâm hồn người thanh niên ấy bị lôi cuốn bởi những phù vân của thế gian hơn là đời sống đạo đức. Qua một biến cố đau thương, Chúa đã mở mắt Gioan. Đó là cái chết thảm thương của Hugo, người em duy nhất của Gioan bị kẻ thù sát hại. Càng đau đớn bao nhiêu, Gioan càng quyết chí trả thù bấy nhiêu.
Vào một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Gioan bắt gặp kẻ thù trên con đường mòn dẫn đến Florence. Hắn chỉ có một mình và không cách chi trốn thoát được. Gioan rút gươm ra tiến đến tấn công, định đâm chết kẻ thù ngay tại chỗ, nhưng người này đã buông vũ khí, quỳ gối xuống một cách tuyệt vọng và hắn phó thác linh hồn cho Chúa, nhắm mắt chờ đợi. Hành động ấy đã khiến Gioan do dự. Anh nhìn xuống kẻ thù và bỗng nhớ đến lời Đức Kitô trên thập giá đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Anh ôm lấy kẻ thù, tha thứ cho hắn và đi đến một nhà thờ ở Florence cầu nguyện với hàng nước mắt tuôn rơi vì nhớ đến đời sống tội lỗi của mình.

Sau đó Gioan gia nhập đan viện San Miniato ở Florence để ăn năn sám hối và siêng năng luyện tập các nhân đức, hy vọng sẽ sống mãi ở đây; nhưng khi đan viện trưởng từ trần và một đan sĩ khác đã hối lộ để lên được chức vụ này, Gioan ghê tởm bỏ đi. Ngài muốn tìm một cuộc sống không bị ảnh hưởng bởi các thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ mà hàng giáo sĩ có thê thiếp, đầy dẫy nạn con ông cháu cha và buôn thần bán thánh. Trong một ít lâu, Gioan sống với các đan sĩ Camaldoli tại đan viện Thánh Rômuanđô, nhưng sau đó ngài quyết định thành lập một tổ chức hoàn toàn mới.

Sau khi được tặng cho một ít đất ở Vallombrosa, cùng với sự giúp đỡ của một vài đan sĩ, ngài xây một đan viện nhỏ thật khiêm tốn, tuân giữ các quy luật nguyên thủy của Thánh Bênêđích. Ở đây, ngài tận tụy sống khó nghèo và hèn mọn. Thật vậy, ngài chưa bao giờ nhận chức linh mục và ngay cả từ chối nhận các chức nhỏ.

Cộng đoàn Vallombrosa đã cảm kích các cộng đoàn khác trong việc chăm sóc người nghèo và người đau yếu. Sau đó, các cộng đoàn này trở thành một phần tử của Dòng Vallombrosa sống theo quy luật của Đức Gioan. Qua phương cách này Đức Gioan trở nên người canh tân Giáo Hội mà các giáo hoàng đã giao phó cho ngài.

Bất cứ đan viện nào được thiết lập, Đức Gioan luôn nhắc nhở họ phải xây dựng một cách vừa phải với vật liệu rẻ tiền và số tiền còn dư phải dùng để giúp đỡ người nghèo. Thật vậy, lòng bác ái của ngài được thể hiện qua một quy luật, mà bất cứ người nào đến xin nhà dòng đều được cấp dưỡng.

Ngay khi còn sống, Đức Gioan đã nổi tiếng về sự khôn ngoan cũng như ơn tiên tri và làm phép lạ. Các giáo hoàng như Đức Lêô IX, Đức Stêphanô X đều đến nói chuyện với ngài. Đức Giáo Hoàng Alexander II cho rằng Đức Gioan đã có công trong việc xoá bỏ nạn buôn thần bán thánh trong quốc gia của ngài. Mặc dù được sự quý trọng của các giáo hoàng, Đức Gioan vẫn luôn luôn khiêm tốn. Ngài từ trần ngày 12 tháng Bảy 1073, hưởng thọ khoảng 80 tuổi.

