Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

CHÂN DUNG THÁNH THOMAS TÔNG ĐỒ

Filled under:


Ngày 3 tháng Bảy hằng năm là ngày mừng kính Thánh Thomas, vị Tông đồ “nổi tiếng” là có lòng cứng như sáp nguội. Thánh Thomas có biệt danh là “Thomas Đa Nghi”, và còn được gọi là Điđymô (nghĩa là “sinh đôi”), phiên âm theo Việt ngữ là Thọ-mai.
Có lần Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:1-4). Thánh Thomas hồn nhiên hỏi:“Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14:5-6). Và rồi Chúa Giêsu nói câu nổi tiếng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).
Khi nghe các Tông đồ khác kể lại việc họ đã tận mắt gặp Chúa Giêsu phục sinh, Thánh Thomas đã không tin. Khi Chúa Giêsu hiện ra lần nữa, cũng có mặt Thánh Thomas ở đó, Chúa Giêsu bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20:27). Chắc chắn Thánh Thomas không dám sờ vào, mà chỉ còn biết cúi đầu, sụp lạy và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Câu này trở thành câu tuyên tín minh nhiên trong Tân ước.
Tội nghiệp Thánh Thomas! Ngài bị “chết tên” với cái nickname “Thomas Đa Nghi”. Nhưng nếu ngài không nghi ngờ thì ngài cũng tin. Câu tuyên xưng đức tin của Thánh Thomas đã cho các Kitô hữu một lời cầu nguyện mãi mãi đến tận thế. Thánh Thomas cũng gợi ra một lời khen của Chúa Giêsu dành cho các tín hữu:“Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Có thể coi đó là mối phúc thứ chín.
Truyền thống nói rằng Thánh Thomas đã ra khỏi biên giới Đế quốc Rôma để rao giảng Tin Mừng, đi xa tới tận Ấn Độ. Ngài tới Muziris (Ấn Độ) năm 52 và rửa tội một số người mà ngày nay vẫn gọi là “Kitô hữu của Thomas” (Saint Thomas Christians, tiếng Ấn Độ là “Mar Thoma Nasrani” hoặc gọi tắt là “Nasrani”). Sau đó, Thánh Thomas bị đâm chết bằng cây thương dài ở Ấn Độ, thi hài ngài được đưa tới Mesopotamia hồi thế kỷ III, và rồi lại được chuyển tới nhiều nơi khác. Năm 1258, người ta đưa hài cốt ngài tới Abruzzo, thuộc Ortona (Ý), trong một nhà thờ, và người ta gọi là Nhà thờ Thánh Thomas Tông đồ. Thánh Thomas được tôn vinh là Thánh bổn mạng của Ấn Độ, và tên ngài vẫn “nổi tiếng” trong số các “Kitô hữu của Thomas” ở Ấn Độ.
Truyền thống cho biết rằng Thánh Thomas bị đâm chết tại Mylapore, gần Chennai, lúc 72 tuổi. Thánh Tiến sĩ Ephrem nói rằng Thánh Thomas bị giết ở Ấn Độ, thi hài ngài được thương nhân Khabin đem đi an táng tại Urhai (Edessa).
Thánh Thomas có tiếng là người “cứng lòng” nhưng lại rất can đảm, vì dám rủ các bạn cùng chết với Sư Phụ. Có thể điều ngài nói là mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng có thể ngài chỉ do bộc phát, do thẳng tính, nghĩ sao nói vậy, chứ chưa hẳn ngài đã dám liều mạng thật khi bày tỏ sự sẵn sàng chết với Chúa Giêsu – vì khi Thầy Giêsu bị bắt thì cũng chẳng thấy tăm hơi Thánh Thomas đâu. Nhưng dù sao cũng thật đáng khen, vẫn xứng đáng làm gương cho chúng ta.
Cơ hội là khi Chúa Giêsu đề nghị đi tới Bêtania sau khi Ladarô đã chết, các Tông đồ không trở lại Giuđê, vì người Do-thái tìm cách ném đá Chúa Giêsu. Bêtania gần Giêrusalem, nghĩa là phải đi bộ ngay giữa lòng quân thù và hầu như là chết chắc! Nhận ra điều này, Thánh Thomas đã nói với các bạn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11:16). Thánh Thomas can đảm lắm nên mới động viên các bạn như vậy! Tuy bản tính đa nghi, nhưng một khi đã tỏ tường thì Thánh Thomas tin thật, không gì lay chuyển. Cứng lòng tin có thể mang hai ý nghĩa: Cứng lòng không chịu tin – chai cứng, hoặc cứng cáp lòng tin – vững tin.
Thiết tưởng cũng nên biết điều này: Thánh Thomas là bổn mạng của những người đa nghi, những người mù, các kiến trúc sư, các thợ xây, và các nhà thầu xây dựng.
Lạy Thánh Thomas Tông Đồ, xin cầu thay nguyện giúp để chúng con cũng vững tin vào Đức Giêsu Kitô đến hơi thở cuối đời. Amen.

