NGHỊCH LÝ THẬP GIÁ
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,38-39)
Suy niệm: Một học sinh lớp 5 nói với bạn mình là người công giáo rằng: Chúa của bạn ác lắm, vì Chúa của bạn đòi hễ ai tin Chúa thì phải bỏ những thứ mình có và phải vác thập giá mà theo Chúa!!! Lời con trẻ đơn sơ nhưng chứa đựng một chân lý nhức nhối về phía chúng ta. Theo tính tự nhiên, ai mà chẳng dị ứng đối với thập giá! Chúa cũng biết thế – Ngài đã chẳng run sợ đến mướt mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu là gì? Thế nhưng Ngài vẫn mạnh mẽ tuyên bố: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy.” Chúa không phải là người thích chịu đau khổ để tự hành hạ mình hay thấy người khác đau khổ mà lấy làm vui. Chúa phát biểu một qui luật mà thoạt nghe có vẻ như nghịch lý: Khư khư giữ lấy thì bị mất; còn dám liều chịu mất cả mạng sống vì Chúa thì lại lấy lại được. Chúa Giê-su hoá giải nghịch lý thập giá và chứng minh tính đúng đắn của qui luật đó qua cái chết và phục sinh của chính Ngài: “Phải qua đau khổ mới tiến được vào vinh quang.”
Mời Bạn: Nếu bạn biết Chúa chịu khổ nạn như thế là để đền bù thay cho bạn, vì tội của bạn thì bạn còn nghĩ Chúa “ác” nữa không? Nếu bạn biết Ngài mời bạn cùng vác thập giá để được hạnh phúc với Ngài, thì bạn còn nghĩ Chúa “ác” với bạn nữa không?
Sống Lời Chúa: Bạn thấy việc bổn phận nào đang là thập giá cho bạn? Bạn hãy chu toàn việc đó cách vui lòng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thương Chúa đã chịu khổ vì con. Xin cho con biết vác thập giá mình để đáp lại tình thương của Chúa.
Thánh Phanxicô Sôlanô
(1549-1610)
(1549-1610)
Thánh Phanxicô Sôlanô sinh ở Andalusia, Tây Ban Nha, theo học trường của các cha dòng Tên, và năm 1569, ngài gia nhập dòng Phanxicô Hèn Mọn. Sau khi thụ phong linh mục, với tất cả nhiệt huyết ngài thi hành mục vụ ở phía nam Tây Ban Nha trong việc cứu vớt các linh hồn. Trong thời gian có trận dịch ở Granada, ngài tận tụy chăm sóc các bệnh nhân và chính ngài cũng bị lây bệnh nhưng đã bình phục mau chóng.
Thanh Phanxico Rua Toi Mot Tu Truong Sau đó, ngài được sai đi truyền giáo ở Peru, Nam Mỹ. Khi gần đến Peru, con tầu bị bão và mắc cạn. Trong khi giông bão đang phá vỡ con tầu ra từng mảnh, mọi người được lệnh phải bỏ tầu bơi vào bờ thì Cha Phanxicô Sôlanô đã can đảm ở lại, cứu vớt những người nô lệ da đen còn kẹt trong khoang tầu. Ngoài một số bị chìm, tất cả đã được cứu thoát và đưa đến Lima, Peru.
Trong hai mươi năm ở các vùng mà bây giờ là Á Căn Đình, Bovilia và Paraguay, ngài làm việc không ngừng nghỉ cho người thổ dân và người thực dân Tây Ban Nha.
Người ta nói rằng Cha Phanxicô Sôlanô có tài học tiếng bản xứ rất mau chóng, và sau một vài phép lạ ngài được dân chúng gọi là "người kỳ diệu của Tân Thế Giới". Một trong những thói quen của ngài, rất giống Cha Thánh Phanxicô, là chơi vĩ cầm cho các bệnh nhân thưởng thức và thường hát các bài mừng kính Đức Mẹ trước bàn thờ.
Khoảng năm 1601, ngài được gọi về Lima, Peru, là nơi ngài cố gắng kêu gọi người thực dân Tây Ban Nha sống đức tin của mình. Ngài còn cố gắng bảo vệ người thổ dân khỏi bị áp bức. Ngài từ trần ở Lima và được phong thánh năm 1726.
Lời Bàn
Qua kinh nghiệm bản thân, Thánh Phanxicô Sôlanô biết, nhiều khi đời sống Kitô Hữu là một trở ngại lớn cho việc truyền giáo. Chính thánh nhân đã sống làm gương, và thúc giục người đồng hương Tây Ban Nha sống xứng đáng với ơn gọi khi được rửa tội.
Lời Trích
"Khi Cha Phanxicô Sôlanô đang hấp hối, một thầy trợ sĩ nói với ngài, 'Thưa cha, khi Chúa đưa cha lên thiên đàng, xin cha hãy nhớ đến con trong vương quốc vĩnh cửu ấy.' Với sự hân hoan, Cha Phanxicô trả lời, 'Thật đúng như vậy, cha sẽ vào thiên đàng nhưng đó là nhờ sự thống khổ và cái chết của Đức Giêsu Kitô; cha chỉ là một người rất tội lỗi. Khi cha đến quê trời, cha sẽ là người bạn tốt của con'."
Ðiều Quý Giá Nhất Trên Ðời
Có hai người lái buôn và cũng là hai người bạn thân quyết chí lên đường đi tìm cho kỳ được điều quý giá nhất trên trần gian này. Mỗi người ra đi một ngả và thề thốt sẽ gặp lại nhau sau khi đã tìm được điều quý giá nhất ấy.
Người thứ nhất lặn lội đi tìm cho kỳ được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trên trần gian này. Ông băng rừng, vượt biển và không bỏ sót thành phố, làng mạc nào mà không ghé qua. Bất cứ nơi nào có bán đá quý, ông đều tìm tới. Cuối cùng, ông mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trần gian. Ông trở lại quê hương và chờ đợi người bạn của ông.
Nhiều năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn biệt vô âm tín. Thì ra điều ông đi tìm kiếm không phải là vàng bạc, châu báu, mà là chính Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền. Ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm gặp được Chúạ
Ngày nọ, ông đến ngồi thẫn thờ bên một dòng sông. Nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Ðàn vịt con tinh nghịch cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Ði tìm con này đến con nọ, con vịt mẹ cứ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay gắt gỏng... Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương.
Vừa gặp nhau, người bạn đã tìm được viên ngọc quý mới buột miệng hỏi trước: "Cho tôi xem thử điều quý giá nhất mà anh đa tìm được. Tôi nghĩ đó phải là điều tuyệt diệu, bởi vì gương mặt anh dường như đang nở nụ cười mãn nguyện chưa từng thấy".
Con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập hân hoan trả lời: "Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Ngài là Ðấng đi tìm tôi".
Có con vịt mẹ đi tìm con không biết mệt mỏi, có lời loan báo của sứ thần cho các mục tử trong đêm Giáng Sinh, có ánh sao lạ dẫn đường chỉ lối cho các nhà đạo sĩ... Có trăm phương nghìn cách qua đó Thiên Chúa không ngừng đi tìm con người và ngỏ lời với con ngườị
Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm và ra dấu cho con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua muôn kỳ công trong vũ trụ. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những khám phá kỳ diệu của con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những thiện chí thực thi tình người của chính con người.... Bao nhiêu vẻ đẹp là bấy nhiêu những vì sao dẫn đường chỉ lối cho con ngườị
Nhưng Thiên Chúa không dẫn đường chỉ lối bằng những ánh sao lạ, Ngài còn mời gọi chúng ta bằng những tiếng gọi âm thầm. Có tiếng gọi âm thầm của buổi bình minh, của chiều tà, của những đêm không trăng sao. Có tiếng gọi âm thầm của một nụ cười vừa hé mở. Có tiếng gọi âm thầm của tiếng khóc câm lặng. Có tiếng gọi âm thầm của những mất mát, đổ vỡ.
Mỗi một khoảnh khắc qua đi là một tiếng gọi âm thầm. Phải, Ngài đang có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, bởi vì tên của Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.