Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Suy niệm CN II Phục Sinh

Filled under:

NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
MÙA PHỤC SINH
(CN II M. PHỤC SINH – CN LỄ T.CHÚA BA NGÔI 22.May.2016)

        Chúa Nhật thứ II Mùa Phục Sinh, càng thêm mừng vui trong việc hưởng ứng ý nguyện của Giáo Hoàng Phanxicô, muốn dâng trọn năm Phụng Vụ này (từ Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8.Dec.2015 - đến Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ 20.Nov.2016), là Năm Thánh tôn vinh ‘Lòng Thiên Chúa Thương Xót’. Đón nhận Năm Thánh bằng cách: Sống cảm nghiệm Lòng Thương Xót, và nhiệt tình đáp trả lại Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa dành cho toàn nhân loại, cũng như cho mỗi người, và cho đến muôn đời. Chia sẻ Lòng Thương Xót đến với tất cả Anh Chị Em của mình. Trở về với Thiên Chúa, trong hân hoan vui mừng, chăm lo làm việc bác ái với tấm lòng quảng đại. Allelluia – Allelluia ./-
        Thân gửi QUÝ VỊ và QUÝ BẠN,
-Suy Niệm Phúc Âm CN II M. PHỤC SINH C
        * Bình an cho anh em.
        Bài Phúc Âm Thánh Gioan, thuật lại sau khi Chúa Giêsu đã sống lại, Người hiện ra với các tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông. Người ban ơn bình an, ban Chúa Thánh Thần, ban phép tha tội, ban phúc thật cho những ai có lòng tin … dường như Người dốc hết Lòng Thương Xót để trao ban, trước là cho các tông đồ, sau là cho hết mọi người có điều kiện đón nhận.  (Kính mời đọc Phúc Âm)./-
        Thân mến, vh.
Sunday, 3.Apr.2016

CN II  MÙA PHỤC SINH C  (Ga 20,19-31)
(Kính LÒNG THƯƠNG XÓT)

1. Bài Đọc
        “Tối hôm ấy là hôm đầu tuần, các cửa nhà môn đệ đang họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái. Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa các ông. Người phán với các ông: ‘Bình an cho anh em’. Nói thế rồi Chúa Giêsu đưa tay vào bên hông (1) cho họ thấy. Trông thấy Chúa Giêsu, các môn đệ đều vui mừng; Chúa Giêsu lại phán một lần nữa: ‘Bình an cho anh em. Như Đức Chúa Cha đã gửi Thầy đến, thì Thầy cũng sai anh em đi’. Nói xong, Chúa Giêsu lại thổi hơi (2) trên các ông và phán: ‘Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Anh em giữ tội của ai, thì tội người ấy bị giữ’.
        “Tôma là một trong số mười hai Tông Đồ, có tên là Điđymmô, không ở với các bạn khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác mới nói với ông: ‘Chúng tôi đã thấy Thầy’. Nhưng ông nói lại: ‘Nếu tôi không thấy trên bàn tay Người dấu đinh thương; và nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào dấu đinh, không đặt bàn tay tôi bên hông Người, thì tôi không tin’.
        “Tám ngày sau, các môn đệ lại cùng nhau ở trong nhà một lần nữa, có Tôma ở với họ. Tất cả các cửa đều đóng, Chúa Giêsu hiện đến và đứng giữa. Người phán: ‘Bình an cho anh em’, rồi Chúa Giêsu bảo Tôma: ‘Đặt ngón tay vào đây, bàn tay Thầy đây này; đưa tay anh ra, đặt vào bên hông Thầy, đừng nghi ngờ gì nữa (3). Hãy tin đi’. Tôma thưa lại: ‘Lạy Thiên Chúa tôi (4) và là Chúa Trời tôi!’. Chúa Giêsu lại nói: ‘Tôma, vì anh thấy Thầy nên anh tin. Phúc cho ai không thấy mà tin’ (5).
        “Chúa Giêsu còn làm trước mặt các môn đệ nhiều phép lạ khác, không kể lại trong sách này. Viết mấy điều như trên để anh em (6) tin Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế, Con Thiên Chúa, và có tin thì được sinh sống trong danh Người”.

2. Chú Thích
        (1) Đưa tay vào bên hông: Có dấu thương tích.
        (2) Thổi hơi: Một nghi thức của người Do Thái, có ý nghĩa cầu chúc Thiên Chúa ban ơn.
        (3) Nghi ngờ: Không chịu tin.
        (4) Lạy Thiên Chúa tôi: Kiểu nói Tây Phương, khi gọi ai vẫn gọi là của tôi.
        (5) Không thấy mà tin: Thấy mà tin, là hiểu biết và tin theo khoa học thực nghiệm đối tượng là vật chất hữu hình, do giác quan cho biết, có thể cân đong đo đếm được. Không thấy mà tin, là do suy tư lý luận để có hiểu biết đưa đến xác tín tin chắc, về đối tượng thuộc lãnh vực tinh thần, thiêng liêng, siêu nhiên.
        (6) Anh em: Các ngài, các bạn độc giả.

3. Suy Niệm
        (1) Khi nghe câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Tôma, thì càng thấy Chúa Giêsu nhân từ vô cùng. Đối với người môn đệ không chịu tin như anh em, Chúa Giêsu cũng chiều theo lời họ đòi hỏi để cho họ tin. Chúa Giêsu không trách họ cứng lòng. Có khi Chúa Giêsu cũng chấp nhận họ có lý, không vội tin dễ dàng. Biết đâu mấy người môn đệ kia, đương lúc hoảng hốt lo sợ, lấy bóng làm thực chăng. Có khi chỉ vì tâm lý mong mỏi ước ao mạnh mẽ, có thể tưởng như mình nghe thấy. Nhưng không phải chỉ một hai người, để nói vì tâm trạng cá nhân; đây là tất cả mọi người trong phòng đều nghe thấy như nhau. Biết đâu không phải vì mọi người ấy đương cùng một tâm trạng với nhau. Hay là ma quỷ lấy hình giả dối để lừa gạt. Hoặc là có ai làm tà thuật thế nào chăng. Thánh Tôma có quyền hoài nghi. Chúa Giêsu không trách. Nhưng khi Chúa Giêsu hiện ra lần sau, không có một lời nào trách mấy người dễ tin kia, hay là tin vội vàng. Rõ ràng Chúa Giêsu rất nhân từ. Ai dễ tin hay khó tin, Chúa Giêsu biết khả năng lý trí, ý hướng và tâm tình của mỗi người. Nếu không cẩn thận, lại vì lười biếng vội vàng, người lớn mà làm như trẻ con, có học mà làm như vô học, mới là điều đáng trách. Trong số mấy người môn đệ kia, có ai như thế chăng, Chúa Giêsu trách riêng người đó. Chúa Giêsu không trách chung, không muốn để cho người ta hiểu lầm giữa người này với người khác.

        (2) Trong lời Chúa Giêsu phán với Thánh Tôma, có thể hiểu tin có hai cách: MỘT là tin vì các giác quan nhận được cảm giác. HAI là sau khi nhận cảm giác, thì lý trí suy tư lý luận rồi mới tin; nếu chỉ tin theo giác quan, thì chưa sống hoàn toàn như con người. Vẫn hay con vật chỉ sống theo bản năng mà phản ứng, không thể nói đúng nghĩa nó có biết và có tin. Hay là nói rộng nghĩa, nó chỉ biết và tin theo cảm giác. Theo nghĩa sau, lại giống như con vật, vì lý trí và tâm tình của mình chưa thêm gì vào cảm giác. Phương chi, nếu chỉ theo cảm giác, có thể sai lầm. Ngoài những trường hợp vừa nghĩ đến như trên, lại còn có những lúc giác quan không được lành mạnh, mắt thấy không đúng hình hài màu sắc, tai nghe không đúng âm thanh, mũi và lưỡi không nhận đúng mùi vị, làm da động chạm lấy nóng làm lạnh, lấy cứng làm mềm. Tin như thế, chưa thuộc về con người, thì chưa thuộc về tinh thần và tôn giáo. Những người đòi hỏi có thấy mới tin, có thể đương còn trong lãnh vực khoa học vật chất, gọi là khoa học thực nghiệm. Đòi hỏi như thế trong lãnh vực tinh thần tôn giáo là phi lý hay lạc đường. Theo lời Thánh Tôma, thì hiểu là ngài không đòi có trông thấy và động chạm đến Chúa Giêsu mới tin Chúa Giêsu sống lại, nhưng có ý nói mới tin anh em đã trông thấy Chúa Giêsu.

        (3) Đến khi Thánh Tôma được trông thấy rõ ràng Chúa Giêsu với hai mắt của cơ thể, Phúc Âm không nói ngài cũng đưa hai tay thí nghiệm như ngài đã đòi hỏi, và Chúa Giêsu đã truyền. Thánh Tôma không cần làm việc đó, nhưng đã nói lên lòng tin của mình. Với cảm giác, ngài đã dùng lý trí để suy nghĩ lý luận. Một vị không hiện diện đã biết hết mình nói gì, lại chiều mình mà đến với mình như thế, thì đâu phải là người. Thực đúng như những lời mình đã nghe nói nhiều lần trước kia. Chúa Giêsu đã sống lại, Chúa Giêsu vẫn siêu phàm, Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Đây là cách tin thứ hai của con người, phù hợp với tinh thần và tôn giáo. Chúa Giêsu phán một câu vắn tắt, cần phải hiểu, trước là Người chê Thánh Tôma có thấy mới tin. Sau là khen Thánh Tôma đã chịu suy nghĩ lý luận, chứ không tin dễ dàng hay vội vàng theo cảm giác. Cũng là lời Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ với mọi người, ai không đòi hỏi cho được trông thấy với giác quan, nhưng chỉ vì trông thấy với lý trí, mới là người có phúc đáng khen. Tác giả Phúc Âm lại thêm một câu. Dường như muốn nói: Chúa Giêsu biết thế, nhưng Chúa Giêsu rất nhân từ, chiều đủ hạng người, còn cho có nhiều phép lạ, không phải để cho người ta cứ theo đó mà tin, nhưng xem đó là cơ hội thúc đẩy mình suy nghĩ, học hỏi để tin cho xác đáng vững vàng./-
                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy