Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

HIỆP NHẤT BẢN THỂ

Filled under:

Hiệp nhất bản thể (Hypostatic Union) là sự kết hợp của nhân tính và thần tính trong Ngôi Lời – Thiên Chúa Ngôi Hai, Đức Giêsu Kitô.
Hypostasis là từ Hy Lạp, nghĩa đen là “nền tảng”. Các triết gia Hy Lạp dùng thuật ngữ này để diễn tả thực tế khi đối nghịch với bề ngoài. Hiệp nhất bản thể là thuật ngữ thần học định nghĩa mầu nhiệm Nhập Thể. Giáo hội xác định niềm tin vào sự Nhập Thể là nền tảng giáo lý Công giáo: Thần tính và nhân tính của Đức Kitô được kết hợp về bản thể, kết hợp với Con Người Thiên Chúa (Divine Person, De Fide).

Do đó, Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và Con Người thật. Khoảnh khắc này trong lịch sử của con người xảy ra trong khi Truyền Tin, Sứ thần Gabriel giới thiệu Kế Hoạch của Thiên Chúa cho Trinh Nữ Maria. Khi Đức Mẹ nói lời “xin vâng” (fiat) với những từ quyết định: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38), qua tác động siêu nhiên của Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa đã ngự vào cung lòng Trinh Nữ. Như vậy là hoàn tất lời tiên tri của Ngôn sứ Isaia về việc thụ thai mà vẫn đồng trinh và sinh con được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Khi Chúa Giêsu ngự vào cung lòng Trinh Nữ, có vài điều xảy ra ngay lập tức và cùng một lúc: Linh hồn con người của Đức Kitô được Chúa Cha tác thành; linh hồn con người đó được truyền vào và kết hợp với thân thể đã được chuẩn bị đặc biệt cho sự kết hiệp đó bằng tác động siêu nhiên của Chúa Thánh Thần; và nhân tính được nhận lấy nơi Ngôi Hai, Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Lưu ý động thái NGAY LẬP TỨCCÙNG MỘT LÚC. Mọi hành động xảy ra đồng thời, không hành động nào trước hoặc sau. Thánh Grêgôriô viết: “Nhân tính của Đức Kitô không có trước rồi sau đó Ngôi Lời mới nhận lấy, nhưng được tạo tác ngay khi được nhận lấy”.
Đức Giêsu Kitô là thiên chúa hoàn hảo và Con Người hoàn hảo. Vì Ngôi Lời là Thiên Chúa hoàn hảo, tiếp theo là nhân tính của chúa giêsu cũng hoàn hảo. Khi bùng nổ tranh luận trong Giáo hội thời sơ khai vì giáo huấn sai lệch của Nestorius (1), Công đồng Êphêsô (năm 431) tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria là Theotokos (Người mang Thiên Chúa), chứ không chỉ là Christokos (Người mang Đức Kitô). Tà thuyết này sai lầm vì khái niệm về sự hiệp nhất bản thể và giải thích rằng Đức Mẹ chỉ mang nhân tính của Ngôi Lời trong cung lòng chứ không mang toàn bộ Ngôi Lời có hai bản tính.
Về bản chất, tà thuyết Nestorius cho rằng có hai con người riêng biệt để diễn tả Ngôi Lời. Họ tin sai lầm rằng có một Thiên Chúa là Con Thiên Chúa và một con người khác là Con Người, con của Đức Maria. Với họ, hai con người này chỉ kết hợp về luân lý, và vai trò của Đấng Cứu Độ là phù hợp với Con Người của Đức Kitô!
Sau đó, một người tên là Eutyches lo sợ với niềm tin lệch lạc này của tà thuyết Nestorius và quy định cách hiểu riêng, cho rằng Ngôi Lời chỉ gồm một người nhưng cũng có một bản tính, một bản tính kết hợp cả yếu tố thần linh và phàm nhân. Đó là tà thuyết Monophysitism (2), do chữ monophysis, nghĩa là một người và một bản tính. Như vậy, Ngôi Lời không hoàn toàn là Thiên Chúa và không hoàn toàn Con người, mà là nửa này nửa kia.
Đối với họ, nhân tính của Đức Kitô được thần tính biến đổi hoặc thu hút. Có lầm lẫn? Một số người đi xa hơn và nói rằng sự kết hợp hai bản tính thành một sẽ tạo nên bản tính thứ ba! Các tà thuyết này hoàn toàn bị Giáo hội Công giáo bác bỏ tại Công đồng Chalcedon (năm 451) và dẫn đến việc hình thành Tín điều Chalcedon.
