Tông Huấn Amoris Laetitia, Niềm Vui Yêu Thương
của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Tình Yêu Thương trong Gia Đình
của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Tình Yêu Thương trong Gia Đình
Hôm Thứ Sáu 8/4/2016 Tòa Thánh Vatican đã phổ biến Tông Huấn được nao nức trông chờ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về gia đình, một văn kiện được góp phần tham vấn gần 3 năm trời từ tín hữu Công giáo ở các xứ sở trên khắp thế giới.
Văn kiện dài này, mang tựa đề 'Amoris Leatitia', hay Niềm Vui Yêu Thương, khẳng định giáo huấn của Giáo Hội rằng các gia đình vững chắc là những khuôn đá xây dựng một xã hội lành mạnh và là một nơi để con cái học biết yêu thương, tôn trọng và giáo tiếp với người khác.
Văn kiện này đồng thời cũng cảnh giác việc lý tưởng hóa nhiều thách đố mà đời sống gia đình đang phải đối đầu, thôi thúc các tín hữu Công giáo hãy chăm sóc hơn là lên án tất cả những ai đang sống một cuộc đời không phản ảnh giáo huấn của Giáo Hội.
Văn kiện đây đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải làm sao "nhận thức cá biệt và mục vụ" đối với những cá nhân, nhìn nhận rằng "cả Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới lẫn Tông Huấn này cũng không thể nào có thể cung cấp được một bộ qui tắc chung chung mới mẻ, tự nó có tính cách ràng buộc theo giáo luật và có thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp".
Tất cả trọn vẹn bản văn kiện Tông Huấn 'Amoris Laetitia' hay Niềm Vui Yêu Thương ở cái link của Tòa Thánh như sau:http://w2.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20160319_amoris-laetitia.html
Sau đây là bản tổng tóm chính thức về văn kiện của Tông Huấn 'Amoris Laetitia' hay Niềm Vui Yêu Thương: Về Tình Yêu Thương trong Gia Đình.
Không phải là tình cờ mà Tông Huấn Amoris Laetitia (AL), "Niềm Vui Yêu Thương", Tông Huấn hậu thượng nghị giám mục thế giới "về Tình Yêu Thương trong Gia Đình", được ký vào ngày 19/3, Lễ Trọng kính Thánh Giuse. Văn kiện này tổng hợp thành quả hai Thượng Nghị về gia đình được Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập vào năm 2014 và 2015. Bản văn thường trích lại Những Tường Trình Tổng Kết; các văn kiện và giáo huấn từ những vị tiền nhiệm của ngài; và nhiều bài giáo lý của ngài về gia đình. Chưa hết, như trong các văn kiện huấn quyền trước, vị Giáo Hoàng này cũng sử dụng các đóng góp của những Hội Đồng Giám Mục khác nhau trên khắp thế giới (Kenya, Australia, Argentina ...), và trích dẫn những nhân vật quan trọng như Martin Luther King và Erich Fromm. Vị Giáo Hoàng này thậm chí còn trích dẫn cả phim Babette's Feast để diễn giải quan niệm về công thưởng.
Dẫn nhập (1-7)
Dẫn nhập (1-7)
Tông Huấn này đặc biệt là vừa dài vừa chi tiết. Bản văn có 325 đoạn được phân chia thành 9 chương. Bảy đoạn dẫn nhập đã mở màn về tính chất phức tạp của một đề tài rất cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo. Những đóng góp của các Nghị Phụ Thượng Nghị làm nên "một viên ngọc muôn mặt" (AL 4), một khối đa diện quí báu, có một giá trị cần phải bảo trì. Thế nhưng, vị Giáo Hoàng này cảnh báo rằng: "không phải tất cả mọi thứ bàn luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ cần phải được giải quyết ổn thỏa bằng những can thiệp của huấn quyền". Thật vậy, đối với một số vấn đề, "mỗi xứ sở hay mỗi miền ... có thể tìm kiếm những giải quyết tốt đẹp hơn thích hợp với nền văn hóa và cảm quan của mình đối với các truyền thống và những nhu cầu địa phương của mình. Vì 'các nền văn hóa thực sự là rất khác nhau mà hết mọi nguyên tắc chung ... cần phải được hội nhập văn hóa nếu nó muốn được tôn trọng và áp dụng'" (AL 3). Nguyên tắc hội nhập văn hóa này áp dụng vào việc hình thành và giải quyết các vấn đề trục trặc, và trừ các vấn đề về tín lý đã được huấn quyền của Giáo Hội xác định rõ ràng, thì không có một phương sách nào có thể được "toàn cầu hóa". Trong bài nói của mình để kết thúc Thượng Nghị 2015, vị Giáo Hoàng này đã nói rất rõ rằng rằng: "Những gì có vẻ là bình thường đối với một vị giám mục ở châu lục này (chẳng hạn, theo người dịch ở đây, vấn đề hôn nhân đồng tính) thì lại bị coi là lạ lùng và hầu như tệ hại - hầu như! - đối với một vị giám mục ở châu lục khác; những gì được coi là vi phạm đến quyền lợi ở xã hội này (chẳng hạn, theo người dịch ở đây, quyền ly dị phá thai) thì lại là một qui tắc hiển nhiên bất khả vi phạm nơi một xã hội khác; những gì là tự do theo lương tâm đối với một số người thì chỉ là tình trạng lầm lẫn đối với những người khác".
Vị Giáo Hoàng này đã minh nhiên nói rằng chúng ta trước hết cần phải tránh một thứ sát cận có vẻ khô cằn giữa những đòi hỏi cần phải đổi thay với việc áp dụng tổng quát những tiêu chuẩn trừu tượng. Ngài viết: "Những cuộc tranh cãi diễn ra nơi giới truyền thông, nơi một số những ấn bản, và thậm chí giữa các thừa tác viên của Giáo Hội, cho thấy tầm mức cách biệt từ một ước vọng vô độ muốn hoàn toàn thay đổi mà không suy nghĩ đầy đủ hay thiếu nền tảng, đến một thái độ muốn giải quyết hết mọi sự bằng cách áp dụng các qui tắc chung hay bằng việc rút ra những kết luận bất tương xứng từ những nhận định thần học đặc biệt" (AL 2).
Chương Một: "Theo ánh sáng của Lời Chúa" (8-30)
Tiếp phần dẫn nhập này, Đức Giáo Hoàng bắt đầu những chia sẻ của ngài theo Thánh Kinh ở chương thứ nhất, một chương mở ra như là một bài suy niệm về Thánh Vịnh 128 (được phụng vụ hôn nhân của người Do Thái cũng như của các cuộc thành hôn Kitô giáo sử dụng). Thánh Kinh "đầy những gia đình, những cuộc sinh nở, những câu truyện tình và các cuộc khủng hoảng gia đình" (AL 8). Điều ấy thúc đẩy chúng ta suy niệm về chuyện làm thế nào gia đình không phải là một thứ lý tưởng trừu tượng mà như là một thứ "giao dịch" cụ thể (AL 16), một giao dịch được thực hiện một cách dịu dàng (AL 28), nhưng là một giao dịch cũng đã bị đụng độ với tội lỗi ngay từ ban đầu, khi mối liên hệ yêu thương bị biến thành sự thống trị (xem AL 19). Bởi thế mà Lời Chúa "không phải là một chuỗi những tư tưởng trừu tượng hơn là một nguồn mạch an ủi và hỗ trợ cho hết mọi gia đình đang trải qua những khó khăn hay đau khổ. Vì Lời Chúa tỏ cho họ thấy đích điểm hành trình của họ.. ." (AL 22).
Chương Hai: "Những trải nghiệm và thách đố của các gia đình" (31-57) Xây dựng trên căn bản Thánh Kinh như thế, ở chương hai, Đức Giáo Hoàng cứu xét đến tình hình hiện tại của các gia đình. Trong khi vẫn giữ "chặt lấy cái thực tại" trong các trải nghiệm về gia đình (AL 6), ngài đồng thời cũng trích dẫn thật nhiều từ các Bản Tổng Kết của hai Thượng Nghị. Các gia đình đang phải đối đầu với nhiều thách đố, từ việc di dân đến việc chối bỏ theo ý hệ về các khác biệt giữa phái tính ("ý hệ về giống đực giống cái" AL 56); từ thứ văn hóa nhất thời đến tâm thức phản sinh sản và tầm ảnh hưởng của kỹ thuật sinh học nơi ngành sản sinh; từ tình trạng thiếu nhà ở và việc làm đến các thứ hình ảnh khiêu dâm và lạm dụng vị thành niên; từ thái độ chẳng hề chú trọng đến những con người tật nguyền đến chỗ thiếu tôn trọng những vị lão thành; từ việc triệt phá gia đình bằng luật pháp đến việc bạo hành nữ giới. Vị Giáo Hoàng này nhấn mạnh đến tính cách thực tế cụ thể, một yếu tố chính trong Tông Huấn này. Và chính cái cụ thể, cái thực tiễn và cuộc sống hằng ngày là những gì tạo nên cái khác biệt chính yếu giữa "các thứ lý thuyết" đáng chấp nhận cho việc dẫn giải thực tại và những "thứ ý hệ" độc đoán. Trích Tông Huấn Familiaris Consortio, Đức Phanxicô nói rằng "chúng ta cần tập trung vào các thực tại cụ thể, vì 'tiếng gọi và các đời hỏi của Thần Linh là những gì vang vọng nơi các biến cố lịch sử', và nhờ những biến cố đó 'Giáo Hội cũng có thể được dẫn đến chỗ hiểu biết sâu xa hơn mầu nhiệm khôn lường của hôn nhân và gia đình'" (AL 31). Ngược lại, nếu chúng ta không chú ý tới thực tại, chúng ta không thể nào hiểu được các nhu cầu của hiện tại hay các tác động của Thần Linh. Vị Giáo Hoàng ghi nhận rằng cá nhân chủ nghĩa quá trớn làm cho con người ta ngày nay khó lòng mà quảng đại hiến mình cho nhau (xem AL 33). Bức tranh hay hay về tình trạng này đó là: "Nỗi lo sợ bị lẻ loi cô độc và ước muốn sống ổn định cùng với lòng trung thành là những gì sánh vai đồng hành với nỗi lo sợ gia tăng bị vướng vào một mối liên hệ có thể ngăn trở việc chiếm đạt những mục đích riêng tư của con người ta" (AL 34). Cái khiêm tốn của chủ nghĩa hiện thực giúp chúng ta tránh được việc trình bày "quá ư là trừu tượng và hầu như lý tưởng có tính cách nhân tạo về thần học hôn nhân, tách rời khỏi những trường hợp cụ thể cùng những khả năng thực hành của các gia đình thực sự" (AL 36). Chủ nghĩa hiện thực không để cho hôn nhân được hiểu về những gì nó là, tức là, về "một đường lối năng động cho việc phát triển và viên trọn cá thể". Thật là không thực tế khi nghĩ rằng các gia đình có thể tự mình tồn tại "chỉ bằng việc nhấn mạnh đến các vấn đề về tín lý, về đạo đức sinh học và về luân lý, mà không phấn khích việc mở lòng ra cho ân sủng" (AL 37). Khi yêu cầu thực hiện "một cuộc tự kiểm" nào đó về những phương sách không thích hợp với cảm nghiệm về hôn nhân và gia đình, vị Giáo Hoàng này nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải giành chỗ cho việc đào luyện lương tâm của tín hữu: "Chúng ta được kêu gọi hình thành lương tâm chứ không phải thay thế lương tâm" (AL 37). Chúa Giêsu là Đấng đã đề ra một lý tưởng gắt gao nhưng Người vẫn "không bao giờ thôi tỏ lòng cảm thương và gần gũi với tình trạng mỏng dòn của những cá nhân như người phụ nữ Samaritanô hay người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình" (AL 38). Chương Ba: "Ơn gọi của gia đình là nhìn vào Chúa Giêsu" (58-88) Chương thứ ba được giành để nói về một số những yếu tố thiết yếu nơi giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Chương này quan trọng vì 30 đoạn của nó diễn tả một cách chính xác ơn gọi của gia đình theo Phúc Âm và được Giáo Hội khẳng định qua giòng thời gian. Trước hết, chương này nhấn mạnh đến các đề tài về tính chất bất khả phân ly của hôn nhân, về bản chất bí tích của hôn nhân, về việc truyền sinh và việc giáo dục con cái. Chương này trích dẫn nhiều lần từ Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, từ Thông Điệp Sự Sống Con Người của đức Phaolô VI, và từ Tông Huấn Familiaris Consortio của Đức Gioan Phaolô II. Chương này cung cấp một nhãn quan bao rộng và chạm đến cả "những trường hợp bất toàn" nữa. Thật vậy, chúng ta có thể đọc thấy rằng; "'Việc nhận thức về sự hiện diện của 'hạt giống Lời Chúa' nơi các nền văn hóa khác (xem Sắc Lệnh Cho Muôn Dân - Ad Gentes, 11) cũng có thể áp dụng cho thực tại hôn nhân và gia đình. Cùng với việc hôn nhân tự nhiên thực sự, còn có các yếu tố tích cực hiện hữu nơi những hình thức hôn nhân ở các truyền thống tôn giáo khác', cho dù có những lúc có vẻ mù mịt" (AL 77). Việc chia sẻ ở đây cũng bao gồm cả "các gia đình bị thương tích" là thành phần được Đức Giáo Hoàng đây - trích dẫn nhiều lần từ Bản Tổng Kết Thượng Nghị 2015 - nói rằng "bao giờ cũng cần phải nhắc lại nguyên tắc chung này, đó là 'các vị Mục Tử cần phải biết rằng, vì chân lý, các vị buộc phải thi hành việc cẩn thận nhận thức về các trường hợp' (Familiaris Consortio, 84). Mức độ chịu trách nhiệm không tương đương nhau trong tất cả mọi trường hợp và các yếu tố có thể xẩy ra làm hạn hẹp khả năng thực hiện việc quyết định. Bởi thế, trong khi minh nhiên nói về giáo huấn của Giáo Hội, các vị mục tử tránh các phán quyết không lưu ý gì tới tính chất phức tạp của những trường hợp khác nhau, và các vị cần phải lưu ý một cách tất yếu đến việc làm thế nào dân chúng cảm nghiệm và chịu đựng tình trạng buồn nản gây ra bởi thân phận của họ" (AL 79). Chương Bốn: "Tình yêu trong hôn nhân" (89-164) Chương thứ tư bàn về tình yêu thương trong hôn nhân, một chương được chiếu soi bởi bản Thánh Ca của Thánh Phaolô về Tình Yêu trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo đoàn Corintô 13:4-7. Đoạn mở đầu thực sự là một dẫn giải cẩn thận, tập trung, khởi hứng và thi ca về bản văn này của Thánh Phaolô. Nó là một tổng hợp những đoạn ngắn diễn tả một cách kỹ lưỡng và êm dịu tình yêu của nhân loại bằng những từ ngữ hết sức cụ thể. Phẩm chất của cái nội quan về tâm lý này khiến cho việc dẫn giải ấy trở nên những gì gây tác động. Những minh thức về tâm lý tiến vào thế giới cảm xúc của các cặp vợ chồng - tích cực và tiêu cực - cũng như vào chiều kích yêu thương tình ái. Đó là một đóng góp hết sức phong phú và giá trị cho đời sống hôn nhân Kitô giáo, chưa hề có trong văn kiện của các vị giáo hoàng trước đây. Đoạn này hơi trệch ra ngoài một chút với việc bàn luận có tính cách nhận thức bao quát hơn nơi cảm nghiệm hằng ngày của tình yêu hôn nhân là những gì vị Giáo Hoàng này không đưa ra phán xét dựa vào các tiêu chuẩn lý tưởng: "Không cần phải đặt trên hai con người hữu hạn gánh nặng trầm kha trong việc cần phải tạo nên một cách toàn vẹn mối hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, vì hôn nhân như là một dấu hiệu bao gồm 'một tiến trình năng động ..., một tiến trình từ từ thăng tiến với việc hội nhập gia tăng của các ân sủng Chúa ban'" (AL 122). Trái lại, vị Giáo Hoàng này mạnh mẽ đề cao sự kiện tình yêu phối ngẫu, tự chính bản chất của nó, định tính những người bạn đời ở một cuộc hiệp nhất phong phú toàn diện và bền vững (AL 123), chính ở trong cái "hỗn hợp giữa sự hoan hưởng và các thứ chống chọi, giữa những căng thẳng và thảnh thơi, giữa đớn đau và xoa dịu, giữa những thỏa mãn và các niềm trông đợi, giữa những phiền muộn và mãn nguyện" (AL 126) là những gì thực sự làm nên hôn nhân. Chương này kết luận bằng một chia sẻ rất quan trọng về "việc biến đổi của tình yêu" vì "cuộc sống lâu dài hơn hiện nay có nghĩa là các mối liên hệ chặt chẽ và duy nhất cần phải kéo dài bốn, năm hay sáu thập niên; bởi vậy mà quyết định ban đầu cần phải thường xuyên lập lại" (AL 163). Khi hình dáng về thể lý thay đổi, thì tính chất thu hút yêu thương không giảm sút mà là thay đổi khi ước muốn về tình dục có thể được biến đổi theo thời gian thành ước muốn quấn quít nhau và hỗ tương: "không bảo đảm là chúng ta sẽ cảm thấy cùng một cách thức như nhau suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên, nếu một đôi phối ngẫu có thể thực hiện một quyết định sống chung bền vững, họ có thể yêu nhau và sống hiệp nhất nên một cho đến khi cái chết phân ly họ, hoan hưởng một tình thân mật phong phú" (AL 163). Xin xem bản dịch tất cả Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương ở cái link sau đây: Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Huấn Amoris Laetitia: Niềm Vui Yêu Thương về Tình Yêu Thương trong Gia Đình |