Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 13: 44-52)
"Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. "Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. "Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. "Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa hiểu". Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ".
SUY NIỆM 1
“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?”
Sau khi dùng các dụ ngôn: “kho báu chôn giấu trong ruộng”, “thương gia đi tìm ngọc đẹp”, “chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá” để nói về Nước Trời, Chúa Giêsu chất vấn các môn đệ rằng: họ có hiểu những điều Người giảng dạy hay không.
Quả vậy, Chúa Giêsu đến thế gian với sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, rao giảng tình yêu Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Chúa đã dùng tất cả mọi phương thế nhằm chu toàn sứ vụ đó: giảng dạy bằng Kinh Thánh và những câu chuyện gần gũi với đời sống dân chúng, hiện diện, chữa lành và thậm chí hy sinh chính mạng sống của mình. Vấn đề là không phải tất cả đều sẵn sàng học hỏi, thông hiểu và mở lòng mình ra để đón nhận sứ điệp mà Người rao giảng. Họ đã vô tình đánh mất kho tàng quý giá mà Thiên Chúa dành sẵn cho họ.
Hôm nay, Chúa cũng đặt câu hỏi này cho chính chúng ta: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?”. Thánh ý cứu độ luôn được thể hiện và hồng ân Chúa vẫn đầy tràn chan chứa trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Phần chúng ta, rất nhiều lần đã thờ ơ và dửng dưng trước lời mời gọi của Chúa, rất nhiều lần chúng ta đã không nhiệt tâm học hỏi và suy gẫm những giáo huấn của Chúa và Giáo Hội. Hậu quả là chúng ta đã không ít lần lạc lối và bất an, bối rối khi phải chọn lựa, giải quyết những khó khăn, thử thách trong đời sống gia đình, xã hội và mọi biến cố của cuộc đời. Chúng ta đã không “hiểu tất cả” những điều Chúa muốn thực hiện nơi chúng ta.
Xin cho chúng ta biết ham hỏi học biết Lời Chúa để có thể can đảm và tín thác vào thánh ý Chúa trên mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần Chúa soi dẫn để chúng con có thể lắng nghe và thấu hiểu những điều Chúa truyền dạy nơi Kinh Thánh, nơi giáo huấn của Hội Thánh và nơi các biến cố của cuộc đời, ngõ hầu chúng con có thể vững vàng bước đi và đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, khi nói về Nước Trời, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn. Theo sự phân chia của lịch phụng vụ năm A, những dụ ngôn này được công bố trong ba Chúa Nhật liên tiếp, Chúa Nhật XV (dụ ngôn Người Gieo Giống), Chúa Nhật XVI (dụ ngôn Cỏ Lùng, dụ ngôn Hạt Cải, dụ ngôn Nắm Men) và Chúa Nhậ XVII hôm nay (dụ ngôn Kho Tàng, dụ ngôn Viên Ngọc và dụ ngôn Mẻ Lưới).
Như thế, một dụ ngôn không thể diễn tả hết được mầu nhiệm Nước Trời ; và để hiểu và sống mầu nhiệm Nước Trời, chúng ta cần lắng nghe nhiều dụ ngôn, vì mỗi dụ ngôn nói cho chúng ta một khía cạnh về mầu nhiệm Nước Trời.
1. Các dụ ngôn về Nước Trời
Dụ ngôn Người Gieo Giống (13, 1-23) là dụ ngôn đầu tiên, vì thế là dụ ngôn của mọi dụ ngôn, là “dụ ngôn mẹ”. Thực vậy, dụ ngôn này mặc khải cho chúng ta “những điều được giữ kín từ thủa tạo thiên lập địa” (c. 35), đó là mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa trong Sáng Tạo, mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa trong Lịch Sử, ngang qua những mảnh đất khác nhau và những hình ảnh nói về tội và Sự Dữ, về mầu nhiệm Nhập Thể và về mầu nhiệm Vượt Qua. Do đó, các Tin Mừng kể về dụ ngôn này dài nhất: dụ ngôn Người Gieo Giống (c. 1-9); ngôn ngữ dụ ngôn (c. 10-17); giải thích dụ ngôn Người Gieo Giống (c. 18-23). Và vì tầm mức quan trọng của dụ ngôn Người Gieo Giống, nên Đức Giê-su đã trách các môn đệ, khi họ xin Người giải thích: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu các dụ ngôn khác” (Mc 4, 13).
Sau dụ ngôn Người Gieo Giống, Đức Giê-su kể thêm một loạt sáu dụ ngôn. Tùy theo nội dung, các dụ ngôn này có thể được sắp xếp như sau:
(A) Dụ ngôn cỏ lùng (c. 24-30)
(B) | Dụ ngôn hạt cải và nắm men (c. 31-33) |
Du ngôn kho tàng và ngọc quí (c. 44-46) |
(A’) Dụ ngôn mẻ lưới (c. 47-50)
(1) Dụ ngôn cỏ lùng và mẻ lưới nói về thời điểm tận cùng chắc chắn sẽ xẩy ra và về hành động của chính Thiên Chúa tách biệt ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết, điều tốt và điều xấu, những người công chính và những người gian ác.
(2) Dụ ngôn hạt cải và nắm men nói về sự lớn mạnh và viên mãn tất yếu của Nước Trời, do dù điểm khởi đầu rất nhỏ bé, giới hạn và khiêm tốn.
(3) Hai dụ ngôn kho tàng và viên ngọc quí khá giống nhau, vì đều nói đến thời gian sống hôm nay và đến hành động của con người, hành động này là sự lựa chọn dứt khoát, triệt để và trong niềm vui hướng về điều rất cao quí mình hằng ao ước và tìm kiếm.
Các dụ ngôn này soi sáng cho nhau, bởi vì nếu nhóm dụ ngôn thứ nhất chất vấn chúng ta và làm cho chúng ta sợ hãi, thì nhóm dụ ngôn thứ hai và thứ ba mang lại cho chúng ta niềm hi vọng và chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua sự sợ hãi, đó là lòng khao khát và tìm kiếm « Điều Cao Quí ». Và « Điều Cao Quí », chính là Đức Ki-tô, là lựa chọn và dấn thân trọn vẹn, triệt để và dứt khoát để có được « Điều Cao Quí », như kinh nghiệm của chính thánh Phao-lô :
Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.
(Phil 3, 7-8)
Còn một điều khác, rất thú vị, chúng ta cũng cần để ý, đó là, để giúp chúng ta hiểu Nước Trời, ngang qua các dụ ngôn, Đức Giê-su khởi đi từ những điều rất đời thường ở dưới đất, đó là hạt giống, cây lúa, cọng cỏ, đánh bắt cá, kho tàng, viên ngọc. Do đó, chúng ta được mời gọi « bắt chước » Đức Giê-su, và nhất là dưới ánh sáng đến từ ngôi vị của Ngài, từ lời nói và hành động của Ngài và nhất là từ mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mời gọi nhìn, nghe và sống những thực tại đời thường trong thiên nhiên và trong đời sống của chúng ta, như là những « dụ ngôn » nói về Nước Thiên Chúa và nói về chính Thiên Chúa.
2. Tại sao Đức Giê-su dùng dụ ngôn?
Đức Giê-su giảng dạy bằng dụ ngôn, đó là vì dụ ngôn có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe” (c. 9). Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ yếu tố biểu tượng (chẳng hạn hình ảnh mảnh đất sỏi đá, đất không nhiều) hay nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giê-su thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào.
Ngoài ra, khi các môn đệ hỏi Người: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?” (c. 10) Đức Giê-su trả lời rằng, đó là ngôn ngữ dành riêng cho những người có ơn hiểu biết, là các môn đệ:
Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.
(c. 11)
Vì thế, khi nghe các dụ ngôn, các môn đệ với ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, họ sẽ được hiểu mầu nhiệm này sâu rộng hơn nữa, như Người nói: “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa” (c. 12). Trong khi đó, dân chúng, vì không có ơn hiểu biết, họ giống như người “nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”! Vậy, để hiểu các dụ ngôn, chúng ta phải có ơn “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”; và các mầu nhiệm Nước Trời là các mầu nhiệm liên quan đến chính ngôi vị của Đức Giê-su, bởi vì Người rao giảng Nước Trời và làm cho Nước Trời hiện diện bằng chính ngôi vị của mình. Vì thế, để đón nhận ơn “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”, chúng ta không có con đường nào khác, là con đường đi theo Đức Giê-su như người môn đệ.
Chúng ta là Ki-tô hữu, nghĩa là người môn đệ của Đức Ki-tô, người đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi gia đình hay dâng hiến, chúng ta hãy khát khao và xin Người ban cho chúng ta ơn “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời”, để chúng ta biết lắng nghe các dụ ngôn nói về Nước Trời và để, như các môn đệ, có thể trả lời cho Đức Giê-su như các môn đệ, khi Người hỏi:
“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.”
(c. 51)
Và một khi biết lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta cũng sẽ “lắng nghe” đời mình như là một dụ ngôn nói về Thiên Chúa và Nước của Người, bởi lẽ dụ ngôn là kinh nghiệm sống được hiểu dưới ánh của Đức Giê-su Ki-tô, Con TC, Ngôi Lời nhập thể. Khi đó, có thể nói chúng sẽ giống như các “kinh sư” được học hỏi về Nước Trời. Thật vậy, Đức Giê-su nói:
Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.
(c. 52)
Và xin Chúa đừng để chúng ta tự đặt mình vào phía “dân chúng” hay đám đông, nghĩa là nhóm người lòng đã ra chai đá, khiến họ “bịt tai nhắm mắt”, hoặc “có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy”. Bởi vì, ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời có liên quan đến đối mắt và đôi tai.
3. Dụ ngôn cỏ lùng và chiếc lưới
Thế giới chúng ta đang sống giống như cánh đồng lúa, trong đó có lúa, những cũng có cỏ, cỏ ở khắp nơi; hay giống như cá ở dưới biển : có đủ thứ cá, cá tốt và cá xấu. Các dụ ngôn, khi được hiểu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, sẽ củng cố niềm hi vọng mỏng dòn của chúng ta.
Với dụ ngôn thứ nhất về cỏ lùng, chúng ta cần ghi nhận rằng, chính kẻ thù đã gieo điều xấu. Điều này có nghĩa là, điều xấu không đến từ chúng ta, nhưng đến từ bên ngoài, từ Con Rắn (x. St 3, 1-7). Sự thật này phải giải phóng chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi chết chóc, và cởi bỏ khỏi lòng chúng ta trách nhiệm hoàn toàn đối với sự dữ và tội lỗi. Sự dữ đến từ bên ngoài và mạnh hơn chúng ta ; vì thế, chúng ta là nạn nhân cần được thương cảm hơn là bị lên án. Nhưng nếu Sự Dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn Sự Dữ. Lịch sử cứu độ, mà điểm tới là Mầu nhiệm Vượt Qua, nói cho chúng ta chân lí này.
Dụ ngôn này nói cho chúng ta biết rằng cây lúa, nghĩa là sự thiện, vẫn được bảo vệ và gìn giữ cho đến cùng, nghĩa là cho đến mùa gặt. Vì thế, chúng ta không cần phải đối đầu với sự dữ để chống chọi với sức của chúng ta, bởi vì Đức Giê-su mời gọi chúng ta « Đừng chống lại kẻ dữ » (Mt 5, 39) ; trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su đã sống lời này của Ngài, và sống cho đến cùng. Hơn nữa, chúng ta đâu có chống lại được Sự Dữ (x. St 3, 1-7) ; và thực tế cho thấy, chúng ta hay dùng phương tiện của Sự Dữ để chống lại Sự Dữ. Nhưng chúng ta được mời gọi nhận ra và làm cho sinh hoa kết quả « phần đất tốt » vốn có nơi chúng ta, nhận ra « hạt giống » tốt lành đã được gieo, và vẫn được gieo cách quảng đại mỗi ngày. Bởi vì, chúng ta được dựng nên bởi Ngôi Lời (x. St 1 và Ga 1, 3), theo hình ảnh của Ngôi Lời và cho Ngôi Lời. Và chính Sự Thiện và những gì thuộc về Sự Thiện có sức mạnh lấn át Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ, tương tự như ánh sáng phá tan bóng tối một cách tự nhiên và tất yếu.
Theo hai dụ ngôn này, sự phân loại sau cùng là điều tất yếu, vì sẽ đến lúc ánh sáng, sự sống và sự thiện sẽ phải tách rời tuyệt đối khỏi bóng tối, sự chết và sự dữ ; đó là lúc chúng ta phải trở về với Chúa hay vào ngày tận thế, và thời điểm này có thể làm cho chúng ta sợ hãi, bởi vì chúng ta hay tự xếp loại mình. Chúng ta hãy để cho Chúa « xếp loại » chúng ta : chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được sinh ra và được tái sinh làm con Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Vì thế, trong Ngài, không còn bị lên án nữa (x. Rm 8, 1) : chúng ta là giống tốt sinh ra lúa tốt, chúng ta là « cá tốt » chứ không phải cá xấu, là chiên chứ không phải là dê (x. Mt 25, 31-46). Chúa mời gọi chúng ta nhận ra, ước ao và nỗ lực sống mỗi ngày căn tính của chúng ta, ngang qua sự mỏng dòn và những thăng trầm của cuộc sống.
Chắc chắn, chúng ta sẽ là những « người công chính » (c. 43) vào thởi điểm tận cùng của cuộc sống và của thời gian, vào thởi điểm mà chỉ còn một mình Thiên Chúa mới có thể hành động mà thôi. Chúng ta là những người công chính không phải là do nỗ lực của chúng ta, vì chúng ta không thể tự tạo cho mình đức công chính của Nước Trời xuất phát từ con tim (x. Mt 7, 17-48), nhưng là đức công chính đích thực mà Đức Ki-tô chết và phục sinh ban cho chúng ta, như thánh Phao-lo nói :
Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang (Rm 8, 30)
4. Dụ ngôn hạt cải và nắm men
Hai dụ ngôn này diễn tả Nước Trời rất nhỏ bé và rất tự nhiên (nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có), nhỏ bé và tự nhiên như chính hình thức (rất ngắn) và nội dung của dụ ngôn (hạt cải và nắm men nhỏ bé khiêm tốn). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:
Niềm hy vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp Sự Dữ, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp hạt giống rất nhỏ bé mong manh đang có trong thế giới, trong cộng đoàn và trong lòng chúng ta, Nước Trời mà chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, tất yếu sẽ hiện hữu, lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh cây cải cành lá sum suê đến độ chim trời làm tổ trên cành được và hình ảnh cả ba thúng bột dậy men diễn tả sự viên mãn tất yếu của Nước Trời.
