Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Ngày 14/7: Thánh Camillô Lellis, Linh mục

Filled under:


Thánh Camillô Lellis là con của ông Gioan Laliis, một hiệp sĩ danh giá trong quân đội của Chales-Quint. Mẹ Ngài thuộc vào một gia đình thời danh nhất ở Neples. Từ những năm đầu thời hôn nhân, họ có được một người con, nhưng lại bị cất đi ngay, khi đứa bé còn ở trong nôi. Lúc bà Lellis 60 tuổi, sau bao lời cầu xin khẩn thiết, bà đã sinh ra Camillô vào ngày 25 tháng 5 năm 1550. Khi đang mang thai, bà đã thấy mộng con trẻ mang trên ngực một hình thánh giá, có vô số trẻ em theo sau. Mộng thấy vậy, bà lo sợ rằng mình sẽ sinh hạ một người con làm đầu bọn cướp, Camillô mới sinh ra ít lâu thì mồ côi mẹ. Chưa được 6 tuổi, Ngài lại mồ côi cha. Do những tai họa này, việc giáo dục Camillô bi bỏ mặc.
Những buổi đầu đời của con trẻ đã chứng thực điều lo sợ của người mẹ là đúng. Camillô biếng nhác và phóng túng, lao mình vào cuộc chơi. Đến tuổi 19, Ngài theo đuổi binh nghiệp và năm năm sau Ngài xuất ngũ.
Người thanh niên này phung phí hết tài sản và lâm cảnh cùng quẫn, phải làm phụ hồ cho công trình xây cất nhà cho các cha Phanxicô. Tại Fermô, Ngài gặp hai thầy dòng và mến phục nết đạo đức khiêm tốn của hai vị. Tự đáy lòng, Camillô nguyện một ngày kia sẽ nhập dòng. Bỏ binh nghiệp, Ngài đến nhà dòng Phanxicô ở Aquila. Một người cậu của Camillô giữ cổng nhà dòng này. Camillô kể lại cho ông nghe tất cả những gì đã qua và xin được mặc áo dòng. Cha giữ cửa biết rõ quá khứ đau lòng của cháu, muốn thử thách ơn kêu gọi bất ngờ này đã từ khước trong một thời gian.
Camillô lại rơi vào cơn rối loạn. Ngài trở nên bất hạnh đến nỗi phải đi ăn xin cùng với một người lính cùng khốn khổ như Ngài. Ngày lễ thánh Anrê năm 1574, Ngài ăn xin ở cửa nhà thờ Manfredonia. Một lãnh chúa đi qua. Ông thương tình đề nghị Camillô làm việc cho nhà dòng. Camillô nhận lời, ngày kia trước lời khuyên nhủ của một cha dòng, Ngài động lòng và bật tiếng khóc.
- Lạy Chúa, thật là khốn cho con. Tại sao con biết Chúa trễ quá? Sao con có thể giả điếc làm ngơ trước bao nhiêu lời mời gọi của Chúa như vậy được. Xin Chúa tha thứ cho con là đứa tội lỗi khốn nạn. Xin hãy cho con đủ thời gian đền bù tội lỗi của con.
Lúc đó Camillô 25 tuổi. Ngài xin nhập dòng ngày hôm đó và được nhận vào tập viện. Nhưng một mụn nhọt ở chân mở miệng, Ngài phải đi chữa trị. Lành bệnh Ngài trở lại dòng, nhưng mụn nhọt lại mở miệng. Các bác sĩ cho rằng ung nhọt này vô phương chữa trị. Ngài được nhận vào một bệnh viện nan y ở Roma. Nơi đây Camillô nhận ra ơn gọi của mình. Ngài thấy các nhân viên được trả lương như vô tâm trước nỗi đau đớn của các bệnh nhân. Ngài tận tụy phục vụ các bệnh nhân ngày đêm. Ngài còn qui tụ các bạn thành một để thực hành đức ái nữa. Trên ngực họ đeo một thánh giá đỏ. Công việc nặng nề và các bạn Ngài thường tỏ ra lo lắng. Camillô nhắc cho họ lời của thánh Catarina thành Siêna:
- Hãy lo cho ta và ta sẽ lo lắng cho con.
Camillô được đặt cai quản nhà thương, lệnh Ngài đưa ra là:
- Hãy phục vụ bệnh nhân như phục vụ chính Chúa Giêsu vậy.
Để phục vụ hữu ích hơn, Ngài đã theo lời khuyên của Đức Hồng Y Taragi để tiến tới chức linh mục. Nhưng trở ngại quá lớn, vì học thức Ngài còn quá kém. Một thị kiến đã giúp Ngài can đảm thắng vượt mọi khó khăn. Ngài thấy Chúa Kitô đưa tay ra nói:
- Camillô, con đừng sợ chi, cha sẽ giúp đỡ con và ở cùng con.
32 tuổi, Ngài không mắc cỡ khi ngồi với các em nhỏ để học vần Latinh. Sự kiên trì đã giúp người kinh viện này vượt qua mọi khó khăn. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1584, Camillô thụ phong linh mục và dâng thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ thánh Giacôbê. Vài tháng sau, Ngài được trao phó cho cai quản nhà thờ Đức Bà hay làm phép lạ. Tại đây, Ngài thiết lập một tu hội. Anh em qui tụ quanh Ngài dấn thân phục vụ những người hấp hối ở bất cứ nơi nào. Họ luôn trung thành với lời khuyên của Ngài: Hãy hồi tâm để dâng lên những lời kinh nguyện tắt và các bạn sẽ được nâng đỡ đặc biệt bên cạnh các bệnh nhân. Chớ gì họ biết cầu xin ơn tha thứ, biết dâng cái chết của họ hợp với sự chết của Chúa Giêsu Kitô và xin Người đón nhận linh hồn họ vào lòng nhân từ Người.
Năm 1586, Đức giáo hoàng Sixtô V chấp thuận chương trình của Ngài. Năm 1588, Ngài được gọi đến lập tu viện ở Napples. Nơi đây Ngài đã thực hiện những hành vi đức ái kỳ diệu đối với các nạn nhân của một cơn dịch hạch. Năm 1591, Đức giáo hoàng Grêgôriô XV đã nâng tu hội của Ngài thành dòng tu, ngoài ba lời khấn còn có lời khấn thứ tư là hiến thân phục vụ nhân loại đau khổ, dầu bởi bất cứ bệnh tật nào. Dòng thánh Camillô phổ biến khắp nước Ý và còn phổ biến sang cả Pháp, Tây Ban Nha.
Con số tu sĩ và nhà dòng ngày một nhiều. Tuy nhiên, lòng tin tưởng của Camillô vào Chúa quan phòng thật vô bờ. Các chủ nợ lo âu hỏi Ngài:
- Bao giờ cha mới trả hết nợ cho chúng tôi?
Ngài trả lời:
- Đừng sợ gì Thiên Chúa quyền năng không gởi cho chúng ta món tiền nào sáng mai sao?
Các chủ nợ cười nói:
- Thời phép lạ đã qua rồi.
Nhưng rồi vài ngày sau, Ngài được những túi tiền lớn đủ để trả nợ. Sự quan phòng cho thấy rằng các phép lạ có mãi cho những ai phó thác cho Chúa. Khi tuổi cao, Camillô vẫn không giảm bớt những phục vụ bên cạnh các người đau khổ. Thấy vậy, các bệnh nhân nói:
- Cha nghỉ đi kẻo té ngã mất.
Nhưng các Ngài trả lời:
- Này các con, cha là nô lệ của các con, cha phải làm mọi sự có thể làm được để phục vụ các con.
Đi từ giường này tới giường khác, Ngài tự nhủ:
- Hạnh phúc tôi mong đợi lớn lao đến nỗi mọi đau khổ đều thành niềm vui của tôi.
Kiệt sức vì công việc và đau đớn, Camillô Lellis chỉ còn là một bộ xương. Khi thấy giờ chết tới gần, Ngài vui sướng:
- Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: nào ta đi về nhà Chúa.
Được đưa về phòng, Ngài còn nói trong nước mắt:
- Lạy Chúa, con biết con là một tội nhân ghê gớm. Nhưng xin hãy cứu con nhờ lòng nhân lành Chúa.
Ngày 14 tháng 7 năm 1614 Camillô Lellis qua đời. Năm 1746, Đức giáo hoàng Bênêdictô đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.
Thánh Camillô Lellis đã ý thức tận căn thân phận con người tội lỗi của mình. Ngài đã tỏ lòng sám hối và đền bù tội lỗi qua việc phục vụ bệnh nhân. Xin Chúa vì công nghiệp của thánh nhân, cho chúng ta cũng biết hết lòng vì những công việc bác ái Chúa đang cần sự cộng tác của mỗi chúng ta cho xã hội hôm nay.