Những Niềm Vui Nhỏ

Biết tận hưởng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống: đó là một trong những bí quyết của hạnh phúc.
Người Nhật Bản thường kể câu chuyện như sau: Một người đàn ông nọ đi qua một cánh đồng, thình lình bị cọp đuổi.... Anh ta chạy bán sống bán chết mà vẫn không tìm ra chỗ dung thân. Anh chạy mãi để rồi cuối cùng thấy mình đứng bên bờ vực thẳm. Phía sau lưng, con cọp vẫn không buông tha. Không còn biết làm gì nữa, người đàn ông phải lấy sức để đu lên một cành cây bắc qua vực thẳm. Nhìn xuống dưới thung lũng, anh ta lại thấy một con cọp khác cũng đang nằm chờ chực. Người đàn ông đáng thương chỉ còn niềm hy vọng duy nhất: đó là nằm chờ đợi cho đến khi hai thú vật mệt mỏi bỏ đi.... Chờ đợi trong lo sợ vẫn là cực hình lớn lao nhất đối với con ngườị
Giữa lúc anh ta đang phải chiến đấu với sợ hãi và mệt mỏi, thì tình cờ bỗng có hai con chuột bỗng từ đâu xuất hiện trên chính cành cây anh đang đu vào. Hai con vật bắt đầu gặm nhấm lớp vỏ xung quanh cành cây. Bình thường, chuột là một trong những loài thú mà anh gớm ghiếc nhất vì sự dơ bẩn của nó. Tiếng kêu của nó cũng là một âm thanh làm cho lỗ tai anh khó chịu. Thế nhưng, trong cơn sợ hãi tột cùng này, người đàn ông bỗng nhìn thấy hai con chuột thật đáng yêu. Những hàm răng mũm mĩm của chúng trông dễ thương làm sao! Tiếng kêu của hai con vật cũng trở thành một âm thanh êm dịu hơn tiếng gầm thét của hai con cọp.
Giữa lúc anh đang theo dõi từng động tác của hai con chuột, thì một con chim bỗng từ đâu bay lại, thả rớt trên cành cây một trái dâu rừng. Anh đưa tay nhặt lấy trái dâu và thưởng thức hương vị ngọt ngào của trái rừng bỗng nên thơ đáng yêu lạ lùng.
Thiên Chúa tạo dựng con người để được sống hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ trên cõi đời này. Do đó, hạnh phúc không chỉ đến trong cuộc sống mai hậu, hạnh phúc không hẳn nằm ở ngoài tầm tay với con người. Kitô giáo không chỉ hướng chúng ta đến hạnh phúc đời sau, nhưng còn mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy trong cõi đời này.
Mang lấy thân phận con người, nhập cuộc vào trần gian này, Chúa Giêsu như mang hạnh phúc Thiên Ðàng đến với con người. Ngài mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy, Ngài nói với chúng ta rằng cuộc sống trần gian này là một cuộc đời đáng sống. Chấp nhận cuộc sống, chấp nhận chính bản thân, chấp nhận ngay cả những nghịch cảnh trong cuộc sống: đó chính là bí quyết của hạnh phúc trên đời này.
Bí quyết của hạnh phúc cũng chính là biết đón nhận những niềm vui nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày. Có những ngày tù đày, chúng ta mới thấy được giá trị của hai chữ tự do. Có sống xa gia đình, chúng ta mới nhung nhớ những ngày sống bên những người thân. Có những lúc nằm quằn quại trên giường bệnh, chúng ta mới thấy được giá trị của sức khỏe.... Cuộc sống của chúng ta tràn ngập những niềm vui nhỏ mà chỉ khi nào mất đi, chúng ta mới cảm thấy luyến tiếc.
"Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống": đó là lời kêu gọi Chúa Giêsu không ngừng nhắn gửi cho chúng ta khi Ngài mời gọi chúng ta chiêm ngắm hoa huệ ngoài đồng và chim chóc trên rừng... Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống có nghĩa là đón nhận từng phút giây trong cuộc sống với cảm mến và hân hoan. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống cũng có nghĩa là biết nhìn thấy xuyên qua những mất mát, thua thiệt, và ngay cả tội lỗi, bàn tay quan phòng nâng đỡ của Chúa.... Chúa Giêsu không bao giờ loan báo cái chết một cách riêng rẽ, Ngài luôn gắn liền nó với sự Phục Sinh.