02/07/17: CHÚA NHẬT XIII TN
Mt 10, 37 - 42
Ghi nhớ: “ Ai giữ lấy sự sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được ” (Mt 10,39).
Suy niệm: Chúa Giêsu chỉ rõ cho chúng ta thấy rõ bản chất đích thực của “ được ” và “ mất ” . Điều này xem ra là một nghịch lý, vì “ giữ lấy ” thì sẽ bị “ mất ” , còn “ liều mất ” thì lại “ tìm thấy được ” . Thật người môn đệ đi theo Chúa phải từ bỏ tình cảm, từ bỏ tương quan nhất phải từ bỏ cả mạng sống. Vì thế, là người tông đồ chúng ta phải biết sẳng sàng và chấp nhận mọi thiệt thòi, mất mát và hy sinh bản thân mình vì sứ vụ, vì phần rỗi tha nhân và nhất là vì vinh danh Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Hãy hy sinh vì Nước Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Ánh sáng là là Sự sống. Xin Chúa cho mắt tâm hồn của chúng con được sáng suốt để biết chọn Chúa làm Gia nghiệp đời con. Amen.
Thánh Bernardino Realino
(1530-1616)
Thánh Bernardino Realino sinh trong một gia đình quyền quý ở Capri, nước Ý. Sau khi được người mẹ chăm sóc, dạy bảo kỹ lưỡng về đạo giáo, lớn lên ngài theo học y khoa và học luật ở Đại Học Bologna.
Ngài lấy bằng tiến sĩ luật và làm thị trưởng Felizzano khi mới 26 tuổi. Ngài còn là chánh án của thành phố. Sau hai nhiệm kỳ, ngài được bổ nhiệm chức vụ trưởng ty quan thuế ở Alesandria, và sau đó làm thị trưởng của Cassine, và Castelleone.
Năm 32 tuổi, ngài được triệu về Naples để giữ chức phó toàn quyền. Ở đây ngài tham dự cuộc tĩnh tâm 8 ngày của các linh mục dòng Tên và đã xin gia nhập dòng này khi 34 tuổi. Ba năm sau, ngài được chỉ định làm Giám Đốc Đệ Tử Viện ở Naples.
Ngài làm việc cật lực ở Naples, tận tụy phục vụ người nghèo và giới trẻ. Sau đó, ngài được sai đến Lecce là nơi ngài sống bốn mươi năm cuối cùng của cuộc đời.
Ngài nổi tiếng vì công cuộc tông đồ không ngừng nghỉ. Ngài là một cha giải tội gương mẫu, một vị thuyết giảng lôi cuốn, một thầy giáo cần cù của Đức Tin cho người trẻ, một chủ chiên tận tụy cho các linh hồn, cũng như là Giám Đốc trường Dòng Tên ở Lecce và là cha sở ở đây. Lòng bác ái của ngài dành cho người nghèo và người đau yếu dường như vô bờ bến, và sự nhân hậu của ngài đã giúp chấm dứt các mối thù truyền kiếp của nhiều người trong thành phố.
Sự trân quý của người dân Lecce đối với ngài quá lớn lao đến độ vào năm 1616, khi ngài đang hấp hối trên giường thì vị đại diện thành phố đã chính thức xin ngài bảo vệ cho người dân sau khi ngài từ trần. Không thể nói nên lời, Thánh Bernardino chỉ gật đầu chấp thuận. Ngài từ trần với lời cầu khẩn danh thánh Đức Giêsu và Đức Maria.
Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh năm 1947.
Ðấng Cứu Thế Ðang Có Mặt
Ngày kia, có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở... Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải buông thả... Vị viện phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?
Sau khi nghe đức viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: "Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình". Vị tu sĩ Ấn Giáo mới giải thích như sau: "Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài".
Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: "Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài ngườỉ". Cả tu viện chỉ có tất cả không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng, ông vẫn tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn...
Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Ðôi mắt của mỗi người mở to ra và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Ðấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều ngưởi trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...
Nếu người người, ai ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không bao giờ có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người để không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong xã hộị
Chối bỏ Thiên Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của những xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng trà đạp con người....
Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa đến độ Ngài đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình mà thôi. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch: mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa....