CON CẦN ĐẾN CHÚA
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13)
Suy niệm: Cha Mark Link kể chuyện một cô bé chơi trò “ú tim” với các bạn. Cô bé tìm một chỗ thật kín để trốn. Thế nhưng, em chờ mãi, năm phút, rồi mười phút sau, chẳng thấy ai chạy tìm mình. Sau cùng, em mới phát hiện ra các bạn đã bỏ chơi, dẫn nhau đi nơi khác. Thấy em ngồi khóc, một người lớn an ủi: “Cháu đã học được một bài học quý giá. Bài học đó giúp cháu hiểu được cảm tưởng của Chúa khi chơi với loài người. Ngài chờ loài người đến tìm Ngài, nhưng từ lâu con người đã nghỉ chơi, không còn tìm Ngài nữa.” Chúa như vị lương y, tha thiết kiếm tìm chúng ta, những kẻ tội lỗi, để chữa lành căn bệnh tội lỗi của ta, đưa ta bước vào sự sống hạnh phúc muôn đời. Thế nhưng, thay vì đi tìm kiếm Chúa, ta lại lẩn tránh Ngài, khi ta không chịu nhận ra mình là bệnh nhân cần thầy thuốc, là tội nhân cần ơn Ngài cứu độ.
Mời Bạn: “Nếu bạn bước một bước đi tìm Chúa, thì Ngài nhảy mười bước đến tìm bạn” (Vô danh). Nhìn lại quá khứ để thấy rằng bạn đáp lại tiếng Chúa mời gọi thì ít, nhưng từ chối rất nhiều lần, và nhận ra Thiên Chúa kiên nhẫn biết bao khi chờ đợi sự chấp thuận “sáng nắng, chiều mưa” của bạn.
Chia sẻ: Tôi có cảm nhận mình là kẻ có tội, cần đến với Chúa để được chữa lành và cứu vớt không?
Sống Lời Chúa: Đấm ngực mình, ý thức mình là kẻ có tội mỗi khi bắt đầu tham dự thánh lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là kẻ tội lỗi. Xin cho con ghi nhớ lời khích lệ ấy, và nhớ rằng con cần đến Chúa để can đảm trở về mỗi khi sa ngã.
Chân Phước Emmanuel Ruiz và Các Bạn
(1804-1860)
(1804-1860)
Chúng ta không biết gì nhiều về cuộc đời thơ ấu của Chân Phước Emmanuel Ruiz, nhưng cái chết anh hùng của ngài để bảo vệ đức tin đã được lưu truyền cho hậu thế.
Sinh trong một gia đình thanh bạch, khiêm tốn ở Santander, Tây Ban Nha, ngài là một linh mục dòng Phanxicô và phục vụ trong công cuộc truyền giáo ở Damascus, Syria. Vào lúc ấy, nơi đây có các cuộc nổi loạn chống với Kitô Hữu và đã khiến hàng ngàn người phải thiệt mạng.
Trong số đó có Cha Emmanuel, bề trên tu viện dòng Phanxicô, bảy tu sĩ khác và ba giáo dân. Khi đám người hung bạo bắt được các vị này, các ngài cương quyết không chối bỏ đức tin để theo Hồi Giáo. Họ bị tra tấn dã man trước khi chết vì đạo.
Cha Emmanuel, các tu sĩ Phanxicô và ba giáo dân được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước năm 1926.
Lời Bàn
Thế giới mà Chân Phước Emmanuel và các bạn của ngài đã sống thì rất khác với thế giới của chúng ta. Chúng ta yêu quý sự tự do tôn giáo mà chúng ta lựa chọn. Không ai dùng sự tra tấn và cái chết đễ đe dọa chúng ta nếu chúng ta từ chối không theo con đường của họ. Sự nguy hiểm mà chúng ta đối diện thì tinh tế hơn: đó là sự quyến dũ của nền văn minh vật chất. Có thể nó không dẫn dụ chúng ta từ bỏ đức tin, nhưng nó cũng không khích lệ chúng ta sống đức tin ấy một cách trọn vẹn. Cũng như Chân Phước Emmanuel và các bạn của ngài đã độ lượng đổ máu đào, chúng ta cũng phải độ lượng hy sinh của cải và thời giờ của chúng ta trong công việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Ðể Cho Lòng Tha Thứ Tiếp Tục Hiện Hữu
Chuyện "Nghìn lẻ một đêm" của Ba Tư có kể lại một phiên tòa như sau:
Có hai người anh em ruột nọ bắt chói được thủ phạm giết cha mình. Họ lôi kéo tên sát nhân đến trước quan tòa và yêu cầu xử theo luật mắt đền mắt răng đền răng. Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật đã quy định... Trước mặt quan tòa, tên sát nhân đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ, đó là được trở về nhà trong vòng ba ngày để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến một người cháu được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời hạn đó, hắn sẽ trở lại để chịu xử tử... Quan tòa xem chừng như không tin ở lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc quan tòa đang do dự, thì trong đám đông những người tham dự phiên tòa, có một người giơ tay cam kết: "Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thế thay cho hắn".
Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình. Sau đúng kỳ hạn ba ngày, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang bước ra giữa pháp trường và dõng dạc tuyên bố: "Tôi đã giải quyết mọi việc trong gia đình. Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tội xin trở lại đây để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi để người ta sẽ không nói: Chữ tín không còn trên mặt đất này nữa".
Sau lời phát biểu dõng dạc của kẻ tử tội, người đàn ông đã đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông và tuyên bố: "Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này, là vì tôi không muốn để cho người ta nói: Lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa".
Sau hai lời tuyên bố trên , đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quý nhất trong lòng người....
Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra và nói với quan tòa: "Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không còn nói: Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa".
Giữa sa mạc cằn cỗi, một cụm cỏ hay một cánh hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho những người lạc lõng. Giữa sa mạc nóng cháy, một tiếng suối róc rách là cả một nguồn hy vọng tràn trề cho những ai đang đói khát... Giữa một xã hội khô cằn tình người, giữa một xã hội mà những giá trị tinh thần và đạo đức đã bị bóp nghẹt, chứng từ của người tín hữu Kitô cần thiết hơn bao giờ hết. Giữa biển khơi mù mờ, có biết bao kẻ chới với đang cần một chiếc phao của chữ tín, của lòng thành, của lòng quảng đại, của sự tha thứ...
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói; Niềm tin vào cuộc sống, ý nghĩa của cuốc đời vẫn còn cháy sáng giữa xã hộị
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con ngườị
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Con người vẫn có thể yêu thương nhau và sống cho nhaụ
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Tôn giáo không là thuốc phiện mê hoặc quần chúng, nhưng là sức mạnh để cải thiện xã hộị