Niềm hy vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự nhiên của hạt cải, tiến trình dậy men tự nhiên trong ba thúng bột, đã có điều gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được hoàn toàn.
Điều mà hai dụ ngôn này muốn diễn tả, đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang qua Thánh Lễ được cử hành và ngang qua ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xẩy ra trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã được Chúa gieo hạt giống và tất cả đã được Chúa vùi vào một nắm men. Hạt giống và nắm men thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ trở nên to lớn và bền vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa. Hạt giống và nắm men chính là Lời Chúa.
Lời TA, một khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.
(Is 55, 11)
Trong bữa tiệc li, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói: « Anh em là bạn của Thầy » và « Không có ai có tình yêu lớn hơn người từ bỏ sự sống cho những người bạn của mình » (Ga 15, 13-14). Qua hành vi trao bánh và rượu cho các môn đệ, qua hành vi rửa chân của các ông, Đức Giêsu muốn thánh Phê-rô và tất cả chúng ta hiểu ra rằng, Ngài không chỉ muốn gieo Lời của Ngài, nhưng còn muốn gieo chính bản thân của Ngài. Vì Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một. Hạt giống và nắm men chính là Sự Thiện và Sự Sống nơi Đức Kitô, mạnh hơn Sư Dữ và Sự Chết, chính vì vậy mà sự viên mãn của Nước Trời là tất yếu.
5. Dụ ngôn kho báo và ngọc quí
a. Dụ ngôn kho báu
Một người đi bán tất cả những gì mình có để mua một thủa ruộng. Hành động của người này vừa tận căn và vừa kì lạ.
Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
Tận căn, vì người này bán tất cả những gì mình có ; tính tận căn hệ ở « tất cả », chứ không phải một phần. Như thế, ngang qua quyết định bán tất cả, người này dấn thân hoàn toàn và dứt khoát. Và chúng ta có thể nói rằng, ở đâu có sự dấn thân hoàn toàn và dứt khoát vì điều gì đó, có giá trị lớn lao, ở đó có sự hiện diện của Nước Trời.
Kì lạ, bởi vì người này đi bán tất cả những gì mình có, nhưng rốt cuộc là để mua một thủa ruộng, bề ngoài xem ra rất bình thường ; hơn nữa, anh ta còn thực hiện việc mua bán này trong niềm vui. Đúng là thủa ruộng này không giống như các thủa ruộng khác, nhưng không ai biết chuyện này, chuyện thủa ruộng mà người này mua có ẩn chứa kho tàng. Người này có kinh nghiệm đích thân khám phá ra kho tàng và chôn dấu lại.
Như thế, điều làm cho người này dấn thân trọn vẹn và dứt khoát, đó là khám phá ra một cách đích thân điều thuộc bình diện bí ẩn, chứ không phải lộ ra bên ngoài, nhưng có giá trị rất lớn lao, lớn lao đến độ mang lại cho anh niềm vui, đi bán tất cả, từ bỏ tất cả để sống với kho tàng được chôn dấu trong thủa ruộng. Đó là gì nếu không phải là Ngôi Vị tuyệt vời của Đức Ki-tô hiện diện cách kín ẩn trong những trang sách có vẻ bình thường của Kinh Thánh, và Ngài cũng hiện diện nơi những gì và những ai bé nhỏ, hiền lành và khiêm tốn.
b. Dụ ngôn ngọc quí
Dụ ngôn viên ngọc quí dường như có cùng một sứ điệp như dụ ngôn kho báu :
Một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý, vẫn có sự khác biệt đầy ý nghĩa giữa hai dụ ngôn: trong dụ ngôn thứ nhất, Đức Giê-su nói: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn dấu trong ruộng…”; nhưng trong dụ ngôn thứ hai: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp”. Như thế, dụ ngôn thứ nhất nhấn mạnh đến đối tượng được tìm thấy, còn dụ ngôn thứ hai mời gọi chúng ta chú ý đến người đi tìm.
Vậy, chúng ta có đang đi tìm những gì có giá trị lớn lao không ? Đó là những gì ? Chúng ta đã tìm thấy chưa ? Nếu đã tìm thấy, đâu là quyết định của chúng ta ?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J