01/07/17: THỨ BẢY TUẦN XII TN
Mt 8, 5-17
Ghi nhớ: ”Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời, là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8).
Suy niệm: Viên đại đội trưởng chỉ là người ngoại đạo, ông đã chứng tỏ niềm tin và lòng khiêm nhường tuyệt vời của ông, khi xin Chúa Giêsu chữa bệnh từ xa cho người tôi tớ của mình. Chúa khen ngợi ông có lòng tin mạnh mẽ. Chúa chỉ phán một lời, người tôi tớ lành bệnh. Chúa sẽ xét xử chúng ta theo niềm tin của chúng ta, chứ không theo danh nghĩa hay gốc gác của chúng ta. Điều nầy cảnh giác chúng ta đừng ỷ lại vào danh nghĩa, địa vị: là công giáo, tu sĩ, giáo sĩ mà tự mãn tưởng mình được cứu rỗi, nhưng phải nỗ lực sống niềm tin vào Chúa và phát triển niềm tin ấy trong suốt cuộc đời trần thế của mình.
Sống Lời Chúa: Hãy tin mãnh liệt thì phép lạ sẽ xảy ra.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Amen.
Chân Phước Junipero Serra (1713-1784) |
Miguel Jose Serra sinh ở đảo Majorca Tây Ban Nha, và lấy tên Junipero khi gia nhập Dòng Phanxicộ Ðược thụ phong linh mục năm 1737, ngài dạy triết thần ở Ðại Học Lulliana cho đến năm 1749 thì ngài chuyển sang công việc truyền giáo ở Tân Thế Giới và được gửi sang Mễ Tây Cơ.
Vào năm 1768, Cha Serra tiếp quản công cuộc truyền giáo của các linh mục dòng Tên (là những người đã bị chính quyền trục xuất cách sai lầm) trong tỉnh California Hạ và Thượng, lúc bấy giờ California là một tỉnh của Mễ Tây Cơ. Là một tông đồ hoạt động không biết mệt, Cha Serra trách nhiệm phần lớn cho việc thành lập và phát triển Giáo Hội ở vùng ven biển phía Tây của Hoa Kỳ khi phần đất này vẫn còn là khu vực truyền giáo.
Cuộc đời truyền giáo của Cha Junipero là một cuộc chiến chống với giá lạnh và đói khát, với các nhà lãnh đạo quân sự không có cảm tình và ngay cả bị nguy hiểm đến tính mạng vì những người da đỏ. Ðể duy trì tinh thần truyền giáo hăng say ấy, ngài cầu nguyện hàng đêm, có khi từ nửa đêm cho đến sáng.
Tổng cộng ngài đã sáng lập hai mươi mốt trung tâm truyền giáo và hoán cải hàng ngàn người da đỏ. Những người tân tòng không những được học biết đức tin mà còn được dạy bảo cách trồng trọt, chăn nuôi cũng như thủ công nghệ.
Vì sự lao nhọc trong việc tông đồ, ngài từ trần ngày 28 tháng Tám 1784. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1988.
Lời Bàn
Lời trung thực nhất để diễn tả về Chân Phước Junipero là sự nhiệt huyết. Tinh thần đó xuất phát từ sự cầu nguyện chân thành và ý chí bất khuất. Châm ngôn của ngài là "luôn luôn tiến bước, đừng bao giờ lùi".
Một Cách Trả Thù
Những người thổ dân Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng câu chuyện sau đây:
Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc trí hô lớn: "Ta đã trả thù được rồi".
Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: "Tôi cũng đã trả được thù rồi".
"Lấy ân trả oán": đó phải là phương châm hành động của người Kitô chúng ta. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Nói như thánh Phaolô, chúng ta không mắc nợ với nhau đều gì ngoài tình thương mến.
Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù, lấy bạo động để tiêu diệt bạo động: con người chỉ đổ thêm dầu vào hận thù và bạo động mà thôị
Cuộc cách mạng bạo động và đẫm máu nào cũng chỉ mang lại tang thương, chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy khổ đau khác.
Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được hận thù. Ðó là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận trong tâm hồn chúng tạ