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT và THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ

Lòng Chúa Thương Xót liên quan đức tin, đức tin liên quan Thánh Tôma Tông Đồ – người bị “mang tiếng” là có lòng tin cứng như sáp nguội.
Chúa Giêsu là Chúa Thương Xót và cũng chính là Chúa Chiên Lành. Hai cách gọi nhưng vẫn là một, không hề đối nghịch. Và đó cũng chính là ước muốn của Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina, vị Tông đồ tiên khởi của LCTX.
Thật vậy, Chúa Giêsu đã bày tỏ với Thánh Faustina: “Ta muốn một tấm hình được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật sau Đại lễ Phục Sinh, và Ta muốn tấm hình đó được tôn kính công khai để mỗi linh hồn đều biết đến tấm hình đó” (Nhật Ký, số 341).
Và rồi Đại lễ LCTX đã được Thánh GH Gioan Phaolô II chính thức thiết lập vào ngày 30-4-2000, ngày tuyên thánh cho Nữ tu Faustina Kowalska.
Đặc biệt là trong ngày lễ kính LCTX, “linh hồn nào xưng tội và rước lễ sẽ được ân xá cả tội lỗi và hình phạt” (Nhật Ký, số 699). Đó là điều chắc chắn, vì Chúa Giêsu đã hứa: “Ta muốn ban ơn tha thứ hoàn toàn cho các linh hồn nào xưng tội và rước lễ trong ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Ta” (Nhật Ký, số 1109). Ai có niềm tin mới thành tâm thực hành điều mà Thầy Chí Thánh Giêsu mong muốn.
Nhưng TIN là gì? Tin là CHẤP NHẬN hay TỪ CHỐI. Xem chừng rất đơn giản. Nhưng đơn giản mà lại phức tạp, vì đó chỉ là một lằn ranh mong manh. Vấn đề là tin ai, tin cái gì, và tin thế nào? Động từ TIN có vẻ đơn giản, nhưng vấn đề TIN lại không hề đơn giản! Khoảng “giằng co” đó cần phải thực sự can đảm để có thể dứt khoát.
Thánh nữ Faustina đã từng cảm nghiệm và tâm sự: “Lạy Chúa Giêsu, khi con được đắm chìm vào Ngài, nếu so sánh với Ngài, mọi sự chỉ là không. Đau khổ, chống đối, nhục nhã, thất bại, và hoài nghi trên đường con đi, tất cả chỉ như viên đá lửa làm làm bùng lên ngọn lửa tình yêu con dành cho Ngài mà thôi” (Nhật Ký, số 57).
Hằng ngày chúng ta đọc kinh Tin (Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng…), và mỗi Chúa Nhật cùng tái tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình…”, rồi lại tuyên xưng sau truyền phép (Lạy Chúa, chúng con loan truyền…; Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh…; Lạy Chúa cứu thế, Chúa đã dùng Thánh Giá…). Các động thái tin được lặp lại nhiều lần trong ngày, đơn giản nhất là khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá, nhưng rất quan trọng khi chúng ta thể hiện lúc ăn uống ở tiệm.
Kinh Thánh luôn đề cập LCTX, đặc biệt trong Phúc Âm có một số dụ ngôn “điển hình” về LCTX: Người Samari Tốt Lành (Lc 10:30-37), Con Chiên Bị Mất (Lc 15:4-7), Đồng Bạc Bị Mất (Lc 15:8-10), và Người Cha Nhân Hậu (Lc 15:11-32).
Tuy nhiên, có điều quan trọng cần lưu ý: Đừng đến với LCTX với sự tò mò mà tìm những phép lạ. Chẳng hạn, dịp Đại lễ Đức Mẹ tại Trung tâm Hành hương Lavang năm 2012, người ta nhốn nháo ngay khi đang dâng Thánh Lễ chỉ vì “hiện tượng lạ” của mặt trời; hoặc dịp Đại lễ LCTX năm 2012 tại Nhà thờ Tân Định và Trung tâm Mục vụ TGP Saigon, người ta cũng xôn xao vì “hiện tượng lạ” của linh ảnh LCTX do ánh điện tỏa sáng, thậm chí các tu sĩ cũng “rung động”.
Sách Công vụ cho biết: “Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ. Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông, đàn bà rất đông” (Cv 5:12-14). Họ đã chấp nhận lời rao giảng của các Tông Đồ là thật nên họ mới TIN vào Đức Kitô là Thiên Chúa, và sẵn sàng tín thác vào LCTX.
Không chỉ vậy, còn có điều đặc biệt hơn nữa: “Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Giêrusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành” (Cv 5:16). Quả thật là sự lạ!
Tác giả Thánh Vịnh tuyên xưng: “Ít-ra-en hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:2-4). Điệp khúc “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọng tình thương” thật tuyệt vời!
Niềm tin phải được thể hiện ngay cả trong lúc gian truân, đó mới là đức tin chân thật: “Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng trong doanh trại chính nhân: Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực” (Tv 118:13-15).
Sự lạ nối tiếp sự lạ: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118:22-24). Nỗi vui mừng ấy thật rộn rã, tưng bừng và khôn tả!
Chàng-trai-trẻ-được-Chúa-yêu bộc bạch: “Tôi là Gioan, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giêsu. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giêsu. Tôi đã xuất thần vào ngày của Chúa và nghe đằng sau tôi có một tiếng lớn như thể tiếng kèn nói rằng: ‘Điều ngươi thấy, hãy ghi vào sách và gửi cho bảy Hội Thánh: Ê-phê-xô, Xi-miếc-na, Péc-ga-mô, Thy-a-ti-ra, Xác-đê, Phi-la-đen-phi-a và Lao-đi-ki-a’. Tôi quay lại để xem tiếng ai nói với tôi. Khi quay lại, tôi thấy bảy cây đèn vàng. Ở giữa các cây đèn, có ai giống như Con Người mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng” (Kh 1:9-13).
Thánh Gioan cho biết thêm: “Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ. Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này” (Kh 1:17-19). Đó là điều tiên tri, đã đúng, đang đúng và sẽ đúng đến từng chi tiết!
Điều minh nhiên mà Giáo Hội đang mừng kính là Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúng ta không được chứng kiến sự kiện trọng đại này, nhưng chúng ta vẫn TIN. Đó là sự may mắn mà chúng ta có được niềm hạnh phúc kỳ diệu như vậy. Đây là phép lạ thực sự!
Kinh Thánh cho biết rằng, vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đột nhiên Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Cửa đóng, then cài, thế mà Chúa Giêsu vào một cách dễ dàng. Thân xác chúng ta mai mốt, sau khi chết và sống lại, cũng như vậy. Tuyệt vời quá!
Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn để minh chứng là Ngài đã sống lại thật. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Ngài lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21). Hai lần Chúa chúc bình an, đồng thời Ngài cũng trao sứ vụ cho những người tin theo Ngài: Làm nhân chứng về Tin Mừng, về LCTX. Ngài còn trao quyền tha tội khi Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23). Đó là Bí tích Hòa giải, một Bí tích liên quan LCTX.
Lúc đó, một người trong Nhóm Mười Hai là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” (Ga 20:25a). Thế nhưng Tôma nhà ta tỉnh bơ: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20:25b).
Rồi tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, lần này có cả ông Tôma. Các cửa cũng vẫn đóng kín. Đức Giêsu lại hiện đến, đứng giữa các ông và nói:“Bình an cho anh em” (Ga 20:26). Rồi Ngài bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20:27). Ông Tôma hết hồn hết vía bèn sụp lạy mà thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Chắc là Tôma chẳng dám đưa tay vô vết thương của Thầy đâu. Và rồi Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).
Không thấy mà tin. Đó là điều mà chính Chúa Giêsu nói là diễm phúc. Vô cùng quan trọng!
Thánh sử Gioan xác định: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em TIN rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô là Con Thiên Chúa, và để anh em TIN mà ĐƯỢC SỰ SỐNG nhờ danh Người” (Ga 20:30-31). Động từ TIN cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần, điều này cho thấy TIN là điều rất quan trọng! Tin Chúa là tin vào tình yêu của Thiên Chúa, là tin vào Ơn Cứu Độ của Đức Kitô, là tín thác vào Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa hằng hữu, xin cho chúng con được ngụp lặn trong Đại Dương của LCTX, được tắm gội trong Máu và Nước tuôn ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Đức Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.
Xin Thánh Thánh Tôma, Thánh Faustina và Thánh Gioan Phaolô II cầu thay nguyện giúp chúng con, hôm nay và mãi mãi.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU