Ngày 15/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức phê chuẩn vắc-xin sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới.
Theo Time, không giống với sốt rét, hiện chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết, chứng bệnh có thể gây buồn nôn, đau nhức xương, đau đầu, phát ban, xuất huyết và thậm chí tử vong.
Virút gây bệnh sốt xuất huyết có thể tồn tại tới 10 ngày. Mỗi năm có khoảng 390 triệu người bị sốt xuất huyết tại 120 quốc gia, đặc biệt ở Đông Nam Á, châu Mỹ Latin và châu Phi.
Loại vắc-xin sốt xuất huyết mới được WHO phê chuẩn có tên là Dengvaxia. Đây là thành tựu sau hai thập kỷ nghiên cứu của công ty dược Sanofi Pasteur có trụ sở tại Pháp.
Trước đó, vắc-xin này đã được nghiên cứu và phát triển suốt 20 năm với kinh phí lên tới 1,5 tỉ euro (tương đương 1,65 tỉ đô la Mỹ), bao gồm cả khoản đầu tư cho sản xuất, cũng như chờ đợi sự phê chuẩn của ít nhất 19 nước. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, công ty này sẽ bắt đầu thu về 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm từ năm 2018 hoặc 2019. Còn theo ước tính của trang Bloomberg, với đối tượng tiêm từ 9-45 tuổi sống ở những vùng có nguy cơ cao, doanh thu của vắc-xin này sẽ lên tới 1,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.
Theo Sanofi Pasteur, Dengvaxia có hiệu quả tới 70% ở những người đã phơi nhiễm trước đó với virút gây sốt xuất huyết và hiệu quả ngăn chặn bệnh diễn biến trầm trọng đạt từ 90-95%.
Vắc-xin có khả năng phòng được cả 4 thể của vi rút sốt xuất huyết hi vọng sẽ được công nhận trong vài tuần tới ở nhiều nước châu Mỹ, châu Á, nơi có tới 2 tỉ dân đang phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh.
Trên thực tế, tới nay 4 quốc gia gồm Mexico, Brazil, El Salvador và Philippines đã được cấp phép sản xuất vắc-xin Dengvaxia.
Tuy nhiên, việc phê chuẩn của WHO với loại vắc-xin này ngày 15/4 sẽ thúc đẩy các quốc gia đang phát triển khác quan tâm hơn tới vắc-xin Dengvaxia. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa đang khiến ngày càng nhiều người bị nhiễm căn bệnh do muỗi truyền này.
Vắc-xin Dengvaxia được tiêm với ba mũi chia cách nhau trong thời gian một năm. Đây là loại vắc-xin được bào chế dùng cho những người trong độ tuổi từ 9-45 tuổi, và ưu tiên sử dụng ở những nơi có dịch bùng phát. Điều này có nghĩa là vắc xin này không chấp thuận để tiêm trẻ em, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Loại vắc-xin này cũng phù hợp nhất với những người ở các khu vực đặc thù và không dùng cho những người di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong thời gian ngắn.
Theo Tuổi Trẻ
Cách xử lý vết thương khi bị chó cắn
Bị chó cắn là một tai nạn khá phổ biến, rất nguy hiểm, rất dễ gặp phải đặc biệt đối với trẻ nhỏ do rất khó phòng tránh, đã có rất nhiều trường hợp người bị chó cắn đã bị tử vong do không được sơ cứu và điều trị phù hợp.
Chính vì vậy việc tìm hiểu cách xử trí vết thương khi bị chó cắn đóng một vai trò rất quan trọng, nó sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh và chủ động xử lý hiệu quả.
Cách sơ cứu vết thương khi bị chó cắn
Cách ly nạn nhân với con chó đã cắn
Để tiến hành sơ cứu cho nạn nhân bị chó cắn, bạn cần cách ly nạn nhân với con chó đã cắn, để tránh trường hợp theo thói quen quán tính nó sẽ cắn tiếp đối với nạn nhân và người sơ cứu.
Bạn cũng cần lưu ý không nên cố gắng bắt giữ con chó ngay lúc đó vì sẽ rất nguy hiểm, cũng không nên giết con chó ngay vì phải để theo dõi trong 7-15 ngày nhằm có thêm thông tin hỗ trợ tích cực cho việc điều trị.
Tốt nhất sau khi con chó cắn nạn nhân bớt hung dữ bạn tìm cách bắt nó nhốt lại để theo dõi nhé bởi tình trạng sức khỏe của con chó đã cắn sẽ có tác động rất lớn đến tiến trình điều trị vết thương và sức khỏe của nạn nhân.
Giữ trạng thái bình tĩnh để sơ cứu vết thương bị chó cắn
Cần giữ được sự bình tĩnh đối với cả nạn nhân bị chó cắn và người sơ cứu cho dù tình hình thế nào để việc sơ cứu và xử lý những bước tiếp theo đạt hiệu quả.
Các bước sơ cứu vết thương khi bị chó cắn
– Làm sạch vết thương
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất sơ cứu vết thương khi bị chó cắn. Bạn nên dùng bông tiệt trùng để rửa nhẹ nhàng vết thương dưới vòi nước chảy cùng với xà phòng diệt khuẩn nhằm loại bỏ tất cả mầm bệnh, tuyệt đối không chà xát mạnh làm tổn thương nghiêm trọng hơn.
– Sát trùng kỹ vết thương
Sau khi rửa sạch vết thương, dùng bông lau khô, bạn dùng cồn, nước muối pha loãng hoặc oxy già để sát trùng vết thương, loại bỏ vi khuẩn hiệu quả. Chỉ dùng một lượng vừa đủ cho lên vết thương, vừa đổ vừa thổi nhẹ để nạn nhân không bị xót.
Nếu vết thương chảy máu trong vòng 10 -15 phút sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương bạn không nên cầm máu, chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy. Lúc này bạn nên đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế, chờ trong vòng 7 phút nếu máu vẫn tiếp tục ra nhiều đặt thêm vài miếng gạc lên nữa lên trên. Chú ý không gỡ miếng gạc trước đó vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn. Và chờ cho đến khi máu ngừng chảy thì băng lại vết thương.
Trong trường hợp nếu vết thương sâu và trẻ bị ra nhiều máu, máu phun thành tia bạn dùng dây thun để garô xung quanh vết thương và chi. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh mất quá nhiều máu.
– Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế
Để được theo dõi và điều trị kịp thời. Vết thương do chó cắn (không phân biệt chó nhà hay chó dại) cần được theo dõi cẩn thận tại cơ sở y tế ít nhất là 48 giờ.
– Tiêm phòng cho nạn nhân
Nạn nhân bị chó cắn cần được tiêm phòng uốn ván và tiêm phòng dại để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác, tuy nhiên bạn cần theo dõi con chó cẩn thận kết hợp hói ý kiến bác sỹ, nếu trong 15 ngày con chó bỏ ăn, mất tích, chết hoặc bị giết, bán mổ thì cần tiêm phòng ngay cho nạn nhân và có tiến trình điều trị phù hợp để nạn nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe và tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm sau này.
Nếu sau 15 ngày con chó vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường thì không nhất thiết phải tiêm phòng do vắc xin phòng dại sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe nạn nhân. Tuy nhiên về vấn đề này bạn nên hỏi kỹ ý kiến bác sỹ.
Bị chó cắn đặc biệt là chó dại sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân nếu chúng ta không biết cách xử lý phù hợp, hiệu quả, cách xử trí vết thương khi bị chó cắn trên đây sẽ giúp bạn chủ động xử lý khi người thân hay bất kỳ ai bị chó cắn, có như thế mới có thể tránh được những biến chứng nguy hiểm đối với nạn nhân đặc biệt là những nơi xa cơ sở y tế.
Giữ bình tĩnh, tiến hành sơ cứu cẩn thận, từng bước một theo hướng dẫn trên đây sẽ góp phần loại trừ được những tình huống xấu có thể xảy ra. Chúc bạn áp dụng thành công nhé!
Rau thịt nhiễm hóa chất: Ai là người chết trước?
Hàng ngày, người tiêu dùng thường xuyên lo lắng cho sức khỏe vì vấn đề an toàn thực phẩm. Người ăn hay người sản xuất thực phẩm bẩn sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng hơn?
Tình trạng thực phẩm bẩn, ô nhiễm nguồn nước, không khí luôn là mối lo ngại của nhiều người. Hơn thế, mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Để tăng thêm lợi nhuận, nhiều nông dân đã “hào phóng” khi sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại cho rau quả, với mục đích rút ngắn thời gian sinh trưởng, kéo dài độ tươi ngon của chúng. Nên mới có những câu chuyện kiểu như:
“Ông trồng chè khoe với bạn là họ đang uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán.
Bà bán rau cũng hân hoan nói với gia đình là người nhà được ăn rau ở khu trồng sạch, khu phun nhiều thuốc là để bán; ông bán thịt lợn cũng vậy…”
Nhưng xét cho cùng ai mới là người bị ảnh hưởng nhiều nhất đây. Tiến sĩ Vũ Thu Hương (tốt nghiệp chuyên ngành Địa lý tự nhiên tại ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích để thấy mối quan ngại về vấn đề này.
Gậy ông đập lưng ông
Thực tế, người trồng rau và gia đình họ là tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Hóa chất “tắm” lên rau củ, rơi xuống đất, ngấm vào nước và phát tán trong không khí, vì vậy, rau ngấm thuốc không quá nhiều. Với nguồn nước ngầm bị nhiễm độc, thói quen dùng nước giếng sinh hoạt, rửa rau, vo gạo ở ao, ở bến sông,… khả năng chính họ bị nhiễm độc cao hơn gấp nhiều lần người ăn rau.
Hóa chất bay ào ào trong không khí, những người dân sống tại đây phải hít trọn vẹn hoặc một phần rất nguy hiểm. Người phun thuốc chính là nạn nhân chịu ảnh hưởng từ hóa nhất nhiều nhất, chưa kể ruộng rau không “tắm” hóa chất lân cận cũng hứng trọn không khí độc hại này. Nếu rau khi thu hoạch không được rửa sạch thì cũng tương tự với ruộng rau được phun thuốc trực tiếp.
Còn hóa chất trên rau được bán ra thị trường thì sao? Lượng hóa chất đó sẽ bay dần theo thời gian. Nếu thời gian ngắn, hóa chất sẽ đọng lại trên rau. Tuy nhiên, sau khi được rửa sạch, hóa chất bị nước cuốn trôi khá nhiều. Đặc biệt, ta không cần tác động thêm thì hóa chất cũng bay ra khỏi rau. Vì thế, nếu rau rửa thật sạch, vẩy khô nước, gói lại để đến hôm sau tiếp tục sơ chế thêm rồi mới nấu ăn thì lượng hóa chất trên rau đã biến mất đến 90%.
Người nông dân có thể trồng riêng cho gia đình một ruộng rau sạch với hi vọng được ăn rau an toàn. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, hóa chất bay khắp nơi cũng sẽ ngấm vào nước ăn, vào đồ đạc họ dùng, thóc lúa phơi ngoài sân và cả những cây rau họ trồng riêng cho gia đình.
Đây cũng là nguyên nhân khiến người nông dân, hàng xóm của họ sinh bệnh tật. Như vậy, có chắc người mua rau bị ảnh hưởng hay chính những người trồng rau bị ngộ độc?
Mà người trồng rau không thể chỉ ăn rau, người nuôi lợn không thể chỉ ăn thịt quanh năm. Nếu cứ cho suy nghĩ an toàn cho riêng mình cũng đâu có được, chúng ta sống trong một quần thể xã hội luôn có sự tương tác lẫn nhau.
Điều đáng lo lắng nhất chính là việc người bán bôi thuốc trực tiếp lên thực phẩm hay cho chất lạ vào nồi canh, thức ăn ở các quán ăn sẵn. Vì vậy, hãy hạn chế tối đa việc ăn hàng, mua thực phẩm về rửa sạch sẽ giảm khả năng nhiễm độc xuống nhiều lần.
Thịt thường được khuyến cáo là không nên rửa. Nhưng theo quan sát tại một số chợ tại Hà Nội, có hiện tượng người bán sử dụng loại hóa chất không rõ nguồn gốc bôi lên thịt. Do đó, việc ngâm rửa lại giúp loại bỏ phần nào được các mối nguy.
Ngoài rau, thịt sử dụng hóa chất thì không khí cũng là vấn đề rất đáng lo. Ở các thành phố, ô tô, xe máy, lò than tổ ong, các nhà máy, thải ra các loại hóa chất độc hại như SO2, NO2,…. Đứng tại một cây cầu nào đó bắc qua sông Hồng nhìn về Hà Nội, chúng ta sẽ thấy bầu khí quyển khu vực này có tầng bụi màu trắng đục, cao khoảng 20-30 m, bay lơ lửng trên không.
Còn ở các vùng quê, các hóa chất sử dụng trong nông nghiệp làm hỏng bầu khí quyển vốn nổi tiếng là trong lành. Giờ đây, người ta không còn dám chắc rằng không khí ở tất cả các địa phương hết thảy đều trong lành.
Về nguồn nước, nước ngầm cũng đang bị nhiễm bẩn. Ở các thành phố lớn, chúng ta có thể rửa rau, nấu cơm và đun nước uống bằng nước máy nhưng nhiều nơi vẫn sử dụng nước giếng hoặc giếng khoan.
Với rác thải, con người cho phép bản thân và người quen ném rác vô tội vạ ra khắp nơi, hành động này là tự giết mình và gia đình. Rác thải thực phẩm sẽ phân hủy, trong quá trình này sẽ sản sinh ra chất độc, vi khuẩn gây bệnh từ đó cũng được phát tán.
Theo Zing