Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Satan dụ dỗ linh hồn như thế nào, và làm sao để giữ mình được bảo vệ ?

Filled under:


Hắn làm cho những điều đối nghịch lại với Thiên Chúa có vẻ như tốt lành và vô hại.

“Trò lừa bịp lớn nhất của quỷ là làm cho chúng ta nghĩ rằng hắn không tồn tại.”Những lời này không được viết bởi một nhà thần học, hay bởi một vị thánh: chúng được nhà thơ người Pháp Charles Baudelaire viết. Satan rất âm thầm nhưng hiện hữu tích cực giống như một căn bệnh ung thư không dò tìm được, theo một cách rất xảo quyệt và không thể nhận biết, làm hư hát một thân thể và chiếm vị trí ngày càng nhiều trong các cơ qua sự di căn chết người.
Cha Paolo Morocutti biết rất rõ tất cả những điều này. Cha là một nhà trừ quỷ của Giáo phận Palestrina, một trong những giáo phận vùng ngoại ô của Roma. Cha cũng là một thành viên của AIE (Hiệp hội các nhà trừ quỷ quốc tế, từ viết tắt của tiếng Ý), và là người giảng dạy nhiều khóa học cho các nhà trừ quỷ.
Có lẽ nhiều người muốn gặp một nhà trừ quỷ để họ có thể biết thêm về quỷ. Dưới đây là một số những gì chúng tôi biết được khi chúng tôi ngồi nói chuyện với cha Morocutti.
Một số nhà thần học có ý kiến cho rằng những lần trừ quỷ trong kinh thánh — gồm cả những lần được thực hiện bởi Chúa Giê-su — chỉ đơn giản là sự chữa lành những chứng bệnh mà lúc đó bị coi là do ảnh hưởng của các tà thần. Cha nghĩ sao về vấn đề này?
Thật ra, vấn đề này đã được giải quyết rất lâu trước đây. Trên tất cả, đó là vấn đề của sự trung thực của trí tuệ. Những chú giải kinh thánh thận trọng, và thần học nghiêm túc, nhận ra sự khác biệt rất rõ ràng trong các Tin mừng giữa cách Đức Ki-tô tiếp xúc với những người bệnh và cách Ngài đối phó với những người bị quỷ nhập. Ngài dùng hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau.
Giáo lý Giáo hội Công giáo có một giáo huấn rất rõ ràng về chủ đề này, và không một người Công giáo tốt lành nào có thể gạt nó sang một bên. Cuối cùng, tôi muốn nói đến lời dạy của các thánh, những người có cuộc sống của họ kết hiệp với Đức Ki-tô, sống trong Giáo hội, đã không làm gì khác ngoài việc khẳng định Quyền giáo huấn rất rõ ràng và dứt khoát.
Một số người muốn chấm dứt thừa tác vụ của những nhà trừ quỷ, vì họ cho rằng nó là sự tiếm quyền của các nhà tâm lý học. Cha trả lời cho điều này như thế nào?
Tôi dạy Tâm lý học Tổng quát tại Phân khoa Y học và Giải phẫu của trường Đại học Công giáo Thánh Tâm, và tôi hiểu rất rõ sự khác biệt giữa hai môn học. Theo môn nhân loại học Ki-tô giáo, con người luôn luôn và ở khắp mọi nơi đều được hiểu theo một quan điểm toàn diện và hiệp nhất. Thực ra, hai môn học này không đối nghịch nhau, hơn thế nữa, chúng có sự liên kết rất gần. Một người bị bấn loạn về tinh thần hầu như luôn cần có sự hỗ trợ của một người đủ trình độ để có thể giải thích rõ tình huống và tiến bước một cách bình an. Khi tinh thần chịu sự tác động, thân xác cũng chịu sự tác động, và ngược lại. Vấn đề phát sinh ra khi tâm lý, đặc biệt trong phương pháp tâm lý trị liệu, xây dựng tính thuyết phục trên những khái niệm nhân loại học không chắc chắn, hay trên những khái niệm xa cách với nhân bản luận Ki-tô giáo; trong trường hợp đó, rất nguy hiểm — hay ở mức nhẹ nhất, là không phù hợp — sự lưỡng phân nảy sinh.
Đâu là những tiêu chuẩn để phân biệt rõ những trường hợp thuộc tâm lý và những trường hợp tuộc tâm linh?
Sự khôn ngoan của Giáo hội, được phát triển qua hàng ngàn năm qua sự hướng dẫn của các sách phụng vụ — cùng với nhiều điều khác, xây dựng nên một phần thuộc Quyền giáo huấn cho chúng ta là người Công giáo — đặt ra một tiến trình qua đó một linh mục thực hiện việc trừ quỷ có thể phân biệt ra được công việc và sự hiện hữu của một tà thần. Tôi rất cần phải nói thêm rằng, trong phần cuối cùng của nghi thức, nhà trừ quỷ được khuyên phải dùng đến khoa học tâm lý và y khoa để nhận biết rõ hơn. Ngoài ra, nghi thức còn cho thấy như là những tiêu chuẩn để nhận biết: nói những ngôn ngữ lạ, biết hoặc tiết lộ những điều thầm kín, và thể hiện sức mạnh không hợp với độ tuổi và tình trạng tự nhiên của người đó. Đây chưa phải là những tiêu chuẩn tuyệt đối; chúng là những dấu hiệu mà, nếu được nhận dạng trong một bức tranh tổng khi chú ý đến những chi tiết, có thể giúp nhà trừ quỷ rất nhiều để nhận ra được. Cần phải dành rất nhiều thời gian lắng nghe người đó và làm một phân tích thật kỹ lưỡng hành vi và thói quen cuộc sống của người đó. Quan trọng phải tập trung nhiều đến đời sống đạo đức của người đó hơn là những dấu hiệu, mặc dù các dấu hiệu vẫn luôn có thể hữu ích rất lớn.
Đâu là những kênh chính qua đó việc quỷ ám và quỷ nhập có thể xảy ra?
Chắc chắn kênh chính là tội — đặc biệt, tình trạng tội nặng, cố tình sống như vậy và không ăn năn đền tội: tình trạng này nói chung đang phơi bày linh hồn cho hoạt động của tà thần.
Nói gọn lại, những kênh đặc biệt cho hoạt động của tà thần là: thần bí giáo, pháp thuật, ít nhiều có ý thức theo sau những tư tưởng triết học trong các tín ngưỡng đông phương, hoặc trong bất kỳ trường hợp nào, không phù hợp với một quan điểm nhân loại học Ki-tô giáo, và cuối cùng là việc tham gia vào một nhóm Satan công khai.
Thường thường, những hoạt động này được che giấu đàng sau các hệ tư tưởng có vẻ không độc hại; chúng ta phải cẩn thận. Satan cám dỗ chúng ta bằng những cái đẹp giả tạo, làm cho những điều nghịch lại với Thiên Chúa dường như là tốt đẹp và vô hại.
Tuy nhiên, trọng tâm của tiến trình nhận biết luôn luôn là hành động đạo đức của một người. Nếu một người hành động với sự chính trực đạo đức và vẫn giữ mình trong tình trạng ơn sủng, tìm kiếm sự thật, người đó khó có thể là đối tượng cho hoạt động ngoại thường của tà thần — hắn trong bất kỳ trường hợp nào, vẫn tiếp tục hoạt động theo cách bình thường của hắn. Rõ ràng, đời sống của một số vị thánh là ngoại lệ; trong một số trường hợp, được sự cho phép của Thiên Chúa, các ngài thậm chí phải trải qua cuộc chiến đấu với tà thần rất ác liệt.
Cha học được những điểm tích cực gì từ việc thi hành thừa tác vụ này, mà cha có thể để lại cho chúng tôi một bài học và một lời khuyên cho các độc giả?
Tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô dành cho linh hồn chúng ta là điều vô cùng hệ trọng, linh hồn chúng ta phải được bảo vệ luôn trong tình trạng được ơn sủng như là món quà đẹp nhất và siêu phàm nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Ngày nay, ý thức về tội đang bị phai nhạt ngày càng nhiều, do sự hiểu sai về lòng thương xót. Trong thừa tác vụ này, tôi mới hiểu rõ được rằng mừng kính và tôn thờ Thánh Thể, thường xuyên đến với Bí tích Hòa giải, và tình yêu của đạo làm con đối với Mẹ Maria Rất Thánh, là một phương cách đáng tin cậy nhất để luôn bước đi trong ơn sủng và chân lý và luôn tận hưởng được sự hiện diện ngọt ngào của Chúa Giê-su trong linh hồn của chúng ta.
Bài này được đăng đầu tiên trên phiên bản Aleteia tiếng Ý; toàn văn phỏng vấn với Cha Paolo Morocutti ở đây (tiếng Ý).
[Nguồn: aleteia]

“Linh mục đi bộ”
mang Tin Mừng đến các đường phố
“Là một linh mục, công việc của tôi đi ngược lại văn hóa. Tôi được thụ phong để lấy trật tự từ những gì mất trật tự.”
Thành phố St. Joseph, Missouri là quê của vị “linh mục đi bộ” Cha Lawrence Carney, ngài theo đuổi một hình thức riêng cho việc rao giảng tin mừng đường phố bằng cách đi bộ trên các tuyến đường trong bộ áo chùng thâm và chiếc mũ giáo sĩ Saturno, tràng chuỗi mân côi trong một tay và một thánh giá lớn trong tay kia. Đó là cách của cha thể hiện sự có mặt hữu hình của Giáo hội trong cộng đoàn địa phương, và rất nhiều người từ mọi bước đi trong cuộc sống bị thu hút đến bắt chuyện với cha. Cha đã tham gia công việc rao giảng phúc âm đường phố suốt ba năm, lấy ý tưởng từ sau lần đi bộ trên lộ trình hành hương Camino de Santiago pilgrimage xuyên suốt Tây ban nha trong bộ áo chùng thâm.
“Công việc ban ngày” của một tuyên úy cho dòng Benedictines Mary, Nữ vương các Tông đồ ở Gower, Missouri, đi dâng Lễ hàng ngày theo lịch Extraordinary Form, giải tội và linh hướng. Nhưng khi những bổn phận của cha đã hoàn tất, là lúc cha có thể ra các đường phố, chia sẻ Tin mừng của Đức Ki-tô với tất cả những người đến với cha.
Jeanne Meyer đã gặp cha ba năm trước khi chị đang đi dọc theo Đại lộ Frederick, một trong những con đường chính chạy xuyên qua St. Joseph. Chị nhớ lại, “Chỉ trong một vài giây dành ra nói chuyện với Cha Carney, Tôi nhận ra rằng cha thự sự thực hiện công việc rất nghiêm túc và chân thành quan tâm tới những người ngài gặp trên đường.”
Chị miêu tả Cha như là “một linh mục tận hiến người khơi gợi một đức tin sâu hơn trong những giáo huấn của Đức Ki-tô.” Chị tiếp tục, “Bất cứ khi nào tôi tình cờ gặp một người đã được gặp cha, luôn có một cảm giác phấn khởi trong giọng nói và cách bày tỏ của họ … một cảm giác bình an.”
Aimee Dossey và hai con trai được gia nhập Giáo hội năm nay sau khi có được sự hướng dẫn của Cha Carney. Chị nói, “Cha tập trung tìm hiểu cá nhân bạn và đó là một sự mời gọi và là một thay đổi rất dễ thương trong một thế giới chỉ thích nói hơn thích lắng nghe.”
Chị tiếp tục, “Bạn có thể thấy rằng cha rất tự hào về sứ vụ của mình và cha yêu mến những tâm hồn ngài đến tiếp xúc, ngay cả những tâm hồn lạc lối, cha chúc lành cho họ trên suốt con đường.”
Trong một cuộc đối thoại gần đây, Cha Carney đưa ra một số ý tưởng về rao giảng phúc âm và thiêng liêng.
Jim Graves: Cha tìm thấy đâu là những phương pháp hiệu quả trong việc rao giảng phúc âm?
Cha Lawrence Carney: Lắng nghe, mỉm cười, cho những lời khuyên. Ngay cả đối với một người bắt đầu muốn gây gỗ, cứ tiếp tục lắng nghe. Đối với tất cả mọi người tôi gặp tôi đều muốn họ cảm thấy thoải mái khi trở lại nói chuyện với tôi. Nó sẽ tạo bước chuẩn bị cho họ đến lúc khi mà các vấn đề thực sự xảy đến, đó là lúc họ đối thoại.
Tôi đã đi bộ trên các con phố của thành phố St. Joseph trong suốt ba năm. Tôi nghĩ mình giống như đang trong cuộc đua marathon, chứ không phải cuộc chạy nước rút. St. Joseph là một thành phố có khoảng 76.000 người, nhiều người trong số họ sẽ hoán cải nếu chúng ta cho phép Chúa thực hiện công việc.
Vì vậy tôi nghĩ chúng ta cần phải kiên nhẫn và để cho Thiên Chúa dẫn dắt cuộc đối thoại, với chúng tôi chỉ là đến đó trên phương diện con người. Nó sẽ trở nên rõ ràng khi đến lúc phải nói hay làm điều gì đó.
Tôi nghĩ ai trong chúng ta quá chú trọng đến sự biện giải cho tôn giáo có khuynh hướng cố gắng và thúc ép mọi việc, nhưng chúng ta phải là con cái Thiên Chúa khi chúng ta là những nhà thừa sai. Chính ngài thực hiện, không phải chúng ta.
Tôi không thích chỉ đơn thuần tặng những tràng hạt mân côi và các ảnh tượng, nhưng là một linh mục, tôi muốn có sự hiện diện của chính bản thân tôi với người tiếp xúc, và không đối xử với họ như kiểu họ chỉ là một con số. Chúa Giê-su đã làm như thế nào? Ngài lắng nghe, và rao giảng và chữa lành họ.
Đặc tính của Giáo hội là thừa sai, và tất cả mọi người trong Giáo hội nên là những nhà thừa sai, nhưng linh mục có sức mạnh thừa sai lớn hơn. Tôi nghĩ đến Cha De Smet, ngài đã đưa cả hàng chục ngàn người Da đỏ ở Châu Mỹ trở lại đức tin Công giáo vào thập kỷ 1800. Tôi nghĩ ý thức về linh mục là một thừa sai đã bị đánh mất trong Giáo hội của chúng ta, và đó là điều chúng ta cần phải lấy lại. Chắc chắn linh mục có công việc phải làm trong giáo xứ, nhưng chúng ta cần phải có thêm nhiều người hơn ở trong các giáo xứ của chúng ta!
JG: Điều gì là không hiệu quả trong việc rao giảng phúc âm?
LC: Nó sẽ không hiệu quả nếu tôi mất kiên nhẫn với ai đó, hoặc nếu tôi chạm mặt và tôi trả đũa lại.
JG: Người ta có bao giờ hỏi cha về những vụ bê bối trong Giáo hội không?
LC: Thật ngạc nhiên, nhưng nếu nói rằng tôi phải nói trước 5.000 người, có thể có một người sẽ đưa vấn đề lên. Một người nào đó chạy xe ngang qua và có thể hét lên một câu gì đó về những bê bối của linh mục để chọc ghẹo tôi, nhưng đó không phải là sự đối thoại.
JG: Cha có đặc biệt thích một quyển sách Công giáo nào không?
LC: Tôi thích quyển sách dịch của Cha Faber Thành kính sùng mộ Mẹ Maria và Bí mật của Tràng Mân Côi, cả hai quyển của Thánh Louis de Montfort. Tôi thích quyển Tâm hồn của người Tông đồ của Jean-Baptiste Chautard và Dâng mình cho Thiên Chúa Quan phòng của Jean-Pierre de Caussade. Tôi cũng có thể kể đến quyển Kinh thành Huyền nhiệm của Thiên Chúa của Đấng Đáng kính Mary thành Agreda.  Nếu anh tìm một quyển sách lịch sử Giáo hội tốt, hãy đọc bộ sáu quyển của Warren Carroll: Lịch sử Thế giới Ki-tô giáo.
JG: Cha có đề nghị cách thực hành thiêng liêng nào không?
LC: Anh cần phải bắt đầu dâng lên mỗi buổi sáng. Tôi tận hiến cả ngày cho Thánh Tâm và Trái tim Vô nhiễm của Mẹ Maria.
Mọi người phải sùng kính đọc kinh Mân côi, chậm và thật chăm chú. Quyển Bí mật của Tràng Mân Côi, mà tôi vừa nhắc đến, là một quyển sách rất sâu sắc dạy về giá trị của kinh mân côi, do một vị thánh biết cách cầu nguyện bằng kinh mân côi như thế nào. Điều tệ hại nhất khi đọc kinh mân côi là đọc theo cách cho chóng hết. Tôi cũng khuyến khích mọi người đọc kinh mân côi nơi công cộng, vì anh không thể biết lúc nào những chuỗi hạt đó cuốn hút người khác.
Tôi nghĩ điều quan trọng nữa là phải tĩnh tâm suy niệm trước bàn thờ. Nếu anh không thể đến nhà thờ, hãy làm một góc cầu nguyện trong một phòng trong nhà của anh. Chúng ta phải có thời gian yên tĩnh để nói chuyện với Chúa để Người có thể nói chuyện với chúng ta.
JG: Cha cũng rất mong muốn các linh mục bạn bè bước ra đường phố để rao giảng.
LC: Vâng. Tôi khuyến khích anh em linh mục của tôi cũng làm như vậy. Một vị mục tử của Giáo hội cần phải thực hành. Tại sao lại không đi dạo qua lại trong khu xóm và kết hợp với việc đọc Kinh Mân côi? Đó là một cách tuyệt vời để đi ra ngoài và gặp gỡ mọi người. Đối với tôi, tôi thấy đó là cách rao giảng hiệu quả hơn là gõ cửa từng nhà.
Văn hóa của chúng ta đã đánh mất mục đích được kết hiệp với Chúa. Nó chỉ nhắm tới những thứ chẳng ích lợi cho chúng ta và không dẫn đến ơn cứu độ. Là một linh mục, công việc của tôi phải đi ngược lại văn hóa. Tôi được thụ phong để lấy trật tự từ trong những gì mất trật tự.
***
Cha Carney gần đây xuất bản một quyển sách mới, Bước đi trên con đường của Chúa: Tại sao tôi bỏ lại đàng sau mọi thứ và bước đi trên con đường cứu rỗi các linh hồn (https://www.amazon.com/dp/1940209331?tag=viglink124092-20).
[Nguồn: ncregister]