Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Đức Thánh Cha Phanxicô Chấp Thuận Tiến Hành Án Phong Chân Phước Cho Triết Gia Blaise Pascal

Filled under:

Đức Thánh Cha Phanxicô Chấp Thuận Tiến Hành Án Phong Chân Phước Cho Triết Gia Blaise Pascal

Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận tiến hành án phong chân phước cho triết gia Blaise Pascal. Trong buổi tiếp nhà báo Luigi Scalfari, sáng lập viên nhật báo La Republica, Ngài tuyên bố ‘‘Blaise Pascal, triết gia đồng thời là nhà toán học nổi tiếng của thế kỷ XVII, xứng đáng được tôn phong chân phước vì có các xác tín tích cực’’. Thánh bộ Phong thánh sẽ mở một hồ sơ, lấy tên là ‘‘Pascal’’.

Nhà báo Scalfari đã trình lên Đức Thánh Cha việc triết gia muốn chút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện dành cho các bệnh nhân nghèo. Sinh thời, triết gia tự nguyện sống khổ hạnh (jansénisme). Nhiều vị giáo hoàng tôn kính đời sống thiêng liêng và trí thức của Pascal. Nhiều thông điệp của các vị giáo hoàng, từ Phaolô VI đến Bênêdictô XVI, ghi lại nhiều quan điểm của nhà triết học này.

Blaise Pascal sinh ngày 19/06/1623 tại Clairmont (nay là Clermont-Ferrand), mồ côi mẹ năm lên ba tuổi. Thân phụ là một nhà toán học nổi tiếng, cố vấn triều đình. Ông đích thân dạy dỗ các con : Pascal, Gilberte và Jacqueline. 

Năm 1631, gia đình Pascal về Paris lúc Blaise mới 8 tuổi. Nhờ thân phụ dạy dỗ, Blaise giỏi toán. Năm 11 tuổi, Blaise soạn cuốn Traité des sons. Blaise học cổ ngữ latin và hy lạp. Năm 12 tuổi, Blaise nghiên cứu hình học. Năm 16 tuổi, ông soạn Essai sur les coniques, trong đó ông đưa ra định lý Pascal (théorème de Pascal). Năm 18 tuổi, Blaise sáng chế máy tính, đặt tên là Pascaline và nhiều phát minh khác. 

Lúc Pascal trở lại Paris, ông chứng kiến phép lạ của cháu gái Marguerite Périer, 10 tuổi, bị bệnh chảy nước mắt (fiscule lacrymale) từ năm lên 3. Các danh y đều cho biết không thể chữa được. Khi chạm vào mạo gai Chúa tại Port-Royal-des-Champs, Marguerite liền được chữa lành. Sau sự việc này, Pascal biên soạn tác phẩm Pensées, nói lên đức tin của mình : Scio cui credidi (Tôi xác tín niềm tin vào Đấng Cứu thế). Khởi thủy, Pensées mang tựa đề là Apologie de la religion chrétienne (Minh giáo về Thiên Chúa giáo). Ngoài ý nghĩa thần học, tác phẩm cuối đời này của Pascal được coi là một trong những kiệt tác của văn học Pháp.

Năm 18 tuổi, không ngày nào mà Blaise không bị đau đầu. Năm 1647, ông bị liệt, phải chống gậy. Năm 1662, bệnh tình của Pascal trở nên trầm trọng. Ông muốn được điều trị trong một bệnh viện dành cho các bệnh nan y. Ngày 17/08/1662, ông nhận được phép xức dầu. Ông mất lúc 1 giờ sáng ngày 19/08/1662, sau khi phó mình trong tay Chúa : ‘Con xin Chúa đừng bao giờ bỏ con’’. Ngài được an táng tại thánh đường Saint-Étienne-du-Mont, nơi Tòa Tổng Giám mục Paris có lần muốn giao cho Giáo xứ Việt Nam tại Paris.

Paris, ngày 09/07/1017
Lê Đình Thông



Khi mệt mỏi chán chường thì làm gì?


Trong buổi đọc kinh Truyền Tin lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 09.07.2017 tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha giúp mọi người nhận thấy cách thế cần hành xử khi mệt mỏi chán chường trong cuộc sống. Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồ dưỡng” (Mt 11:28). Chúa không chỉ nói những lời này dành cho những người bạn của Chúa, không, Chúa nói những lời ấy là dành cho tất cả mọi người, dành cho tất cả những ai đang mệt mỏi với gánh nặng cuộc sống. Và ai có thể cảm thấy mình bị loại ra khỏi lời mời gọi của Chúa? Chúa thấu biết cuộc sống này nặng tới mức độ nào. Chúa thấu biết bao điều mệt mỏi trong tâm hồn: đó là những thất vọng, những vết thương trong quá khứ, những gánh nặng phải mang lấy, những lầm lỗi trong hiện tại, những bất định và lo âu về tương lai.
Hãy đến!
Đối diện với tất cả những điều ấy, Chúa Giêsu đã cất lên lời mời gọi, mời gọi chúng ta biết phản ứng và di chuyển. Chúa nói: “Hãy đến!” Khi gây ra những sai lỗi, chúng ta dễ bị lỳ lại tại đó. Hiển nhiên là rất khó để chúng ta có thể biết cách phản ứng và biết mở ra. Khi ấy, để mở ra thì thật không dễ chút nào. Trong những thời khắc đen tối, phản ứng tự nhiên của chúng ta là dừng lại nơi bản thân mình và nghĩ về những điều bất công của cuộc sống, nghĩ về những điều vô ơn, những điều tệ hại của cuộc đời này, và còn nhiều điều khác nữa. Chúng ta biết tất cả những điều ấy.
Có những lần chúng ta từng trải qua kinh nghiệm tồi tệ ấy. Thế nhưng, khi chỉ khép lại nơi bản thân mình, thì chúng ta thấy mọi sự là đêm đen. Sau đó, thậm chí chúng ta đem nỗi buồn ấy về nhà và để cho nỗi buồn ấy thôi thúc chúng ta. Buồn như thế thì thật là tệ. Thay vào đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ra khỏi cái hố cát lún ấy, và Chúa nói với từng người chúng ta: “Hãy đến!” – nhưng mà ai đến? – “là bạn, chính bạn…” Lối thoát của cuộc sống chính là ở trong mối tương quan này, ở trong việc đưa tay ra và ngước mắt lên, nhìn về Đấng thực sự yêu thương chúng ta.
Hãy đến với Ta!
Thực tế, nếu chỉ biết ở lại nơi bản thân mình thì không đủ, bạn phải biết được điểm đến là nơi đâu. Có nhiều điểm đến chỉ là ảo tưởng. Chúng giống như pháo hoa. Chúng hứa hẹn nhiều điều và làm bạn lạc hướng. Chúng đảm bảo cho bạn sự bình an, đem đến cho bạn chút vui vẻ, nhưng sau đó sẽ để mặc bạn trong nỗi cô đơn. Vì thế, Chúa Giêsu nói cho bạn biết, bạn cần đi đến đâu. Chúa nói: “Hãy đến với Ta!” Nhiều lần, khi phải đối diện với gánh nặng cuộc sống, hoặc khi có chuyện buồn, chúng ta cố gắng nói chuyện với ai đó biết lắng nghe chúng ta, chúng ta nói với một người bạn, nói với một chuyên gia… Làm điều ấy thì thật là tốt, nhưng đừng quên Chúa Giêsu! Đừng quên mở cuộc sống của bạn cho Chúa Giêsu, đừng quên nói với Chúa về cuộc sống của bạn, đừng quên phó dâng chính bạn và phó thác cuộc đời của bạn cho Chúa.
Có lẽ vẫn còn những ngõ ngách cuộc đời mà chúng ta chưa bao giờ mở cửa cho Chúa bước vào, những nơi ấy vẫn còn tăm tối, những nơi ấy vẫn chưa có ánh sáng của Chúa. Từng người đều có câu chuyện của riêng mình. Và nếu ai đó có những khoảng trống tăm tối, thì hãy đến với Chúa Giêsu, hãy đi đến với lòng thương xót, đến với vị linh mục, hãy đến… Hãy đến với Chúa Giêsu, hãy kể cho Chúa nghe câu chuyện của bạn. Hôm nay Chúa nói với từng người chúng ta rằng: “Can đảm lên, đứng trước sức nặng của cuộc sống, đừng bỏ cuộc, đừng khép kín nơi bản thân với những sợ hãi và tội lỗi, nhưng hãy đến với Ta”.
Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng
Chúa đang đợi chờ chúng ta, Chúa luôn mong đợi chúng ta. Chúa không giải quyết các vấn đề của chúng ta một cách thần kỳ, nhưng Chúa giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ để có sức đương đầu với các vấn đề ấy. Chúa Giêsu không gạt đi gánh nặng cuộc đời, nhưng trái tim Người mang lấy nỗi đau; Chúa không lấy thập giá khỏi chúng ta, nhưng Người vác thập giá cùng chúng ta. Và cùng với Chúa, gánh nặng ấy trở nên nhẹ nhàng, bởi vì chính Chúa là chốn nghỉ ngơi mà chúng ta kiếm tìm. Khi Chúa Giêsu bước vào cuộc đời, thì bình an đến với cuộc đời ấy, ngay cả giữa những thử thách và khổ đau. Hãy đến với Chúa và dâng cho Chúa thời gian của chúng ta, trong cầu nguyện hằng ngày, trong sự tin tưởng, trong cuộc đối thoại thân tình. Chúng ta hãy thân quen với Lời Chúa, để tái khám phá ra ơn tha thứ của Chúa mà không còn sợ hãi, để chúng ta được thanh tẩy bởi Bánh Sự Sống. Khi ấy chúng ta sẽ cảm thấy mình được yêu mến, chúng ta sẽ cảm thấy điều ấy và được chính Chúa ủi an.
Chính Chúa đã nhiều lần hỏi điều ấy, khẳng định điều ấy. Chúa lặp đi lặp lại nhiều lần trong phần cuối bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy học cùng Ta… và anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Như thế, chúng ta học với Chúa, đi cùng Chúa. Trong những tháng hè này, chúng ta nghỉ ngơi một chút, nhưng đừng quên đi tìm sự nghỉ ngơi đích thật nơi Chúa. Lạy Mẹ Maria, Mẹ của chúng con, xin nâng đỡ chúng con, vì Mẹ luôn chăm sóc chúng con khi chúng con mệt mỏi mang gánh nặng nề. Xin Mẹ dẫn chúng con về với Chúa Giêsu.