Các tà thuyết lớn này đặt vấn đề về sự kết hợp thần tính và nhân tính trong Ngôi Lời và có nhiều cách diễn tả khác nhau. Tà thuyết Kitô giáo này nổi tiếng trong là tà thuyết Arian (3). Constantine là một người theo tà thuyết Arian, như đa số quân đội La Mã – mặc dù ông ta vẫn ủng hộ Kitô giáo cùng với nỗ lực của người mẹ (Thánh Helena) thu gom và duy trì nhiều thánh tích, kể cả thánh tích Thánh Giá thật – và gia nhập Công giáo trước khi chết. Thánh Athanasiô đã dành nhiều thời gian giảng thuyết chống lại tà thuyết Arian, có lúc có thề hứa trung tín của hơn một nửa thế giới Kitô giáo.
Khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã chịu đựng những điều như nhân loại phải chịu. Ngài đã chịu sinh ra trong hoàn cảnh nghèo nàn, nhận sự bảo bọc của Thánh Gia. Ngài lao động, cầu nguyện, ăn uống, sinh hoạt bình thường như chúng ta… và cũng học hỏi Kinh Thánh. Ngài trở thành thợ mộc theo cách hướng dẫn và sự giám hộ của Dưỡng Phụ là Đức Thánh Giuse. Qua động thái bí nhiệm, thần tính của Ngài có thể “bị đè nén” đến nỗi Ngài chỉ biết Chúa Cha đã chọn cách mặc khải cho Ngài trong những hoàn cảnh riêng.
Chúa Giêsu cũng mỏi mệt (Ga 4:6), cũng bật khóc trước mộ Ladarô, rồi mới cho Ladarô sống lại, Ngài cũng nếm trải sự rùng mình vì bị Satan cám dỗ – trước khi Ngài rao giảng công khai – để cho chúng ta thấy cách chiến đấu trong những tình huống tương tự. Đặc biệt là Ngài đã chịu Cuộc Khổ Nạn và đau khổ dữ dội cho đến chết. Chỉ sau khi chịu khổ nạn và chết thì Ngài mới nhân được vinh quang.
Sự hiệp nhất bản thể sẽ kéo dài đời đời. Đó không là điều được “thiết kế” chỉ cho thời đại mà Đức Kitô còn trên thế gian để Ngài gánh tội của chúng ta và làm cho Mình, Máu, Linh hồn, và Thần tính nguôi ngoai nhu cầu về Công lý Thiên Chúa (Divine Justice). Như vậy, Thiên Chúa Giêsu có thể làm mọi thứ, Ngài cũng thể hiện về bản thể – Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính – trong mọi của lễ được thánh hóa và trong mọi Nhà Tạm trên khắp thế giới, nơi Ngài luôn chờ đợi chúng ta kết hiệp với Ngài.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ all-about-the-virgin-mary.com)
(1) Nestorius (Nestorian Church): một Giáo hội Kitô giáo xuất hiện sau khi Nestorius bị lên án tại Công đồng chung Êphêsô năm 431. Nhờ nỗ lực của Ibas, Giám mục thành Êphêsô từ năm 435, và Barsumas, Giám mục thành Nisibis từ năm 457, học thuyết Nestorius hay học thuyết cảnh giáo được phát triển thành một thần học đầy đủ và chuyển đến Persia và Tiểu Á, nơi một giáo phái nhỏ nhưng có ảnh hưởng được thành lập. Giáo hội Nestorius vẫn tồn tại ngày nay với tên gọi là Kitô hữu Assyria.
(2) Monophysitism: Nhất tính thuyết, Kitô nhất tính luận. Hệ thống (tư tưởng) có tính lịch sử nổi lên vào thế kỷ thứ năm, chủ trương rằng nơi Chúa Kitô chỉ có một bản tính. Đó là một cách phản ứng lại Cảnh Giáo (Giáo thuyết Nestorius), một chủ thuyết cho rằng Chúa Kitô có hai ngôi vị. Một trong những nhà Nhất Tính Thuyết sơ khởi là Eutyches (378-454), đan viện trưởng một đan viện gần Constantinople. Trong nỗ lực để bảo vệ duy nhất tính của Ngôi Lời Nhập Thể, ông đã chủ trương bác bỏ nhân tính của Chúa Kitô. Những nhà nhất tính thuyết khác đề cập đến một bản tính duy nhất kết hợp cả nhân tính và thần tính. Bị kết án bởi Công Đồng Chalcedon năm 451, nhất tính thuyết vẫn còn thịnh hành ở Đông phương, nhất là những người thuộc nghi lễ Copt và những người thuộc phái Jacobite ở Syria. Nguyên ngữ Hy Lạp, monos: đơn nhất, chỉ một + physis: bản tính.

(3) Arianism: Thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Công đồng Nicaea (AD 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công đồng Nicê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân chứng của Giavê (Jehovah's Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism), tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.