Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Đức Thánh Cha chủ sự canh thức kính Lòng Chúa Thương Xót

Filled under:



VATICAN. Lúc 6 giờ chiều 2-4-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân dịp áp lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa.

 
 Hôm 2-4 cũng là lễ giỗ lần thứ 11 Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 qua đời. Tham dự buổi canh thức có đông đảo tín hữu từ các nơi.
 Trước khi ĐTC tới Quảng trường, từ lúc 4 giờ rưỡi chiều, các tham dự viên đã sinh hoạt với các bài thánh ca, chứng từ, và hoạt cảnh, qua 3 hiệp xoay quanh chủ đề: Lòng Thương Xót, kho tàng của Giáo Hội, Lòng thương xót, nguồn mạch Hy Vọng, và sau cùng là các chứng nhân hy vọng.
 ĐTC tiến vào Quảng trường lúc 6 giờ và chính thức bắt đầu buổi canh thức qua 5 giai đoạn: mỗi giai đoạn gồm một bài đọc sách thánh, và một bài suy niệm rồi các ý chỉ cầu nguyện, sau đó là lời nguyện do ĐTC tuyên đọc. Giai đoạn thứ 5 gồm bài đọc từ cách ngôn sứ Isaia, một đoạn trong nhật ký của Thánh nữ Faustina Kowalska, sau cùng là bài Tin Mừng theo thánh Gioan (20,19-31) thuật lại sự tích Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ và bảo thánh Tomasô cứng lòng tin xỏ ngón tay vào cạnh sườn và các lỗ đinh của Ngài.
 Bài Huấn dụ của ĐTC
 Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa và tầm quan trọng của Lòng Thương Xót trong mạc khải của Thiên Chúa. Ngài nói: ”Lật qua các trang Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng lòng thương xót trước tiên là sự gần gũi của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Một sự gần gũi được biểu lộ chủ yếu qua sự giúp đỡ và bảo vệ. Đó là sự gần gũi của một người cha và một người mẹ được phản ánh như một hình ảnh đẹp được ngôn sứ Osea trình bày (11,4).
 ĐTC khẳng định rằng: ”Trong Chúa Giêsu, không những chúng ta đụng chạm cụ thể đến lòng thương xót của Chúa Cha, nhưng còn được thúc đẩy để chính chúng ta trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa. Nói về lòng thương xót, có thể là dễ, nhưng trở thành những chứng nhân về lòng thương xót, là điều đòi nhiều cố gắng hơn”.
 ĐTC cũng nhắc đến bao nhiêu khuôn mặt Lòng thương xót của Chúa! Lòng thương xót này được biểu lộ cho chúng ta như sự gần gũi và dịu dàng, nhưng cũng được biểu lộ qua sự cảm thương và chia sẻ, như an ủi và tha thứ. Ai nhận được nhiều, thì cũng được kêu gọi cống hiến và chia sẻ nhiều hơn; không thể giữ riêng cho mình mà thôi.
 Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, lòng thương xót không bao giờ có thể để cho chúng ta ở yên. Chính tình thương của Chúa Kitô làm cho chúng ta ”bất an”, bao lâu chúng ta chưa đạt tới mục đích; lòng thương xót thúc đẩy chúng ta ôm lấy và xiết quanh chúng ta, làm cho nhiều người đang cần lòng thương xót được can dự vào để mọi người được hòa giải với Chúa Cha (Xc 2 Cr 5,14-20). Chúng ta không được sợ hãi, chính tình thương đi tới chúng ta và thúc đẩy chúng ta can dự, để vượt qua chính mình, để chúng ta có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi những người anh chị em chúng ta' (SD 2-4-2016)
 G. Trần Đức Anh OP 

Quốc gia nào yêu mến Đức Thánh Cha nhất?



Bạn thử nghĩ xem, quốc gia nào yêu mến Đức Thánh Cha Phanxicô nhất? Quê hương Argentina của Ngài? Mexico hay Philippines?

 
Cuộc thăm dò ý kiến toàn cầu được tổ chức WIN / Gallup International thực hiện, cho thấy câu trả lời ngạc nhiên: Bồ Đào Nha là quốc gia yêu mến Đức Thánh Cha nhất với 94%, sau đó là Philippines với 93% và Argentina với 89%.

Báo cáo ghi nhận ý kiến của hơn 63.000 người ở 64 quốc gia khác nhau. Điều ấy cho thấy, Đức Thánh Cha Phanxicô được yêu mến bởi người dân trên toàn thế giới từ những niềm tin tôn giáo khác nhau.

Nghiên cứu này cho rằng, 54% dân số thế giới có cái nhìn thiện cảm về Đức Thánh Cha. Trong khi đó, có 12% ý kiến chưa tích cực và 34% chưa đưa ra ý kiến.

Cuộc khảo sát cũng nghi nhận: Đức Thánh Cha Phanxicô dẫn trước các nhà lãnh đạo thế giới khác như Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Anh Cameron, Tổng thống Pháp Hollande.

Algeria là quốc gia có những ý kiến chưa tích cực nhiều nhất về Đức Thánh Cha. Tiếp sau đó là Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ.