Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 24/4/2016

Filled under:


DI CHÚC TÌNH YÊU
“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)
Suy niệm: Chúa Giê-su sắp bước vào cuộc khổ nạn, Ngài để lại cho các môn đệ lời dạy cuối cùng: di chúc tình yêu! Thật quá rõ ràng, mối quan tâm ưu tiên số một của Thầy Giê-su là: các học trò biết yêu thương nhau cách vô điều kiện, yêu thương nhau hết mình và phục vụ nhau hết tình, theo khuôn mẫu: “như Thầy đã yêu thương”. Yêu thương là dấu hiệu duy nhất để mọi người nhận ra ai là môn đệ của Đức Giê-su. Cũng như người cha người mẹ luôn ước mong điều tốt đẹp cho con cái, nhưng điều cốt lõi vẫn là con cái biết thương yêu đùm bọc nhau. Thầy chúng ta cũng muốn các môn đệ của Ngài biết tìm thấy hạnh phúc khi sống hiến thân vì tha nhân, chứ không tìm cách để thỏa mãn lòng tham lam hưởng thụ ích kỷ của mình.
Mời Bạn: Bạn và tôi vẫn biết ‘yêu thương’ luôn là đề tài hấp dẫn, luôn mang tính thời sự, nhưng đồng thời cũng là từ ngữ dễ bị lạm dụng nhất. Chúng ta, những học trò của thầy Giê-su có sống được đề tài này không, hay cũng chỉ mang ra để bàn luận, thậm chí còn lợi dụng lòng yêu thương của người khác?
Chia sẻ: Theo bạn tiêu chí đánh giá một xứ đạo là gì: có nhà thờ to? có đoàn thể rầm rộ? có kinh kiệu rình rang?... hay là một xứ đạo trong đó mọi người biết quan tâm, yêu thương và phục vụ lẫn nhau?
Sống Lời Chúa: Không chỉ nói lời yêu thương suông mà còn thực hành yêu thương bằng hành động cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, Thầy không dạy con điều gì khác ngoài luật yêu thương, xin cho con luôn biết thực hành bài học này cách quảng đại, để xứng đáng là môn sinh của Thầy

THÁNH FIĐÊLÊ SIGMARINGA,TỬ ĐẠO
(1577-1622)
Thánh Fiđêlê Sigmaringa tên thật là Marc Rey con một gia đình rất đạo đức; ngài sinh năm 1577 tại tỉnh Sigmaringa, một thành phố chính của miền Hohenzollern. Sau khi qua ban trung học, Máccô được gửi tới Frigbourg học triết và lấy chứng chỉ đại học. Vì có đức khôn ngoan và nếp sống mẫu mực, nên mọi người đã tặng cho Máccô biệt hiệu là "triết gia Công giáo". Tuy mải mê với công việc đèn sách, nhưng Máccô vẫn không quên giữ nếp sống nhiệm nhặt, khắc khổ. Chính nhờ đấy Máccô mới có thể thắng vượt dễ dàng được những tình dục hỗn loạn sớm nẩy nở trong tâm hồn một người thanh niên mới lớn lên.
Được chỉ định làm hộ úy cho ba hoàng tử muốn du lịch Âu châu, Máccô vui lòng nhận chức vụ mới với điều kiện là họ phải để cho mình thời giờ làm các việc đạo đức và coi mình như một người cha, một người bạn hơn là một nhà dìu dắt. Cuộc du hành đó kéo dài trong sáu năm và cả ba hoàng tử đều làm chứng rằng Máccô luôn luôn trung thành với những quyết định: treo gương sáng cho mọi người, chăm lo săn sóc các bệnh nhân tại các nhà thương, năng lui tới các nhà thờ, và hằng làm phúc cho các người nghèo khó ngay đến cả tấm áo mặc hằng ngày của mình.
Sau cuộc du hành, Máccô đến Dilligen chuyên học luật để làm nghề trạng sư. Nhưng chẳng được bao lâu, vì sợ khó giữ đức công bằng, Máccô bỏ không theo học luật nữa, đồng thời được ơn Chúa thúc đẩy, ngài quyết bỏ trần tục và chọn dòng thánh Phanxicô, một lý tưởng tu trì mà ngài cho là có thể dung hoà được cả đời sống hoạt động và chiêm niệm. Nhưng trước khi nhập dòng, ngài khao khát được chịu chức thánh để có thể dâng thánh lễ mỗi ngày. Cha bề trên dòng cũng để cho ngài được hoàn toàn tự do theo ý riêng và chọn ngày nhập dòng. Thụ phong linh mục rồi, ngày 4-10-1612, ngài tới làm lễ tại tu viện các cha dòng Phanxicô và được cha bề trên nhà tập đặt cho gọi tên là Fiđêlê. Trong những ngày đầu năm nhà tập, không gì có thể kìm hãm nổi lòng sốt sắng của ngài. Được hãm mình chay tịnh và ăn ở nhiệm nhặt, ngài lấy làm vui sướng nhất. Luật nhà có nặng nhọc và bó buộc đến đâu ngài cũng chỉ thấy khoan khoái dễ chịu. Nhưng rồi ngài cũng phải qua những cám dỗ gay go làm cho ngài nghi ngờ rằng mình sống làm linh mục giáo phận có lẽ sẽ giúp ích cho đời nhiều hơn. Có những lúc tâm thần ngài hầu như bị lung lạc muốn ngả theo. Ngài sốt sắng cầu nguyện nhiều hơn rồi đi gặp cha bề trên nhà tập để giãi bày tâm sự; tức thì ngài lại được bình an và đủ nghị lực chống trả chước cám dỗ. Để cắt đứt hoàn toàn mối tơ duyên với trần tục, ngài xin phép cha bề trên cho gọi một người chưởng khế đến làm giấy cúng tất cả gia tài của mình vào quỹ trợ cấp các giáo sĩ. Từ đó không còn vương vấn với tiền tài nữa, ngài sẵn sàng sống kiếp nghèo hạnh phúc theo gương các con cái của thánh Phanxicô.
Đồng thời với nếp sống nghèo, ngài còn hãm mình ép xác mãnh liệt vì cho rằng đó là phương thế cần thiết để bảo toàn đức thanh bần. Vì lòng khiêm tốn sâu xa, ngài thường kể mình như người rốt bét nhất trong anh em; ngài coi những công việc hèn hạ nhất làm điều vinh dự. Lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria đối với ngài là phương thế đặc biệt để tiến tới trên đường nhân đức và là bài thuốc thần hiệu để chữa tính ươn hèn và nguội lạnh. Nhưng Chúa quan phòng còn muốn giao phó cho ngài những công việc lớn lao khác. Khi đã theo xong ban thần học, ngài được bổ nhiệm trông coi tu viện Weltkirchen. Được giảng dạy cho công chúng, dù có phải mệt nhọc đến đâu ngài cũng không hề quản ngại. Được chết vì bác ái mưu phần rỗi cho anh em, ngài cảm thấy rằng đó là vinh quang tuyệt diệu. Vì thế người ta thường thấy ngài chạy rảo khắp các châu thành và làng mạc để rao giảng sự ăn năn đền tội. Ngài chỉ lên toà giảng sau khi đã nguyện ngắm một nửa giờ trước Mình Thánh Chúa. Ngài thẳng thắn nguyền rủa những thói xấu của mọi người, không phân giai cấp, những kiểu cách lãng mạn của các bà các cô… Chẳng bao lâu thành phố Weltkirchen đã cải thiện, và thay hẳn cục diện làm cho người ta có cảm tưởng rằng đó là thời đại của các tông đồ. Để phòng ngừa dân chúng có thể quay trở lại làm điều bất lương, ngài xin nghị viện cho công bố những điều luật mà chính ngài đã soạn thảo.
Các sách báo rối đạo và có hại cho thuần phong mỹ tục cũng được ngài đề nghị cấm xuất bản và lưu hành. Chính ngài còn thân đến các thư viện, và hễ thấy ở đâu có những sách lố lăng ngài liền quăng ngay vào lửa. Trước sự phản đối và ngoan cố của nhiều người, ngài luôn giữ được sự bình tĩnh để hành động sáng suốt. Một ngày kia, khi ngài đang giảng, có một phụ nữ theo bè rối dám ngắt lời và công khai diễu cợt bài giảng của ngài. Giảng xong nhà truyền giáo tìm đến tận nhà bà ở, cố gắng lấy lời nói hiền từ và lẽ phải để chinh phục bà; nhưng bà một mực cố chấp trong điều lầm lạc của mình, cha buộc lòng phải đề nghị trục xuất bà ra khỏi thành. Thực ra ngài hành động như vậy không phải vì nóng giận hay vì ác cảm, vì trong khi sửa phạt cha vẫn nhỏ lệ, đêm ngày cầu xin Chúa soi trí mở lòng bà. Cuối cùng cha đã được may mắn nghe tin bà trở lại.
Càng săn sóc linh hồn kẻ khác, ngài càng lo lắng hơn cho phần riêng của mình. Vì thế cha đã muốn trở về tĩnh tâm ở trong dòng, để làm được nhiều việc đạo đức. Ngài đến ở giữa các tu sĩ, lấy đức khiêm nhường, lòng nhân hậu, tính thích trầm lặng và đời sống nhiệm nhặt để thúc giục mọi người nên thánh.
Bấy giờ quân đội hoàng gia Áo đóng tại Weltkirchen bị tiêu hao rất nhiều vì một bệnh truyền nhiễm. Bệnh dịch đó còn lan tới cả các gia đình ở thành phố giết hại nhiều người. Cha Fiđêlê lại phải bỏ đời tĩnh tâm để tới nơi có các người đau yếu, các bệnh viện, và đến cả các nhà đề lao, để yên ủi săn sóc và chạy chữa cho các bệnh nhân cả phần xác và phần hồn. Trong dịp này Chúa đã cho cha làm nhiều phép lạ. Một ngày kia, cha an ủi một bà lão mà bệnh tình của bà có lẽ cầm chắc cái chết. Cha nói: "Bà sẽ khỏi lại". Sau đó ngài bắt đầu cầu nguyện xin cho bà khỏi bêïnh, tức thì lời tiên báo của cha ứng nghiệm: bà khỏi bệnh trước sự ngạc nhiên của các y sĩ.
Trong khi đó bè rối vẫn tiếp tục hoành hành, gieo rắc nhiều điều lầm lạc tại nhiều nơi trong nước Thụy Sĩ, nhất là tại miền Grisons (Grisons). Để chặn đứng đà tiến của họ, Bộ truyền giáo đã xin các cha dòng Phanxicô cử những nhà truyền giáo nhiệt thành tới hoạt động tại các miền đó. Cha Fiđêlê được chọn để đứng đầu phái đoàn. Ngài sung sướng lãnh nhận chức vị đó với một niềm hân hoan và khao khát được triều thiên tử đạo. Có lẽ Thiên Chúa cũng đã tỏ cho ngài biết số phận vinh quang đang chờ đón ngài, vì người ta thấy rằng trong khi từ giã dân chúng miền Weltkirchen, nhà truyền giáo như cảm thấy đó là giờ phút vĩnh biệt mọi người.
Kết quả đầu tiên trong công cuộc truyền giáo của cha là một nhân viên quan trọng của thệ phản trở lại. Ông tên là Adolphe de Salès. Sau khi nghe cha Fiđêlê giảng xong, ông đến tìm cha và chất vấn cha cách cặn kẽ. Cuối cùng ông phục lẽ cha và xin theo đạo. Nhiều người khác cũng theo gương ông. Đầu năm 1622, khi thoạt bước chân vào lãnh thổ của những người Grisons, cha Fiđêlê lên toà giảng nhằm ngày lễ Hiển Linh. Lần đó cha đã làm cho cử tọa say mê vì giọng nói khoan thai, đanh thép và trang trọng của cha khi giảng; hơn nữa người ta còn nhận thấy vẻ thánh thiện chiếu giãi sáng ngời trên mặt cha. Những người thệ phản báo động cho nhau và quyết tâm làm hại ngài. Họ đồng mưu gây cuộc nổi loạn để rũ ách thống trị của người Áo, và nhân cơ hội đó, sẽ ám sát cha. Vị thừa sai được Chúa soi sáng cho biết kế hoạch của họ. Ngài chỉ cầu nguyện xin Chúa thương đến số phận đám dân lành. Những người Grisons nổi loạn thực. Họ đánh tỉa các đội quân của hoàng gia Áo, tấn công các đồn phòng thủ, xâm chiếm và làm uế tạp các giáo đường; sự kiện này gây nhiều hoang mang lo lắng cho người công giáo. Cha Fiđêlê chỉ còn lo lắng một điều là sẵn sàng dọn mình chết. Trong mấy ngày liền cha thức thâu đêm quỳ trước Thánh Thể hoặc trước ảnh Chuộc Tội để cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ che chở.
Ngày 24-4-1622 ngài tới Grisch, một ấp lớn của những người Grisons. Nơi đây họ đã đào hào đắp luỹ và võ trang cẩn thận để chiến đấu với quân lực của đế quốc Áo. Sau khi xưng tội và hành lễ rồi, cha lại lên toà, giảng một bài rất hùng hồn. Các giáo hữu phải thú nhận chưa bao giờ được nghe cha giảng sốt sắng và hoạt bát như vậy. Giảng xong, cha được ơn xuất thần và Thiên Chúa đã tỏ cho cha biết đời ngài sẽ kết liễu ngày hôm đó. Ơn Chúa soi sáng càng làm cho cha thêm nhiệt tâm hăng hái hơn. Vừa từ toà giảng xuống, cha nói với người bạn đồng hành rằng: "Cha ở lại đây để giải tội cho người ta, còn tôi sẽ đi Sêvi, vì nơi đó, như cha đã biết, các giáo hữu đang đợi tôi; tôi không biết sẽ ra sao, nhưng xin vĩnh biệt cha trước và xin cha cầu cho tôi". Nói đoạn ngài lên đường.
Tới Sêvi, cha kéo chuông tập họp mọi người đến nhà thờ, rồi lên toà giảng khuyến khích mọi người hãy trung thành với lời đã hứa và nhớ cầu nguyện cho ngài. Cha vừa giảng xong, người ta nghe thấy có tiếng hô lớn: "Chuẩn bị gươm súng!" Quân đội Áo đang công hãm những người Grisons trong đồn của họ. Người Grisons tin chắc rằng cha Fiđêlê đã gọi những toán quân Áo kia đến, nên họ nắm lấy dịp đó để hại ngài. Một người trong bọn họ nhằm bắn cha trong khi ngài còn đang ở trong nhà thờ, nhưng may viên đạn đó lại không trúng đích. Riêng phần cha Fiđêlê, ngài hiểu rằng giờ chết của mình đã đến. Ngài muốn đi ra khỏi đó ngay, nhưng một giáo hữu giữ cha lại và nói: "Xin cha hãy khoan, đợi cho cơn giận của họ nguôi đi đã". Cha chỉ mỉm cười đáp lại: "Cám ơn ông có lòng tốt, nhưng thôi, ông đừng quá bận tâm đến số phận của tôi, tôi không sợ chết, vì từ lâu tôi hằng khao khát được dâng lễ hy sinh là mạng sống của tôi cho Thiên Chúa. Thôi, ta cứ đi, đã có Chúa và Đức Mẹ che chở, gìn giữ".
Ngài đi ra trước những cặp mắt căm hờn của bọn lính, nhưng không một ai dám nguyền rủa hoặc phỉ báng cha. Hình như Chúa cũng mở lòng cho họ biết kính sợ cha trong lúc này. Tới khi cha vừa rẽ sang đường đi Grisons, 20 tên lính theo phe rối, dưới quyền chỉ huy của một mục sư ồ ạt xông đến. Một tên kêu lên: "Đồ khốn kiếp, chính mi là hạng cuồng tín mà lại muốn làm nhà tiên tri. Mi phải tuyên bố rằng mi đã nói dối, lừa đảo người ta, hoặc mi sẽ chết vì tay ta thì nói". Cha đáp lại một cách từ tốn nhưng không kém phần rắn rỏi: "Ta chỉ dạy cho các anh chân lý đời đời, đó chính là đức tin của cha ông các anh; ta sẵn sàng hiến mạng sống ta, để các anh được nhận biết đức tin". - Một người lính khác cướp lời: "Chúng ta không cần nghe lý luận nhiều, ngươi có muốn theo đạo chúng ta hay không thì nóỉ" - "Ta được sai đến để soi sáng cho các anh, chứ không phải để thông phần sự lầm lạc của các anh" - Người lính thứ ba nói thêm: "Ngươi phải đầu hàng làm tù binh chúng ta, bằng không sẽ phải chết". - "Ta không sợ chết, ta sẽ bênh vực chân lý mà các vị tử đạo xưa đã bênh vực; ta quyết chết vì chính nghĩa như các ngài, để đáng chung số phận vinh quang như các ngài".
Một tên lính quá hăng tiết đã lấy thanh kiếm giáng trên đầu ngài. Cha bị choáng váng ngã lăn trên đất; nhưng với một cử điệu anh hùng quả cảm, cha gắng chỗi dậy, giang tay quỳ gối cầu nguyện: "Lạy Chúa nhân lành, xin tha thứ cho thù địch con đã mù quáng vì dục vọng, họ không biết việc họ làm. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con; lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa, xin hộ vực con".
Đó là những lời cuối cùng của nhà truyền giáo. Một đòn kiếm khác lại giáng vào đầu ngài, đồng thời một cây chùy nặng đánh bể đầu nhà truyền giáo. Ngài nằm lăn trên đất, quằn quại trong vũng máu. Vì sợ ngài chưa chết hẳn, những tên sát nhân còn đâm thêm nhiều nhát khác và cắt đứt cẳng chân trái của cha. Cha tắt thở. Hôm đó là ngày 24-4-1622. Suốt ngày hôm đó, thi hài nhà truyền giáo tử đạo còn được phơi sương giãi nắng để thoả căm hờn của những tên sát nhân.
Nhưng đã đến lúc Thiên Chúa làm hiển danh tôi tớ Người bằng các phép lạ. Cách đó không lâu, võ quan chỉ huy trưởng quân đội Áo cầu khẩn vị thánh Tử đạo và được toàn thắng vẻ vang. Mục sư thệ phản đã chủ tọa cuộc hành hình vị thánh tử được ơn trở lại.
Khi hòa bình trở lại, các tu sĩ dòng Phanxicô ở Weltkirchen đến Sêvi đòi lại xác vị tử đạo và mai táng trong nhà thờ làng. Ngày song thập người ta mở huyệt ra. Lạ thay: xác ngài vẫn không bị hư nát, đầu và chân liền lại y nguyên không mang một dấu vết nào. Người ta liệm xác thánh nhân vào hòm quý giá. Dân chúng Weltkirchen vui mừng đón nhận xác thánh như một báu vật. Ít lâu sau người ta lại di chuyển thi hài vị thánh từ Sêvi về nhà thờ chính toà thành Coire. Dọc đường khi rước hài cốt thánh, thành Mayenfeld bị phát hỏa; người ta kêu cầu thánh nhân và tức thì ngọn lửa lụi dần.
Nhiều phép lạ khác còn được xẩy ra khiến Đức Giáo Hoàng Biển đức XIII có đủ bằng chứng để phong á thánh cho ngài năm 1729. Qua 14 năm Đức Giáo Hoàng Biển đức XIV lại phong cha Fiđêlê lên bậc hiển thánh để làm tấm gương rạng ngời cho toàn thế giới công giáo soi chung.