Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Đức Thánh Cha kêu gọi bỏ thành kiến giữa Công Giáo - Tin Lành

Filled under:

VATICAN. ĐTC chào mừng Hội nghị về đề tài ”Luther 500 năm sau” và gọi đây là một sự kiện không thể có được cách đây ít lâu.

PopeFrancis-31Mar2017-01.jpg

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 31-3-2017, dành cho 150 học giả quốc tế tham dự Hội nghị do Ủy ban Tòa Thánh về khoa sử học tổ chức từ ngày 29-3-2017 về đề tài ”Luther 500 năm sau. Đọc lại cuộc cải cách của Luther trong bối cảnh lịch sử Giáo Hội”.

 Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói: ”Các tín hữu Tin Lành và Công Giáo cùng nói về Luther do sáng kiến của một cơ quan Tòa Thánh, một Hội nghị như vậy là điều không thể tưởng tượng được cách đây ít lâu: ở đây chúng ta động chạm một cách cụ thể những thành quả hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng vượt lên trên mọi biên giới và biến những xung đột thành cơ hội để tăng trưởng trong tình hiệp thông”.

 ĐTC vui mừng vì Hội nghị kỷ niệm này mang lại cơ hội cho các học giả đến từ nhiều tổ chức cùng nhìn các biến cố lịch sử, đào sâu về con người của Luther và sự phê bình của ông chống lại Giáo Hội thời ấy, cũng như chức vụ Giáo Hoàng, những điều ấy chắc chắn sẽ góp phần vượt thắng bầu không khí nghi kỵ và cạnh tranh nhau, đã kéo dài quá lâu trong tương quan giữa hai bên.   Theo ĐTC, ”sự nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc, không vướng thành kiến và bút chiến ý thức hệ, giúp các Giáo Hội đang đối thoại ngày nay, phân định và đón nhận những gì là tích cực và hợp pháp trong cuộc cải tổ, và xa tránh những sai lầm, phóng đại, thất bại, nhìn nhận những tội lỗi đã đưa tới chia rẽ”.

 Và ĐTC cũng khẳng định rằng ”Tất cả chúng ta đều biết là không thể thay đổi quá khứ, nhưng 50 năm sau cuộc đối thoại đại kết giữa Công Giáo và Tin lành, chúng ta có thể thực hiện một sự thanh tẩy ký ức, để có thể ”kể lại lịch sự một cách khác”, không mang vết tích oán hận vì những vết thương đã phải chịu, làm cho sự nhận xét về nhau bị lệch lạc”.

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Cha Bernard Ardura, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về khoa sử học, cho biết điều quan trọng nhất của Hội nghị này là xem xét coi khi đọc lại cuộc cải cách người ta có thể khám phá những điều hiểu lầm hay không. Ví dụ đạo lý về ơn công chính hóa mà Công Giáo và Tin Lành Luther đã đạt tới một sự đồng thuận, qua đó người ta hiểu rằng tuy có những ngôn từ khác, chúng ta có cùng một sự hiệp thông trong đức tin. Ngoài ra có những khía cạnh khác như sự cấu thành chính Giáo Hội, vai trò của thừa tác vụ trong Giáo Hội, sự kế truyền tông đồ, chỗ đứng của các bí tích. Đó là những vấn đề còn bỏ ngỏ. (SD 31-3-2017)




Đền thánh Đức Bà La Salette và phần còn lại trong cuộc đởi hai trẻ mục đồng

Sau khi được trông thấy Đức Mẹ hiện ra ngồi khóc và được Đức Mẹ ban sứ điệp ngày 19 tháng 9 năm 1946 tại La Salette, hai trẻ mục đồng Mélanie Calvat và Maximin Giraud đã kể lại cho hai ông chủ của các em là ông Baptiste Pra và ông Pierre Selme nghe chuyện đã xảy ra.
children-and-Our-Lady-of-La-Salette.jpg
Tiếp đến cậu Maximin Giraud bị ông thị trưởng Pierre Peytard hỏi cung ngày 21 tháng 9 năm 1846. Hai trẻ mục đồng cũng kể cho cha xứ Louis Perrin nghe. Cha xứ kể lại cho giáo dân nghe trong bài giảng thánh lễ và ngày mùng 4 tháng 10 cũng báo cho linh mục trưởng là  cha Pierre Mélin biết. Chuyện Đức Mẹ hiện ra lan chuyền nhanh trong xứ. Hai trẻ mục đồng đã bị nhiều linh mục hỏi cung sau đó: trong tháng 10 năm 1846 bởi cha Mathieu Cat, linh mục giáo phận. Vào tháng 2 năm sau tới phiên linh mục François Lagier một linh mục rất rành thổ ngữ địa phương. Ông Jean Maximin Giraud cha của Maximin là người không sống đạo đã hoán cải ngày mùng 8 tháng 11. Cuộc hành hương đầu tiên đã được tổ chức ngày 24 tháng 11 do chính hai trẻ mục đồng hướng dẫn. Ngày 16 tháng 4 năm 1847 hai em lại bị thẩm phán tỉnh Grenoble là ông Fréderic Joseph Long hỏi cung. Chính trong ngày này đã xảy ra phép lạ khỏi bệnh liên quan tới nữ tu Claire Peirron sống tại Avignon. Ngày 29 tháng 5 hai em lại bị cha Pierre Lambert hỏi cung.

Ngày 31 tháng 5 năm 1847 đã có 5.000 tín hữu tham dự cuộc hành hương và một cây thánh giá đã được dựng lên trên núi. Ngày 22 tháng 7 ĐC Clément Villecourt, Giám Mục La Rochelle, đi hành hương La Salette và hỏi cung Maximin và Mélanie. Ngày 15 tháng 8 lại xảy ra một vụ lành bệnh khác liên quan tới Mélanie Gamon sống tại Corps, nhưng phép lạ được giữ kín.

Ngày mùng 7 tháng 7 năm 1847 Đức Giám Mục giáo phận Grenoble xin các kinh sĩ Pierre Joseph Rousselot và André Berthier cả hai là giáo sư đại chủng viện Grenoble, hướng dẫn cuộc điều tra chi tiết về việc hiện ra  và biên soạn một bản tường đầy đủ. Bản tường trình hoàn tất ngày 15 tháng 10 năm 1847.

Vào tháng 11 năm 1847 Đức Giám Mục giao bản tường trình cho một uỷ ban điều tra gồm 16 chuyên viên, dưới sự hướng dẫn của Đức Giám Mục giáo phận, tất cả các vị đều là linh mục giáo phận: gồm các cha chính kinh sĩ, các cha sở linh mục trưởng, cha sở kiêm giám đốc đại chủng viện.

** Uỷ ban đã nhóm 8 phiên họp tất cả giữa tháng 11 và tháng 12 năm 1847. Trong hai phiên họp có sự hiện diện của Mélanie và Maximin, hai em đã bị hỏi cung rất lâu. Trong lần bỏ phiếu cuối cùng 12 trên tổng số 16 thành viên của uỷ ban ủng hộ tính cách đích thực của việc Đức Mẹ hiện ra. Ba trong 16 vị có các nghi ngờ liên quan tới vài yếu tố của việc hiện ra. Và một vị là cha Jean Pierre Cartellier chắc chắn rằng vụ hiện ra là giả.
  
Uỷ ban đã kết thúc việc điều tra, và chấp thuận bản tường trình. ĐGM giáo phận phải chờ đợi để chính thức công nhận việc hiện ra, lý do là vì giáo phận Grenoble thuôc giáo tỉnh Lyon, mà ĐHY Bonald, TGM Lyon lại ủng hộ lập trường của cha Cartellier.

Bản tường trình được linh mục kinh sĩ Pierre-Joseph Rousselot công bố ngày 26 tháng 6 năm 1848 và được gửi cho ĐGH Pio IX vào tháng 8 năm 1848. Các kết quả cuộc điều tra được Toà Thánh chấp nhận.

Ngày 19 tháng 9 năm 1851 ĐC Phillibert de Bruillard GM Grenoble công bố sắc lệnh viết : « Chúng tôi xét rằng việc Đức Bà hiện ra với hai trẻ mục đồng ngày 19 tháng 9 năm 1946 trên một ngọn núi thuộc dẫy Alpes, trong giáo xứ La Salette, tuỳ thuộc vùng Corps, mang theo trong chính nó tất cả các đặc tính của sự thật và các tín hữu đã xây dựng các lý do để tin vào sự hiện ra một cách không thể nghi ngờ được và chắc chắn ».

Sắc lệnh nhìn nhận của ĐGM Grenoble có tiếng vang rất lớn. Nhiều Giám Mục cho đọc sắc lệnh trong các giáo xứ thuộc giáo phận của mình. Báo chí thì chia ra làm hai phe phò và chống. Sắc lệnh cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và đặc biệt được đăng tải trên tờ Quan Sát Viên Roma của Toà Thánh số ra ngày mùng 4 tháng 6 năm 1852. Toà Giám Mục Grenoble đã nhận được nhiều thư chúc mừng. Nhưng kinh nghiệm và sự bén nhậy mục vụ của ĐC Phillibert không ngừng ờ đó. Ngày mùng 1 tháng 5 năm 1852 ĐC công bố một thư chính thức  trong đó ngài công bố quyết định xây đền thánh trên núi La Salette kính Đức Mẹ và thành lập một nhóm thừa sai giáo phận có tên gọi là « Các thừa sai của Đức Bà La Salette ». Nhưng ĐC thêm viết : « Đức Bà đã hiện ra tại La Salette cho toàn thế giới : ai có thể nghi ngờ được điều đó ? ». Tương lại đã xác nhận và vượt xa các chờ mong ấy. Người ta có thể nói rằng Mélanie và Maximin đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Ngày 19 tháng 9 năm 1855 ĐC Ginoulhiac, tân Giám Mục Grenoble bổ túc tình hình như sau : « Sứ mệnh của các em đã kết thúc, giờ đây bắt đầu sứ mệnh của  Giáo Hội ». Từ đó tới nay sau 170 năm đã có biết bao nhiêu tín hữu nam nữ tìm thấy trong sứ điệp của La Salette con đường hoán cải, việc đào sâu đức tin, năng động cho cuộc sống thường ngày, cũng như các lý do cho việc dấn thân với và trong Chúa Kitô trong việc phục vụ con người.

** Đền thánh Đức Bà La Salette nằm trên độ cao 1.800 mét, được xây theo kiểu tân roman, có các phòng ốc rộng rãi để tiếp đón tín hữu và du khách hành hương đến từ khắp nơi trong nước Pháp cũng như các nước Âu châu và trên thế giới. Đền thánh cách xa làng gần nhất 14 cây số. Vương cung thánh đường Đức Bà La Salette đã được bắt đầu năm 1852, hoàn thành năm 1865 và được tuyên bố là Tiểu vương cung thánh đường năm 1879. Đây là một nhà thờ rộng lớn, có kiểu kiến trúc khắc khổ với hai tháp chuông đồ sộ. Bên trong có hai hàng cột kiểu bisantin nâng đỡ mái vòm. Trên cung thánh có một bức khảm đá mầu mosaic diễn tả cảnh Đức Mẹ ngồi khóc, sứ điệp của Đức Mẹ và cảnh Đức Mẹ ra đi. Tiểu vương cung thánh đường cũng bao gồm một viện bảo tàng nhỏ kể lại lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại La Salette. Bên ngoài vương cung thánh đường tín hữu hành hương có thể theo một lối đi có trang hoàng các tượng bằng đồng dẫn tới nơi Đức Mẹ đã hiện ra, nơi từ năm 1861 tới 1879 đền thánh đã được xây cất.

Thánh giá La Salette là Thánh Giá Đức Mẹ đeo trên cổ theo lời kể của Maximin và Mélanie. Giữa cánh ngang của Thánh Giá có một cái búa và các kìm, dưới chân Thánh Giá có một chiếc sọ với hai xương ống chân chéo nhau. Chiếc búa tượng trưng cho kẻ tội lỗi đóng đanh Chúa Giêsu vào thập giá với các tội lỗi của mình. Các chiếc kìm biểu tượng cho các kitô hữu tìm cách nhổ các đinh của thập giá qua cuộc sống thánh thiện và lòng trung thành với Chúa. Chiếc sọ với các xương ống chân chéo nhau diễn tả cái chết không thể tránh được đối với con người, nhằm nhắc nhớ sự cấp thiết của ơn cứu độ.

Toàn đền thánh Đức Bà La Salette được giáo phận Grenoble giao cho Hiệp hội hành hương La Salette trông coi. Các Thừa sai và các nữ tu Đức Bà La Salette bảo đảm việc linh hoạt và tổ chức các chương trình cho tín hữu hành hương với sự cộng tác của các linh mục tuyên uý, giáo phận và dòng tu cũng như các nữ tu và giáo dân. Có nhiều sinh hoạt khác nhau : đọc Lời Chúa, chia sẻ về một đề tài xác định, các cuộc họp và gặp gỡ với các tuyên uý, các cuộc triển lãm về truyền giáo và ơn gọi, việc cộng tác với các nhóm khác nhau, việc tiếp đón các trẻ em vv… Ngày sống tại đền thánh đập nhịp với việc cử hành bí tích Thánh Thể, kinh thần vụ, các buổi canh thức cầu nguyện, các cuộc rước kiệu, lần hạt Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá cũng như các lúc thinh lặng cầu nguyện mà tín hữu hành hương luôn luôn có thể làm trên các sườn núi hay trong các nhà nguyện dành riêng cho việc này.

**  Ba năm sau biến cố được trông thấy Đức Mẹ hiện ra Maximin mất người em cùng cha khác mẹ, mẹ kế là bà Marie Court và cha là ông Germain Giraud. Maximin được giao cho người cậu Templier nuôi. Tại trường học chú bé không tiến triển được bao nhiêu. Nữ tu bề trên Tecla gọi chú là « thằng bé động đậy trọn đời ». Một nguời tự xưng là con của vua Louis XVI muốn lợi dụng Maximin cho các mưu toan chính trị của ông. Mặc dù cha sở Corps và ĐGM Grenoble cấm, những người này dẫn Maximin tới Ars để gặp cha sở Jean Marie Vianney. Tuy không thích ở với các nhân vật này, nhưng Maximin lợi dụng dịp tốt để chu du đó đây một chút. Họ được cha phó là Raymond tiếp đón. Nhưng cha Raymond lập tức nói vụ hiện ra tại La Salette là lừa đảo và Maximin là đứa bé nói dối. Sáng ngày 25 tháng 9 năm 1850 Maximin gặp cha Vianney hai lần. Kết quả là trong vài năm sau đó cha Vianney không ngừng nghi ngờ và khổ đau. Còn Maximin thì lang thang hết nơi này nơi khác : từ Tiểu chủng viện Grenoble tới Roma, từ trường Tonerre cho tới Petit Jouy gần Versailles và Paris. Sau đó anh làm việc trong một nhà hưu dưỡng, rồi là sinh viên y khoa thi rớt, làm việc trong một tiệm bán thuốc tây, đầu quân trong đội lính của Toà Thánh, rồi bỏ ngang trở về Paris. Anh tranh luận với báo Đời sống Paris khi nhật báo này chỉ trích  biến cố Đức Mẹ hiện ra tại  La Salette. Năm 1866 anh phát hành cuốn sách nhỏ « Lời thú nhận đức tin của tôi vào sự hiện ra của Đức Bà La Salette ». Tiếp đến anh cũng hợp tác với một người buôn rượu mạnh lợi dụng danh tiếng của anh để buôn bán. Trong chiến tranh năm 1870 Maximin đầu quân tại Grenobe và sau cùng trở về Corps và sống nghèo cùng với hai ông bà ân nhân Jourdain. Tháng 9 năm 1874 anh lên đền thánh Đức Bà và kể lại cho tín hữu nghe biến cố Đức Mẹ hiện ra hồi năm 1846. Ngày mùng 2 tháng hai năm 1875 anh đến nhà thờ giáo xứ lần cuối. Ngày mùng 1 tháng 3 cùng năm anh nhận của ăn đàng, và qua đời năm phút sau đó khi chưa đầy 40 tuổi. Ước muốn cuối cùng anh viết trong di chúc là dâng trái tim cho Đức Bà La Salette. « Tôi tin vững vàng cả với giá máu của tôi vào việc hiện ra của Đức Rất Thánh Trinh Nữ trên núi thánh La Salette ngày 19 tháng 9 năm 1846 : việc hiện ra mà tôi đã bênh vực với lời nói, viết và khổ đau… với các tâm tình này tôi xin dâng quả tim tôi cho Đức Bà La Salette ». Xác anh nghỉ yên trong nghĩa trang làng Corps, nhưng quả tim của anh được giữ trong vương cung thánh đường cạnh giàn đại phong cầm.

** Còn chị Mélanie thì gia nhập dòng Chúa Quan Phòng ở Corps, là thỉnh sinh, rồi tập sinh, được mọi người chú ý và thăm viếng. Nhưng ĐGM Grenoble không cho khấn để tập cho chị biết sống khiêm nhường và đơn sơ. Rất tiếc chị nghe lời những người bất an và bệnh hoạn thấm nhuần các lời tiên tri dân gian và các lý thuyết giả thần bí và khải huyền. Chị nói và viết những điều không đúng với các lời Đức Mẹ đã nói tại La Salette, nhưng chỉ diễn tả các tước đoạt phải chịu thời thơ ấu. Ngay từ năm 1854 ĐC Ginoulhiac đã viết : « Các lời tiên đoán được gán cho chị Mélanie không có nền tảng, không quan trọng liên quan tới Sự Kiện của La Salette… chúng sau Sự Kiện ấy và không liên quan gì tới nó ». Rất tiếc chị Mélanie đã tiếp tục phổ biến các lời tiên trị của mình, được ông León Bloy giàn dựng và tạo ra cả một trào lưu Mélanie, nhưng chỉ là các khẳng định riêng của chị, không liên quan gì tới biến cố La Salette và sự thật đức tin của Giáo Hội. Năm 1851 một linh mục người Anh đem chị sang Anh quốc, chị gia nhập dòng kín Cát Minh Darlington, nhưng ra khỏi dòng năm 1860. Sau đó chị thử gia nhập dòng các nữ tu Thương xót Marseille, sống trong nhà của dòng bên Hy Lạp, rồi dòng Cát Minh Marseille. Tiếp đến chị sang Italia sống tại Castellammare Sabbia gần Napoli trong vòng 17 năm, viết các bí mật và một luật dòng mà chị muốn thành lập. Toà Thánh khuyến cáo Giám Mục sở tại cấm không cho các loại in ấn này lưu hành. Chị tiếp tục tìm kiếm các đồng minh cho phép in ấn các tài liệu của mình. Sau một thời gian lang thang bên Pháp năm 1892 chị trở về Italia sống tại Lecce và viết một cuốn sách tự thuật được tiểu thuyết hoá và chứa đựng các điều thần bí giả, các bóng ma và aỏ tưởng của các người chị tiếp xúc, chứ không liên quan gì tới biến cố La Salette. Sau cùng chị sống tại Altamura tỉnh Bari nam Italia, và qua đời tại đây ngày 14 tháng 12 năm 1940.

TMH 522

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 31.03.2017)
 (G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 31.03.2017)