Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

5 Phút cho Lời Chúa ngày 31/7/2017

Filled under:


LÀ MEN TIN MỪNG
“Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Mt 13,33)
Suy niệm: Ba đấu bột khoảng 50kg bột, một khi đã dậy men, trương nở, đủ cho cả trăm người ăn no và ngon miệng. Ta có được thành quả ngoạn mục này đang khi chỉ cần một nắm men nhỏ xíu, rất ít so với khối bột to lớn. Nắm men thật kỳ diệu, âm thầm tác động đêm ngày để đem lại kết quả mấy ai ngờ. Nắm men ấy là hình tượng của người Ki-tô hữu giữa khối bột nhân loại, đặc biệt như trong xã hội Việt Nam hôm nay. Tại nhiều vùng miền, các Ki-tô hữu chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ bé. Tuy vậy, ta không tự ti hay ngã lòng, nhưng nỗ lực trở thành men Tin Mừng cho môi trường mình sống, để môi trường ấy được công bằng và liên đới hơn, huynh đệ và nhân nghĩa hơn.
Mời Bạn: Nếu hơn bảy triệu người Công giáo ở Việt Nam đồng lòng sống Tin mừng giữa lòng dân tộc, yêu thương  người lân cận, nâng đỡ, phục vụ người nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội, họ sẽ là men làm cho khối bột đồng bào mình được dậy men Tin Mừng, giúp cho xã hội được tốt đẹp hơn. Hãy bắt đầu là men Tin Mừng trước hết từ chính bạn, để qua đời sống của bạn, người lân cận có thiện cảm hơn với Chúa Giê-su.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ không nản lòng khi nỗ lực sống đức tin giữa đời thường, như có vẻ như “cánh én không làm nên mùa xuân.” Tôi tin những nỗ lực ấy như men đang âm thầm tác động nơi người khác. 
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là men Tin Mừng số một, đem lại sự đổi mới cho cả nhân loại. Xin cho con cũng trở thành men Tin Mừng, âm thầm tác động từ từ vào môi trường, trong những người anh em chung quanh. Amen. 


Thánh I-nha-xiô ở Loyola (Y Nhã)
(1491-1556)
Vị sáng lập dòng Tên này đang trên đà danh vọng và quyền thế của một sĩ quan trong quân đội Tây Ban Nha thì một trái đạn đại bác đã làm ngài bị thương ở chân. Trong thời kỳ dưỡng bệnh, vì không có sẵn các cuốn tiểu thuyết để giết thời giờ nên ngài đã biết đến cuộc đời Đức Kitô và hạnh các thánh. Lương tâm ngài bị đánh động, và từ đó khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Đức Kitô.

Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Đức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Đức Maria thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Đức Mẹ.

Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Đa Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện. Chính trong thời gian hoán cải này ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, cuốn Những Thao Luyện Tâm Linh.

Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Rôma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây. Vì lo sợ cho tính mạng của ngài các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona. Tin tưởng rằng kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Balê.

Vào năm 1534, lúc ấy đã 43 tuổi, cùng với sáu người khác (trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê) ngài thề sống khó nghèo và khiết tịnh và tất cả cùng đến Đất Thánh. Các ngài thề quyết rằng nếu không thể ở đây thì sẽ dâng mình cho công việc tông đồ của đức giáo hoàng. Và đó là điều đã xảy ra. Bốn năm sau, Thánh Y Nhã hợp thức hóa tổ chức của ngài. Tu Hội của Đức Giêsu (Dòng Tên) được Đức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận và Thánh Y Nhã được bầu làm bề trên đầu tiên.

Trong khi các bạn đồng hành được đức giáo hoàng sai đi truyền giáo thì Thánh Y Nhã vẫn ở Rôma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi, cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Roma (sau này là Đại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.

Thánh Y Nhã đích thực là một vị thần bí. Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo -- Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Kitô, Bí Tích Thánh Thể. Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên, ad majorem Dei gloriam -- "để Thiên Chúa được vinh danh hơn." Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Đức Thánh Cha vô điều kiện, vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà đức giáo hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.

Lời Bàn
Vào năm 1517, Luther đã niêm yết các đề án của ông lên cửa nhà thờ ở Wittenberg. Mười bảy năm sau, Thánh Y Nhã sáng lập một tu hội góp phần quan trọng trong việc chống lại sự cải cách Tin Lành. Ngài là một kẻ thù bất khả tiêu diệt của Tin Lành. Tuy nhiên, trong lời lẽ của ngài người ta vẫn thấy tiềm ẩn sự đại kết: "Phải rất thận trọng khi đưa ra các chân lý chính truyền để nếu người lạc giáo có mặt ở đó, họ sẽ cảm nhận được lòng bác ái và sự ôn hòa Kitô Giáo. Không được dùng lời lẽ cứng rắn và cũng không được khinh miệt những sai lầm của họ." Một trong những khuôn mặt vĩ đại của phong trào đại kết hiện nay là Đức Hồng Y Bea, một linh mục dòng Tên.

Lời Trích
Thánh Y Nhã đề nghị lời nguyện sau đây cho các hối nhân: "Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận mọi đặc quyền, mọi ký ức, mọi hiểu biết và toàn thể ý chí của con. Ngài đã ban cho con tất cả những gì con có, tất cả con người của con, và con xin phó thác chúng cho thánh ý của Ngài, để Ngài tùy ý sử dụng. Con chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ơn sủng. Được như thế, con đã giàu sang đủ và không dám đòi hỏi gì nữa."

Tiếng Kêu Của Ếch

Một vị ẩn sĩ đạo đức nọ nổi tiếng là người có thể sai khiến được thú vật.
Một buổi tối nọ, ông đang tịnh niệm cầu nguyện, một con ếch không biết từ đâu cất tiếng kêu lên inh ỏi. Vị ẩn sĩ cố gắng tập trung ý chí vào lời cầu nguyện để không còn nghe tiếng ếch kêu nữa. Nhưng ông càng cố gắng, tiếng ếch càng kêu to. Không còn tự chế được nữa, vị ẩn sĩ quát lên: "Hãy câm miệng cho ta cầu nguyện được không?".
Mệnh lệnh đầy uy lực của nhà ẩn sĩ đã bịt miệng được chú ếch. Thinh lặng trở lại với không gian. Nhưng cũng chính lúc đó, nhà ẩn sĩ như nghe vang vọng trong tâm hồn ông một tiếng kêu khác. Ông nghe như có người nói với ông rằng: "Có lẽ Chúa cũng ưa thích tiếng kêu của ếch như lời cầu kinh của ngươi". Vị ẩn sĩ hỏi vặn lại: "Tiếng kêu của ếch mà cũng làm cho lỗ tai của Chúa vui được saỏ". Tiếng kêu trong tâm hồn ông đáp trả: "Vậy thì ngươi có biết tại sao Chúa tạo ra âm thanh không?".
Vị ẩn sĩ chợt hiểu được bài học từ trong nội tâm... Ông đến bên cửa sổ và ra lệnh cho chú ếch: "Nào, hãy hát lên đi". Tiếng kêu của chú ếch vang lên, mấy chú ếch xung quanh cũng hòa theo một nhịp tạo thành một bài ca lúc trầm lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc tha thiết... Ðêm vắng bỗng trở nên vui hơn.
Với sự khám phá trên đây, trái tim của nhà ẩn sĩ bỗng trở nên hài hòa với vũ trụ và lần đầu tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là cầu nguyện.
Sự cầu nguyện thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một bầu khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành cho cuộc sống con người.... Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục đích của các ngôi thánh đường.
Tuy nhiên, sự cầu nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó trong một khung cảnh và bầu khí đặc biệt. Cầu nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân. Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay trên chợ đờị
Thành ra, lời cầu nguyện đích thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống hài hòa với tha nhân, một cuộc sống "xin vâng" trong từng phút giây.