Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 27/07/2017

Filled under:


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 13: 10-17)

Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?". Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành. Phần các con, phúc cho mắt các con, vì được thấy; và phúc cho tai các con, vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe".

SUY NIỆM 1

Nếu không phải là người hiểu biết nghệ thuật tranh vẽ, chúng ta sẽ thấy vô vị khi chiêm ngắm những bức tranh nổi tiếng của hoa sĩ tài ba Picasso. Chúng ta sẽ không hiểu hết ý nghĩa thâm thuý mà người nghệ sỹ diễn tả qua nét cọ của mình. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu được phần nào sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì”. Khi nhắc lại những lời trên đây của tiên tri Isaia, Chúa Giêsu không có ý che dấu mọi sứ điệp yêu thương mà Thiên Chúa muốn tỏ lộ cho chúng ta, nhưng vì chúng ta là những người thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Chúng ta không thể lãnh hội được những tư tưởng của Chúa, vì lòng dạ chúng ta chai đá.

Quả vậy, trong số các môn đệ là những người được Chúa kêu gọi, được Chúa dạy dỗ, thế nhưng, vẫn có những ông chưa thể lãnh hội ý Chúa. Họ đi theo Chúa với những toan tính rất trần đời. Họ chỉ mong được hưởng lấy những cái lợi vật chất trước mắt như được làm lớn, được lắm bạc vàng, hay danh vọng, v.v. Khi không đạt được những mục đích ấy, họ bất mãn và bỏ cuộc. Vì thế, Chúa Giêsu đã phải lo lắng nhiều hơn cho các môn đệ, dạy bảo họ nhiều hơn để họ có thể thấu hiểu mầu nhiệm Nước Trời. Đó là một ân phúc lớn lao cho những người môn đệ biết lắng nghe và học hỏi nơi Chúa Giêsu.

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa hôm nay, có bao giờ tôi tự hỏi chính mình rằng tôi đang là người môn đệ thế nào của Chúa Giêsu? Tôi có thường xuyên đọc Lời Chúa mỗi ngày không? Khi đọc Lời Chúa, tôi có kêu xin Chúa soi sáng và chỉ dẫn để tôi hiểu Lời Chúa dạy bảo không? Và tôi có dám sống những điều Chúa dạy tôi không?

Lạy Chúa Giêsu, còn rất nhiều điều bí nhiệm về Chúa mà chúng con chưa hiểu hết. Xin Chúa ban ơn soi sáng trí lòng chúng con, để chúng con hiểu và sống điều Chúa dạy. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


SUY NIỆM 2
Giảng dạy bằng dụ ngôn
Khi lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Đức Giê-su. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mát-thêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (x. 13, 1-2). Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong cộng đoàn của chúng ta, ngay gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.
Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; như bài Tin Mừng hôm nay kể lại, các môn đệ đến gần Đức Giê-su và hỏi: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?” (c. 10) Như thế, nói về Thiên Chúa bằng dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, đến độ theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34).
Như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn “Hạt Giống và Người Gieo Giống”. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời, như lời Thánh Vịnh loan báo:
Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn,
công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.”
(Tv 78, 2; Mt 13, 35)

3. Tại sao dùng dụ ngôn?
Đức Giê-su giảng dạy bằng dụ ngôn, đó là vì dụ ngôn có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe” (c. 9). Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ yếu tố biểu tượng (chẳng hạn hình ảnh mảnh đất sỏi đá, đất không nhiều) hay nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giê-su thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào.
Ngoài ra, khi các môn đệ hỏi Người: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?” Đức Giê-su trả lời rằng, đó là ngôn ngữ dành riêng cho những người có ơn hiểu biết, là các môn đệ:
Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.
Vì thế, khi nghe các dụ ngôn, các môn đệ với ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, họ sẽ được hiểu mầu nhiệm này sâu rộng hơn nữa, như Người nói: “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa”. Trong khi đó, dân chúng, vì không có ơn hiểu biết, họ giống như người “nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”! Vậy, để hiểu các dụ ngôn, chúng ta phải có ơn “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”; và các mầu nhiệm Nước Trời là các mầu nhiệm liên quan đến chính ngôi vị của Đức Giê-su, bởi vì Người rao giảng Nước Trời và làm cho Nước Trời hiện diện bằng chính ngôi vị của mình. Vì thế, để đón nhận ơn “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”, chúng ta không có con đường nào khác, là con đường đi theo Đức Giê-su như người môn đệ.
Chúng ta là Ki-tô hữu, nghĩa là người môn đệ của Đức Ki-tô, người đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi gia đình hay dâng hiến, chúng ta hãy khát khao và xin Người ban cho chúng ta ơn “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”, để chúng ta biết lắng nghe các dụ ngôn nói về Nước Trời. Và một khi biết lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta cũng sẽ “lắng nghe” đời mình như là một dụ ngôn nói về Thiên Chúa và Nước của Người, bởi lẽ dụ ngôn là kinh nghiệm sống được hiểu dưới ánh của Đức Giê-su Ki-tô, Con TC, Ngôi Lời nhập thể.
Và xin Chúa đừng để chúng ta tự đặt mình vào phía “dân chúng” hay đám đông, nghĩa là nhóm người lòng đã ra chai đá, khiến họ “bịt tai nhắm mắt”, hoặc “có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy”. Bởi vì, ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời có liên quan đến đối mắt và đôi tai.
3. Đôi mắt và đôi tai
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.” Lời này của Đức Giê-su cũng liên quan đến đôi mắt và đôi tai của chúng ta. Thực vậy, qua kinh nghiệm cuộc sống, nhất là khi chúng ta có dịp đến phục vụ những người tàn tật, những người mù, những người câm điếc, chúng ta mới nhận ra rằng sự kiện chúng ta thấy được và nghe được, là một ơn huệ; và khi nhận ra đôi mắt và đôi tai của chúng ta là một ơn huệ, chúng ta được mời nhận ra Đấng ban ơn để tạ ơn và ca tụng, và chia sẻ ơn huệ mà chúng ta có cho người khác, nhất là cho những người tàn tật, không có cùng một ơn huệ như chúng ta.
Tuy nhiên, ngay trước đó, Đức Giê-su còn nói tới một bệnh mù khác, một bệnh điếc khác: “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe, không hiểu” (c. 13). Như thế, mối phúc mà Đức Giê-su nói tới, không chỉ là khả năng nhìn thấy sự vật và nghe được âm thanh. Bởi vì, đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có “ơn gọi” không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng qua những điều hữu hình, nhận ra những thực tại vô hình. Thực vậy, chúng ta được mời gọi nhìn thấy sự vật không chỉ như là sự vật, nhưng còn là những quà tặng, những ơn huệ, những dấu chỉ, nói lên sự hiện diện của ai đó, của tình thương, nói lên Đấng ban ơn, nói lên chính Đấng tạo dựng.
Và nhất là khi nhìn thấy một người, đôi mắt của chúng ta không được dừng lại ở vẻ bề ngoài, ở ngoại hình, ở trang phục, không được coi người người này là đối tượng để mình thỏa mãn nhu cầu, thỏa mãn lòng ham muốn; nhưng đôi mắt của chúng ta được mời gọi nhìn người khác trong sự thật, nghĩa là người đó là một ngôi vị tự do và có lòng ước ao, có ơn gọi riêng, có quá khứ và những vấn đề riêng, có hành trình riêng cần tôn trọng; nếu sự thật là người ấy có những hành vi phạm lỗi đáng lên án, thì chúng ta được mời gọi nhận ra một sự thật khác lớn hơn: người ấy còn là một ngôi vị bất hạnh đang đau khổ, và có khi người này ở trong bất hạnh mà không biết. Đó cái nhìn của Người Cha nhân hậu đối với người con hoang đàng, đó là cái nhìn của Đức Giê-su về người phụ nữ ngoại tình, đó là cái nhìn của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với loài người chúng ta, với từng người chúng ta.
Cũng vậy đối với đôi tai của chúng ta: đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe tiếng động hay âm thanh, nhưng là nghe ra sự hài hòa của âm thanh, nghe được giai điệu, kết cấu của âm thanh, truyền đạt cho chúng ta một ý nghĩa, một sứ điệp, truyền đạt cho chúng ta Ngôi Lời, bởi vì « Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3 và St 1). Đó là kinh nghiệm thiêng liêng mà Tv 19 diễn tả:
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm
.
(Tv 19, 2).

Thế mà ý nghĩa và sứ điệp, được tạo ra bởi sự liên kết hài hòa theo qui luật giữa các âm thanh, thì hoàn toàn thinh lặng, không có tiếng động. Thiên Chúa nói với con người qua rất nhiều lời nói: lời trong Kinh Thánh, lời từ các chứng nhân của Thiên Chúa, nhưng chính Đức Giê-su Nazareth, Ngôi Lời Thiên Chúa làm nên sự hợp nhất của những lời nói cụ thể này. Như thế, Ngôi Lời không làm cho bất cứ đôi tai nào rung lên, Ngôi Lời chỉ được thốt lên và chỉ được nghe trong thinh lặng. Thiên Chúa ngỏ sự thinh lặng của Ngôi Lời cho người biết lắng nghe:
Không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển
.
(Tv 19, 4-5)
* * *
Vì thế, khi cầu nguyện với các dụ ngôn mà Đức Giê-su kể cho chúng ta, chẳng hạn những dụ ngôn trong chương 13 của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trong những ngày này, chúng ta được mời gọi:
  • Nhìn ra mình nơi hình ảnh người con, nhìn ra Thiên Chúa nơi hình ảnh người cha, nhìn ra Đức Giê-su Ngôi Lời Thiên Chúa, nơi hình ảnh hạt giống, hạt lúa mì.
  • Và nghe được sứ điệp về Nước Trời, về tình yêu và lòng thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô.
  • Và chúng ta được mời gọi đọc lại cuộc đời của chúng ta không chỉ như những sự kiện nối tiếp nhau, như là những dụ ngôn nói lên tình yêu và lòng thương xót của Chúa, nói lên chính Thiên Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J