“NGOẠI TÌNH” NIỀM TIN
“Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ.” (Mt 12,39)
Suy niệm: Tâm lý con người thời nào cũng thích ba đặc tính mới - độc - lạ. Vì thế, không lạ gì khi người ta hết tìm mẫu này đến dạng kia, kiểu nọ nhằm thu hút thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu chỉ trong lãnh vực làm ăn thì cũng là điều bình thường, đằng này người ta đem cả cái tâm lý ấy vào trong niềm tin của mình. Nghe ở đâu có hiện tượng “linh – thiêng” thì hăm hở tìm đến để thỏa mãn lòng hiếu kỳ. Được thỏa mãn rồi lại đi tìm nơi khác. Lời cảnh báo “thế hệ gian ác và ngoại tình” của Thầy Giê-su quả là nặng và khó nghe thật, nhưng lại đúng, vì đã từng xảy ra trong lịch sử dân Chúa vào thời Cựu ước. Chúng ta, những người thuộc Giao ước mới, cũng sẽ bị Chúa khiển trách nặng nề như vậy nếu cứ mãi đòi Chúa làm dấu lạ cho mình. Có khi người tín hữu cũng “ngoại tình đức tin” như bao người khác vậy.
Mời Bạn: Không ít lần tôi và bạn mong Chúa làm những phép lạ, nhất là trong các nghịch cảnh. Bạn có nghĩ mình đang rơi vào cám dỗ “ngoại tình đức tin” không? Bạn hãy tin tưởng phó thác vào Chúa, như người con hiếu thảo.
Chia sẻ: Mỗi lần nhận được ơn, chắc bạn mừng lắm. Còn những lúc không được như ý, có thể bạn không thể tránh khỏi sự chán nản. Bạn nghĩ cần làm gì trong những lúc ấy?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm tôi là dấu chỉ của Thiên Chúa nhân lành trong cuộc đời này, để niềm xác tín ấy giúp mình sống trọn niềm tin vào Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cám ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù thuận hay nghịch, để con trung tín và kiên vững đi trên con đường của Thầy Giê-su. Amen.
Thánh Christina |
Thánh Christina sinh trong thế kỷ thứ ba và là con gái của một quan tòa giầu có và thế lực tên Urbain. Cha của ngài, là người đắm chìm trong việc thờ cúng tà thần, có rất nhiều các tượng thần bằng vàng mà thánh nữ đã tiêu hủy và lấy vàng phân phát cho người nghèo
Tức giận vì hành động này, ông Urbain trở nên người hành hạ chính con gái mình. Ông ra lệnh dùng roi đánh con và ném con vào ngục tối. Christina vẫn không lay chuyển đức tin. Người cha ra lệnh dùng móc sắt để xé thân thể con gái mình và cột cô vào tấm vỉ mà bên dưới đang cháy lửa. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ tôi tớ Người bằng cách khiến lửa bắn tung vào kẻ hành hình. Sau đó Christina bị quấn cổ bằng một tảng đá lớn và ném xuống hồ Balsena, nhưng ngài được thiên thần cứu sống, trong khi cha ngài, vì tức giận mà chết.
Quan toà kế vị Urbain cũng tàn nhẫn không kém. Ông ra lệnh thiêu sống Christina, nhưng ngài vẫn sống sót. Ngài bị ném vào chuồng đầy rắn, sau đó bị cắt lưỡi và sau cùng bị tên đâm thâu qua người. Ngài được triều thiên tử đạo ở Tyro. Di tích của thánh nữ hiện vẫn còn giữ ở Palermo thuộc Sicily.
******************************************************
Chân Phước Louise ở Savoy
(1461-1503)
Vào ngày 28 tháng Mười Hai, ngày lễ các Thánh Anh Hài, một bé gái được sinh trong gia đình Công Tước ở Savoy và là em của vua Louis IX nước Pháp. Em bé được đặt tên là Louise, để nói lên sự ngây thơ và thánh thiện của em.
Khi còn trẻ Louise đã yêu quý sự cầu nguyện và cô độc. Trong các ngày lễ kính Đức Mẹ, cô thường ăn chay, chỉ có bánh mì và nước lạnh. Mặc dù bề ngoài, cô cũng mặc các y phục đắt tiền và đeo nữ trang quý báu phù hợp với địa vị của cô, nhưng bên trong lớp nhung lụa đó là chiếc áo nhặm để nhắc nhở với cô rằng, linh hồn là điều cần được chăm sóc hơn cả.
Do sự dàn xếp của người chú, Louise kết hôn với Thái Tử xứ Chalon, một thanh niên đức hạnh biết quý trọng nếp sống thanh bạch của Louise. Trong cung điện của họ, không có những xa hoa phung phí. Đôi vợ chồng này còn thuyết phục các tiểu thư, hoàng tử của triều đình sống sát với Phúc Âm hơn.
Vào năm 27 tuổi, Louise trở thành người goá bụa và sau đó bà lui về một đời sống đơn giản để cho phép bà tận tụy trong công việc bác ái và ăn chay đền tội. Vì không có con, bà gia nhập Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn ở Orbe. Trong thời gian ấy, bà chứng tỏ là một gương mẫu xứng đáng của sự khiêm tốn và vâng phục.
Sau một cơn trọng bệnh, bà từ trần ngày 24 tháng Bảy 1503, khi mới 42 tuổi.
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI đã phong chân phước cho bà vào năm 1839.
Một Lời Thề Hứa
Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về làng Oberammergau bên Tây Ðức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu.... Việc diễn tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung thành giữ từ trên 400 năm nay.
Năm 1633, một nạn dịch khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong vùng Bavaria. Ðể đề phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa làng để không một người lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng... Chẳng may, một người đào huyệt trong làng đã bị lây. Anh ta quyết định được chết trong ngôi làng thân yêu của mình. Anh đã qua mắt được những người canh cửa để lọt vào trong và rồi lây bệnh cho nhiều người khác trong làng...
Chỉ trong vòng hai tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh mục trong xứ cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến. Dân làng không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể Chúa để thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người đại diện, toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ trình diễn tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần...
Năm 1634, nghĩa là một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ lời hứa với Chúa. Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham dự vào việc trình diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút được khoảng 200 khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết định trình diễn 10 năm một lần. Ðến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ xô về Oberammergau....
10 năm một lần: khoảng cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn. Diễn viên của vở tuồng phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn luyện kỹ càng. Riêng người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sẽ được dân làng chào hỏi một cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Và trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều được mời gọi để sống chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng... Vì là một lời thề của tổ tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu tiên, toàn dân làng sẽ tham dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa. Buổi tình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều.... Và vì đây là một buổi trình diễn có tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng Oberammergau không cho phép bất cứ một cuộc thu hình nàọ
Kinh thánh thuật lại rằng trên đường tiến về Ðất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị rắn cắn chết giữa sa mạc.. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng và treo lên cây. Tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành...
Chúa Giêsu đã ví con rắn đồng ấy với chính Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn Ngài trong cảnh bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã gắn liền với tội lỗi của từng người trong chúng ta. Người dân làng Oberammergau đã hiểu được mối tương quan ấy. Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để tưởng nhớ công lao cứu sống của Ngàị
Một cách nào đó, mỗi người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa Giêsu. Tân tình của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục, yêu thương đối với Chúa Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn Ngài trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng chính là sức sống của người Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi để sống cho Thiên Chúa và tha nhân...